TaiLieuViet.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết Soạn bài Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một tư tưởng, đạo lí Cánh diều để bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi để có thêm tài liệu học Văn 11 Cánh diều nhé.

1. Định hướng

a) Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một tư tưởng, đạo lí là một hoạt động, trong đó, người nói nêu lên nhận xét khen, chê và lí do tán thành hay phản đối về tư tưởng, đạo lí đó. Bài nói cần có ba phần (mở đầu, nội dung chính, kết thúc);

Trong phần Viết của bài học này, các em đã được học cách viết bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Từ nội dung phần Viết, người nói chuyển thành bài nói; sử dụng lời nói, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện phù hợp để trình bày nội dung trước người nghe.

b) Để trình bày ý kiến của mình một cách hiệu quả, các em cần chú ý:

– Nắm vững mục đích, đối tượng người nghe và nội dung cần trình bày.

– Biết cách trình bày: cách nói, cách kết hợp, sử dụng sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ và các yếu tố phi ngôn ngữ,…

– Có thái độ thân thiện, tôn trọng người nghe.

2. Thực hành

Bài tập (trang 33 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về vấn đề đặt ra trong câu cách ngôn: “Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn”.

a) Chuẩn bị

– Xem lại nội dung phần Viết theo yêu cầu.

– Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,…và máy chiếu, màn hình (nếu có).

b) Tìm ý và lập dàn ý

Xem lại dàn ý đã làm ở phần Viết, cân nhắc yêu cầu của bài nói để bổ sung, sắp xếp lại các ý cho mạch lạc, phù hợp với nội dung cần trình bày. Bố cục bài nói tương tự bố cục bài viết, gồm ba phần:

Mở đầu

Nêu vấn đề cần trình bày

Nội dung chính

Lần lượt nêu các nội dung như dàn ý đã chuẩn bị. Cũng có thể trình bày theo trật tự khác nhưng cần nêu được các nội dung chính mà bài tập đã yêu cầu.

Kết thúc

Tóm lược nội dung đã trình bày và trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có).

c) Nói và nghe

Hoạt động nói và nghe cần đảm bảo được các yêu cầu sau:

Người nói

Người nghe

– Nội dung trình bày:

+ Trình bày vấn đề rõ ràng, cụ thể theo dàn ý đã chuẩn bị.

+ Nội dung phong phú, có trọng tâm; được trình bày lô gích, lí lẽ và bằng chứng làm nổi bật được vấn đề.

+ Đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung với hình thức trình bày.

– Hình thức trình bày:

+ Bài trình bày có bố cục rõ ràng.

+ Sử dụng công cụ, thiết bị hỗ trợ phù hợp.

+ Có sự sáng tạo, tạo được điểm nhấn cho nội dung trình bày.

– Tác phong, thái độ trình bày:

+ Phong thái tự tin, tôn trọng ngươi nghe, sử dụng ngôn ngữ cơ thể sinh động, phù hợp.

+ Diễn đạt hấp dẫn và tạo vấn đề để trao đổi, thảo luận.

+ Tốc độ nói vừa phải, có nhấn giọng ở những nội dung quan trọng; bảo đảm yêu cầu về thời gian.

+ Có thái độ thân thiện, tôn trọng, trả lời câu hỏi người nghe đặt ra (nếu có) một cách ngắn gọn, rõ ràng.

– Tập trung lắng nghe; hiểu được những nội dung chính và quan điểm của người nói.

– Ghi lại các thông tin chính của bài trình bày, những nội dung cần hỏi lại và những nhận xét, đánh giá về nội dung, cách thức, tình cảm, thái độ của người trình bày.

– Nêu các vấn đề cần hỏi, các ý kiến cần trao đổi về nội dung bài nói một cách ngắn gọn, rõ ràng,…; có thể trao đổi thêm quan điểm cá nhân về nội dung của bài trình bày.

– Chú ý lắng nghe; sử dụng các yếu tố cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.

* Bài nói tham khảo

Bạn sẽ làm gì khi mà khó khăn dường như lấp kín hết cuộc đời bạn, khi mà thần may mắn không còn mỉm cười với bạn nữa, khi mà xung quanh bạn toàn những tai tiếng và nỗi nhục nhã ê chề bủa vây…? Dũng cảm đối mặt với những thử thách đó hay đầu hàng, phó mặc cho số phận đã an bài? Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đương đầu với những khó khăn đó vì tôi luôn tin vào câu cách ngôn “Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn.”.

Ánh mặt trời rực rỡ chói chang là vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa. Một khi chúng ta hướng về phía mặt trời là chúng ta đã hướng về những điều tốt đẹp, đặt niềm tin vào ánh sáng mặt trời là chúng ta đã đẩy lùi lại phía sau những gì xấu xa, u ám, những bóng tối của khó khăn vất vả.

Như các bạn thấy, khó khăn là một phần của cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng tươi đẹp, êm đềm như nắng ấm ban mai mà nó giống như những cơn gió, có khi mạnh mẽ dữ tợn, có khi chỉ nhẹ nhàng lướt qua. Vì vậy để vượt qua những cơn bão lớn ấy đòi hỏi ở chúng ta một bản lĩnh sống, một phong cách sống có lí tưởng, biết tìm cho mình động lực niềm tin để đứng dậy sau những lần ngã gục. Bởi chẳng có ai sẽ đi hết cuộc đời mà không một lần bị vấp ngã cả. Điều quan trọng là sau những lần vấp ngã ấy chúng ta sẽ đi như thế nào. Đó là lúc chúng ta cần hướng tới mặt trời.

