Văn mẫu lớp 12: Qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ, hãy phân tích nỗi khổ của người nông dân Tây Bắc được TaiLieuViet.vn tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Văn mẫu Phân tích nỗi khổ của người nông dân Tây Bắc qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ

1. Phân tích nỗi khổ của người nông dân Tây Bắc qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Mẫu 1

Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Một tác phẩm văn học chân chính là tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống và số phận con người trong xã hội. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài chính là bức tranh hiện thực về đời sống của người dân Tây Bắc trong hiện thực u tối của thần quyền và cường quyền.

Trong “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã cho người đọc thấy được sự tàn bạo, độc địa của bọn chúa đất và thực dân cùng nỗi thống khổ của người dân khi phải sống cuộc đời nô lệ, mất tự do. Mở đầu tác phẩm, Tô Hoài đã giới thiệu Mị thông qua sự đối lập ngang trái. Một cô gái đang ở độ xuân xanh lại ở bên những đồ vật vô tri, câm lặng. Cái giàu sang, tấp nập nhà Pá Tra đối lập hẳn với nét buồn rười rượi trên khuôn mặt Mị: “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Trước đây, Mị là thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp và cũng là một cô gái tài năng. Mị thường uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

Yêu đời và thích tự do bay nhảy là thế, nhưng vì món nợ truyền kiếp, thống lí Pá Tra đã bắt Mị về làm con dâu gạt nợ. Cuộc đời của Mị thật không khác cuộc đời của những người con gái tài hoa bạc mệnh. Khi ấy, Mị thảm thiết cầu xin cha: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Mị đã định tìm đến cái chết. Nhưng vì thương cha Mị không đành chết. Mị cắn răng chấp nhận sống cuộc đời của con trâu, con ngựa, sống về thể xác nhưng chết khô về tâm hồn. Mị là hiện thân đầy đủ cho nỗi thống khổ của người lao động vùng cao dưới sự bạo tàn của bọn phong kiến, chúa đất miền núi. Đành rằng, Mị có thể sống cuộc sống vất vả, khổ cực nhưng được tự do. Nhưng cô gái ấy lại bị đẩy vào một cuộc hôn nhân cưỡng bức, trở thành nô lệ. “Tết xong lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng có một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Mị cảm thấy thân phận mình rẻ rúng vì “con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”. Không chỉ vậy, Mị còn bị tước đoạt nhan sắc, tuổi xuân. Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, len lỏi một chút gì đó trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Căn buồng ấy cách li tâm hồn Mị với cuộc sống bên ngoài khiến Mị mất hết ý niệm về thời gian. Ngồi trong căn buồng ấy, Mị chỉ nghĩ đến cái chết mà thôi. Qua đó, ta có thể thấy Tô Hoài đã khắc họa nhân vật Mị như một điển hình cho cuộc đời người phụ nữ vùng cao. Ngoài Mị còn có một người chị dâu tuổi chưa cao nhưng lưng đã còng rạp cả xuống vì phải đeo thồ quá nặng; người đàn bà bị chồng trói trong nhà để đi chơi, đến khi chồng về thì vợ đã chết từ lúc nào, còn có những người vợ chú, vợ anh A Sử, không biết có được đi chơi hay cũng bị trói đứng như Mị thế kia, và còn bao người phụ nữ lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, cả cuộc đời chỉ biết đi sau đuôi con trâu, con ngựa nhà chồng mà thôi.

Nếu nhân vật Mị xuất hiện thông qua những nghịch đối thì A Phủ lại xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ qua cảnh đánh nhau với A Sử. “Một người to lớn chạy vụt ra vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sử. Con quay gỗ ngát lăng vào giữa mặt. Nó vừa kịp bưng tay lên, A Phủ đã xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo dập đầu, xé vai áo, đánh tới tấp”.

A Phủ là chàng trai mồ côi, nghèo khổ. Tuy vậy, anh lại là một người lao động giỏi, “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”. Hồi 10 tuổi, A Phủ đã từng bị bắt cóc và đem đổi thóc cho người Thái ở cánh đồng thấp, A Phủ không chịu mà trốn lên vùng núi cao, lưu lạc đến Hồng Ngài. Thân phận A Phủ cũng là hình ảnh tiêu biểu của một người lao động vùng cao. Anh sống một cuộc đời vất vả, nhọc nhằn, đi làm cho nhà người, hết mùa này sang mùa khác, bán sức lao động để kiếm sống.

