Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ được TaiLieuViet.com tổng hợp và đăng tải. Chuyện người con gái Nam Xương nằm trong bộ truyền kì mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ được tác giả viết trên cơ sở truyện dân gian Việt Nam. Cốt truyện và nhân vật gắn liền với một không gian cụ thể, một chứng tích cụ thể để phản ánh một vấn đề bức thiết của xã hội đương thời, đó là thân phận con người nói chung, người phụ nữ nói riêng trong xã hội phong kiến

Dàn ý Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần thuyết minh: tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. (Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm vô cùng tiêu biểu của tác giả Nguyễn Dữ, để hiểu hơn về tác phẩm hãy cùng nhau tìm hiểu chi tiết hơn nhé).

2. Thân bài

a. Thuyết minh khái quát chung

Chuyện người con gái Nam Xương là một trong hai mươi truyện của tập Truyền kì mạn lục – ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền.

Là một câu chuyện nổi tiếng được nhiều người biết đến, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật.

Nhân vật: Vũ Nương, Trương Sinh, Phan Lang, bé Đản,…

b. Thuyết minh chi tiết

Nhân vật chính: Vũ Nương – người phụ nữ đức hạnh, khao khát một cuộc sống bình yên, hạnh phúc nhưng bị xô đẩy vào oan khuất, bất hạnh.

Trương Sinh: chồng của Vũ Nương, người trực tiếp đẩy nàng đến bi kịch.

Bé Đản: con trai của Vũ Nương và Trương Sinh, nguyên nhân khiến Trương Sinh nghi ngờ vợ.

Phan Lang: cầu nối để Vũ Nương gặp lại Trương Sinh và để Trương Sinh hối lỗi với nàng.

Tiến trình: câu chuyện được kể theo trình tự thời gian.

c. Nội dung, nghệ thuật câu chuyện

Nội dung: số phận oan nghiệt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đồng thời thể hiện phẩm giá cao quý của họ.

Nghệ thuật: kết hợp tự sự và trữ tình, nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật.

3. Kết bài

Câu chuyện góp phần không nhỏ vào việc làm phong phú kho tàng văn chương của nước ta.

Thuyết minh về Nguyễn Dữ và Chuyện người con gái Nam Xương mẫu 1

Mỗi câu chuyện đều mang một giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả khác nhau dạy cho con người ta nhiều bài học quý giá trong cuộc sống. Một trong số những câu chuyện mang đến cho con người nhiều suy tư, trăn trở chính là tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Chuyện người con gái Nam Xương là một trong hai mươi truyện của tập Truyền kì mạn lục – ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền của nhà văn Nguyễn Dữ thời kì trung đại. Đây cũng là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của nhà văn được nhiều người biết đến, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là người con gái Vũ Nương với người chồng Trương Sinh và những tình tiết, nhân vật phụ khác. Vũ Nương được khắc họa là người phụ nữ xinh đẹp đức hạnh, luôn sống đúng chuẩn mực đạo đức, nàng luôn khao khát một cuộc sống bình yên, hạnh phúc nhưng cuối cùng lại bị xô đẩy vào oan khuất, bất hạnh. Người đẩy nàng vào hoàn cảnh bất hạnh, bước đường cùng đó không ai khác chính là người chồng Trương Sinh với tính đa nghi mà nàng ngày đêm mong ngóng trở về. Chỉ vì một câu nói của bé Đản rằng đêm nào cha cũng đến thăm nó, mẹ đi cha cũng đi, mẹ ngồi cha cũng ngồi mà Trương Sinh đã không tiếc lời mắng chửi, đuổi nàng đi mà không cho nàng có cơ hội giải thích, minh oan cho bản thân. Sau này, khi biết được người cha mà Vũ Nương với con chỉ là cái bóng của nàng trên tường, Trương Sinh có hối hận cũng không kịp. Cuối cùng, người cùng làng tên là Phan Lang làm cầu nối để Vũ Nương gặp lại Trương Sinh và để Trương Sinh hối lỗi với nàng. Câu chuyện khép lại với việc Vũ Nương được giải oan và trở về thủy cung, có thể làm hài lòng cho một kết thúc câu chuyện nhưng lại không xứng đáng với nhân phẩm và cách sống cao đẹp của Vũ Nương.

Câu chuyện nói riêng và những tác phẩm văn học khác nói chung đã góp một phần không nhỏ vào việc làm nên kho tàng văn học Việt Nam thêm đồ sộ hơn. nhiều năm tháng qua đi nhưng nhân vật Vũ Nương và tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương vẫn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả.