Mặt trời ấy có thể là sự phấn đấu, nỗ lực trong học tập của mỗi sĩ tử từng bị thất bại trong các kì thi vào cao đẳng đại học, đang ngày đêm ôn luyện chờ đợi một cơ hội mới. Mặt trời ấy có thể là niềm tin, hy vọng về những vụ mùa bội thu, những sản phẩm đạt chất lượng cao hơn của những người nông dân công nhân một đời lam lũ. Mặt trời ấy chính là động lực giúp những em bé tàn tật gạt bỏ đi nỗi đau mất mát của mình để tìm đến những khả năng kì diệu đang ẩn giấu bên trong những cơ thể yếu ớt…. Đấy chính là ánh sáng rực rỡ của mặt trời đang đẩy dần những bóng tối u ám ra phía sau để giúp mọi người tự tin hơn vào một cuộc sống tươi đẹp đang chờ ở phía trước.

Tôi đã từng đọc những câu chuyện về bà Hêlen Ki lơ (1880-1968) – người phụ nữ vĩ đại đã dành trọn đời mình cho những người không may mắn bị tàn tật. Tuổi thơ của bà phải sống trong bóng tối đầy vất vả, khó khăn. Chưa đầy hai tuổi, do bị mắc chứng viêm màng não nên bà bị câm điếc mù hoàn toàn. Dù thế Hêlen vẫn không nản lòng, bà bắt đầu đi học và tập nói những câu đơn giản, trong sự khó khăn của mù và điếc. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường bà đã tốt nghiệp thủ khoa trường đại học Ret-clip và đã không ngừng đi thuyết trình khắp các bang của nước Mỹ, đi vòng quanh thế giới để giúp đỡ người bị câm, điếc. Nhờ sự giúp đỡ của bà mà nhiều người tàn tật trên thế giới có cơ hội được sống được lao động và học tập nhiều hơn. Chính sức mạnh vào niềm tin của cuộc sống, mục tiêu cho bản thân đã thôi thúc bà làm nên những kỳ tích hiếm có ở một người tàn tật. Bà đã hướng về phía mặt trời, để bóng tối ngả về phía sau như thế đấy!

Tuy nhiên, thật đáng tiếc thay, trong cuộc sống xã hội ngày nay vẫn có nhiều người thiếu niềm tin, không dám bước tới để hướng về phía mặt trời. Họ là những con người dễ bị nhấn chìm trong bóng đêm của sự thất vọng sợ hãi trì trệ. Họ là những người dễ nản lòng trước khó khăn thử thách. Ở những con người như thế, bóng tối sẽ luôn bủa vây. Họ không biết cách hướng về ánh sáng diệu kỳ của mặt trời cũng như bình tĩnh tìm cho mình những giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề.

Chưa nói ở đâu xa, ngay chính bản thân tôi đây đã có lúc muốn từ bỏ mọi thứ. Đó là khi cuộc sống dường như quay ngoắt với tôi. Là khi tôi đã dường như đã rơi xuống vực thẳm đen tối chật hẹp và tù đọng. Quanh tôi lúc đó, nỗi thất vọng lẫn tuyệt vọng chiếm hết tâm trí khiến tôi như người mất hết sức sống. Căn bệnh ung thư đã cướp đi của tôi một thiên thần, đó chính là em trai tôi và cũng là người bạn thân thiết nhất của tôi. Tiếp đó là những thất bại trong các kì thi học tập….Với tôi mọi thứ hoàn toàn sụp đổ. Mãi cho tới khi tôi phát hiện ra sức sống kì diệu của những bông hoa hướng dương. Chúng là hình ảnh rõ ràng nhất cách hướng về phía mặt trời.

Các bạn ạ! Biết hy vọng và tin tưởng vào những điều tốt đẹp là phương thuốc nhiệm màu giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong cuộc sống. Có niềm tin chúng ta sẽ tìm thấy sự chia sẻ, nâng đỡ và tình yêu thương giữa cuộc sống đời thường đầy khó khăn, thử thách này. Vậy nên, tôi, bạn và tất cả mọi người hãy rèn luyện cho mình ý chí, niềm tin để luôn tin rằng ở mỗi người sẽ có một mặt trời chân lý luôn tỏa sáng giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Người nói

Người nghe

Rút kinh nghiệm về bài trình bày:

+ Đã trình bày đầy đủ các nội dung chuẩn bị trong dàn ý chưa?

+ Cách thức trình bày, phong cách, thái độ, giọng điệu, ngôn ngữ,…có phù hợp không?

+ Các phương tiện hỗ trợ có hiệu quả như thế nào?

– Tự đánh giá:

+ Điều em hài lòng về bài trình bày của mình là gì?

+ Điều gì em muốn thay đổi trong bài trình bày đó?

– Kiểm tra kết quả nghe và ghi chép các nội dung thông tin đã chính xác chưa, thu hoạch được những gì,…

– Nêu nhận xét về nội dung, hình thức bài trình bày.

– Đánh giá:

+ Bài trình bày của người nói có ưu điểm và hạn chế nào rõ nhất?

+ Em rút ra được gì từ bài trình bày của người nói?

TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Soạn bài Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một tư tưởng, đạo lí Cánh diều. Mong rằng qua đây bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11 Cánh diều. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Toán 11 Cánh diều, Hóa học 11 Cánh diều.