Trong cảnh đánh nhau với A Sử, A Phủ đã kéo dập đầu A Sử xuống để đánh tới tấp khiến cho A Sử bị thương. Có thể xem đây là lời tuyên chiến của A Phủ với bất công, cường quyền. Nhưng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, cuộc đời A Phủ đi vào bi kịch từ đây. A Phủ đã phải chịu cảnh sử kiện đầy bất công dưới sự áp bức của thần quyền, cường quyền lúc bấy giờ. Từ đó, A Phủ trở thành người ở trừ nợ suốt đời suốt kiếp cho nhà thống lí. Quanh năm suốt tháng một thân một mình rong ruổi ngoài gò ngoài rừng. Do vô tình để hổ ăn thịt mất một con bò, A Phủ đã bị trói đứng trên cái cọc nhà thống lí. Dù bị thống lí Pá Tra phạt quỳ, tra tấn đánh đập suốt ngày đêm, môi và đuôi mắt dập chảy máu, A Phủ vẫn quỳ chịu đòn, im lặng như cái tượng đá, không van xin, không cúi đầu khuất phục.

Nếu Mị “ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi” thì A Phủ cũng thế, quanh năm suốt tháng chăn trâu, chăn ngựa rong ruổi một thân một mình ngoài gò cũng chẳng nghĩ đến chuyện chạy trốn làm chi. Ý thức đấu tranh và tinh thần phản kháng của đồng bào vùng cao dần dần bị tê liệt dưới sự thống trị bạo tàn của bọn phong kiến, chúa đất. Không chỉ vậy, A Phủ chưa được giác ngộ cách mạng nên chưa thể tìm thấy con đường đấu tranh, giải phóng, chưa có những người cùng khổ kết lại thành sức mạnh chống lại cường quyền. Đến cuối tác phẩm, sức sống của những con người ấy đã bùng lên mãnh liệt. Tô Hoài không chỉ xót thương, đồng cảm mà còn đưa ra cho nhân dân con đường đấu tranh.

Nam Cao từng viết: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ ngoài kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài chính là tiếng kêu đau khổ ấy, là tiếng kêu cứu của những người dân Tây Bắc cho số phận của mình. Tác phẩm được viết bằng tình yêu thương và dòng máu nóng chảy trôi trong nguồn sống nhân loại của Tô Hoài.

2. Phân tích nỗi khổ của người nông dân Tây Bắc qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Mẫu 2

Tô Hoài là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Sáng tác của ông thường đầy ắp các chất liệu của đời sống hiện thực. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về đời sống và phong tục tập quán của nhiều vùng trên đất nước ta, trong đó có vùng đất Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “Truyện Tây Bắc” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Tô Hoài viết về vùng đất này. Truyện được ra đời sau một chuyến đi kéo dài nhiều tháng khi Tô Hoài cùng bộ đội lên giải phóng Tây Bắc năm 1952. Cuộc sống, con người và phong cảnh nơi đây đã để lại trong ông nhiều tình cảm đặc biệt sâu sắc. Nó trở thành nguồn cảm hứng chủ yếu để ông viết nên truyện ngắn này.

“Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện viết về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Nó đã khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân, các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu chất tạo hình, vừa giàu chất thơ. Truyện ngắn đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Có ý kiến cho rằng: “ Qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã dựng lên một bức tranh hiện thực về đời sống của đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc, đồng thời nhà văn chỉ ra con đường giải phóng cho người lao động có cuộc đời tăm tối và số phận bi thảm”.

Đúng vậy, ý kiến đó đã phản ánh một cách chân thực về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Ý kiến “Tô Hoài đã dựng lên một bức tranh hiện thực về đời sống của đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc” chỉ là một khía cạnh nhỏ trong giá trị hiện thực của tác phẩm. Nhưng nó đã cho thấy rõ nét cái tàn bạo, độc ác của bọn chúa đất, bọn thực dân (cha con Thống lí Pá Tra). Đồng thời cũng cho thấy cái số phận, nỗi thống khổ của người dân khi phải sống dưới ách thống trị của chúng (nhân vật Mị và A Phủ).

