Mục Lục
TogglePhân tích bài Sóng của Xuân Quỳnh
Phân tích bài Sóng của Xuân Quỳnh là bài viết hay gồm dàn ý và văn mẫu mới nhất được TaiLieuViet biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tư liệu học tập. Mời các bạn tham khảo!
Để xem các bài văn mẫu còn lại, mời các bạn truy cập vào file tải về nhé!
I. Dàn ý phân tích bài Sóng của Xuân Quỳnh
Dàn ý Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng.
2. Thân bài
a. Bốn câu thơ đầu
Tính từ trái nghĩa “dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ” thể hiện những thái cực đối lập của con sóng. Đó cũng là những tâm trạng khác nhau của người con gái trong tình yêu.
Mượn hình ảnh dòng sông không hiểu chính mình nên tìm ra biển khơi rộng lớn tìm câu trả lời để bóng gió nói về tâm tư của người con gái trong tình yêu luôn trăn trở nhiều điều và có ước muốn lớn lao là khám phá được những băn khoăn đó.
b. Khổ thơ thứ 2
Con sóng: ngàn năm vẫn thế, vẫn tính chất, đặc điểm ấy không bao giờ thay đổi.
Người con gái: khát vọng tình yêu luôn thường trực, rạo rực; bao nhiêu năm vẫn hướng về tình yêu, về người yêu.
c. Khổ thơ thứ tư
Trước biển lớn, người con gái suy tư về tình yêu của mình.
Câu hỏi tu từ: “Từ nơi nào sóng lên?” là suy nghĩ của cô gái về cội nguồn của tình yêu.
d. Khổ thơ thứ năm
Tự vấn về nguồn gốc của con sóng: sóng bắt đầu từ gió còn gió bắt đầu từ đâu thì không lí giải được.
Sự lí giải, cắt nghĩa về cội nguồn của sóng dẫn đến cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu. Tình yêu đầy bí ẩn không thể giải thích được cội nguồn của nó, thời điểm mà nó bắt đầu.
→ Cách cắt nghĩa mới mẻ, phóng khoáng.
e. Khổ thơ thứ sáu
Tâm trạng nhớ nhung da diết, khắc khoải của con sóng, dù con sóng ở bất cứ nơi nào vẫn chỉ nhớ về bờ, hướng về ngày ngày đêm đêm cho đến khi vào được đến bờ.
Người con gái luôn một lòng một dạ hướng về người mình yêu thương, nhấn mạnh nỗi nhớ triền miên luôn thường trực. Nỗi nhớ ấy theo họ cả vào trong mộng, sống trong giấc mơ của họ. Đó không chỉ là tấm lòng thủy chung sâu sắc của người con gái mà còn là khao khát tình yêu, được thể hiện yêu thương với người yêu của mình.
f. Khổ thơ thứ bảy
“Dẫu…” lặp cấu trúc khẳng định dứt khoát nỗi nhớ và niềm tin tuyệt đối vào tình yêu.
Dù cho đi đến bất cứ nơi nào thì trong lòng người con gái ấy cũng luôn hướng về người yêu vì trong tim cô người yêu là phương hướng duy nhất dẫn lối cho cô vượt qua mọi khoảng cách, mọi khó khăn.
g. Khổ thơ thứ tám
Con sóng dù ở ngoài khơi xa thế nào, dù khó khăn thế nào cũng vẫn tìm được đến bến bờ.
Người con gái dù đa sầu đa cảm, suy tư trăn trở thế nào cuối cùng rồi cũng sẽ được hạnh phúc.
h. Khổ thơ thứ chín
Người con gái ấy còn nhiều lo lắng, trăn trở: năm tháng còn rất dài, biển kia bao la đến đâu nhưng liệu có đủ sức để giữ những đám mây ở lại bên mình mãi mãi?
Người con gái dù có yêu nhiều đến đâu, có khao khát nhiều đến đâu nhưng liệu có giữ được người yêu, được tình yêu này ở lại cùng mình và vẫn vẹn nguyên như lúc đầu?
