Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành

Rừng xà nu là một trong những truyện ngắn hay thuộc chương trình Ngữ văn lớp 12, để nắm chắc nội dung truyện ngắn này, các bạn học sinh hãy tham khảo tài: Rừng xà nu để học tốt Ngữ văn lớp 12 một cách dễ dàng. TaiLieuViet.vn mời các bạn học sinh lớp 12 và thầy cô tham khảo.

Rừng xà nu

Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có cây sinh sôi nẩy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời như thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loáng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, nhưng vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…

Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.

Ba năm đi lực lượng bữa nay Tnú mới có dịp ghé về thăm làng. Thằng bé Heng gặp ở con nước lớn dẫn anh về. Ngày anh ra đi nó mới đứng ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà-lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy. Bây giờ nó mang một khẩu súng trường mát, dẫn anh đi. Vẫn là con đường cũ, qua cái nà bắp đã trồng sắn và cây pomchu, vắt lên hai cái dốc đứng sững đã được cắt ra từng bực, chui qua một rừng lách rậm ngày mưa thì vô số vắt lá, rồi đến cái làng nhỏ của anh. Nhưng nếu không có người dẫn, chắc chắn Tnú không dám đi một mình. Đường cũ nay chằng chịt hầm chông, hố chông, cứ mười phút lại gặp một giàn thò chuẩn bị sẵn, cần thò căng như dây ná, đánh một phát chắc gẫy đôi ống quyển, lưỡi thò từng đôi, từng đôi gác lên giàn, sắc lạnh. Thằng bé Heng lớn lên cũng ít nói như những người dân làng Xô-man này. Nó đội một cái mũ sụp xin được của anh giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự. Thỉnh thoảng, tới chỗ các chiến điểm, nó quay lại nhìn Tnú, cười một cái rất liếng, như bảo:

– Coi được chớ, anh Tnú?

Mắt nó loé lên một tia sáng nhỏ, lộ ý khoe khoang rõ rệt. Tnú cũng cười, gật đầu. Hiểu ý nhau, hai người lại cặm cụi đi. Tới con suối nhỏ có một khúc nứa dẫn nước từ trong lòng đá ra, thằng Heng dừng lại bảo:

– Rửa chân đi. Nhưng đừng uống nước lạnh, về chị Dít phê bình đó.

Tnú cười:

– Chị Dít là vệ sinh viên à?

Heng cãi lại:

– Không, chị Dít là bí thư chi bộ chớ. Một người làm hai việc, làm luôn cả chính trị viên xã đội nữa.

À ra vậy! Dít đã thành bí thư chi bộ xã. Thực tình, anh không hình dung được Dít bây giờ ra thế nào? Dít là em gái Mai. Ngày Mai mất và Tnú ra đi, nó còn là một cô bé không có áo mặc, đêm lạnh không ngủ, đốt lửa ngồi cho đến gà gáy rồi đi giã gạo thay chị. Tnú cầm mấy cây xà nu soi cho Dít gằn gạo. Nó gằn đủ ba mươi lon gạo trắng, đổ ruột nghé cho Tnú mang đi. Nó lầm lì, không nói gì cả, mắt ráo hoảnh trong khi mọi người, cả cụ già Mết đều khóc vì cái chết của Mai…

Heng giục:

– Tắm nước lâu lạnh, cảm sốt đó. Đi chớ, sắp tối rồi!

Tnú không lau khô đầu tóc. Anh cầm mũ đi theo Heng.

Đến chỗ sắp bước vào rừng lách, có một cây lớn ngã ngang đường phải leo qua. Cạnh đó, du kích đã đào một cái công sự dài. Hồi Tnú ra đi, cây này chưa ngã. Tnú dừng lại. Chính ở đây, anh đã gặp Mai lần đầu. Tất nhiên không phải là lần đầu hẳn, cả hai đều là người làng, họ biết nhau từ ngày mẹ còn địu trên lưng. Nhưng chính ở đây, lần đầu tiên sau khi ở tù về, Tnú gặp lại Mai, thấy Mai đã lớn hơn anh không ngờ, và Mai thì cầm hai bàn tay anh lúc ấy còn lành lặn, ứa nước mắt khóc, không phải như một đứa trẻ mà như một người con gái đã lớn, vừa xấu hổ vừa thương yêu. Kỷ niệm đó cắt vào lòng anh một nhát dao nứa. Anh trợn mắt lên, như những lúc bị tra tấn đau quá trước đây. Thằng bé Heng không biết câu chuyện đó. Leo lên thân cây rồi nó quay lại nhìn Tnú, hất hàm ra hiệu:

– Đi chớ, anh Tnú! Lâu ngày về, chân không leo nổi cái dốc này nữa?

Tnú trèo qua thân cây. Con đường đổ xuống dốc lỗ chỗ hố chông.

Mặt Tnú đanh lại. Anh lẳng lặng đi cho đến khi anh nhận ra tiếng chày dồn dập của làng anh. Bây giờ anh chợt hiểu ra rằng hình như cái mà anh nhớ nhất ở làng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm nay chính là tiếng chày đó, tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xa xưa, của Mai, của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe thấy tiếng chày ấy rồi. Tnú cố giữ bình tĩnh nhưng ngực anh vẫn đập liên hồi, chân cứ vấp mãi mấy cái rễ cây ở chỗ ngã quẹo vào làng. Anh vượt đi lên trước Heng, Heng chạy theo anh, vừa gọi:

– Chông đấy, có chông đấy, không phải như trước đâu, đi theo tui chớ…

Đến làng mặt trời chưa tắt. Thằng bé Heng tháo cây súng chống xuống đất gọi to:

– Người già ơi, có khách đấy!

Ở mỗi cửa nhà ló ra bốn, năm cái đầu ngơ ngác. Những cặp mắt tròn xoe, rồi những tiếng ré lên và những tiếng reo:

– Giàng ơi … Anh Tnú, thằng Tnú. Nó về rồi… Mày về rồi đó, hả Tnú!

Có những người không kịp bước xuống thang, nhảy phóc một cái từ trên sàn xuống đất. Những bà già – Trời ơi, bà cụ Leng còn sống kia à! – lụm khụm bò xuống thang, từng bậc từng bậc, vừa chửi:

– Con cháu! Ma bắt mày, thằng quỷ!… Mày không chờ tau chết rồi hãy về một thể có được không!