Trước hết, đối với nhân vật Mị, mở đầu tác phẩm, tác giả đã miêu tả hình dáng người con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Một cô gái cô độc, âm thầm, gần như lẫn vào các sự vật vô tri: cái quay sợi, tảng đá, tàu ngựa, … trong khung cảnh đông đúc, tấp nập của nhà quan Thống lí. Là con dâu của một gia đình quyền thế có “nhiều nương ngô, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng”, vậy tạo sao lúc nào cô ấy cũng buồn? Tác giả đã tạo ra tình huống có vấn đề để dẫn dắt người đọc cùng tìm hiểu số phận của nhân vật Mị trong truyện.

Mị là một cô gái có nhiều thiệt thòi. Cô là con gái lớn trong một gia đình nghèo ở vùng cao Tây Bắc, mồ côi mẹ từ nhỏ, lớn lên trong vòng tay che chở của cha. Khi lớn lên, Mị trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, một bông hoa của núi rừng, đã làm say lòng bao chàng trai Tây Bắc: “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Mị có tài thổi sáo bằng lá, thổi kèn lá hay như thổi sáo, khiến cho trai làng “ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Là một cô gái toàn vẹn cả sắc lẫn tài như vậy, lẽ ra cô phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng vì nhà nghèo nên cô không được sống như mong ước. Vì món nợ từ thời cha mẹ để lại, cô bị lừa và bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà Thống lí Pá Tra. Ban đầu cô phản kháng: “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Mị đã định ăn lá ngón tự tử. Trước khi chết cô đã về lạy cha, nhưng lời kêu van thống thiết của người cha già đã khiến Mị phải nuốt nỗi cay đắng, tủi nhục vào lòng, đành quay trở lại nhà Thống lí. Thương người cha già, Mị không còn ý định tự tử nữa.

vợ chồng a phủQuãng đời của Mị sống với A Sử là những ngày vất vả, đau khổ. Cuộc sống của cô ngày càng đau khổ, ngày càng vất vả, nghiệt ngã. Mị đã trở thành nô lệ, bị chiếm đoạt sức lao động, nhan sắc và cuộc đời. Mị như một công cụ lao động cho nhà Thống lí Pá Tra. Cuộc sống của Mị gắn chặt với các sự vật vô tri. Càng ngày Mị càng ít nói “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Bây giờ Mị không nghĩ đến chuyện chết nữa vì đã quen với cái khổ rồi và cho rằng mình còn sống mà như đã chết, bởi cuộc sống chẳng còn nghĩa lý. Đời Mị cứ thế lặng lẽ trôi đi. Cái ác của bọn Thống lý đã giết chết phần tốt đẹp trong con người Mị. Mị bị đày đọa đến mức tinh thần phản kháng cũng dần tê liệt. Tiếng thở dài của cô thể hiện thái độ buông xuôi, phó mặc cho số phận. “Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa…”. Con trâu, con ngựa nhà giàu đêm còn được nghỉ, còn cô không lúc nào ngớt việc.

Bị biến thành một thứ công cụ lao động là nỗi cực nhục mà Mị phải chấp nhận và chịu đựng. Những sự ê chề của kiếp sống nô lệ chưa dừng lại ở đó, Mị còn phải chịu sự cầm tù kéo dài về tinh thần. “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay…”. Cô sống vô cảm, chai lì, không còn ý thức về khổ đau, thời gian, tình yêu, khát vọng và cuộc sống. Đã bao năm rồi, Mị không biết đến mùa xuân, không đi chơi tết. Đó là cuộc sống chết về tinh thần, sống như một cái xác không hồn ở chốn địa ngục, trần gian. Nó đã gieo vào lòng người đọc sự cảm thông, thương xót.

Sự bất công, tàn bạo của bọn chúa đất, thực dân (tiêu biểu là cha con Thống lí Pá Tra) không chỉ dừng lại ở nhân vật Mị, qua diễn biến tâm trạng Mị, sự đau khổ về thể xác và tinh thần, mà còn xuất hiện khi nhà văn Tô Hoài miêu tả nhân vật A Phủ qua các hành động.