Thuyết minh về Nguyễn Dữ và Chuyện người con gái Nam Xương mẫu 2

Nguyễn Dữ là 1 văn sĩ, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay thuộc Thanh Miện, Hải Dương. Ông là con trai cả Nguyễn Tường Phiêu, Tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), được trao chức Thừa chánh sứ, sau khi mất được tặng phong Thượng thư. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ XVI và để lại tập truyện chữ Hán nổi tiếng viết trong thời gian ở ẩn, Truyền kỳ mạn lục (in 1768).

Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ. Sách gồm 20 truyện, chia làm 4 quyển, được viết theo thể loại truyền kỳ. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, nhiều trường hợp xuất phát từ truyền thuyết về các vị thần mà đền thờ hiện vẫn còn.

Nguyễn Dữ là con trai cả Nguyễn Tường Phiêu, Tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), được trao chức Thừa chánh sứ, sau khi mất được tặng phong Thượng thư. Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, Nguyễn Dữ thi Hội nhiều lần, đạt trúng trường và từng giữ chức vụ Tri huyện Thanh Tuyền nhưng mới được một năm thì ông xin từ quan về nuôi dưỡng mẹ già. Trải mấy năm dư không đặt chân đến những nơi đô hội, ông miệt mài “ghi chép” để gửi gắm ý tưởng của mình và đã hoàn thành tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục. Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào chưa rõ, nhưng căn cứ vào tác phẩm cùng bài Tựa Truyền kỳ mạn lục của Hà Thiện Hán viết năm Vĩnh Định thứ nhất (1547) và những ghi chép của Lê Quý Đôn trong mục Tài phẩm sách Kiến văn tiểu lục có thể biết ông là người cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, có thể lớn tuổi hơn Trạng Trình chút ít. Giữa Nguyễn Dữ và Nguyễn Bỉnh Khiêm tin chắc có những ảnh hưởng qua lại về tư tưởng, học thuật… nhưng e rằng Nguyễn Dữ không thể là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm như Vũ Phương Đề đã ghi. Đối với nhà Mạc, thái độ Nguyễn Dữ dứt khoát hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không làm quan với nhà Mạc mà chọn con đường ở ẩn và ông đã sống cuộc sống lâm tuyền suốt quãng đời còn lại. Truyền kỳ mạn lục được hoàn thành ngay từ những năm đầu của thời kỳ này, ước đoán vào khoảng giữa hai thập kỷ 20-30 của thế kỷ XV.

Theo Bùi Duy Tân và một số học giả viết lời tựa cho các bản dịch Truyền kỳ mạn lục lưu tới ngày nay có ghi lại:

Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ mẫu 3

“Truyền kì mạn lục” là một tác phẩm văn xuôi có giá trị của văn học cổ nước ta ở thế kỉ XVI, một tập truyện văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Hán ở Việt Nam.

“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, tác phẩm truyền kì mạn lục là một tác phẩm hay trong tập truyện đó. Nhân vật chính là Vũ Nương, một phụ nữ đẹp người, đẹp nết đã phải lấy cái chết để minh oan trước sự ghen tuông vô cớ của chồng mình.

Có thể nói Nguyễn Dữ là tác giả văn xuôi tiêu biểu của văn học cổ thế kỉ XVI. Hình ảnh người con gái Nam Xương là nhân vật từng có ảnh hưởng sâu sắc đến lòng người mọi thời. Lê Thánh Tông đã từng xúc động viết trong bài thơ “miếu vợ chàng Trương”:

“Nghi ngút đầu ghềnh toả khỏi hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương… “

Câu chuyện về Vũ Nương phản ánh cuộc đời đau khổ và bi thảm của Vũ Nương – người phụ nữ dưới chế độ xã hội phong kiến. Người vợ phải tự vẫn để minh oan cho sự thuỷ chung của mình. Tác phẩm nêu cao chủ nghĩa nhân đạo khiến ta xúc động khi về nhân vật Vũ Nương trong truyện.

Trước hết, đọc truyện, người đọc càng thương cho thân phận Vũ Nương và dễ dàng nhận thấy được Vũ Nương là một người phụ nữ nết na, đức hạnh, đối xử với mẹ chồng và chồng rất phải đạo và là người vợ rất mực đảm đang, nhân hậu, giàu đức khiêm tốn.

Có tư dung tốt đẹp, nhưng trong cuộc sống gia đình, nàng can tâm làm một người vợ hiền, ngoan nết “chẳng lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”, và cho dù Trường Sinh, chồng của nàng, tuy là con nhà hào phú, lại ít học, đa nghi quá sức.

Sự khiêm nhường, cam chịu của Vũ Nương là điều kiện tạo nên sự đầm ấm của gia đình, mặc cho chế độ nam quyền độc đoán đè nặng trong đầu óc kẻ vị kỉ ít học như chồng mình.