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Dàn ý phân tích bài Sóng của Xuân Quỳnh mẫu 2
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước. Bà là thi sĩ của tình thương, lòng trắc ẩn và hồn thơ nữ tính.
- Giới thiệu bài thơ Sóng: Bài thơ được sáng tác năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào. Đây là bài thơ viết về tình yêu tiêu biểu cho hồn thơ giàu chất nữ tính của Xuân Quỳnh.
II. Thân bài
1. Bản chất, quy luật của “sóng” và “em”
– Khổ 1:
+ Sử dụng nghệ thuật tương phản: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ, từ đó khái quát trạng thái đối lập của sóng, gợi liên tưởng đến tâm lí của người phụ nữ khi yêu (khi mãnh liệt khi lại dịu dàng).
+ Nghệ thuật nhân hóa: “sông không hiểu” được bản tính của sóng, nên “sóng ” muốn tìm đến không gian rộng lớn, hành trình của sóng là hành trình khám phá chính bản thân mình, khát khao vươn tới giá trị tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ.
– Khổ 2:
+ “Ôi con sóng … và ngày sau vẫn thế”: dù trong quá khứ hay hiện tại sóng luôn dạt dào, sôi nổi, luôn khát vọng. Đó cũng là khát vọng và bản tính của người phụ nữ muôn đời.
+ “Nỗi khát vọng tình yêu … ngực trẻ”: liên hệ tình yêu của tuổi trẻ với con sóng của đại dương, khát vọng tình yêu là khát vọng đặc trưng muôn đời của tuổi trẻ.
2. Những suy nghĩ trăn trở về cội nguồn tình yêu
– Khổ 3: Điệp ngữ “em nghĩ về” và câu hỏi: “Từ nơi nào sóng lên” nhấn mạnh niềm khát khao nhận thức bản thân, người mình yêu và nhận thức về tình yêu muôn đời.
– Khổ 4: Xuân Quỳnh dựa vào quy luật tự nhiên để tìm khởi nguồn của sóng, của tình yêu, gợi lên sự trăn trở trước bí ẩn của tình yêu, thời điểm bắt đầu tình tình yêu.
3. Nỗi nhớ, lòng thủy chung của người con gái trong tình yêu
– Khổ 5:
+ Nghệ thuật tương phản để gợi ra những phạm vi không gian khác nhau “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, phạm vi thời gian khác nhau: ‘”ngày” – “đêm”, nghệ thuật nhân hóa: “ngày đêm không ngủ được”, diễn tả nỗi nhớ dạt dào, triền miên của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu.
+ Người phụ nữ bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn, chân thành “Lòng em nhớ đến anh”, cách nói thậm xưng “Cả trong mơ còn thức” thể hiện nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, thường trực trong suy nghĩ.
– Khổ 6:
+ Nghệ thuật tương phản “xuôi – ngược”, điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về” gợi hành trình của sóng ngoài biển lớn cũng như hành trình tình yêu của người phụ nữ giữa cuộc đời.
+ Lời thề thủy chung của người phụ nữ, niềm tin chờ đợi trong tình yêu, dù ở đâu cũng “hướng về anh một phương”, nghĩ về người mình yêu bằng cả trái tim.
4. Khát vọng tình yêu vĩnh cửu
– Khổ 7: Khẳng định quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên “con nào chẳng tới bờ … Dù muôn vời cách trở”, cũng giống như “em”, dù khó khăn, thử thách vẫn luôn hướng đến “anh”.
– Khổ 8:
+ “Cuộc đời tuy dài thế / Năm tháng vẫn đi qua”: cảm giác cô đơn nhỏ bé trước cuộc đời, nỗi lo âu về sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô tận.
+ “Như biển kia … bay về xa”: cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Nhưng đây còn là vượt lên sự lo âu phấp phỏng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng.
– Khổ 9:
+ “Làm sao” gọi sự băn khoăn, khắc khoải, ước ao được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để muôn đời vỗ mãi vào bờ.
