Viết đoạn văn về tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo được TaiLieuViet.vn sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.

Dàn ý đoạn văn về tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo

1. Mở đoạn: giới thiệu tác giả, tác phẩm và nội dung cần phân tích.

2. Thân đoạn:

* Ý thức về chủ quyền:

– Khẳng định về chủ quyền, bờ cõi, nền văn hóa lâu đời của Đại Việt.

– Nghĩa quân Lam Sơn đoàn kết và chiến đấu anh dũng.

* Tinh thần độc lập:

– Chiến thắng vang dội trước quân Minh chính là minh chứng cho tinh thần ấy.

3. Kết đoạn: khẳng định lại vấn đề cần phân tích.

Đoạn văn về tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mẫu 1

Ý thức về độc lập, chủ quyền dân tộc được Nguyễn Trãi thể hiện rất rõ trong văn bản “Bình Ngô đại cáo”. Trước hết, Nguyễn Trãi xác định tư cách độc lập của dân tộc bằng một loạt những dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục: nước ta có nền văn hiến lâu đời, có cương vực lãnh thổ riêng, có phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc, có chiều dài lịch sử với các triều đại sánh ngang với các triều đại của phương Bắc, có anh hùng hào kiệt ở khắp nơi trên đất nước. Đồng thời, Nguyễn Trãi còn phân định rất rõ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc khởi nghĩa chính nghĩa, tất sẽ thắng lợi, vì đã đứng lên để giành lại chủ quyền của dân tộc, còn kẻ thù chắc chắn sẽ thất bại vì đã xâm phạm đến chủ quyền của đất nước khác.

Đoạn văn về tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mẫu 2

Những khẳng định về tinh thần độc lập cùng chủ quyền dân tộc được thể hiện rõ nét trong tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Trãi – “Bình Ngô đại cáo”. Sau khi nêu lên tư tưởng nhân nghĩa và luận đề chính nghĩa, ông đã nhấn mạnh “Như nước Đại Việt ta từ trước,/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.”. Những phương diện như: văn hiến, lãnh thổ, triều đại lịch sử, phong tục tập quán, nhân tài lần lượt được nhắc đến, nhằm góp phần tô đậm chân lí độc lập, sức mạnh chính nghĩa của quân dân Đại Việt. Với việc sử dụng ngôn ngữ đậm chất hùng tráng, lí lẽ rõ ràng, cách lập luận chặt chẽ, Nguyễn Trãi đã bày tỏ lòng tự tôn, kiêu hãnh dân tộc. Đồng thời, khẳng định chắc nịch về độc lập dân tộc, sự toàn vẹn bờ cõi lãnh thổ, một phần không thể thiếu. Qua đây, em càng thêm ngưỡng mộ tài năng nghệ thuật của ông trong viết văn chính luận.

Đoạn văn về tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mẫu 3

Viết về tinh thần độc lập, chủ quyền dân tộc, Nguyễn Trãi đã có những khẳng định vô cùng chắc nịch, hùng hồn trong “Bình Ngô đại cáo”. Ở đoạn một, ngoài việc nêu lên tư tưởng nhân nghĩa, ông còn đề cập đến nền độc lập quốc gia. Trước hết, nước Việt có nền văn hiến, truyền thống lâu đời; có bờ cõi, lãnh thổ trọn vẹn. Các triều đại của ta cũng ngang hàng, xưng đế như Hán, Đường, Tống, Nguyên ở phương Bắc. Tiếp đến, ý thức về chủ quyền dân tộc còn được thể hiện rõ nét qua cuộc chiến đấu anh dũng của nghĩa quân Lam Sơn. Dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng quân dân vẫn đoàn kết vượt qua “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”. Có thể thấy, họ nguyện dùng chính sinh mạng của mình để bảo vệ nước nhà. Sau tất cả, bằng tấm lòng quả cảm, tinh thần dũng cảm, nghĩa quân đã làm nên chiến thắng vẻ vang “Xã tắc từ đây vững bền,/ Giang sơn từ đây đổi mới”. Như vậy, tinh thần dân tộc được Nguyễn Trãi tô đậm, nhấn mạnh thông qua thắng lợi vang dội của nghĩa quân. Như vậy, với ngôn từ hàm súc, lí lẽ cụ thể, tác giả đã tô đậm truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Đồng thời, thể hiện ý thức sâu sắc về chủ quyền nước nhà.

Đoạn văn về tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mẫu 4

Trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã bày tỏ quan điểm của mình về tinh thần độc lập, chủ quyền dân tộc. Trước hết, ông nhấn mạnh về nền văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát triển từ xưa đến nay. Sau đó, tiếp tục khẳng định lãnh thổ nước nhà “núi sông bờ cõi đã chia” cùng vị thế ngang hàng với các triều đại phương Bắc. Để củng cố hơn về tinh thần độc lập, tác giả còn đưa ra những chứng cứ ghi trong sử sách. Đó là kết cục bi thảm của lũ giặc xâm lăng. Như vậy, với ngôn từ cô đọng, hùng hồn, dẫn chứng xác đáng, Nguyễn Trãi đã nêu ra một sự thật hiển nhiên, không thể chối cãi về chủ quyền quốc gia. Đồng thời, bày tỏ tấm lòng tự hào, ngợi ca truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc.

————————————–

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài văn mẫu Viết đoạn văn về tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10 KNTT. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập môn Toán 10 KNTT…