Ở các nhà vẫn còn có những cái đầu lấp ló. Các cô không chạy ra, chỉ ngồi trong nhà, cười rúc rích. Cả làng đã vây chặt quanh Tnú. Anh nhận ra tất cả. Ông già Tâng này, vẫn chòm râu quai nón đó, chỉ thêm cái ống điếu dài, gò bằng sắt máy bay trực thăng; anh Pre này, trông già hẳn đi; chị Plom này, tóc đã lốm đốm bạc; bà già Prôi này, đã rụng hết cả hai hàm răng rồi… một lũ trẻ lau nhau, đứa nào đứa ấy mặt mày lem luốc khói xà nu. Còn ông già Mết đâu rồi? Tnú định hỏi:

– Hà hà!… Đeo cả tôm-xông về à!… Anh lực lượng… Được!

Tnú hiểu ý ông cụ. Ông không bao giờ khen “Tốt! Giỏi!” Những khi vừa ý nhất, ông chỉ nói “Được”.

Lúc ông cụ Mết nói, mọi người đều im bặt. Ông nói như ra lệnh, sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ, ồ, dội vang trong lồng ngực.

– Cấp chỉ huy cho về mấy đêm?… Một đêm à, được! Cho một đêm, về một đêm, cho hai đêm, về hai đêm, phải chấp hành cho đúng. Đêm nay mày ở nhà tau.

Không ai phản đối. Ông cụ lại nói:

– Thôi ai về nhà nấy, trời hết sáng rồi, làm lửa nấu cơm được rồi đó. Lũ con nít đi tắm nước cho sạch, rửa hết khói xà nu đi, đừng có vẽ mặt như văn công đóng kịch nữa, đứa nào không sạch thì phê bình nghe chưa?… Thằng Tnú cũng đi rửa chân đi. Mày có nhớ cái máng nước ở chỗ nào không?… Nhờ à, được. Tưởng quên rồi thì tau đuổi ra rừng, không cho ở làng nữa đâu.

Nói vậy, nhưng ông cụ vẫn bảo Tnú đưa ba lô và tôm-xông cho ông, rồi thân hành dẫn anh ra tới máng nước đầu làng. Lũ trẻ con ùa theo rối rít. Có mấy cô gái Tnú nhớ mặt, nhưng không kịp nhớ ra tên, đang lấy nước vào những ống bương dài, vác ống đứng tránh ra một bên, nhường vòi nước cho anh. Vừa rửa sạch ở suối nhỏ rồi, nhưng Tnú vẫn rửa lại. Anh cởi áo ra để cho vòi nước lạnh ngắt của làng mình giội lên đầu, lên lưng, lên ngực như những ngày xưa, cũng chính chỗ vòi nước đây, trên tấm đá bằng vẹt hằn một bên vì ông cụ Mết vẫn mài dao ở đấy.

Ông cụ Mết đứng lặng nhìn tấm lưng rộng của Tnú. Những vết thương xưa vẫn còn ngang dọc trên tấm lưng ấy, đã thành sẹo tím. Từ đôi mắt ông cụ lăn ra hai giọt nước mắt lớn, ông lén trở tay chùi một cách vội vã. Tnú không kịp thấy. Còn lũ trẻ thì ngơ ngác, sửng sốt…

Từ các nhà đã quyện lên những sợi khói tím thẫm.

*

Bữa cơm tối ở nhà cụ Mết, ngoài món canh tầu môn bạc hà nấu lạt trong ống nứa, còn thêm mấy con cá chua. Đó là món đặc biệt cụ Mết đãi người đi xa về. Tnú mở ống lương khô, xúc cho ông cụ một muỗng muối. Ông cụ bảo:

– Tau cũng còn nửa lon muối của huyện thưởng con Dít; kỳ nó đi đại hội chiến sĩ thi đua, nó về chia đều cho mỗi bếp một phần. Nhưng cái đó để dành cho người đau. Còn cái mày cho thì tau ăn.

Ông cụ không nêm muối vào canh. Ông chia cho mỗi người mấy hạt, họ ăn sống từng hạt, ngậm rất lâu trong miệng để nghe chất mặn đậm đà tan dần. Cơm gạo trắng ghế rất nhiều củ pomchu. Ông cụ bưng chén cơm nói như thanh minh:

– Năm nay làng mình không đói. Gạo đủ ăn tới mùa suốt. Nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho được ba năm. Mày đi cách mạng, người chỉ huy cũng dạy mày rồi, đánh thằng Mỹ phải đánh dài.

Rồi đột ngột, ông cụ hỏi:

– Mười ngón tay mày vẫn cụt thế à? Không mọc ra được nữa à?… ừ…

Ông cụ đặt chén cơm xuống, giận dữ:

– Nhưng lành hết rồi chớ? Được. Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được. Mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy. Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!… Kìa, ăn đi chớ. Gạo người Stra mình làm ra ngon nhất rừng núi này đấy, con ạ…

… Cơm nước xong, từ phía nhà ưng có ai đấy đánh lên một hồi mõ dài ba tiếng. Dân làng lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết. Các cô gái giụi tắt đuốc ở cầu thang trước khi bước vào nhà. Cũng có người, các bà cụ, cầm cả cây đuốc còn cháy rực đi thẳng vào, soi lên mặt Tnú, nhìn đi nhìn lại thật kỹ, rồi ném bó đuốc vào bếp, lửa bốc lên, cháy giần giật. Các ông cụ thì chưa bước lên cầu thang đã nói oang oang:

– Thằng Tnú đâu rồi? Cho nó ăn no rồi chớ, ông Mết?

Có tiếng một bà già:

– Bọn đàn ông này, xê ra một chút cho con Dít nó ngồi với chớ. Dít ơi, ngồi đây con!