Nếu lấy sự kiện ngày Trường Sinh đi lính thú thì hạnh động và lời lẽ đưa tiễn chồng của người vợ hiền, lời thiết tha cầu mong của Vũ Nương: “Chẳng mong chàng ái gấm trở về quê cũ, chỉ mong được hai chữ bình yên thế là đủ rồi”…, “thư tính, nghìn hàng, áo rét gửi người ải xa…”, là chi tiết cho cái “công – dung – ngôn – hạnh” mà Vũ Nương đã làm được một cách chân thành.

Thế rồi, nỗi nhớ nhung, sự cô đơn, giữ mình của người vợ trẻ càng khiến chúng ta phải ca ngợi con người nhân hậu và đảm đang đó. Tính cách cao đẹp của Vũ Nương còn là lòng hiếu thảo với mẹ chồng, lòng chung thuỷ son sắt với chồng của nàng.

Khi chồng vào lính, Vũ Nương một mình đảm đang, nuôi dạy con thơ, chăm sóc thuốc thang cho mẹ chồng đau yếu, làm ma chay tống tang khi mẹ chồng qua đời. Vũ Nương giữ tròn hiếu đạo với mẹ chồng, giữ tròn tình nghĩa với chồng.

Cái thói đời xưa nay thường không thể hoà hợp giữa mẹ chồng nàng dâu, nhất là trong gia đình phong kiến. Thế nhưng, dù chỉ có hai mẹ con sống với nhau (Vũ Nương với mẹ chồng) nhưng nàng xem mẹ chồng như mẹ đẻ, điều đó còn được thể hiện qua lời trăng trối của mẹ chồng nàng trước khi bà qua đời: “xanh kia sẽ chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ … “

Rồi sự chu đáo của Vũ Nương trong việc ma chay, cúng lễ đã thể hiện tấm lòng thơm thảo của người con dâu đáng quý như Vũ Nương. Lòng chung thuỷ của Vũ Nương còn được thể hiện ở hành động nuôi con, chờ chồng suốt những tháng ngày Trương Sinh đi lính mà chưa rõ mặt con. Chỉ có hai mẹ con côi cút đùm bọc, gắn bó. Cậu Bé Đản thơ ngây, đêm đến được mẹ chỉ vào cái bóng của mình trên tường gọi là cha (đó là một cách dỗ dành con ngủ thật hồn nhiên nhưng sau đó lại là nguyên nhân gây ra cái tội thật vô tình).

Nỗi hàm oan không được quyền nói, suy xét cho ra là bởi con người độc đoán, phàm phu lại kém văn hoá như Trương Sinh khi chàng ra lính trở về (nghe lời đứa con non dại) đã gây nên nỗi oan tày trời cho Vũ Nương. Bị chồng ghen tuông vô cớ, bao nhiêu lời giãi bày của Vũ Nương và lời khuyên ngăn của láng giềng, bà con, cô bác, trương Sinh vẫn không tin và đinh ninh là “vợ hư”, mối nghi ngờ càng ngày càng lún sâu không có cách gì gỡ ra được. Chàng mắng nhiếc vợ thật thậm tệ rồi “đánh đuổi nàng đi”. Vũ Nương không hề có lỗi lầm gì, nàng thuỷ chung, trinh trắng, đức hạnh vẹn toàn nhưng sự đối xử của chồng làm cho nàng hoàn toàn thất vọng, không hiểu nỗi oan khuất từ đâu mà ra. Không có cách nào để giãi bày, thất vọng bởi hạnh phúc – niềm vui “nghi gia nghi thất” không còn nữa, nàng phải tìm đến cái chết để minh oan. Hành động tự vẫn là thái độ cuối cùng nàng được phép bởi không thể giãi bày được với chồng, tiết hạnh của nàng sẽ bị hoen ố, biết bao giờ phai mờ đi trong tâm trí của chồng.

Một người vợ hiền lành, đầy tiết nghĩa, thuỷ chung phải chết dẫu không có tội tình gì. Mãi đến sau cái chết đó, người chồng mới hiểu nỗi oan ức của vợ mình. Chính sự độc đoán của người đàn ông trong gia đình Phong kiến mà Nho giáo nuôi dưỡng dung túng là đề tài mà Nguyễn Dữ muốn phê phán.

