TaiLieuViet.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 119 Kết nối tri thức để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu soạn văn 11 Kết nối tri thức. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Câu 1 trang 119 SGK Ngữ văn 11 Kết nối

So sánh những vẻ đẹp của lựa chọn và hành động được thể hiện trong hai văn bản Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu)

Bài làm

Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) là con người cá nhân công danh, hưởng lạc ngoài khuôn khổ, mang nội dung yêu nước. Ở văn bản “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ, ta thấy nổi bật trong đó là tinh thần của một người với lối sống cá tính, tự do, phóng khoáng và không bị gò bó bởi những luật lệ phong kiến hà khắc. Đó là hình ảnh ngạo nghễ, tự do tự tại của tác giả khi rời chốn quan trường, tận hưởng cuộc sống bình thường đáng quý. Khi làm quan, ông là một người tài giỏi, có đóng góp lớn cho triều đình, đất nước. Khi rời chốn quan trường, ông vui vẻ hưởng thụ cuộc sống tự do, tự tại phóng túng của mình, mặc cho những luật lệ cổ hủ hà khắc và miệng lưỡi của người đời ngoài kia, ông vẫn luôn là chính mình.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu): Sự biết ơn những người đã hi sinh vì Tổ quốc, mang nội dung nhân đạo. Ở văn bản “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu: Không khí chung của văn bản này là sự tang thương của nhân dân Nam Bộ trước sự ra đi của những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đó là niềm cảm thương, tiếc nuối, xót xa cho số phận của họ. Nhưng ẩn sâu trong đó là sự ca ngợi, niềm biết ơn của những người ở lại dành cho những người nghĩa sĩ dũng cảm đã sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ cuộc sống của người dân. Chiến công đó của họ sẽ mãi là bất tử và là bức tượng đài nghệ thuật vĩ đại nhất.

Câu 2 trang 119 SGK Ngữ văn 11 Kết nối

Nêu định hướng giá trị toát lên từ các văn bản đọc trong bài. Điều gì có thể tạo nên sự kết nối giữa các văn bản, mặc dù chúng không cùng loại, thể loại, lại được viết ra trong những bối cảnh thời đại khác nhau?

Bài làm

Định hướng giá trị toát lên từ các văn bản đó là những triết lý nhân sinh, những bài học cuộc sống sâu sắc, hướng con người đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Như đối với Nguyễn Công Trứ, cuộc sống tốt đẹp là cuộc sống tự do, phóng khoáng được làm điều mình thích mà không bị gò bó bởi bất cứ điều gì. Với Nguyễn Đình Chiểu thì đó lại là một cuộc sống luôn chiến đấu, bảo vệ dân tộc, là sự biết ơn, kính trọng đối với những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc… Tất cả đều mang những giá trị nhân sinh sâu sắc mà chúng ta nên học tập theo.

Điều tạo nên sự kết nối giữa các văn bản không chỉ nằm ở thể loại, lối hành văn, thể hiện cảm xúc mà nó còn thể hiện sự gặp gỡ của những quan niệm sống đúng đắn, chuẩn mực với đạo đức của thời đại. Mặc dù họ sống ở những thời đại khác nhau, tiếp thu hệ tư tưởng khác nhau nhưng những quan niệm nhân văn về đời sống, triết lý sống vẫn luôn tồn tại trong họ.

Câu 3 trang 119 SGK Ngữ văn 11 Kết nối

Tìm đọc thêm những văn bản văn học hoặc nghị luận có đề cập chủ đề lựa chọn và hành động. Ghi chép khái quát những bài học mà bạn rút ra được cho mình từ những văn bản đó.

Bài làm

Văn bản: Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn.

Qua việc đọc văn bản, ta có thể rút ra được những bài học sau:

– Đã là người dân nước Nam thì phải đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền

– Học hỏi theo tấm gương của những bậc tiền bối

– Tác phẩm góp phần củng cố lòng yêu nước trong lòng mỗi người, như một lời nhắc nhở chúng ta phải quyết tâm giữ và dựng xây đất nước, không đam mê tửu sắc, thói hưởng lạc mà ảnh hưởng đến việc dân, việc nước.

Câu 4 trang 119 SGK Ngữ văn 11 Kết nối

Sưu tầm những bài viết về các tác phẩm nghệ thuật mà bạn yêu thích và viết về một số tác phẩm đã gây cho bạn ấn tượng sâu sắc.