Tnú ngửng nhìn lên. Dít đã ngồi sụp xuống trước mặt anh, hai chân xếp về một bên, đưa tay kéo tấm váy che kín cả gót chân, Tnú bất chợt nghe một luồng lạnh rân rân ở mặt và ở ngực. Mai! Trước mắt anh là Mai đấy. Anh không ngờ Dít lớn lên lại giống Mai đến thế. Cái mũi hơi tròn của Dít ngày trước nay đã thẳng và nhỏ lại, hai hàng lông mày đậm đến che tối cả đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt. Dít nhìn Tnú bằng đôi mắt ấy rất lâu, trong khi bốn, năm đứa bé, đứa nào cũng tranh chỗ ngồi gần chị Dít. Rồi chị hỏi Tnú, giọng hơi lạnh lùng:

– Đồng chí về có giấy không?

Tnú không hiểu:

– Giấy gì?

– Giấy cấp trên cho nghỉ phép đó. Không có giấy trên cho về thì không được. Ủy ban phải bắt thôi.

Tnú cười ồ. Anh định đùa, bảo nhớ làng quá trốn về thăm làng một bữa, nhưng đôi mắt nghiêm khắc của Dít và nghe cái im lặng chờ đợi chung quanh, anh mở túi áo, lấy ra một mảnh giấy nhỏ đưa cho chị.

– Báo cáo đồng chí chính trị viên xã đội…

Dít cầm tờ giấy, soi lên ánh lửa. Hàng chục cái đầu chụm lại, mấy đứa bé lắp bắp đánh vần. Dít đọc rất lâu, đọc đi đọc lại đến ba lần. Cụ Mết hỏi:

– Đúng chớ? Nó có phép chớ?

Dít đưa trả lại cho Tnú. Bây giờ chị mới cười:

– Đúng rồi, có chữ ký người chỉ huy. Sao anh về có một đêm thôi?

Rồi chị trả lời:

– Thôi cũng được. Về một đêm cho làng thấy mặt là được rồi. Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi.

Tiếng cười nói im đi một lúc, bây giờ lại rộn lên chật cả căn nhà nhỏ.

– Có chữ ký của người chỉ huy đó nghe!

– Tốt lắm rồi!

– Một đêm thôi, mai lại đi rồi, ít quá, tiếc quá!

Tiếng ông cụ Mết ồ ồ át tất cả:

– Hà hà… được!

Ông cụ đẩy hai, ba đứa bé ra, bước tới ngồi xuống trước bếp lửa, cạnh Tnú. Ông cụ gõ ống điếu lên đầu ông táo, bẻ một que nứa nhỏ ở sạp, cẩn thận soi cho hết tàn thuốc trong ống điếu, rồi ngửng lên, nhìn quanh một lượt. Mọi người đã ngồi đâu vào đấy và lắng chờ. Ông cụ bắt đầu nói. Bên ngoài lấm tấm một trận mưa đêm, rì rào như gió nhẹ. Ông cụ không cất cao giọng, tiếng nói rất trầm:

– Ông già bà già thì biết rồi. Thanh niên có đứa biết, có đứa chưa biết rõ. Còn lũ con nít thì chưa biết – Ông cụ trừng mắt nhìn lũ trẻ, chúng nó cảm thấy cái nghiêm trang trong lời ông già, đứa nào đứa nấy ngồi im lặng thin thít, dán mắt vào miệng ông cụ Mết – Anh Tnú của chúng mày về rồi đó. – Ông cụ đặt bàn tay chắc nịch lên vai Tnú – anh Tnú mà tau đã kể cho chúng mày nghe bao nhiêu lần rồi đó. Đấy, nó đấy, nó đi giải phóng quân đánh giặc, nay nó về thăm làng một đêm, cấp trên cho nó về một đêm, có chữ ký người chỉ huy, chị bí thư coi giấy rồi. Nó đấy! Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô-man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta. Đêm nay tau kể chuyện nó cho cả làng nghe, để mừng nó về thăm làng. Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…

Tất cả đều im lặng. Chỉ có tiếng vòi nước đầu làng lạnh tanh trộn lẫn tiếng mưa đêm gõ đều lên vòm lá cây. Tnú cũng im lặng. Anh nhìn cụ Mết. ánh lửa chập chờn, soi hình ông cụ, làm cho thân hình vạm vỡ ấy trông kỳ ảo như một người anh hùng trong các bài hát dài hát suốt đêm Tnú đã nghe từ bé. Rồi anh nhìn Dít. Dít đã lớn bằng Mai, ngày anh ở tù về, gặp lại chỗ gốc cây lớn đầu rừng lách nay đã đổ xuống ngang đường và du kích đã lợi dụng làm một ác chiến điểm. Dít cũng im lặng lắng nghe, đôi mắt mở to, bình thản suy nghĩ.

– Người già chưa quên, người chết quên rồi thì để cái nhớ lại cho người sống. Hồi đó thằng Mỹ – Diệm ở khắp núi rừng này. Nó đi trong rừng như con beo. Lính của nó cầm lưỡi lê dính máu, cũng đỏ như mầu mũ đỏ của nó… Thằng Tnú còn nhỏ, mới đứng tới ngang bụng tau đây. Nó lanh như con sóc…

Ừ, người già chưa quên. Người nhỏ cũng chưa quên, Tnú cũng không quên. Anh thấy rõ rằng một đứa bé đứng tới ngang bụng cụ Mết. Nó đeo một cái xà-lét nhỏ xíu của mẹ nó để lại, trong xà-lét trên bó rau dưới giấu hai lon gạo trắng, nó luồn như một con sóc qua các hốc đá cheo leo, nó chạy lon ton trong rừng đi tìm nuôi anh cán bộ. Một đứa con gái nhỏ hơn nó hối hả chạy theo nó. Đứa con gái vén chiếc váy của mẹ mới dệt, nhảy từ mỏm đá này qua mỏm đá khác như một con chim sáo, vừa nhảy vừa gọi lanh lảnh:

– Tnú, Tnú, Tnú, chờ với chớ, chờ với chớ.

Tnú thì quay lại trợn mắt:

– Bí mật chớ, Mai. Sao đi đâu cũng tác như con mang thế!

Mai muốn cười, nhưng sợ Tnú, không dám cười…

Ừ, tất cả vẫn chưa xóa nhòa. Chưa cái gì có thể xóa nhòa. Vẫn rõ mồn một, Tnú này, cụ Mết này, anh cán bộ này.

Như vừa hôm qua đây vậy.

