Soạn bài Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt trang 107 gồm có phần yêu cầu, phần đáp án chuẩn và phần giải thích, hướng dẫn chi tiết cho từng câu hỏi có trong cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 1 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Trước khi đọc

Câu 1 trang 107 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Em biết những bài hát hay bức tranh, bức ảnh nào về mùa xuân? Hãy chia sẻ cùng các bạn.

Hướng dẫn trả lời:

Gợi ý:

Giới thiệu 1: Bức tranh vẽ cảnh một phiên chợ Tết ở quê, với rất nhiều các loại hoa nở rộ, nổi bật nhất là hoa đào, hoa cúc vàng, cây quất và những lá cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh dòng người nô nức đi chợ xuân mua hoa tạo nên bầu không khí rạo rực.

Soạn bài Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt trang 107
Bức tranh trích từ Bộ tranh Tết quê nhà của họa sĩ Trần Nguyên

Giới thiệu 2: Bức tranh vẽ cảnh du xuân, ngắm cảnh vào ngày xuân của Nhật Bản. Khi hoa anh đào nở rộ vào ngày xuân, mọi người sẽ diện những bộ cánh tươi đẹp và rực rỡ nhất để đi du xuân.: 

Soạn bài Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt trang 107
Bức tranh Hanami của họa sĩ hoàng gia Yoshu Chikanobu

Câu 2 trang 107 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Em thích nhất điều gì ở mùa xuân?

Hướng dẫn trả lời:

Gợi ý:

– Em thích không khí se lạnh, trong lành, có ánh nắng ấm áp, dễ chịu

– Em thích khung cảnh thiên nhiên tươi tốt, muôn hoa đua nở, chim chóc ca hót líu lo rộn ràng

– Em thích không khí tấp nấp, sự đoàn tụ vui sướng của ngày Tết – ngày hội của mùa xuân và cũng là ngày lễ lớn nhất trong năm

>> Tham khảo thêm tại: Em thích nhất điều gì ở mùa xuân quê em?

Sau khi đọc

Câu 1 trang 110 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Mạch cảm xúc của tác giả được khơi dậy qua sự hồi tưởng về không gian. Tìm chi tiết miêu tả không gian đặc trưng của mùa xuân Hà Nội (vào đầu tháng Giêng và sau rằm tháng Giêng) và chi tiết miêu tả không gian gia đình.

Hướng dẫn trả lời:

– Chi tiết miêu tả không gian đặc trưng của mùa xuân Hà Nội (vào đầu tháng Giêng và sau rằm tháng Giêng) là:

“là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…”

“đường sá không còn lầy lội nữa mà là cái rét ngọt ngào, chớ không còn tê buốt căm căm nữa”

– Chi tiết miêu tả không gian gia đình là:

“nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên”

Câu 2 trang 110 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Trong cái rét ngọt đầu xuân, sức sống của thiên nhiên và con người được khơi dậy như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

“đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động”

Mùa xuân tươi mới, rực rỡ sắc màu, sôi động với nguồn sống căng trào

– Con người:

“ai cũng chuộng mùa xuân”

“ai cũng càng trìu mến”

“khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống”

“người ta muốn phát điên lên”

“Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.”

“tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá”

“anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa”

Con người cũng trở nên tươi mới và tràn ngập sức sống, trở nên tràn ngập năng lượng hơn, muốn được yêu thương, được tận hưởng cuộc sống, muốn được hành động, được giãi bày

Câu 3 trang 110 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Nêu nhận xét của em về cách tác giả diễn tả cảm giác của lòng mình khi mùa xuân đến.

Hướng dẫn trả lời:

Tác giả đã diễn tả cảm giác của lòng mình khi mùa xuân đến một cách trực tiếp và bộc trực, không chút nào vòng vo hay lảng tránh. Để cụ thể hóa những cảm giác ấy, tác giả sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh ấn tượng, các liên tưởng thú vị và hàng loạt các động từ mạnh, với cường độ cao:

– Các hình ảnh so sánh ấn tượng:

“một cái thú giang hồ êm ái như nhung”

“nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối”

– Các liên tưởng thú vị:

“không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó”

“nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh”

“Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự”

– Các động từ mạnh, với cường độ cao: “phát điên lên”, “không chịu được”

Câu 4 trang 110 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Tác giả đã triển khai bài tùy bút theo mạch chủ đề về mùa xuân bắt đầu từ “ai cũng chuộng mùa xuân” như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Tác giả đã triển khai bài tùy bút theo mạch chủ đề về mùa xuân bắt đầu từ “ai cũng chuộng mùa xuân” như sau:

– Đưa ra và khẳng định vấn đề: Ai cũng chuộng mùa xuân

– Giải thích lý do ai cũng chuộng mùa xuân (bằng cách miêu tả, khắc họa những nét đẹp tươi mới, tràn ngập sức sống mới mẻ của mùa xuân)

– Thể hiện tình yêu mùa xuân nồng cháy của bản thân tác giả

Câu 5 trang 110 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Trong đoạn trích, khi nói về mùa xuân, tác giả dùng các cụm từ như mùa xuân của tôi, mùa xuân thần thánh của tôi, mùa xuân của Hà Nội thân yêu. Cách viết này cho em hiểu điều gì về cuộc sống và tình cảm riêng của người viết?

Hướng dẫn trả lời:

Cách viết của tác giả, cho thấy:

– Cuộc sống người viết: là một cuộc sống tươi đẹp, luôn biết tận hưởng những khoảnh khắc, những vẻ đẹp của thiên nhiên, không để phí hoài bất kì điều gì của cuộc sống

– Tình cảm riêng của người viết: là một người yêu quê hương đất nước, yêu mùa xuân, dâng hiến tâm hồn mình cho cái đẹp, tận hưởng vẻ đẹp mùa xuân bằng cả trái tim của mình

Câu 6 trang 110 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết nối tri thức

Chọn một câu văn cho thấy lời văn của bài tùy bút như lời trò chuyện tâm tình. Theo em, đặc điểm đó của lời văn có tác động như thế nào đến cảm nhận của người đọc?

Hướng dẫn trả lời:

– Gợi ý các lời văn cho thấy bài tùy bút như lời trò chuyện tâm tình:

“Ơi người em gái xõa tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn?”

“Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi làm cho người ta muốn phát điên lên như thế ấy.”

“Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến.”

“Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ra ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa.”

– Đặc điểm của lời văn ấy giúp người đọc cảm nhận được một cách trực tiếp những rung động, tình cảm của tác giả. Đồng thời giúp tác phẩm trở nên gần gũi, giàu cảm xúc và chân thực hơn.

Viết kết nối với đọc

Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nhận về cảnh sắc và không khí mùa xuân.

Hướng dẫn trả lời:

>> Học sinh tham khảo các đoạn văn mẫu hay nhất tại đây Cảm nhận về cảnh sắc và không khí mùa xuân ở quê hương em

————————————————-

>> Tiếp theo:

Trên đây là tài liệu Soạn bài Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt. Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm đề thi giữa kì 1 lớp 7, đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi giữa kì 2 lớp 7 và đề thi cuối kì 2 lớp 7 tất cả các môn. Chúc các bạn học tập tốt và đạt kết quả cao trong năm học này.