Bài làm

Các bài viết: China town – Thuận, Chuyện kể năm 2000 – Bùi Ngọc Tấn, Truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) – Nguyễn Nhật Ánh.

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả: Nguyễn Trãi được người đời biết đến là một vị quan chính trực, một nhà thơ vừa là nhà văn kiệt xuất của dân tộc.

– Giới thiệu đoạn trích: “Bình ngô đại cáo” là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông và bài cáo được xem như là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc.

2. Thân bài

* Hoàn cảnh ra đời

– Thừa lệnh của chủ soái Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã viết “Bình ngô đại cáo” sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc, nước Đại Việt hoàn toàn thắng lợi

* Phân tích

– Tư tưởng nhân nghĩa:

– Chỉ rõ tội ác của kẻ thù:
Ngang nhiên hành hạ, giết hại dân lành vô tội

→ Giọng văn khi uất hận, khi sôi trào, khi sôi trào thể hiện rõ sự tố cáo, vạch trần tội ác của tác giả với quân xâm lược.

– Kể lại quá trình tất thắng của cuộc khởi nghĩa để đi đến kết luận khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.

* Đánh giá:

– Thấy được cái tài trong cách triển khai vấn đề của Nguyễn Trãi.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của tác phẩm

Bài làm

Nguyễn Trãi được người đời biết đến ngoài việc là một vị quan chính trực ông còn vừa là nhà thơ vừa là nhà văn kiệt xuất của dân tộc. “Bình ngô đại cáo” là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông, bài cáo có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam.
Thừa lệnh của chủ soái Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã viết “Bình ngô đại cáo” sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc, nước Đại Việt hoàn toàn thắng lợi nhằm tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại, báo cáo rộng rãi cho toàn thể nhân dân được biết. Với nghệ thuật chính luận hùng hồn và cảm hứng trữ tình sâu sắc, tác giả đã tố cáo tội ác tày trời của giặc Minh, đồng thời ca ngợi sức mạnh thần kì của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Mở đầu tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” khẳng định lí tưởng của cuộc kháng chiến việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Đánh giặc chính là nhân nghĩa. Tiếp theo, Nguyễn Trãi khẳng định Việt Nam là một quốc gia văn hiến từ bao đời đã sánh vai với cường quốc Trung Hoa về nhiều phương diện. Nội dung nói trên được tác giả biểu đạt bằng những câu văn sang trọng, đĩnh đạc gợi không khí trang nghiêm lịch sử.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

“Nhân nghĩa” – một tư tưởng quen thuộc, nhắc tới cách hành xử tốt đẹp giữa người với người trong quan niệm đạo đức Nho gia. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người được xây dựng trên nền tảng tình thương và đạo lí. Theo Nguyễn Trãi, trước hết muốn yên dân thì phải lo trừ bạo để cho dân được sống thanh bình, hạnh phúc. Cứu nước tức cứu dân bởi nước với dân là một. Đây chính là cái cốt lõi của nhân nghĩa. Vì vậy, nhân dân ta chiến đấu chống ngoại xâm là nhân nghĩa, là phù hợp với tư tưởng nhân nghĩa. Những yếu tố được Nguyễn Trãi đưa ra để xác định độc lập chủ quyền của dân tộc bao gồm: tên nước, nền văn hiến lâu đời, lãnh thổ, ranh giới, phong tục tập quán, lịch sử các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần. Tất cả đều là những căn cứ lịch sử không thể chối cãi.

Tiếp theo đó tác giả đã đưa ra các dẫn chứng về thực tế lịch sử:

“Vậy nên:

Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bằng Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cớ còn ghi”

Ở đoạn này, Nguyễn Trãi đã cho người đọc thấy những chiến công oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Cái hay mà Nguyễn Trãi đem lại không những khẳng định được nền độc lập dân tộc mà còn cho thấy cả quá trình để sức sống độc lập ấy tồn tại đầy mãnh liệt. Chỉ một đoạn văn nhỏ mà thấy cả dòng chảy lịch sử suốt năm trăm năm, với sáu lần đánh bại quân thù. Không còn điều gì có thể tự hào hơn, không còn điều gì có thể thay đổi chân lý đó. Những chứng cứ lịch sử năm xưa lại càng “khóa chặt” cho cơ sở lý luận về nền độc lập dân tộc, về sự chính nghĩa trong công cuộc trường chinh bảo vệ đất nước của vua tôi nhà hậu Lê.

