Viết đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong do TaiLieuViet biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 có thêm tài liệu học tập, tham khảo môn Ngữ văn 9. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tập hiệu quả.

I. Dàn ý Cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả Lê Minh Khuê, tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” và 3 cô gái thanh niên xung phong.

2. Thân đoạn:

a. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của 3 cô:

– Họ sống và chiến đấu trên một cao điểm của tuyến đường Trường Sơn ác liệt.

+ Ba cô gái phải sống trong “một hang dưới chân cao điểm”

+ Họ làm nhiệm vụ “đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ, và nếu cần thì phá bom”. Họ phải “chạy trên cao điểm cả ban ngày”.

→ Nhiệm vụ và hoàn cảnh sống của họ vô cùng nguy hiểm và khắc nghiệt.

b. Vẻ đẹp chung:

– Họ là những cô gái có trách nhiệm cao trong công việc:

+ Chỉ cần nghe tiếng “máy bay trinh sát rè rè. Tiếng máy bay phản lực gầm gào lao theo sau” là họ chuẩn bị lao ngay ra cao điểm thực hiện nhiệm vụ của mình.

+ Họ hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ của mình nên lúc nào cũng cố gắng thực hiện nhanh và chính xác nhất.

– Họ gan dạ và vô cùng dũng cảm:

+ Dù phải “chạy trên cao điểm cả ngày”, đối mặt với thần chết “lẫn trong ruột những quả bom” nhưng họ không hề sợ hãi.

+ Điều họ quan tâm là “liệu mìn có nổ không, bom có nổ không” để thông đường cho xe chạy.

– Họ là những cô gái có tâm hồn trong sáng, ngây thơ: Đều là những cô gái trẻ, mới rời ghế nhà trường, vậy nên họ mang trong mình những ngây thơ, trong sáng của tuổi học trò.

– Tình đồng chí, đồng đội thắm thiết:

+ Thể hiện ở chỗ họ luôn quan tâm, chia sẻ với nhau, lo lắng cho nhau khi bị thương

+ Thao hiểu rõ Phương Định thích hát, còn Phương Định hiểu rõ Thao là người đội trưởng “táo bạo”, là một người chị điệu đà “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu” và rất sợ máu và vắt.

+ Khi Nho bị thương, cả Thao và Phương Định đều vô cùng lo lắng, chăm sóc cho Nho.

c. Vẻ đẹp riêng:

– Thao: là một người đội trưởng “cương quyết, táo bạo” trong công việc khiến ai cũng phải “gờm”.

– Nho: trẻ trung, ngây thơ như một cô gái nhỏ nhưng rất dũng cảm, không hề kêu ca khi bị thương.

– Phương Định: là một cô gái Hà Nội ngây thơ, thích hát, luôn nhớ về quê hương với một tâm hồn giàu xúc cảm.

d. Đánh giá nghệ thuật:

– Được kể bằng ngôi kể thứ nhất nên câu chuyện rất sống động và chân thực.

– Ngôn ngữ trẻ trung, giàu sức gợi.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất xuất sắc.

3. Kết đoạn:

II. Văn mẫu Cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi

1. Cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong – mẫu 1

Những cô gái thanh niên xung phong trên con đường Trường Sơn đã trở thành huyền thoại. Họ đi vào trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” với nhiều vẻ đẹp chung đáng quý, đáng trân trọng.

Phương Định, Thao và Nho ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhiều nhất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt, từng ngày từng giờ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ. Có biết bao thương tích vì bom đạn giặc: “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”. Đó là hiện thực đầy mùi chiến tranh, không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy thần chết luôn rình rập.

Công việc của các cô đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức. Cuộc sống gian khổ giữa chiến trường ác liệt, công việc đầy nguy hiểm và luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng họ vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm không sợ hi sinh, lòng lạc quan và tình đồng đội gắn bó sâu sắc. Ba cô gái ngời sáng lên vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.

Họ đều thuộc thế hệ những cô gái thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ mà tuổi đời còn rất trẻ, sống có lí tưởng, có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, lòng dũng cảm không sợ hy sinh.