*

Anh cán bộ ở trong rừng lúc bấy giờ là anh Quyết. Từ ngày thằng Mỹ – Diệm tới núi rừng này, không bữa nào nó không đi lùng, không đêm nào chó của nó và súng của nó không sủa vang cả rừng. Nhưng dân làng Xô-man vẫn tự hào. Năm năm chưa hề có một cán bộ bị giặc giết hay bắt trong rừng làng này. Lúc đầu thanh niên đi nuôi và gác cho cán bộ, thằng Mỹ – Diệm biết được, nó bắt thanh niên. Nó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng.

– Ai nuôi cộng sản thì coi đó!

Rồi nó cấm thanh niên đi rừng. Bà già ông già thay thanh niên đi nuôi cán bộ. Nó lại biết được. Nó giết bà già Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng.

Sau cùng đến lũ trẻ thay ông già, bà già. Trong đám đó, hăng nhất có Tnú và Mai. Hễ Tnú đi rẫy thì Mai đi với cán bộ. Hễ Mai ở nhà giữ con Dít cho mẹ thì Tnú đi. Cũng có bữa cả hai đứa cùng đi. Chúng ở lại luôn ngoài rừng ban đêm. Để cán bộ ngủ một mình ngoài rừng ban đêm, bụng dạ không yên được. Lỡ giặc lùng, ai dẫn cán bộ chạy? Anh Quyết hỏi:

– Các em không sợ giặc bắt à? Nó giết như anh Xút, như bà Nhan đó.

– Cụ Mết nói: Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn.

Trong rừng, anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ. Anh chẻ nứa, đập giập, ghép lại thành mấy tấm bảng to bằng ba bàn tay. Ba anh em đốt khói xà nu xông bảng nứa đen kịt rồi lấy nhựa cây luông-tờ-ngheo phết lên một lớp dày, rửa nước cũng không phai được. Tnú đi ba ngày đường tới núi Ngọc Linh mang về một xà-lét đầy đá trắng làm phấn. Mai học giỏi hơn Tnú, ba tháng đọc được chữ, viết được cái ý trong bụng mình muốn, sáu tháng làm được toán hai con số. Tnú học chậm hơn, mà lại hay nổi nóng. Học tới chữ i dài, nó quên mất chữ o thêm cái móc thì đọc được là chữ a. Có lần thua Mai, nó đập bể cả cái bảng nứa trước mặt Mai và anh Quyết, bỏ ra suối ngồi một mình suốt ngày. Anh Quyết ra dỗ, nó không nói. Mai ra dỗ, nó đòi đánh Mai. Mai cũng ngồi lì đó với nó.

– Tnú không về, tui cũng không về. Về đi, anh Tnú. Mai làm cái bảng khác cho anh rồi.

Nó cầm một hòn đá, tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng. Anh Quyết phải băng lại cho nó. Đêm đó, anh ôm nó trong hốc đá. Anh rủ rỉ:

– Sau này, nếu Mỹ – Diệm giết anh, Tnú phải làm cán bộ thay anh. Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi?

Tnú giả ngủ không nghe. Nó lén chùi nước mắt giàn giụa. Sáng hôm sau, nó gọi Mai ra sau hốc đá:

– Mai nói cho tôi chữ o có móc là chữ chi đi. Còn chữ chi đứng sau đó nữa, chữ chi có cái bụng to đó.

Mai quay mặt đi, không dám cười. Nó viết một chữ có cái bụng to lên tấm bảng nó mới làm cho Tnú. Nó cố nói nhỏ nhưng giọng vẫn lanh lảnh:

– Anh nhớ giỏi lắm, chữ bê đó.

– Ừ, bê… bê… đầu tui ngu quá!

Tnú hay quên chữ, nhưng đi đường núi, thì đầu nó sáng lạ lùng. Nó liên lạc cho anh Quyết từ xã lên huyện. Không bao giờ nó đi đường mòn, nó leo lên một cây cao nhìn quanh, nhìn một lượt rồi xé rừng mà đi, lọt tất cả các vòng vây. Qua sông nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình. Nó nói:

– Qua chỗ nước êm thằng Mỹ – Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ.

Nhưng lần đó, Tnú tới một thác sông Đắc – năng, vừa cuốn cái thư của anh Quyết gửi về huyện trong một ngọn lá dong ngậm vào miệng, định vượt thác thì họng súng của giặc phục kích chĩa vào tai lạnh ngắt. Tnú chỉ kịp nuốt luôn cái thư.

Ba ngày sau, người Xô-man thấy bọn giặc trói chặt Tnú dẫn về làng.

– Đứa nào làm cộng sản, chỉ thì sống!

Dân làng đứng vây quanh Tnú. Ông cụ Mết đứng bên cạnh Tnú, Tnú chỉ đứng tới bụng ông cụ. Ông cụ nói tiếng Strá, giọng trầm vang dội:

– Tnú đừng làm xấu hổ làng Xô-man.

Tnú chỉ trả lời ông cụ bằng một cái nhìn.

Ông cụ nói:

– Được!

Lưng Tnú ngang dọc những vết dao chém.

– Cộng sản đâu chỉ ra?

Tnú nói nhỏ:

– Cởi trói đã, tay mới chỉ được.

Chúng chỉ cởi một tay. Tnú để bàn tay ấp lên bụng mình:

– Ở đây này:

Lưng Tnú thêm một vết chém nữa. Trên tấm lưng chưa rộng bằng bề ngang cái xà-lét mẹ để lại đó, ứa một giọt máu đậm, từ sáng đến chiều thì đặc quện lại, tím bầm như nhựa xà nu.

Khi chúng nó lại dẫn Tnú đi, Mai ôm nó khóc nức nở. Nó nói như giận dữ:

– Khóc chi! Đừng! Mai học phải cho giỏi. Tui chết, Mai phải làm cán bộ…

Ba năm sau, Tnú thoát ngục Công-tum trở về, lưng anh đã lành hết vết thương. Đến gốc cây to đầu rừng lách gặp Mai. Mai cầm tay anh, giàn giụa nước mắt. Còn anh thì ngạc nhiên thấy Mai đã lớn anh không ngờ. Mai dẫn anh về làng. Đêm đó dân làng cũng tụ tập ở nhà cụ Mết như đêm nay đây. Cũng như đêm nay đây…

Tiếng cụ Mết vang vọng như dội lại từ cái đêm xa xôi ấy.