Cũng như Mị, A Phủ có một số phận đặc biệt. Từ nhỏ đã là cậu bé mồ côi. Trận dịch đầu mùa đã cướp đi của cậu tất cả: cha mẹ, người thân, nhà cửa… A Phủ đã từng bị bắt cóc, đem xuống núi bán đổi lấy thóc của người Thái. Tuy mới 10 tuổi nhưng A Phủ không thích ở dưới cánh đồng thấp, cậu cố tìm cách trốn thoát rồi lưu lạc đến Hồng Ngài. Lớn lên giữa núi rừng, A Phủ trở thành một thanh niên khỏe mạnh, có sức sống mạnh mẽ, cách ham sống tự do, có tài năng lao động đáng quý: đục lưỡi cày, đục cuốc, cày giỏi, săn bò tót giỏi. Con gái trong làng nhiều cô mê.

Cuộc sống hoang dã cùng hoàn cảnh sống cực nhọc, vất vả đã hun đúc A Phủ trở thành một chàng trai có tính cách mạnh mẽ, gan góc, can đảm và nghĩa khí. Mùa xuân, thanh niên đi chơi quay, thổi sáo. A phủ cũng đi chơi. A Sử đến phá quấy bị A Phủ ném quay vào mặt và bị đánh tới tấp khiến cho A Sử bị thương. Hành động nhanh, dồn dập thể hiện tính cách mạnh mẽ, gan góc và khát vọng tự do quyết liệt của A Phủ.

A Phủ đã phải trả giá rất đắt cho hành động táo tợn của mình. Trận đánh ấy đã mở đầu cho một chặng đường khổ sở tột cùng trong cuộc đời A Phủ. Anh bị Thống lí Pá Tra bắt, đánh đập và phạt vạ.

Nhà văn Tô Hoài tỏ ra rất sắc sảo trong việc miêu tả con người và cuộc sống vùng cao. Cha con tên Thống lí cùng lũ tay sai là hiện thân của giai cấp thống trị tàn ác, vô nhân đạo. Cuộc xử kiện tại nhà Thống lí Pá Tra diễn ra trong khói thuốc mù mịt kéo dài suốt mấy ngày đêm. Cứ mỗi đợt chúng hút xong, A Phủ lại phải quỳ ra giữa nhà để lũ tay sai của tên Thống lí xông đến đánh. “Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút”. A Phủ bị đánh đập tàn nhẫn nhưng chỉ quỳ im như tượng đá. A Phủ phải chịu phạt 100 đồng bạc, được Pá Tra cho vay và ở lại nhà Pá Tra làm thuê trừ nợ. Hủ tục, pháp lý nằm trong tay bọn chúa đất. Đây là cảnh xử kiện quái đản, lạ lùng. Tác giả vừa tố cáo tội ác dã man của bọn Thống lí Pá Tra vừa nói lên tình cảnh khốn khổ của những người dân.

Qua giá trị hiện thực của tác phẩm (cuộc đời, số phận của nhân vật Mị và A Phủ) nhà văn Tô Hoài đã thể hiện giá trị nhân đạo sâu xa. Nhà văn đã chỉ ra con đường giải phóng cho người lao động có cuộc đời tăm tối, số phận bi thảm. Con đường ấy được thể hiện rõ nét qua diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân và hành động Mị cởi trói cho A Phủ, cùng A Phủ trốn thoát.

Là con dâu trong nhà Thống lí Pá Tra bị đày đọa, bóc lột sức lao động, cầm tù về tinh thần nhưng từ sâu trong lòng Mị vẫn ấp ủ một ngọn lửa khát vọng sống, tự do, chỉ chờ cơ hội là trỗi dậy mạnh mẽ. Sự hồi sinh của nhân vật Mị được tác giả miêu tả sâu sắc và tinh tế. Những yếu tố bên ngoài tác động vào tâm lí nhân vật như khung cảnh mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình,… đã thức tỉnh tất cả cảm xúc của Mị: căm ghét sự bất công, tàn bạo, khao khát một cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Mùa xuân đến với Hồng Ngài. Một mùa xuân hiện ra với màu sắc, âm thanh: tiếng sáo, tiếng khèn,… Cái không khí nồng nàn của mùa xuân như được tăng thêm bởi bữa rượu ngày Tết ở nhà Thống lí với tiếng chuông đánh ầm ĩ,… “Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Mị đang sống trong một trạng thái khác thường. Men rượu làm cho Mị lâng lâng say, nhưng tâm hồn cô thì từ từ thức tỉnh. Cái cách uống rượu “ực từng bát” khiến ta nghĩ như thể Mị đang cố uống cạn những cay đắng, uất hận của phần đời đã qua. Hơi men của rượu đã đưa tâm hồn Mị đi theo tiếng sáo, nó khiến cô nhớ lại những kỉ niệm đẹp của thời con gái,…

Nhớ lại quá khứ có nghĩa là Mị đã thoát ra khỏi tình trạng sống mà như đã chết. Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị nhận ra mình còn trẻ lắm và cô muốn đi chơi. Sức sống bấy lâu nay bị đè nén, giờ đây trỗi dậy mạnh mẽ, không gì ngăn nổi.

