Viết đoạn văn phân tích chi tiết đặc sắc trong đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác được TaiLieuViet.vn sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo.

1. Viết đoạn văn phân tích một chi tiết đặc sắc nhất trong đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác mẫu 1

Đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác là một trong những đoạn trích tiêu biểu trong sử thi I-li-át. Đây được coi là một trong những cảnh ấn tượng nhất khi khắc họa thành công sự tương phản giữa bầu không khí chiến tranh ác liệt và cuộc sống gia đình êm ấm. Trong đoạn trích, người đọc ấn tượng sâu sắc với chi tiết Héc-to ôm con trai vào lòng để từ biệt. Một người chủ soái kiên cường, dũng mãnh khi trở về nhà, đứng trước gia đình của mình, chàng chính là một người cha yêu thương vợ con tha thiết. Chi tiết “cậu bé khóc ré lên, nhao người về phía nhũ mấu xống áo thướt tha” vì sợ chiếc mũ bờm ngựa ánh đồng sáng lóa của Héc-to đã khiến chàng ngay lập tức cởi bỏ chiếc mũ của mình, rồi nhẹ nhàng bồng cậu con trai thân yêu, “thơm nó, vừa nâng nó lên cao, đu đưa, vừa khẩn cầu con trai của thần Crô-nốt”. Từng hành động, cử chỉ chàng trao cho đứa con bé bỏng của mình đã thể hiện nỗi lòng thương xót và yêu con đến nhường nào. Héc-to mong đứa bé có được sự dũng cảm và can trường hơn cha của nó để có thể trở thành một anh hùng vĩ đại. Hình ảnh người cha và hình tượng người anh hùng chủ soái của Héc-to dường như chẳng đối lập mà còn làm bật lên khí thế, ý chí chiến đấu và tình cảm gia đình cao cả.

2. Viết đoạn văn phân tích một chi tiết đặc sắc nhất trong đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác mẫu 2

Chi tiết “Héc-to lừng danh cúi xuống ôm con trai vào lòng” sau khi nói rõ với Ăng-đrô-mác về lý tưởng ra trận của mình đã để lại trong lòng em nhiều ấn tượng. Đó là cái ôm từ biệt, từ biệt đứa con trai yêu quý và cũng là từ biệt Ăng-đrô-mác để lên đường nhưng đứa con lại sợ hãi, né tránh. Héc-to lúc đó đã tháo mũ trụ của mình để bồng đứa bé. Điều đó đã cho thấy hình ảnh một người cha hồn hậu, ấm áp bên cạnh người anh hùng cầm khiên oai phong, sáng loáng ngoài chiến trận. Hình ảnh ấy là một tấm gương phản chiếu khác của chàng, giúp nhân vật thể hiện rõ hơn những mặt khác nhau trong tính cách chứ không chỉ bó hẹp trong hình ảnh người anh hùng. Người anh hùng trong hoàn cảnh này đã trút khiên, trút mũ xuống để bồng trên tay đứa con, cho thấy vẻ đẹp của tình cha con, của người anh hùng khi tách rời chiến trận. Đồng thời khẳng định người anh hùng không chỉ đẹp ngoài chiến trận, không chỉ mạnh mẽ khi chinh chiến mà còn đẹp trong cả khoảnh khắc đứng bên gia đình nhỏ, cũng cho thấy sự trở lại của Héc-to đã đem đến cho mẹ con Ăng-đrô-mác rất nhiều sự an ủi và ấm áp, đã thổi bùng lên ngọn lửa thiết tha mong nhớ của hai mẹ con. Chi tiết ấy khiến người đọc xúc động mà cũng cảm động, đọng lại nhiều dư vị và dấu ấn.

3. Viết đoạn văn phân tích một chi tiết đặc sắc nhất trong đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác mẫu 3

Chi tiết nàng Ăng-đrô-mác xiết chặt tay Héc-to và bày tỏ nỗi niềm trong đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” đã để lại cho em ấn tượng vô cùng sâu đậm. Giây phút gặp lại phu quân, nàng nức nở, nhẹ nhàng trách móc “Ôi, chàng thật tệ!” vì sợ hãi. Nàng lo lắng chồng mình sẽ gặp nguy hiểm nơi chiến trận nên đã hết lời khuyên nhủ Héc-to hãy ở nhà. Có thể thấy, tình yêu, niềm tin của Ăng-đrô-mác đã dành hết cho hoàng tử thành Tơ-roa. Nàng nguyện hi sinh bản thân chứ không muốn đánh mất Héc-to. Nàng mang trong mình lòng yêu thương chồng con, gia đình vô bờ. Nàng khao khát gia đình nhỏ bé sẽ luôn ấm áp, hạnh phúc “đừng để trẻ thơ phải mồ côi, vợ hiền thành góa phụ”. Như vậy, thông qua chi tiết này, ta thấy được tấm lòng yêu thương tha thiết, chung thủy ở nàng Ăng-đrô-mác.

—————————-

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài văn mẫu Viết đoạn văn phân tích chi tiết đặc sắc trong đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác. Bài viết đã gửi tới bạn đọc 2 bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10 KNTT. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu học tập môn Toán 10 KNTT…