+ Đó là khát khao của người phụ nữ được sống trong “biển lớn tình yêu” bằng tình yêu và cùng tình yêu, khát khao hòa nhập tình yêu riêng tư trong tình yêu chung rộng lớn.
III. Kết bài
- Nêu cảm nhận về bài thơ Sóng
- Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng thành công hình tượng “sóng”ngôn từ, hình ảnh trong sáng bình dị, …
- Nội dung: qua hình tượng sóng diễn tả tình yêu thiết tha, nồng nàn của người phụ nữ, Xuân Quỳnh đã thể hiện quan niệm tình yêu mới mẻ, hiện đại: sự chủ động của người phụ nữ trong tình yêu nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.
II. Văn mẫu Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – Mẫu 1
Việt Nam là một quốc gia biển. Từ bao đời nay, người Việt ta vẫn luôn sống chung với sóng gió và biển cả qua hàng ngàn năm lịch sử. Có lẽ vì thế mà mọi hình thái của biển cả mênh mông kia đã vỗ về trái tim người nghệ sĩ qua hàng trăm tác phẩm trong bức tranh toàn cảnh của kho tàng văn học Việt Nam. Ta đã từng bắt gặp hình tượng sóng và biển là cầu nối của sự chung thủy trong tình yêu: “Chừng nào cho sóng bỏ gành/Cù lao bỏ biển, anh mới đành bỏ em”, hay đó có thể là cuộc gặp gỡ giữa hồn thơ Xuân Diệu và tiếng nói tình yêu “lặng lẽ mơ màng” suốt ngàn năm ở bên sóng, thì đến với nữ sĩ Xuân Quỳnh ta lại đắm chìm trong một hồn thơ tha thiết, nóng bỏng, đầy nữ tính được gửi gắm qua muôn ngàn lớp sóng nơi đại dương. Đó chính là “Sóng” – một “nốt nhạc xanh của thời kỳ lửa cháy”.
Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là một nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. Người yêu thơ mệnh danh chị là “Nữ hoàng của thi ca tình yêu”. Thơ của chị là tiếng nói nhân hậu, thuỷ chung, giàu trực cảm và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” được sáng tác vào năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968) trong chuyến đi thực tế của Xuân Quỳnh về vùng biển Diêm Điền – Thái Bình. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, văn học thời đại thường âm vang cảm hứng anh hùng ca, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, thì dường như sóng chỉ nói về tình yêu thuần túy, đời thường. Nhưng vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tâm hồn tình yêu của người con gái thể hiện trong bài thơ đẹp như “một bông hoa lạ nở dọc chiến hào”.
Bắt nguồn cho mạch cảm xúc dữ dội của tình yêu là hình ảnh con sóng biến hoá, vỗ liên hồi, triền miên và bất tận:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”.
Ngay từ những vần thơ đầu tiên, Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi quan sát các tính chất thực thể đối lập cùng tồn tại trong một con sóng muôn đời: vừa dữ dội, vừa dịu êm, vừa ồn ào mà lại vừa lặng lẽ. Các tính từ đối lập “dữ dội” và “dịu êm”, “lặng lẽ” và “ồn ào” đã gợi tả chính xác đặc điểm của những con sóng biển. Hai từ láy “dữ dội”, “ồn ào” miêu tả cảnh sóng lúc phong ba bão tố. Còn “dịu êm” và “lặng lẽ” là “sóng” lúc trời trong, gió thoảng. Cây bút của thơ tình Việt Nam đã thật khéo léo và tinh tế sử dụng quan hệ từ “và” trong mỗi quan hệ tương phản, đối lập, điều đó đã tạo nên sự thống nhất, hợp lý trong tâm trạng bồi của một trái tim yêu. Có lẽ, “sóng” và “em” đã hòa hợp thành một, đã quấn quýt, để hình ảnh của “sóng” là hiện thân của “em”, hiện thân cho những xúc cảm chân thành, tinh khôi và cũng thật thất thường của người con gái khi yêu. Trong tình yêu, người con gái sẽ có lúc khát khao cháy bỏng hay hờn ghen, giận dỗi. Có lúc cô gái ấy bộc lộ ra bên ngoài bằng sự cuồng nhiệt, sôi nổi, “dữ dội” và “ồn ào”. Nhưng cũng có lúc, “em” lại dịu dàng, nữ tính trong “dịu êm”, “lặng lẽ”, nồng nàn nhớ thương. Bởi lẽ:
“Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên”
Trạng thái tâm hồn đầy thất thường, nhưng cũng thật đáng yêu ấy của người con gái đã được một nhà thơ người Đức cũng diễn tả thật xác đáng:
“Em bảo anh đi đi
Sao anh không đứng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay
Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em”
Một nhà thơ Pháp cũng đã từng khẳng định: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Khi yêu người phụ nữ cũng vậy, luôn như sóng, thất thường như sóng vậy!
