TaiLieuViet.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết Soạn bài Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau KNTT. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.

Yêu cầu

– Nêu được vấn đề văn học có những ý kiến khác nhau.

– Phân tích được ưu điểm và nhược điểm của những ý kiến khác nhau về vấn đề.

– Trình bày được quan điểm của bản thân về vấn đề, làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa ý kiến của bản thân với các ý kiến đã có.

– Tạo được sự đồng thuận tích cực giữa bản thân với những người tham gia thảo luận.

1. Chuẩn bị thảo luận

a. Chuẩn bị nói

* Lựa chọn đề tài

Trước một tác phẩm truyện, sự đánh giá của người đọc về các khía cạnh nội dung hoặc hình thức nghệ thuật thường khác nhau. Lựa chọn một vấn đề có những ý kiến khác nhau xoay quanh một tác phẩm: Để hiểu đúng nhân vật Huấn Cao, có nhất thiết phải biết tường tận về Cao Bá Quát – một nhân vật lịch sử được Nguyễn Tuân chọn làm nguyên mẫu không?

* Tìm ý và sắp xếp ý

– Bài nói cần có các ý sau:

+ Giới thiệu về truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân)

+ Giới thiệu nhân vật Huấn Cao và nguyên mẫu Cao Bá Quát.

+ Trình bày một số quan điểm khác nhau về nhận định này.

+ Trình bày quan điểm của bản thân và đưa ra một số lí lẽ, dẫn chứng trong tác phẩm.

* Xác định từ ngữ then chốt

– Có thể sử dụng các cụm từ phù hợp với kiểu bài nói này như: xoay quanh vấn đề này, có rất nhiều cách hiểu; về vấn đề này, theo ý tôi; từ góc nhìn khác, ta có thể thấy; có thể khẳng định rằng…

b. Chuẩn bị nghe

– Tìm hiểu các thông tin cần thiết xung quanh vấn đề nêu ra để thảo luận.

– Ghi vắn tắt ý kiến của bản thân về vấn đề thảo luận.

– Sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng đi đến cách hiểu thoả đáng về vấn đề.

2. Thực hành nói và nghe

Người nói

Người nghe

– Nêu đề tài của bài nói, trình bày lí do lựa chọn đề tài.
– Trình bày các ý của bài nói (theo đề cương đã chuẩn bị).
– Tóm tắt lại nội dung chính của bài nói, đưa ra một số ý tưởng mở rộng.
Chú ý:
– Sử dụng các từ ngữ chuyển tiếp phù hợp để tạo sự liên kết chặt chẽ cho bài nói, giúp người nghe dễ theo dõi. Ví dụ: đầu tiên, tiếp theo, cuối cùng, tóm lại, thứ nhất thứ hai,…
– Sử dụng giọng nói và ngữ điệu một cách thích hợp: nhấn mạnh, lên giọng, xuống giọng khi cần thiết, …
– Sử dụng có hiệu quả các động tác cơ thể, biết giao tiếp bằng mắt với người nghe và di chuyển vị trí một cách hợp lí. Các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, biểu đồ, … (nếu có) cần được sử dụng với mức độ vừa phải, cốt để làm nổi bật vấn đề muốn nói.

– Chú ý lắng nghe bài nói của bạn.
– Nghe trên tinh thần chuẩn bị đưa ra các quan điểm của mình để đối thoại với người nói.
– Đặt câu hỏi để người nói trình bày, giải thích về những nội dung còn chưa rõ.
– Trao đổi với người nói về những điểm mà mình chưa đồng tình.

* Bài nói mẫu tham khảo:

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là…………học sinh………trường………

Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt, những đánh giá khác nhau về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó, hoặc những cách lý giải khác nhau về một nhân vật, tình tiết truyện. Đến với bài nói ngày hôm nay tôi xin chia sẻ quan điểm của tôi trước ý kiến: Để hiểu đúng nhân vật Huấn Cao, có nhất thiết phải biết tường tận về Cao Bá Quát – một nhân vật lịch sử được Nguyễn Tuân chọn làm nguyên mẫu không?.

