Chuyên đề Vật lý lớp 9: Sự phân tích ánh sáng trắng được TaiLieuViet sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo. Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh học tốt môn Vật lý lớp 9 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

A. Lý thuyết

I. TÓM TẮT LÍ THUYẾT

1. Phân tích một chùm ánh sáng trắng bằng lăng kính

– Lăng kính là một khối thủy tinh trong suốt có ba mặt bên hình chữ nhật, hai mặt đáy hình tam giác thường được mài mờ, ba đường gờ của nó song song với nhau gọi là ba cạnh của lăng kính.

– Chiếu một chùm sáng trắng hẹp đi qua một lăng kính ta sẽ thu được nhiều chùm sáng màu khác nhau nằm sát cạnh nhau, tạo thành một dải màu như cầu vồng. Màu của dải này biến thiên liên tục từ đỏ đến tím.

chuyên đề vật lý

Lăng kính có tác dụng tách riêng chùm sáng màu có sẵn trong chùm sáng trắng cho mỗi chùm đi theo một phương khác nhau.

2. Phân tích một chùm sáng trắng bằng sự phản xạ trên đĩa CD

Khi cho một chùm ánh sáng trắng phản xạ trên mặt ghi của một đĩa CD, chùm ánh sáng phản xạ cũng được phân tích thành rất nhiều màu sắc khác nhau. Trong chùm ánh sáng trắng có chứa nhiều chùm sáng màu khác nhau.

chuyên đề vật lý

3. Liên hệ thực tế

Thỉnh thoảng sau cơn mưa, nhìn về hướng đối diện với Mặt Trời ta có thể thấy được cầu vồng. Ánh sáng trắng của Mặt Trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước liti còn sót lại trên không trung sau cơn mưa đã bị phân tích thành các ánh sáng màu và tạo thành cầu vồng.

chuyên đề vật lý

Hiện tượng thấy được các dải màu của bong bóng xà phòng cũng được giải thích tương tự.

B. Trắc nghiệm & Tự luận

Câu 1: Sự phân tích ánh sáng trắng được quan sát trong thí nghiệm nào sau đây?

A. Chiếu một chùm sáng trắng vào một gương phẳng.

B. Chiếu một chùm sáng trắng qua một tấm thủy tinh mỏng.

C. Chiếu một chùm sáng trắng vào một lăng kính.

D. Chiếu một chùm sáng trắng qua một thấu kính phân kì.

Sự phân tích ánh sáng trắng được quan sát trong thí nghiệm chiếu một chùm sáng trắng vào một lăng kính

→ Đáp án C

Câu 2: Lăng kính là

A. Một khối trong suốt.

B. Một khối có màu của bảy sắc cầu vồng: Đỏ – da cam – vàng – lục – lam – chàm – tím.

C. Một khối có màu của ba màu cơ bản: Đỏ – lục – lam.

D. Một khối có màu đen.

Lăng kính là một khối trong suốt hình lăng trụ tam giác

→ Đáp án A

Câu 3:Khi chiếu ánh sáng từ nguồn ánh sáng trắng qua lăng kính, ta thu được:

A. Ánh sáng màu trắng.

B. Một dải màu xếp liền nhau: Đỏ – da cam – vàng – lục – lam – chàm – tím.

Khi chiếu ánh sáng từ nguồn ánh sáng trắng qua lăng kính, ta thu được một dải màu xếp liền nhau: Đỏ – da cam – vàng – lục – lam – chàm – tím

→ Đáp án B

Câu 4: Khi chiếu ánh sáng qua lăng kính, nếu sau lăng kính chỉ có một màu duy nhất thì chùm sáng chiếu vào lăng kính là:

A. chùm sáng trắng

B. chùm sáng màu đỏ

C. chùm sáng đơn sắc

D. chùm sáng màu lục

Nếu sau lăng kính chỉ có một màu duy nhất thì chùm sáng chiếu vào lăng kính là chùm sáng đơn sắc

→ Đáp án C

Câu 5:Trong trường hợp nào dưới đây ánh sáng trắng sẽ không bị phân tích?