Giữa lúc khát vọng sống của Mị trỗi dậy mãnh liệt nhất thì cũng là lúc nó bị vùi dập phũ phàng nhất. A Sử trói đứng Mị vào cột nhà khiến cô không thể cúi, nghiêng đầu được. A Sử chỉ trói được thể xác của Mị, nhưng không trói được tâm hồn của Mị. “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Tâm hồn Mị vẫn đi theo tiếng sáo và quên nỗi đau thể xác. Đến khi cô muốn “vùng bước đi” thì mới biết mình đang bị trói, tay chân đau nhức, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

Nhưng vào khuya, cô lại quên ngay hiện tại và bồi hồi sống lại cùng tiếng sáo. Mị “lúc mê, lúc tỉnh” cho đến khi trời tang tảng sáng lúc nào cũng không biết. Mị bàng hoàng tỉnh và thấy im ắng, không biết có chuyện gì xảy ra nữa. Mị chợt nhớ lại câu chuyện mà người ta hay kể ở nhà Thống lí Pá Tra, ngày xưa có một người vợ chết vì bị chồng trói trong nhà ba ngày. Nghĩ thế, Mị sợ lắm. Cô còn thử cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Mị đã thức tỉnh và khao khát được sống.

Tô Hoài đã đặt sự hồi sinh của Mị bên cạnh tình huống đầy bi kịch: khát vọng sống mãnh liệt và hiện thực phũ phàng, nhưng sức sống của Mị lại càng dữ dội hơn. Nhà văn muốn khẳng định con người có sức sống mãnh liệt cho dù bị đày dọa, dẫm đạp đến thế nào.

Phản ứng của Mị chưa thể giải phóng được cuộc đời Mị, đem đến cho Mị một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Mị chỉ thực sự được giải thoát khi cô có hành động cởi trói cho A Phủ.

Từ khi đi ở trừ nợ cho nhà quan Thống lí Pá Tra, A Phủ làm “phăng phăng”, việc gì cũng làm tốt cả. Nhưng sơ ý, vì mải mê bẫy nhím nên hổ đã bắt mất một con bò. A phủ không trốn tránh trách nhiệm mà đã dũng cảm nhận lỗi và xin Pá Tra cho mượn súng để đi bắn hổ nhưng bị từ chối. Suốt mấy ngày đêm, anh bị cha con Thống lí Pá Tra trói đứng vào một cây cột trong góc nhà chờ chết. Người con trai dũng mãnh ấy đã lâm vào tình cảnh tuyệt vọng. Nhưng cuộc sống của anh chưa hẳn đã dừng lại tại đây. A Phủ đã được Mị cắt dây cởi trói và cứu thoát.

Ban đầu chứng kiến cảnh A Phủ bị trói, Mị vẫn hoàn toàn vô cảm “thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay”. Nhưng vào một đêm Mị tỉnh dậy sưởi lửa, cô nhìn thấy một dòng nước mắt chảy trên má A Phủ đen và xám lại. Lúc đó, cô mới nhận ra mình bởi cô cũng đã phải chịu đựng những khổ sở, cay đắng như thế. Cô cảm thấy thương A Phủ, cảm nhận được sự tàn ác của nhà Thống lí Pá Tra. “ Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết…”. “Chúng nó thật độc ác…”. “Người kia việc gì mà phải chết thế”. Mị nhớ lại đời mình, lại tưởng tượng cảnh A Phủ tự trốn thoát,… Nghĩ thế, “Mị cũng không thấy sợ….”. Lòng thương người đã cho cô dũng cảm để cắt dây cởi trói cho A Phủ. Ban đầu, cô sợ mình phải đứng thế vào chỗ đó và “Mị đứng lặng trong bóng tối”. Nhưng sức sống mãnh liệt đã khiến cô có đủ dũng cảm chạy theo A Phủ, trốn khỏi Hồng Ngài đến Phiềng Sa và giác ngộ cách mạng. Hành động của Mị hoàn toàn là tự phát. Cô cởi trói cho A Phủ cũng chính là giải thoát cho cuộc đời mình. Đó là quy luật tất yếu của nhận thức “tức nước vỡ bờ”.