Các cô đã tạm xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện vào cái nơi mà cái sự mất còn chỉ diễn ra trong nháy mắt, một cách vô tư, hồn nhiên, cống hiến tuổi thanh xuân. Họ trở thành biểu tượng gương mặt đẹp và đáng yêu của những cô gái mở đường thời kháng chiến chống Mĩ. Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Nho, Thao và Phương Định lòng quả cảm, không sợ hy sinh. Có lệnh là lên đường, bất kể trong tình huống nào, nguy hiểm không từ nan dù phải đối mặt với máy bay và bom đạn quân thù, và đã lên đường là hoàn thành nhiệm vụ. Sự dũng cảm được thể hiện qua một lần Phương Định phá bom. Khung cảnh và không khí chứa đầy sự căng thẳng. Là con gái, cô không tránh khỏi tâm lý lo sợ nhưng Phương Định cảm giác: “Có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình” khiến sự dũng cảm ở cô như được kích thích bởi lòng tự trọng: “Tôi đến gần quả bom,… tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới”. Ở bên quả bom, cận kề với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người cũng trở nên sắc nhọn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Tiếp đó, là cái giây phút căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom. Phương Định có nghĩ đến cái chết nhưng là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, còn cái chính vẫn là: “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”. Đây là một trách nhiệm rất cao trong công việc, là lòng dũng cảm vô song. Có thể khẳng định rằng: Phương Định và những đồng đội của cô thực sự là những người anh hùng, nhưng là những anh hùng mà không tự biết.

Các cô luôn yêu thương trìu mến và quan tâm đến đồng đội. Phương Định lo lắng cho chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Cô hiểu chị Thao và Nho như biết về những chị em ruột thịt. Đó là chị Thao sợ máu và vắt nhưng khi chiến đấu lại rất dũng cảm. Trong cuộc việc, ai cũng gờm chị bởi sự bình tĩnh, cương quyết, táo bạo. Với Nho, cô em út của tổ trinh sát thì Phương Định rất muốn bế trên tay. “trông nói nhẹ mát như một que kem trắng. Biết bao trìu mến, yêu thương trong cái nhìn ấy. Khi Nho bị thương, chị Thao và Phương Định vỗ về và chăm sóc ân cần: “moi đất, bế Nho đặt lên đùi”,”rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”, “tiêm cho Nho” rồi “pha sữa trong cái ca sắt…”. Tình đồng chí đồng đội của 3 cô gái thật thiêng liêng, cao cả và đáng quý! Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Không chỉ vậy, họ đều là những cô gái trẻ với cuộc sống nội tâm phong phú đáng yêu : dễ cảm xúc, nhiều mơ ước, hay mơ mộng, dễ vui, dễ buồn. Cả ba đều chưa có người yêu, đều sống hồn nhiên tươi trẻ. Không lúc nào họ không nhớ về Hà Nội. Phương Định thích hát, hay hát, tự bịa cả ra lời hát; hát trong mọi khoảnh khắc như chưa bao giờ nghe thấy bom rơi, đạn nổ. Tiếng hát của cô át tiếng bom , hát cả đau thương, gian khổ, hiểm nguy. Đó là biểu hiện của tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm tin yêu cuộc sống. Quả thực, đó là những cô gái mang trong mình những tính cách tưởng như không thể cùng tồn tại : vô cùng gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu mà vẫn hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống. Những người như họ thật đáng trân trọng biết bao !

Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó một con đường Trường Sơn sừng sững, thấp thoáng bức chân dung chân thực về hình ảnh nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ, Phương Định, Nho, chị Thao, mười cô gái ngã ba Đồng Lộc và bao nhiêu cô gái mở đường khác trên tuyến lửa Trường Sơn đã “Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng” (Tố Hữu). Vẻ đẹp của họ mãi mãi tỏa sáng như vì sao lấp lánh trên bầu trời, trong sự cảm phục và lòng biết ơn của cả dân tộc:

“Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh”

2. Cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong – mẫu 2

Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê viết về 3 cô gái, ba nữ thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm làm việc trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là những bông hoa xinh đẹp của núi rừng đại ngàn mặc dù phải sống và chiến đấu trong một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm và khắc nghiệt. Thao, Nho, Phương Định là ba cô gái thuộc “tổ trinh sát mặt đường”, làm việc trên một cao điểm ở tuyến đường huyết mạch Trường Sơn. Họ phải sống trong “một hang dưới chân cao điểm” và thực hiện nhiệm vụ “đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ và khi cần thì phá bom”. Cuộc sống và nhiệm vụ nguy hiểm là thế nhưng ba cô gái ấy vẫn ánh lên những vẻ đẹp rạng ngời. Họ vô cùng can đảm, gan dạ, trong bất cứ tình huống nào, chỉ cần nghe thế tiếng “máy bay trinh sát rè rè. Phản lực gầm gào lao theo sau” là họ chuẩn bị tinh thần chạy ngay ra cao điểm để thực hiện nhiệm vụ. Cả 3 cô gái đều có trách nhiệm cao với công việc của mình. Bởi họ hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ của mình, chỉ khi đường thông, những chiếc xe chở vũ khí đạn dược mới có thể tiến vào miền Nam an toàn. Vậy nên dù có phải “chạy trên cao điểm cả ban ngày”, họ vẫn luôn mạnh mẽ, dũng cảm, đối mặt với thần chết. Với họ, cái chết nơi chiến trường này “mờ nhạt và không cụ thể” bởi trong họ là lý tưởng cống hiến hết mình cho Tổ quốc, giải phóng miền Nam. Ba cô gái luôn quan tâm nhau, cùng nhau kề vai sát cánh chiến đấu, và tình đồng đội, đồng chí của họ cứ thế sâu đậm tự khi nào. Họ hiểu rõ nhau từ sở thích đến nỗi sợ, từ những điều nhỏ bé nhất. Như Thao hiểu rõ Phương Định thích hát đến nhường nào, còn Phương Định lại hiểu rõ Thao sợ máu, sợ vắt đến nhường nào. Thậm chí, Phương Định còn biết Thao là một cô gái rất điệu đà, “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”. Nhưng họ – ba cô gái ấy vẫn mang trong mình những nét đẹp riêng. Thao thì luôn “cương quyết, táo bạo” trong công việc, là một người đội trường vững vàng. Nho thì trẻ trung, ngây thơ như một đứa trẻ nhỏ, nhưng trong công việc thì gan dạ, dũng cảm vô cùng. Còn Phương Định, người con gái Hà Nội kiên trung, xinh đẹp, thích hát, luôn thực hiện nhiệm vụ của mình hết sức chính xác và nhanh chóng. Ba cô gái được Lê Minh Khuê xây dựng bằng cảm hứng hào hùng những năm tháng kháng chiến cứu quốc, bằng những lời văn trẻ trung, chân thực và sống động và bằng cách kể chuyện tự nhiên, chân thành. Nho, Thao, Phương Định sẽ mãi là những biểu tượng của tuổi trẻ rạng ngời trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa năm nào.

3. Cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong – mẫu 3

Khi nhắc về những cô gái thanh niên xung phong trong các tác phẩm văn học, ta không thể nào quên được hình ảnh của ba cô gái trẻ Thao, Nho, Phương Định trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê. Ba cô gái trẻ trung ấy là biểu tượng của thế hệ trẻ năm nào trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Nho, Thao, Phương Định sống và chiến đấu trên một cao điểm của Trường Sơn. Các cô sống trong “một hang dưới chân cao điểm” nơi mà giặc Mỹ điên cuồng bắn phá ngày đêm. Ba cô gái có nhiệm vụ “đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ, và nếu cần thì phá bom”. Nhiệm vụ ấy nguy hiểm vô cùng, phải đối mặt với thần chết từng giờ từng phút, vậy mà ba cô gái trẻ vẫn lạc quan, ung dung, yêu đời bằng tâm hồn trẻ trung của mình. Với công việc, họ luôn đặt trách nhiệm cao lên vai mình. Chỉ cần nghe tiếng máy bay “rè rè”, tiếng phản lực “gầm gào lao theo” là họ sẵn sàng lao ngay ra cao điểm và thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ kiên cường, gan dạ và không sợ hãi cái chết, bởi với họ cái chết “mờ nhạt và không cụ thể”, quan trọng nhất là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không”. Ba cô gái một đội nên họ luôn quan tâm nhau, chia sẻ với nhau mọi điều. Phương Định hiểu Thao là một người chị “cương quyết, táo bạo” trong công việc nhưng lại sợ máu và vắt, thêm nữa lại rất điệu đà “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”, “lông mày của mình, chị tỉa nhỏ như cái tăm”. Còn Thao lại biết Phương Định là cô gái mộng mơ, thích hát. Và với họ, Nho là cô em út trong nhà, thích ăn kẹo, bé nhỏ, trắng trẻo như “một cây kem”. Mỗi cô gái một tính cách, vậy nên họ cũng mang trong mình vẻ đẹp riêng của mỗi người. Thao là một người đội trưởng bản lĩnh, trong công việc. Với Nho, cô là cô em gái nhưng cũng rất dũng cảm, dù bị thương nhưng luôn mạnh mẽ, không hề kêu than. Còn Phương Định – cô gái Hà Nội xinh đẹp lại mang trong mình sự mộng mơ của tuổi trẻ, cô thích hát . Mỗi người một vẻ, ba cô gái là ba đoá hoa xinh đẹp của núi rừng Trường Sơn.

4. Cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong – mẫu 4

Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã để lại cho bạn đọc nhiều ấn tượng sâu sắc về ba cô gái thanh niên xung phong. Ba cô gái ấy là Thao, Phương Định, Nho làm ở tổ trinh sát mặt đường. Họ sống trên một cao điểm giữa vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung bom đạn nguy hiểm. Công việc của họ làchạy trên đó cả ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch, sau mỗi trận bom phải đo khối lượng đất đá, đánh dấu bom chưa nổ, phá bom. Ở họ tồn tại nhiều điểm chung với nhau: Họ đều là những cô gái thanh niên xung phong còn trẻ, phải xa nhà, xa mái trường đi chiến đấu. Họ mang trong mình những phẩm chất cao đẹp: tinh thần trách nhiệm cao với công việc, không sợ cái chết, dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám đối mặt với tử thần mà không nao núng dù nhiều lần họ bị bom vùi và làm bị thương… Họ có tinh thần đồng đội gắn bó, thân thiết: thể hiện ở tính tình, sự quan tâm chăm sóc chu đáo khi đồng đội bị thương.

Tuy nhiên, mỗi người lại có một cá tính không thể nhầm lẫn: Nho là em út tính nết trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ bé nhỏ, nhẹ nhàng, nhưng rất bản lĩnh, rắn rỏi. Chị Thao là người thích làm dáng nhất, ở chị có những nét tính cách tưởng trái ngược nhau: Thích hát bài hát do Phương Định bịa ra nhưng lại không hát trôi chảy bài nào; rất dũng cảm táo bạo nhưng lại sợ máu, sợ vắt; trong cô có sự nhút nhát mềm yếu của cô gái là cô gái bản lĩnh trong chiến đấu. Còn Phương Định là cô gái Hà Nội vào chiến trường 3 năm, hay hoài niệm về quê hương, mẹ, mái trường…, hồn nhiên mơ mộng với nhiều nét tính cách thể hiện rất rõ ràng: thích hát, thuộc nhiều bài hát, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom đạn nổ. Chăm sóc chu đáo cho đồng đội. Phương Định còn là cô gái nhạy cảm, duyên dáng nhưng không biểu lộ tình cảm, tỏ ra kín đáo trước đám đông, tưởng như kiêu kì nhưng lại tạo nên một sức hút tự nhiên. Qua hành động và dòng suy tư của nhân vật tác giả Lê Minh Khuê cho người đọc thấy được thế giới nội tâm phong phú cùng phẩm chất anh hùng của nhân vật. Họ là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo.

—————————

Trên đây TaiLieuViet đã giới thiệu tới các em Viết đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi. Hy vọng thông qua tài liệu này, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành đoạn văn của mình, đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra sắp tới.

Ngoài ra, để có kết quả cao hơn trong học tập, mời các bạn tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 9 khác trên TaiLieuViet để học tốt Ngữ văn 9 hơn nhé.