– Cũng như đêm nay đây. Cũng trong nhà này đây, quanh cái bếp này đây. Trời cũng mưa nhỏ lấm tấm như thế này. Tui ngồi chỗ này, đúng chỗ này. Thằng Tnú ngồi chỗ này. Còn con Mai thì ngồi đây, chỗ con Dít ngồi bây giờ… phải không Tnú?

Phải rồi! Tất cả cũng in hệt như thế này. Cũng mưa lấm tấm đều đều trên lá vả, cũng lửa xà nu cháy giần giật, cũng máng nước đầu làng lách tách trong đêm khuya. Dân làng tụ tập tất cả đây để mừng Tnú thoát khỏi tù Công – tum trở về. Mai cũng ngồi trước mặt Tnú như vậy đấy, cũng đôi mắt có hai hàng lông mày đậm đến che tối cả tròng đen long lanh, ừ có lẽ đôi mắt đó ít trang nghiêm hơn, chất chứa nhiều thương yêu hơn, nhưng cũng bình thản như vậy, cứng rắn như vậy đó. Và lúc đó cụ Mết không kể chuyện như bây giờ. Cụ chỉ nói:

– Mai, đưa cái giấy của anh Quyết đây, Tnú đọc lên cho cả làng nghe.

Sau khi Tnú bị bắt ít lâu, anh Quyết chuyển sang huyện Bảy rồi hy sinh ở đó. Anh bị thương nặng trong một trận phục kích, đưa về trong rừng thì chết. Trước khi chết, anh gửi cho làng Xô- man thư này. Tnú cầm mảnh giấy, soi lên ánh lửa xà nu:

“Em Tnú, em Mai và đồng bào Xô- man, tui chết. Người còn sống phải chuẩn bị giáo, mác, vụ, rựa, tên, ná. Giấu kỹ trong rừng, đừng cho giặc lấy. Sẽ có ngày dùng tới.

Còn Tnú phải học cho giỏi, thay tui làm cán bộ…”

Ừ, cũng đông đủ như thế này đây. Cụ Tâng, anh Pre, chị Plom, bà Prôi, cụ Leng. Chỉ khác là còn có Mai. Tnú đọc giấy anh Quyết rồi cả làng đốt đuốc xà nu, theo cụ Mết, đi dưới mưa đêm càng khuya càng nặng hạt, vào rừng lấy giáo, mác, vụ rựa, đã giấu kỹ từ ngày được thư anh Quyết. Tnú đi ba ngày lên núi Ngọc Linh nhưng không mang về một xà-lét đá trắng làm phấn như ba năm trước. Anh mang về một gùi nặng đá mài. Núi Ngọc Linh, trên ngọn của nó, có một mỏ đá mài đủ dùng cho một trăm cuộc khởi nghĩa.

Đêm đêm làng Xô-man thức, mài vũ khí. Ban ngày thì theo cụ Mết đi phát hết các rẫy cũ, trồng phomchu và sắn, xanh mượt cả núi rừng…

Tin làng Xô- ma mài giáo đến tai bọn giặc ở đồn Đắc Hà. Giữa mùa suốt lúa, chúng kéo về một tiểu đội, vừa đúng lúc đứa con trai của Mai và Tnú ra đời. Cũng thằng chỉ huy năm trước, thằng Dục. Nó đội mũ đỏ mầu máu. Nó gầm lên:

– Lại thằng Tnú chứ không ai hết. Con cọp đó mà không giết sớm, nay nó làm loạn rừng núi này rồi.

Cụ Mết và Tnú dẫn thanh niên lánh vào rừng. Họ không đi đâu xa, chỉ luẩn quẩn ở các gốc cây, hốc đa quanh làng, bám theo giặc. Chúng nó đóng lại trong làng bốn đêm, ngọn roi của nó không từ một ai. Tiếng kêu khóc dậy cả dân làng. Thằng Dục lăm lăm khẩu súng lục:

– Đứa nào ra khỏi làng bắt được bắn chết ngay tại chỗ.

Không ai lọt ra được. Chỉ có con Dít nhỏ, lanh lẹn, cứ sẩm tối lại bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên. Tảng sáng ngày thứ tư thì chúng bắt được con bé, khi nó ở ngoài rừng về. Chúng để con bé đứng giữa sân, lên đạn tôm – xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít. Váy nó rách tượt từng mảng. Nó khóc thét lên, nhưng rồi đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái, nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng, bình thản như đôi mắt của chị bí thư bây giờ vậy.

Không làm gì được con bé, thằng Dục dùng đến ngón đòn cuối cùng. Nó bắt Mai.

– Bắt được con cọp cái và cọp con, tất sẽ dụ được cọp đực trở về.

Tnú nghe rõ câu nói đó của thằng Dục. Anh nấp ngay gốc cây cạnh máng nước đầu làng. Từ chỗ anh, nhìn thấy sân làng rõ mồn một. Hai bàn tay anh bíu chặt lấy gốc cây khi bọn lính, mười thằng, dẫn Mai ra giữa sân. Mai địu con trên lưng, thằng bé chưa đầy một tháng. Ai cũng bảo nó giống Tnú lạ lùng. Không đi Công-tum mua vải được, Tnú phải xé đôi tấm dồ của mình ra làm tấm choàng cho Mai địu con. Thằng bé nằm ở trong tấm choàng ấy ngủ say trên lưng mẹ.

Thằng Dục hỏi:

– Chồng mày ở đâu, con mọi cộng sản kia?

Mai xốc lại đứa con trên lưng, ngửng đôi mắt rất lớn nhìn thằng Dục.

– Mày câm à? Con chó cái! – Nó quát bọn lính – Đứng ỳ ra đó à?

Một thằng lính to béo nhất liếc mắt nhìn thằng Dục, cầm một cây sắt dài bước tới cạnh Mai. Nó lè lưỡi liếm quanh môi một lượt, rồi chậm rãi giơ cây sắt lên. Mai thét lên một tiếng. Chị vội tháo tấn địu, vừa kịp lật đứa con ra phía bụng lúc cây sắt giáng xuống trên lưng.

– Thằng Tnú ở đâu, hả?

Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật đứa bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập, không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hự.