Sau đó tác giả đã tố cáo những âm mưu, tội ác của giặc Minh:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
….
Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?”

Những hành động thật sự tàn bạo. Giặc ngoại xâm chúng ngang nhiên hành hạ, giết hại dân lành vô tội. Giọng văn khi uất hận, khi sôi trào, khi sôi trào thể hiện rõ sự tố cáo, vạch trần tội ác của tác giả với quân xâm lược. Điều đáng chú ý ở đây là khi vạch rõ âm mưu xâm lược của giặc Minh, Nguyễn Trãi đứng trên lập trường dân tộc. Khi tố cáo tội ác của giặc tác giả lại đứng trên lập trường nhân bản, nghĩa là đứng về quyền sống của người dân để tố cáo. Bởi thế, đoạn văn có thể coi là một bản cáo trạng tội ác của giặc Minh đã chứa các yếu tố của bản tuyên ngôn nhân quyền.

Đất nước ngập bóng quân thù, dân chúng sống trong cảnh lầm than, oán hận, anh hùng đã đứng lên khởi nghĩa:

“Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
….
Chính lúc quân thù đương mạnh”

Đoạn thơ đã làm nổi bật được hình ảnh chủ tướng Lê Lợi với những phẩm chất tiêu biểu nhất của người yêu nước thế kỉ XV. Tuy nhiên ta có thể thấy ở buổi đầu khởi nghĩa ta đã gặp muôn vàn khó khăn. Địa bàn dấy lên cuộc nghĩa là ở nơi Lam Sơn hẻo lánh, thế ta và thế địch lại không cân sức “Vừa khi cờ nghĩa dấy lên/ Chính lúc quân thù đương mạnh”. Không chỉ khó khăn về điều kiện chiến đấu mà ta còn thiếu nhân tài, đã vật có lúc còn bị vây, có lúc bị thương gần hết, quân lính chỉ còn lại mấy người. Nhưng không vì thế mà anh hùng bỏ cuộc, gắng sức vượt qua gian nan. Nhân dân bốn cõi một nhà, cùng nhau đoàn kết chống giặc xâm lăng. Giơ trúc làm cờ, tướng sĩ một lòng đánh giặc, thế trận xuất kỳ, sử dụng chiến thuật lấy yếu chống mạnh, đánh bất ngờ, nhanh gọn tiêu diệt địch. Qua hình tượng Lê Lợi tác giả đã khắc họa ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc của nhân dân ta. Ta dùng nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy ý chí để thắng cường bạo khiếp quân thù “nghe hơi mà mất vía”, “nín thở cầu thoát thân”. Quân ta lần lượt tiến quan, trải qua các trận đánh: Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động…

Đoạn cuối giọng văn đã chuyển sang trầm lắng, tự hào bởi đó là lời tổng kết những trang sử oai hùng của dân tộc, tuyên bố chấm dứt chiến tranh, khẳng định nền độc lập của một dân tộc thái bình. Trong lời tuyên bố tác giả đồng thời rút ra hai bài học lịch sử, đó là quy luật trời đất, quy luật suy vong hưng thịnh của mỗi quốc gia.

Có thể thấy lối văn mạch lạc, cách triển khai vấn đề rõ ràng của Nguyễn Trãi thông qua bài cáo. Qua đây Nguyễn Trãi vừa khẳng định chủ quyền của dân tộc, vừa tố cáo tội ác của giặc vừa thể hiện được niềm tự hào dân tộc trước những chiến thắng oai hùng của lịch sử.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng cho đến nay bài cáo vẫn còn nguyên vẹn những giá trị của nó. Bài cáo không chỉ là một trong ba bản tuyên ngôn độc lập của đất nước mà qua đây người đọc còn thấy được những trang sử hào hùng dân tộc và những câu chuyện xoay quanh nó.