Bởi không chỉ hình ảnh nhân vật Vũ Nương, mà còn biết bao thân phận phụ nữ “Bảy nổi, ba chìm” đã phải sống trong cảnh đời như vậy:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Cái chết của Vũ Nương là số phận, nhưng cũng là lời tố cáo thói ghen tuông ích kỉ, sự hồ đồ, vũ phu của đàn ông – người chồng vô học, đa nghi như Trương Sinh – là lời tố cáo luật lệ phong kiến hà khắc dung túng cho sự độc ác, bất công – “chế độ nam quyền” dưới thời phong kiến ngự trị.

Vũ Nương trong truyện là một nhân vật rất đẹp, theo đúng quan niệm đặc điểm truyền thống, nhưng phải chịu nổi oan tày trời và phải chứng thực sự vô tội của mình bằng cái chết. Cái chết đau đớn bất công, chỉ vì sự hiểu nhầm, từ một câu nói thơ ngây của con trẻ mà người chồng Trương Sinh đã nghi oan, đã làm mất đi người vợ quý trên đời. Nguyên nhân sâu xa của bi kịch nát lòng này chính là do chiến tranh loạn lạc và lễ giáo phong kiến trọng nam quyền trong xã hội ngày trước.

Khái quát về tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

1. Tiểu sử tác giả Nguyễn Dữ

Nguyễn Dữ chưa rõ năm sinh năm mất, sống vào khoảng thế kỉ XVI, là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.

Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, ông làm quan nhưng mới được vài năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa.

2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Dữ

Sáng tác duy nhất của ông là quyển Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những truyện kì lạ được lưu truyền). Sách gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả.

Truyền kỳ mạn lục là một sáng tác văn học với sự gia công hư cấu, sáng tạo, trau chuốt, gọt giũa của Nguyễn Dữ chứ không phải một công trình ghi chép đơn thuần. Qua tác phẩm, người độc thất được số phận bi thảm của những con người nhỏ bé trong xã hội, những bi kịch tình yêu mà thiệt thòi thường rơi vào người phụ nữ. Tác phẩm cũng thể hiện tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào về nhân tài, văn hóa nước Việt, đề cao đạo đức nhân hậu, thủy chung, đồng thời khẳng định quan điểm sống “lánh đục về trong” của lớp trí thực ẩn dật đương thời.

Truyền kỳ mạn lục vừa có giá trị hiện thực và nhân đạo cao, vừa là một tuyệt tác của thể loại truyền kì. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được đánh giá cao trong số các tác phẩm truyền kì ở các nước đồng văn.

3. Tóm tắt bài Chuyện người con gái Nam Xương

Vũ Nương là cô gái xinh đẹp, thùy mị, nết na khiến chàng Trương đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ. Ngày chồng tòng quân, nàng đau lòng, dặn dò và mong chồng bình an trở về. Ở nhà, nàng một lòng một dạ chăm sóc con trai và chăm sóc mẹ chồng những ngày cuối đời. Khi chồng trở về, bế con ra thăm mộ mẹ, đứa nhỏ đã tiết lộ bố nó đêm nào cũng đến thăm nó khiến Trương Sinh đem lòng nghi ngờ, ghen tuông. Trương Sinh về nhà đã chửi mắng nàng và đuổi nàng đi mặc cho nàng van xin và thanh minh. Để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình Vũ Nương đã nhảy sông tự tử. Sau này, khi Trương Sinh hiểu ra oan khuất của nàng đã vô cùng đau xót nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa mà mãi ở lại nơi thủy cung.

4. Bố cục Chuyện người con gái Nam Xương

Phần 1: Từ đầu đến cha mẹ đẻ mình: Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh, phẩm hạnh của Vũ Nương trong thời gian xa cách.

Phần 2: Qua năm sau… trót đã qua rồi: Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương.

Phần 3: Còn lại: Vũ Nương được giải oan.

5. Giá trị nội dung và nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương

– Nội dung:

Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam

Niềm cảm thương cho số phận bi kịch của họ đòng thời lên án tố cáo các lễ giáo phong kiến vô nhân đạo, các hủ tục hà khắc trong chế độ phong kiến đương thời.

– Nghệ thuật

Truyện viết bằng chữ Hán, kết hợp những yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo, hoang đường với cách kể chuyện , xây dựng nhân vật thành công.

  • Đóng vai Trương Sinh kể lại Chuyện người con gái Nam Xương
  • Kể lại câu chuyện: Chuyện người con gái Nam Xương theo ngôi thứ nhất
  • Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

———————–

Trên đây TaiLieuViet hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được TaiLieuViet sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Thuyết minh về vai trò của rừng đối với sự sống con người

Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ Đặt câu hỏi về học tập, giáo dục, giải bài tập của bạn tại chuyên mục Hỏi đáp của TaiLieuViet
Hỏi – Đáp Truy cập ngay: Hỏi – Đáp học tập