Tnú bỏ gốc cây của anh. Đó là một cây vả. Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy. Một bàn tay níu anh lại. Tiếng cụ Mết nặng trịch:

– Không được. Tnú! Để tau!

Tnú gạt tay ông cụ ra. Ông cụ nhắc lại:

– Tnú!

Tnú quay lại. Ông cụ không nhìn ra Tnú nữa. Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn. Ông cụ buông vai Tnú ra.

Một tiếng thét dữ dội. Chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục tháo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Rồi Mai ôm đứa con chúi vào ngực anh. Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai.

– Đồ ăn thịt người, tau đây. Tnú đây…

Tnú không cứu sống được Mai…

– Ừ. Tnú không cứu sống được mẹ con Mai…

Tiếng ông cụ Mết vẫn trầm và nặng. Ông cụ vụng về trở tay lau một giọt nước mắt. Bỗng nhiên ông cụ nói to lên:

– Tnú không cứu được vợ được con. Tối đó Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó đứng đằng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói cho con cháu. Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo!…

Chúng nó trói chặt Tnú bằng dây rừng, khiêng ném vào góc nhà rồi kéo đi ăn thịt con heo của anh Prôi.

Tnú nằm trong góc nhà. Bóng tối dày đặc. Anh suy nghĩ, ngạc nhiên tự thấy mình rất bình thản:

“Đứa con chết rồi, Mai chắc cũng chết rồi. Tnú cũng sắp chết. Ai sẽ làm cán bộ? Đến khi có lệnh Đảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô-man đánh giặc. Cụ Mết đã già. Được, còn có bọn thanh niên. Rồi con Dít sẽ lớn lên. Con bé ấy vững hơn cả chị nó. Không sao… Chỉ tiếc cho Tnú không sống được tới ngày cầm vũ khí đứng dậy với dân làng…”

Thằng Dục không giết Tnú ngay. Nó đốt một đống lửa lớn ở nhà ưng, lùa tất cả dân làng tới, cởi trói cho Tnú, rồi nói với mọi người:

– Nghe nói chúng mày đã mài rựa, mài giáo cả rồi phải không? Được, đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây.

Nó hất hàm ra hiệu cho thằng lính to béo nhất. Chúng nó đã chuẩn bị sẵn cả. Thằng lính mở tút-se, lấy ra một chùm giẻ. Giẻ đã tẩm dầu xà-nu. Nó quấn lên mười đầu ngón tay Tnú. Rồi nó cầm lấy một cây nứa. Nhưng thằng Dục bảo:

– Để nó cho tau!

Nó giật lấy cây nứa.

Tnú không kêu lên một tiếng nào. Anh trợn mắt nhìn thằng Dục. Nó cười sằng sặc. Nó dí cây lửa lại sát mặt anh:

– Coi kỹ cái mặt thằng cộng sản muốn cầm vũ khí này xem sao nào. Số kiếp chúng mày không phải số kiếp giáo mác. Bỏ cái mộng cầm giáo mác đi, nghe không?

Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.

Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.

Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu rên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…” Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!

Tiếng cười giần giật của thằng Dục. Các cụ già chồm dậy, bọn lính gạt ra. Tiếng kêu ré của đồng bào. Tiếng chân ai rầm rập quanh nhà ưng. Ai thế?

Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng “giết”! Tiếng chân người đạp lên trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ: “Chém! Chém hết!” Cụ Mết, đúng rồi, cụ Mết, đã đứng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá Tnú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về…

Tiếng anh Prôi nói, trầm tĩnh:

– Tnú! Tnú! Tỉnh dậy chưa? Đây này, chúng tôi giết hết rồi. Cả mười đứa, đây này! Bằng giáo, bằng mác. Đây này!

Lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay Tnú. Nhưng đống lửa xà nu lớn giữa nhà vẫn đỏ, xác mười tên lính giặc ngổn ngang quanh đống lửa đỏ.

Cụ Mết chống giáo xuống sàn nhà, tiếng nói vang vang:

– Thế là bắt đầu rồi! Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông! Đốt lửa lên!

Tiếng chuông nổi lên…

Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng…

Không ai nhận thấy đêm đã khuya. Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt.

Cụ Mết ngửng nhìn mọi người. Chòm râu trên ngực ông cụ rung rung.

– Đó, tau kể đã hết. Làng Xô-man cầm giáo từ đêm đó. Tnú cũng ra đi từ đó. Lành mười ngón tay rồi nó ra đi. Lành thật, ngón nào cũng cụt một đốt, nhưng còn hai đốt cũng cầm giáo, bắn súng được. Thằng Tnú đi tìm cách mạng. Nghe nói bên kia núi Ngọc Linh cũng có thằng Dục, người bên đó nổi dậy rồi. Làng phái nó đi tìm. Nó đi từ đó đến giờ… Cha mẹ mày, đi lâu thế! Để cho lũ con gái chúng nó lớn lên chẳng còn thằng thanh niên nào cho nó bắt chồng!… Thôi, tau kể hết rồi đó. Bây giờ đến mày. Ba năm mày đi, mày đã làm xấu hổ cái làng Xô-man này những gì, kể cho bà con đây nghe nào. Mày đã làm những gì, con? Giết được mấy thằng Diệm, mấy thằng Mỹ rồi?

Tnú đứng dậy. Anh bước tới trước bếp lửa, đứng lặng hồi lâu. Biết kể gì đây. Lòng anh tràn ngập thương yêu. Anh nói:

– Cụ Mết! Đồng bào! Tôi…ừ, tôi đã gặp thằng Dục rồi…

– Thằng Dục à? Nó ở đâu?

– Nó ở đồn.

– Mày giết nó chưa?

– Giết rồi.

– Ừ, mày cho nó ăn cái đạn này chớ?

– Không.

– Sao thế?

Tnú cởi khẩu súng ở vai ra, để xuống một bên.

– Thế này. Bữa đó đánh đồn. Lính nó mình giết hết.

– Sạch à?