Trước những mâu thuẫn, con sóng “mười tám, đôi mươi” ấy cùng với những khao khát cháy bỏng, đam mê đã tự tìm kiếm chính mình:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Mở ra trước mắt người đọc là những không gian bao la tiếp nối. Ba hình ảnh sông, sóng, bể là những chi tiết có sự liên kết chặt chẽ với nhau, chúng đều xuất phát từ đại dương mênh mông. Sông và bể làm nên sự ra đời sóng, sóng chỉ thực sự là chính mình khi đi theo tiếng gọi của biển khơi thăm thẳm. Xuân Quỳnh giờ như đang hóa thân thành một nhà địa lý học, cầm trên tay chiếc bản đồ tình yêu vẽ nên hành trình của sóng. Đó là hành trình đi từ không gian chật hẹp, đến không gian bao la, mãnh liệt hơn. Và đây cũng chính là điều mà Xuân Quỳnh muốn khắc họa. Sóng là “em” nên giờ hành trình của sóng cũng là hành trình của “em”. Đó là hành trình của người con gái khi yêu, họ từ bỏ những cái nhỏ bé, tầm thường để vươn tới cái lớn lao, để tìm sự đồng cảm, để hướng tới một tình yêu bao dung, thiết thực. Xuân Quỳnh đã chứng minh cho chúng ta một quan niệm yêu, một cách yêu thật sâu sắc. Khi yêu, người phụ nữ yêu hết mình, mãnh liệt, gạt bỏ những nhỏ nhen, ràng buộc, ích kỷ, họ không chấp nhận sự tầm thường, họ vươn lên hoàn thiện và tìm về với tình yêu đời mình, nơi mà trái tim mình thuộc về. Đây là một quan niệm tình yêu tiến bộ và mạnh mẽ của người phụ nữ hiện đại. Khác với ngày xưa, thời đại của những quan điểm tình yêu cổ hủ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã cắt ngang bao mối tình duyên đẹp đẽ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)
Nỗi ám ảnh của người con gái không chỉ dừng lại ở đó, họ còn phải hứng chịu bi kịch của kiếp chung chồng:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”
Xuân Quỳnh đã đem đến một làn gió mới trong tình yêu. Người con gái giờ đây đã không còn cam chịu, nhẫn nhục nữa mà minh bạch, quyết liệt rời xa tình yêu vị kỷ, dũng cảm đi theo tiếng gọi trái tim, đến với tình yêu cao thượng, vị tha, bao dung mà Puskin năm xưa đã từng cảm nhận: “Tình yêu nâng con người thoát khỏi sự tầm thường.”