Câu 5 trang 119 SGK Ngữ văn 11 Kết nối

Tổ chức thuyết trình trong nhóm học tập về một tác phẩm nghệ thuật đương đại đang tạo được tiếng vang trong dư luận (tác phẩm điện ảnh; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm điêu khắc, hội họa, đồ họa;…)

Bài làm

Chắc hẳn những bộ phim về chiến tranh Việt Nam không còn quá xa lạ với thầy cô và các bạn. Nhưng có một bộ phim luôn khiến em tâm đắc và day dứt khi xem mà hôm nay em muốn giới thiệu đến mọi người.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau để lại dường như còn mãi, đặc biệt đối với những người có người con, người anh, người chị của mình đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. “Mùi cỏ cháy” là một bộ phim ấn tượng nói về Việt Nam năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị – nơi biết bao người thanh niên trẻ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Bộ phim như nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả cho độc lập tự do là quá lớn.

Mùi cỏ cháy là bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh được công chiếu vào năm 2012. Bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chấp bút, dựa trên quyển Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đạo diễn phim là Nguyễn Hữu Mười – một đạo diễn tài năng và được nhiều người biết đến. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị.

Giá trị của phim không chỉ được kể đến bởi sự tỉ mỉ trong kịch bản, góc quay… mà nó đến từ nội dung đầy ý nghĩa, sâu sắc về thế hệ trẻ một thời hết lòng phụng sự cho Tổ quốc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về 4 chàng sinh viên Hà thành Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi đôi mươi, khi họ vừa mới bước chân và làm quen với môi trường đại học. Sống trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo và đứng trước lệnh tổng động viên của Chính phủ, 4 chàng thanh niên trẻ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, dấn thân vào chiến tranh và trở thành những chiến sĩ quả cảm. Tinh thần quả cảm, bất diệt đó của họ đã chiến thắng những ham muốn cuộc sống nhàn hạ, vui vẻ của tuổi đôi mươi, họ ra đi vì độc lập của Tổ quốc. Trong phim có một câu nói khiến em ấn tượng mãi đó là khi Thủ trưởng Phong hỏi bốn chàng thanh niên trẻ có thấy hối tiếc vì lựa chọn của mình không, Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”. Đó là câu trả lời chứa đựng đầy sự hồn nhiên, nhưng pha lẫn đầy khí phách của một chàng thanh niên tuổi đôi mươi nhưng thấu hiểu sự đời và hoàn cảnh của đất nước. Họ chính là đại biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, luôn mang trong mình nhiệt huyết dâng trào của tuổi trẻ, một lòng muốn phụng sự cho Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng từ bỏ tất cả và đi vào chiến trường, chiến đấu để giành lấy độc lập cho Tổ quốc. Những người thanh niên trẻ ấy từ sự hồn nhiên của tuổi trẻ, được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi chọi dế của Thăng…” Và rồi, trải qua sự rèn luyện khắc nghiệt trong quân đội và trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, họ dần trưởng thành và trở thành những chiến sĩ dũng cảm, sống vì mục tiêu cao cả hơn.

Cùng với đó là những hình ảnh về sức tàn phá của chiến tranh, chân thực đến đau lòng. Bằng cách tạo dựng bối cảnh của cuộc chiến hết sức chân thật, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã khiến người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù… Khung cảnh chiến tranh năm 1972 đó dường như đang được hiện hữu rõ ràng trước mắt người đọc, nó khiến chúng ta không khỏi xúc động, nghẹn ngào mà thậm chí là căm thù kẻ thù xâm lược, về những đau thương mà chúng gây ra cho chúng ta trong những năm tháng chiến tranh thảm khốc.

Bên cạnh đó, một chi tiết rất đắt giá vẫn được ekip làm phim thể hiện rất tài tình, đó là ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết đang cận kề ấy, đạo diễn vẫn dành cho những nhân vật của mình những giây phút bình yên suy ngẫm về gia đình, chiến tranh, tình cảm đồng chí, đồng đội… Đó là một dấu ấn mang đậm nét tình cảm của phim. Họ khẳng định dù trong hoàn cảnh sự sống luôn bị đe dọa như vậy, nhưng những tình cảm, cảm xúc chân thực của con người vẫn được thể hiện, họ vẫn tin yêu vào cuộc sống và đó chính là động lực để họ đứng đến đấu tranh và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó đều là tình cảm chân thành, sự quý mến sâu sắc.

Như vậy, qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.

—————————————

Bài tiếp theo: Soạn bài Thực hành đọc: Làm việc cũng là làm người Kết nối tri thức

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 119 Kết nối tri thức. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11 Kết nối tri thức. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.