Mị là một cô gái trẻ đẹp, bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát, phải sống triền miên trong đau khổ khiến cô dần tê liệt. Nhưng trong Mị vẫn tiềm tàng về sức sống, nó đã thức dậy và giúp cô có hành động táo bạo giải thoát cho cuộc đời mình. Cô có đời sống nội tâm âm thầm nhưng mạnh mẽ.

Qua việc miêu tả số phận và cuộc đời của nhân vật Mị và A Phủ, cách kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn; ngôn ngữ hồn nhiên, giàu hình ảnh; nghệ thuật xây dựng nhân vật, phân tích tâm lý tinh tế, miêu tả phong tục tập quán đặc sắc… Nhà văn Tô Hoài đã làm sống lại quãng đời tăm tối, tủi cực của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị dã man của bọn chúa đất, thực dân phong kiến. Đồng thời khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, không bị hủy diệt của những người dân nô lệ. Tác giả khẳng định: chỉ có sự vùng dậy của chính họ thì mới dẫn tới cuộc đời tươi sáng. Đó là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

Đôi nét về tác phẩm Vợ chồng A Phủ

1. Hoàn cảnh ra đời Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đặc sắc trong tập Truyện Tây Bắc (1953) Đó là kết quả của chuyến đi tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài mà tác giả đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào dân tộc Tây Bắc trong suốt 8 tháng của năm 1952. Tác giả đã thổ lộ “Đất nước và con người Tây Bắc đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên”.

2. Bố cục Vợ chồng A Phủ

Phần 1 (từ đầu đến “bị đánh vỡ đầu”): Cuộc sống và diễn biến tâm trạng của Mị khi ở nhà thống lí Pá Tra.

Phần 2 (tiếp đó đến “đánh nhau ở Hồng Ngài”): Hoàn cảnh của A Phủ và cuộc xử kiện ở nhà thống lí Pá Tra.

Phần 3 (còn lại): Mị cởi trói cho A Phủ và hai người chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

3. Giá trị nội dung Vợ chồng A Phủ

“Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện về những người dân lao động vùng núi cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm đã vùng lên phản kháng đi tìm cuộc sống tự do.

Truyện cũng nói lên ước mơ về một cuộc sống tự do, hạnh phúc của người dân.

4. Giá trị nghệ thuật Vợ chồng A Phủ

Nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lí: nhân vật sinh động, có cá tính đậm nét.

Nghệ thuật miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài rất đặc sắc với những nét riêng (cảnh xử kiện, không khí lễ hội mùa xuân, những trò chơi dân gian, tục cướp vợ, cảnh cắt máu ăn thề,…).

Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên miền núi với những chi tiết, hình ảnh thấm đượm chất thơ.

Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn.

Ngôn ngữ tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi.

5. Giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm

a. Giá trị hiện thực

Truyện miêu tả chân thực số phận nô lệ cực khổ của người dân lao động nghèo Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến miền núi.

Truyện phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp phong kiến thống trị ở miền núi.

Truyện đã tái hiện một cách sống động vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi Tây Bắc

b. Giá trị nhân đạo

Truyện thể hiện lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người lao động nghèo miền núi .

Phê phán quyết liệt những thế lực chà đạp con người (cường quyền và thần quyền).

Truyện khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc.

Thông qua câu chuyện, nhà văn đã chỉ ra cho người dân miền núi Tây Bắc nói riêng, những số phận khổ đau nói chung con đường tự giải thoát khỏi những bất công, con đường làm chủ vận mệnh của mình.

——————————————-

Trên đây TaiLieuViet hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ, hãy phân tích nỗi khổ của người nông dân Tây Bắc. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà TaiLieuViet đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả – Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

  • Vợ chồng A Phủ
  • Tóm tắt truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
  • Soạn bài lớp 12 Vợ chồng A Phủ
  • Phân tích truyện Vợ chồng A Phủ