– Sạch. Chỉ còn thằng chỉ huy dưới hầm. Kêu nó không lên. Bỏ lựu đạn, nó có ngách. Người chỉ huy mình hỏi: Ai xuống. Tối lắm. Tôi mò thấy nó. Nó bắn. Tôi giật được súng nó. Nó vật tôi. Nhưng tôi mạnh hơn. Tôi tống đầu gối lên ngực nó. Tôi bóp đèn pin lên mặt nó: – Dục mày có nhớ tao không? Nó lắc đầu. Được, đây này, hai bàn tay tau đây này, nhớ chứ? Tau vẫn cầm được súng đây, tau có cả dao găm đây. Nhưng tau không giết mày bằng súng, tau không đâm mày bằng dao nghe chưa? Dục! Tau giết mày bằng mười đầu ngón tay cụt này thôi, tau bóp cổ mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tau bóp cổ mày thôi!

Dít hỏi bình thản:

– Chết chớ?

– Chết rồi.

– Nhưng có đúng thằng Dục không?

– Đúng chớ… Chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục.

Cụ Mết cũng đứng dậy, cụ lại đặt bàn tay nặng như sắt lên vai Tnú:

– Được! Hà hà…

Theo tiếng cười của ông cụ, tiếng cười nói xôn xao lại rộn cả căn nhà nhỏ.

Đại bác từ đồn giặc bắn vào rừng xà nu ngoài con nước lớn, nhưng chẳng ai nghe thấy, tiếng nói át cả tiếng súng.

Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Trung Thành

– Nguyễn Trung Thành bút danh khác là Nguyên Ngọc, tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932

– Quê quán: huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

– Năm 1950, ông vào bộ đội, sau đó làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V. Năm 1962, ông tình nguyện trở về chiến trường miền Nam, hoạt động ở Quảng Nam và Tây Nguyên

– Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ông tiếp tục cống hiến cho phong trào văn nghệ của nước nhà. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành hội nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ

– Tác phẩm chính: Đất nước đứng lên (tác phẩm đạt giải Nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955), Rẻo cao (1961), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (tập truyện và kí, 1969), Đất Quảng (tiểu thuyết, 1971-1974)

– Đặc điểm sáng tác: những sáng tác của ông mang những đặc sắc của mảnh đất Tây Nguyên và đậm chất sử thi.

II. Đôi nét về tác phẩm Rừng Xà Nu

1. Hoàn cảnh ra đời

Truyện ngắn Rừng xà nu được viết năm 1965 (ra mắt lần đầu tiên trê tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ số 2/1965, sau đó in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc), là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số các sáng tác của Nguyên Ngọc viết trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

2. Tóm tắt văn bản

Sau ba năm đi “lực lượng”, Tnú về thăm làng. Bé Heng gặp anh ở con nước lớn đẫn anh về. Con đường cũ, hai cái dốc, rừng lách chằng chịt hố chông, hầm chông, giàn thò sắc lạnh. Mặt trời chưa tắt thì anh về đến làng. Cụ Mết già làng và bà con dân làng reo lên mừng rỡ. Cụ Mết đưa anh về nhà ăn cơm. Từ nhà ưng vang lên một hồi, ba tiếng mõ dài, cả lũ làng cầm đuốc kéo tới nhà cụ Mết gặp Tnú. Có ông bà già. Nhiều trai tráng và lũ con gái. Đông nhất là lũ trẻ con. Có cả cô Dít, em gái Mai, nay là bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội. Ai cũng muốn ngồi gần anh Tnú. Dít thay mặt lũ làng xem giấy có chữ kí chỉ huy cho phép Tnú về thăm làng một đêm. Quanh bếp lửa rộn lên: ‘Tốt lắm rồi!” “Một đêm thôi, mai lại đi rồi, ít quá, tiếc quá”. Rồi cụ Mết kể lại cuộc đời Tnú cho lũ làng nghe. Tiếng nói rất trầm. “Anh Tnu đó, nó đi Giải phóng quân đánh giặc… Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Anh Xút bị giặc treo cổ, bà Nhan bị giặc chặt đầu, nó và em Mai đi vào rừng nuôi anh Quyết cán bộ. Anh dạy nó học chữ. Nó học chữ thì hay quên nhưng đi rừng làm liên lạc thì đầu nó sáng lạ lùng. Nó vượt thác, xé rừng mà, lọt tất cả vòng vây của giặc. Một lần Tnú vượt thác Đắc Nông thì bị giặc bắt, bị tra tấn, bị giặc đày đi Kông Tum. Ba năm sau, Tnú vượt ngục trốn về, lung đầy thương tích. Tnú đọc thư tuyệt mệnh của anh Quyết gửi cho dân làng Xô Man trước khi anh tử thương. Tnú đi bộ lên núi Ngọc Linh đem vẻ một gùi đá mài. Đêm đêm làng Xô Man thức mài vũ khí. Thằng Dục chỉ huy đồn Đắc Hà đưa lũ ác ổn về vây ráp làng. Tiếng kêu khóc vang dậy. Cụ Mết và trai tráng lánh vào rừng, bí mật bám theo giặc. Bọn giặc đã giết chết mẹ con Mai. Tay không, nhảy ra cứu vợ con, Tnú bị giặc bắt. Chúng lấy nhựa xà nu đốt cháy mười ngón tay anh. Cụ Mết và 10 thanh niên từ rừng xông ra, dùng mác, và rựa đâm chết tất cả 10 tên ác ôn. Thằng Dục ác ôn và xác lũ lính ngổn ngang quanh đống lửa xà nu trên nhà ưng. Từ đó, làng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng. Sau đó, Tnú ra đi tìm cách mạng…” Cụ Mết ngừng kể, rồi hỏi Tnú đã giết được mấy thằng Diệm, mấy thằng Mĩ rồi? Anh kể chuyện đánh đồn, xông xuống hầm ngầm dùng tay bóp chết thằng chỉ huy… thằng Dục, “đúng chớ… chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục!”. Mưa rơi nặng hạt. Không ai nhận thấy đêm đã khuya. Sáng hôm sau cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên đường. Ba người đứng nhìn những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời…

3. Bố cục (3 phần)

– Phần 1 (từ đầu đến “những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”): Hình ảnh rừng xà nu

– Phần 2 (tiếp đó đến “giội lên khắp người như ngày trước”): Câu chuyện Tnú sau ba năm đi lực lượng về thăm làng

– Phần 3 (còn lại): Câu chuyện về cuộc đời bi tráng của Tnú và câu chuyện chiến đấu của dân làng Xô Man được cụ Mết kể lại

4. Giá trị nội dung

Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đặt vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của nhân dân và đất nước mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.