Trước hết tôi sẽ trình bày lí do vì sao tôi lựa chọn vấn đề này. Thứ nhất, vấn đề mối quan hệ giữa nguyên mẫu và nhân vật trong tác phẩm là một trong nhiều yếu tố cần phải quan tâm khi người đọc tiếp nhận tác phẩm. Liệu có nên đồng nhất nhân vật trong tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời không? Thứ hai, Nguyễn Tuân lựa chọn Cao Bá Quát làm nguyên mẫu xây dựng nhân vật Huấn Cao, vậy sự tương đồng và khác biệt khi hư cấu một nhân vật văn học nằm ở đâu? Liệu có cần phải biết tường tận về một nhân vật lịch sử để lý giải một nhân vật văn học không? Để trả lời các câu hỏi trên, tôi xin phép trình bày một số quan điểm của cá nhân tôi.

Tác phẩm “Chữ người tử tù’ nằm trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940 của Nguyễn Tuân. Xây dựng nhân vật Huấn Cao như một hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương, Nguyễn Tuân đã gửi gắm quan điểm nghệ thuật và nhân sinh sâu sắc qua nhân vật chính này. Huấn Cao hiện lên với tài viết chữ nổi tiếng, với khí phách hiên ngang – là tử tù nhưng rất ung dung, bình thản, thái độ đầy ngạo mạn và khinh bạc trả lời viên quản ngục, luôn bình thản, ung dung chờ đợi cái chết, không chịu khuất phục trước uy quyền; với thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp – không tham quyền, hám lợi mà bán rẻ giá trị của mình, trọng nghĩa khí.

Chữ Cao trong tên của nhân vật gợi nhắc đến tên tuổi của một nhân vật có thật trong lịch sử – Cao Bá Quát, người cũng nổi tiếng với tài viết chữ đẹp. Dân gian có câu “thần Siêu thánh Quát” để ca ngợi hai con người có nét chữ xuất thần. Cao Bá Quát sống vào khoảng thế kỷ 19, là một nhà nho, nhà thơ lớn, “văn võ song toàn”; một vị quan thanh liêm, chính trực, bảo vệ quyền lợi cho dân, cũng là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, từng bị triều đình bắt giam.

Từ con người đời thực là Cao Bá đến con người trong văn học Huấn Cao là một sự sáng tạo của Nguyễn Tuân, là sự bù đắp của nghệ thuật vào phần thiếu hụt của cuộc sống. Tìm hiểu thêm về Cao Bá Quát để thấu hiểu được một thời “vang bóng”, con người “vang bóng” mà Nguyễn Tuân tôn sùng là thời đại nào. Nhưng nếu rập khuôn nguyên mẫu vào nhân vật văn học, thì rất nhiều điểm chênh sẽ hiển lộ ra. Vì thế, tôi cho rằng khi tìm hiểu về Huấn Cao, có thể tìm hiểu về Cao Bá Quát, nhưng không nên áp đặt toàn bộ những tư liệu đó vào việc lý giải nhân vật.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô về vấn đề mà tôi đang suy ngẫm, đồng thời rất sẵn lòng được cùng thảo luận những vấn đề khác mà thầy cô và các bạn đưa ra.

3. Trao đổi

– Người nghe đưa ra các nhận xét, góp ý, câu hỏi về bài nói. Người nói tiếp nhận các ý kiến này và trao đổi thêm (tán đồng, bác bỏ, trả lời câu hỏi, bàn luận mở rộng,…).

– Căn cứ vào bản ghi chép của thư ký cuộc thảo luận, đi đến kết luận một cách hiểu thống nhất về vấn đề.

– Thực hiện tự đánh giá và đánh giá về bài trình bày dựa trên các nội dung được nêu trong bảng sau:

STT

Nội dung đánh giá

Kết quả

Đạt

Chưa đạt

1

Nêu được vấn đề văn học có các ý kiến đánh giá khác nhau để thảo luận.

2

Thể hiện được quan điểm nhìn nhận về vấn đề văn học một cách rõ ràng.

3

Nắm bắt được chính xác những ý kiến đánh giá khác về vấn đề văn học.

4

Xác định được những điểm có sự đồng thuận giữa các ý kiến.

5

Gợi mở được những vấn đề mới cần tìm hiểu tiếp.

6

Tạo được không khí đối thoại thoải mái, bình đẳng.

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Soạn bài Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau KNTT. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10 KNTT. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập môn Toán 10 KNTT…