A. Chiếu tia sáng trắng qua một lăng kính.

B. Chiếu tia sáng trắng nghiêng góc vào một gương phẳng.

C. Chiếu tia sáng trắng nghiêng góc vào mặt ghi của một đĩa CD.

D. Chiếu một chùm sáng trắng vào một bong bóng xà phòng.

Ánh sáng trắng không bị phân tích mà chỉ bị phản xạ

→ Đáp án B

Câu 6:Chiếu ánh sáng phát ra từ một đèn LED lục vào mặt ghi của một đĩa CD rồi quan sát ánh sáng phản xạ từ mặt đĩa theo đủ mọi phía. Ta sẽ thấy những ánh sáng màu gì?

A. Chỉ thấy ánh sáng màu lục.

B. Thấy các ánh sáng có đủ mọi màu.

C. Không thấy có ánh sáng.

D. Các câu A, B, C đều sai.

Ta chỉ thấy ánh sáng màu lục

→ Đáp án A

Câu 7:Có thể phân tích một chùm sáng trắng thành những chùm sáng màu khác nhau bằng cách cho chùm sáng trắng:

A. Qua một lăng kính hoặc qua một thấu kính hội tụ.

B. Qua một thấu kính hội tụ hoặc qua một thấu kính phân kì.

C. Phản xạ trên mặt ghi của một đĩa CD hoặc qua một lăng kính.

D. Qua một thấu kính phân kì hoặc phản xạ trên mặt ghi của một đĩa CD.

Có thể phân tích một chùm sáng trắng thành những chùm sáng màu khác nhau bằng cách cho chùm sáng trắng phản xạ trên mặt ghi của một đĩa CD hoặc qua một lăng kính

→ Đáp án C

Câu 8:Hiện tượng nào trong các hiện tượng sau không phải là hiện tượng phân tích ánh sáng?

A. Hiện tượng cầu vồng.

B. Ánh sáng màu trên váng dầu.

C. Bong bóng xà phòng.

D. Ánh sáng đi qua lăng kính bị lệch về phía đáy.

Hiện tượng ánh sáng đi qua lăng kính bị lệch về phía đáy là do hiện tượng khúc xạ ánh sáng

→ Đáp án D

Câu 9: Ánh sáng mặt trời là ánh sáng trắng. Kết luận nào sau đây là đúng?

A. Ánh sáng mặt trời là do các tia sáng màu trắng hợp thành.

B. Ánh sáng mặt trời là do các tia sáng màu đỏ, lục, lam tạo thành.

C. Ánh sáng mặt trời là do các tia sáng màu đỏ cánh sen, vàng, lam hợp thành.

D. Ánh sáng mặt trời là do các tia sáng màu đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím hợp thành.

Qua sự phân tích ánh sáng trắng qua lăng kính: Chiếu ánh sáng từ nguồn sáng trắng qua lăng kính ta thu được một dải ánh sáng màu xếp liền nhau đỏ – da cam – lục – lam – chàm – tím (tuân theo định luật khúc xạ) ⇒ Ánh sáng mặt trời là ánh sáng trắng do các tia sáng màu đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím hợp thành.

→ Đáp án D

Câu 10: Chùm sáng trắng là chùm sáng:

A. Có màu trắng.

B. Có chứa nhiều chùm sáng màu khác nhau.

C. Không có màu.

D. Có màu đỏ.

Chùm sáng trắng là chùm sáng có chứa nhiều chùm sáng màu khác nhau.

→ Đáp án B

Trên đây TaiLieuViet đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết Vật lý 9: Sự phân tích ánh sáng trắng. Để có kết quả cao hơn trong học tập, TaiLieuViet xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Chuyên đề Vật lý 9, Giải bài tập Vật lý lớp 9, Giải bài tập Vật Lí 9, Tài liệu học tập lớp 9TaiLieuViet tổng hợp và giới thiệu tới các bạn đọc