Soạn văn 11 Cánh diều Viết bài thuyết minh tổng hợp

Soạn bài Viết bài thuyết minh tổng hợp Cánh diều được TaiLieuViet.vn sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi để có thêm tài liệu học Văn 11 Cánh diều nhé.

Viết bài thuyết minh tổng hợp

2. Thực hành

2.1 Thực hành viết theo các bước

Bài tập: Một bạn nước ngoài muốn tìm hiểu về con người Việt Nam, em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất của con người Việt Nam.

Bài làm

Trải qua hàng nghìn năm, nền nông nghiệp lúa nước, lối sống quần cư và công cuộc dựng nước và giữ nước đầy gian khổ đã tạo nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc và tính cách đặc trưng của con người Việt Nam là cần cù, chịu khó, giàu lòng yêu nước, đoàn kết, bao dung, rộng mở và dễ hòa nhập.

Lòng yêu nước là tình cảm sâu nặng trong lòng toàn dân Việt Nam. Qua mỗi cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố. Trong hầu hết các cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam đều ở thế lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, và trong điều kiện này tinh thần yêu nước luôn là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh phi thường của dân tộc. Yêu nước đã trở thành quy phạm đạo đức cao nhất và cũng là chuẩn mực giá trị cao nhất của con người Việt Nam. Lòng yêu nước của Việt Nam như một chủ nghĩa chỉ dẫn cách ứng xử xã hội nhưng không bao giờ tạo nên sự thù hằn dân tộc và cũng không có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thể hiện rõ nhất qua quan điểm kiên quyết chống lại kẻ thù xâm lược nhưng luôn giữ quan hệ hữu nghị đoàn kết với nhân dân các nước.

Nền văn minh lúa nước cũng tạo nên tinh thần cộng đồng – nét quan trọng trong ý thức và tâm lý người Việt Nam. Người Việt không chỉ có cộng đồng về huyết thống mà còn có cộng đồng dân cư xóm làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng theo lứa tuổi. Những quan hệ cộng đồng nói trên cùng đồng thời tồn tại, không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau, cùng là chỗ dựa trong cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình Việt.

Có thể nói, cộng đồng là những điểm tựa của người Việt trong cuộc sống hàng ngày, trong hòa bình cũng như trong chiến tranh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự thiếu hài hòa trong quan hệ giữa cộng đồng nhỏ với cộng đồng lớn có thể làm nảy sinh tính địa phương, cục bộ trong xã hội cũng như trong quản lý hành chính. Không chỉ có ý thức cộng đồng, người Việt Nam còn có ý thức về “bản ngã”, coi trọng tài năng và nhân cách cá nhân. Trong xã hội Việt Nam hiện đại, vai trò của mỗi cá nhân đang ngày càng được khẳng định.

Về tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc Việt Nam thể hiện rõ sự hòa nhập qua tín ngưỡng đa thần. Trước hết người Việt có đạo thờ cúng tổ tiên, xuất phát từ việc ghi nhớ ơn đức của thế hệ trước. Người Việt cũng thờ rất nhiều vị thần, thần của người Việt không ở cao xa mà “sống” bên cạnh con người và luôn hỗ trợ con người. Người Việt Nam không cuồng tín tôn giáo. Các thứ lớp tôn giáo và tín ngưỡng, gia đình, dòng họ, làng xã và quốc gia hòa hợp nhau, bổ sung cho nhau. Sự hỗn hợp này là đặc điểm rất lớn thể hiện sự hòa nhập tôn giáo và tính hiện thực của tín ngưỡng tôn giáo người Việt xưa và nay. Sự hòa nhập trong việc tiếp thu các hệ tư tưởng và tôn giáo cũng cho thấy tư duy trung hòa, mở rộng và linh hoạt của người Việt.

Thường xuyên phải đối mặt với những thử thách của thiên nhiên, người Việt luôn mong muốn một cuộc sống ổn định, hòa nhập vào thiên nhiên và xã hội. Dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách nhưng không muốn tạo ra sự thử thách và không thích mạo hiểm. Do những hạn chế của điều kiện lịch sử và xã hội, tâm lý bình quân đã trở thành phổ biến trong cộng đồng người Việt.

Phương pháp tư duy của người Việt Nam là cởi mở, dễ dàng chấp nhận các yếu tố bên ngoài phù hợp với mình. Người Việt ham học hỏi và cũng coi trọng học thức. Nhìn chung, chính kiểu tín ngưỡng đa thần, không cuồng tín mà lại dung hợp và hiện thực, cũng với sự ham học hỏi đã tạo nên tư duy của người Việt Nam rộng mở, và dễ hoà nhập với thế giới bên ngoài.

Trải qua thời gian, những tính cách tốt đẹp trên của người Việt Nam vẫn luôn được kế thừa, phát huy, nâng cao và phát triển, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và trào lưu tiến hóa của nhân loại.

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Đoạn văn diễn dịch, quy nạp, đoạn văn phối hợp

Bài tập: Dựa vào gợi ý về cách thức đã nêu ở trên, hãy chọn viết đoạn văn với ý khái quát: “Con người Việt Nam là những người giàu lòng nhân ái” bằng một trong ba cách (diễn dịch, quy nạp, phối hợp).

Bài làm

Con người Việt Nam là những người giàu lòng nhân ái. Đây là một trong những truyền thống quý báu của ông cha ta từ bao đời nay. Câu tục ngữ “là lành đùm lá rách” là một trong những minh chứng cho lòng nhân ái giữa người với người của nhân dân ta. Chính nhờ tinh thần tương thân tương ái đậm đà nèn trải qua bao cuộc xâm lược dã man, nhân dân vẫn bảo vệ được nền độc lập, bảo vệ được sự sống còn, vững mạnh của đất nước cho đến ngày nay.

——————————-

Bài tiếp theo: Soạn bài Tự đánh giá Sông nước trong tiếng miền Nam Cánh diều

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Soạn bài Viết bài thuyết minh tổng hợp Cánh diều. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11 Cánh diều. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Toán 11 Cánh diều, Hóa học 11 Cánh diều.