5. Giá trị nghệ thuật

– Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi được thể hiện ở đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu:

+ Đề tài có ý nghĩa lịch sử: sự vùng dậy của dân làng Xô Man chống lại Mĩ Diệm

+ Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng. Rừng xà nu làm nền cho bức tranh về cuộc đấu tranh chống giặc (Cả rừng … ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng).

+ Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại.

– Kết cấu vòng tròn: mở đầu, kết thúc là hình ảnh rừng xà nu cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách

– Cách thức trần thuật: kể theo hồi tưởng qua lời kể của cụ Mết (già làng), kể bên bếp lửa gợi nhớ lối kể ” khan”- sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, những bài “khan” được kể như những bài hát dài hát suốt đêm.

III. Dàn ý phân tích Rừng Xà Nu

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Trung Thành (tiểu sử, các tác phẩm chính, đặc điểm sáng tác…)

– Giới thiệu khái quát về Rừng xà nu (hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật)

II. Thân bài

1. Hình tượng rừng xà nu

– Rừng xà nu là hình tượng xuất hiện xuyên suốt toàn bộ tác phẩm

– Rừng xà nu có mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó sâu sắc với mảnh đất Tây Nguyên:

+ Có trong mối quan hệ hằng ngày: những bếp lửa đốt bằng cây xà nu, lửa mười đầu ngón tay Tnú tẩm bằng nhựa cây xà nu, khói xà nu làm thành bảng đen cho Tnú và Mai học chữ, dân làng Xô Man sống cùng cây xà nu, hẹn hò nhau dưới bóng cây xà nu và thậm chí chết họ cũng yên nghỉ bên cạnh cây xà nu

+ Xuất hiện cả trong những sự kiện trọng đại: cụ Mết kể chuyện cho dân làng nghe, ngọn lửa cây xà nu chiếu sáng cho cả dân làng mài giáo đánh giặc,…

+ Ăn sâu vào suy nghĩ, tiềm thức của người dân Xô Man

→ Mối quan hệ rất đặc biệt, gắn bó khăng khít và trở thành một phần máu thịt của dân làng Xô Man

– Rừng xà nu như một sinh thể, chịu sự tàn phá dữ dội của chiến tranh: cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào là không bị thương, có những cây bị chặt đứt đổ ào ào như trận bão, vết thương không lành được loét mãi ra năm mười hôm thì cây chết,…

– Cây xà nu có sức sống mãnh liệt, sinh sôi, nảy nở rất nhanh và rất khỏe: “cạnh cây xà nu mới gục ngã đã có 4,5 cây con mọc lên”, “cây mẹ ngã đã có cây con mọc lên”, “nó vẫn sống đấy (…) Đố nó giết hết rừng xà nu này”

→ Hình ảnh biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ và sự nối tiếp của các thế hệ con người Tây Nguyên

– Loại cây ham ánh sáng mặt trời: “Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời tới thế (…) thơm mỡ màng”. Nó cũng giống như những con người Tây Nguyên luôn khao khát tự do và có một sức sống mãnh liệt

2. Các thế hệ anh hùng Tây Nguyên

a) Cụ Mết

– Ngoại hình: râu dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má láng bóng, ngực căng như một cây xà nu lớn

– Tính cách: cụ Mết như một cây xà nu cổ thụ, luôn yêu thương và hết mực che chở cho dân làng. Cụ Mết là biểu tượng thế hệ anh hùng đi trước, hội tụ vẻ đẹp con người Tây Nguyên – quả quyết, gan dạ, sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng.

b) Tnú

– Tnú xuất hiện qua lời kể của cụ Mết

– Tnú là một người chiến sĩ:

+ Gan góc, gan lì, thông minh, sáng dạ: khi còn nhỏ cùng Mai vào rừng tiếp tế cho anh Quyết

+ Dũng cảm và tuyệt đối trung thành với cách mạng: bị lửa đốt mười đầu ngón tay Tnú không thèm kêu van, không khai ra, bị giặc bắt, tra tấn, lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc, trung thành

+ Tính kỉ luật cao: cấp trên cho về một đêm thì Tnú về một đêm, sáng hôm sau lại đi ngay

– Tnú là người chồng, người cha hết mực yêu thương vợ, con: khi chúng kiến cảnh mẹ con Mai bị tra tấn “con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”, “Tnú nhảy xổ ra”

– Tnú là người con của buôn làng Xô Man, luôn gắn bó và đầy tình nghĩa với dân làng: xin về thăm làng một đêm, để nước suối của làng giội lên người

⇒ Tnú là người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên, là nòng cốt của cuộc kháng chiến, biết nén đau thương của cá nhân vì lợi ích của cả cộng đồng, dân tộc

c) Nhân vật Dít và bé Heng

– Dít: Là người con gái gan dạ, dũng cảm, có sức chịu đựng phi thường, biết nén đau thương để nung nấu ý chí trả thù: đem gạo vào rừng cho dân làng, giặc bắn súng dọa vẫn không khai, chị mất nhưng không khóc,…

– Bé Heng: còn nhỏ tuổi nhưng đã tham gia làm nhiệm vụ cách mạng: thông thuộc từng hố chông, từng chiến điểm để dẫn đường cho cán bộ cách mạng, cho khách đến làng. Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.

⇒ Họ là một tập thể anh hùng, là sự nối tiếp nhau qua các thê hệ, biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Tây Nguyên: giàu tình yêu thương, căm thù giặc sâu sắc, trung thành với cách mạng.

III. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

Tài liệu liên quan đến truyện ngắn Rừng xà nu

Nêu ý nghĩa hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai tác phẩm: Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình

Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Phân tích vẻ đẹp của tình mẫu tử ở hai nhân vật Mai (Rừng xà nu) và người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa)

Phân tích tính sử thi trong truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành

Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Nêu ý nghĩa hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

So sánh sự giống nhau và khác nhau cơ bản của hai tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành và “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi

Phân tích nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành

Giáo án Rừng Xà Nu

Bài giảng Rừng xà nu Ngữ văn 12