Không chỉ mãnh liệt với khát vọng khám phá tìm kiếm chính mình, sóng còn được cảm nhận như sự vĩnh hằng của thời gian:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Thán từ “ôi” đứng ở đầu khổ thơ vừa như tiếng lòng thốt lên từ nỗi thổn thức của trái tim yêu, lại vừa như một khám phá bất ngờ của nhà thơ về những bí ẩn kỳ diệu của sóng. Một lần nữa, Xuân Quỳnh đã sử dụng nghệ thuật đối lập thật tài ba: “ngày xưa”, “ngày sau”. Đây là những trạng từ chỉ thời gian vô hạn. Quan hệ từ “và” tạo nên sự liên kết giữa quá khứ và tương lai, một tình yêu không có điểm dừng chân. Dù “ngày xưa” đã đi qua, dù “ngày sau” chưa tới, ở thời gian nào, những con sóng “vẫn thế”, vẫn luôn vỗ vào bờ trong niềm khát khao, trong mối tình thủy chung, mãnh liệt. Từ láy “bồi hồi” đã thể hiện rõ những rạo rực, khát khao như đang rung lên trong lồng ngực nơi trái tim tuổi trẻ. Những từ “khát vọng”, “bồi hồi” và hình ảnh “trong ngực trẻ” đã diễn tả thật mãnh liệt một trái tim với những nhịp đập dồn dập vì khát khao, một tâm hồn đang rạo rực vì tình yêu tuổi trẻ. Xuân Diệu đã từng nói:
“Hãy để con trẻ nói cái ngon của kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”
Hay chính con sóng si tình Xuân Diệu cũng đã từng rạo rực khao khát:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em”
Tuổi trẻ, ai trong chúng ta cũng đều trải qua giai đoạn tâm lý bất thường, “sáng nắng chiều mưa” chỉ để nhận lại sự quan tâm của ai đó. Giây phút ấy chính là sự dào dạt và rạo rực của tình yêu trong lồng ngực trẻ, nó “bồi hồi”, thúc đẩy ta đi tìm một tình yêu chân chính mình thuộc về.
Blaise Pascal từng bộc bạch: “Trái tim có lý lẽ mà lý trí không biết đến”. Và người phụ nữ trong bài thơ đã qua sóng, nhờ sóng để lý giải cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên.”
Một bức tranh như hiện lên trước mắt người đọc. Ở đó có một người con gái bé nhỏ đang một mình đứng trước biển khơi rộng lớn. Trước biển cả bao la với “muôn trùng” con sóng, cô gái ấy thấy mình thật bé nhỏ với ngổn ngang những nghĩ suy về anh, về em và về tình yêu của “chúng ta”. Điệp ngữ “em nghĩ” diễn tả những thao thức, suy tư khôn cùng như một vòng tuần hoàn xoáy sâu vào tâm trí “em”. Đó là những suy tư về tình yêu về biển lớn cuộc đời. Tình yêu bắt đầu từ đâu? Em và anh đã yêu nhau từ khi nào? Có lẽ, tình yêu là thứ muôn đời chẳng thể ai cắt nghĩa nổi như Xuân Diệu từng nói : “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu…” Quá khó để cắt nghĩa thứ cảm xúc bí ẩn ấy, Xuân Quỳnh đã cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu qua quy luật rất tự nhiên của sóng biển, gió trời:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?”
Hàng loạt câu hỏi liên tiếp hiện ra, thi sĩ như dạng đối thoại với thiên nhiên, với sóng biển, gió trời. Đây là một cách cắt nghĩa về tình yêu rất Xuân Quỳnh, một cách cắt nghĩa rất nữ tính, rất trực cảm. Lý giải được ngọn nguồn của sóng thì dễ bởi “Sóng bắt đầu từ gió” nhưng để hiểu “Gió bắt đầu từ đâu” thì thi nhân lại ấp úng “Em cũng không biết nữa”. Câu thơ đem đến cho người đọc sự liên tưởng thú vị. Dường như, nhà thơ vừa lắc đầu, vừa mỉm cười bẽn lẽn như thú nhận: “Kỳ lạ thật, em không biết mình đã yêu anh khi nào!”. Tình yêu thật như một mảnh ghép bí ẩn giữa hai trái tim đồng điệu và nó là cái đích để muôn người kiếm tìm và khám phá. Có thể nói, tình yêu là một ẩn số giữa hai thế giới tâm hồn.
Tình yêu thật khó lý giải, sóng cũng không biết, em cũng không hiểu. Giờ đây. Sóng và “em” như đan quyện vào nhau để thì thầm những nỗi niềm, những tâm tư:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Nỗi nhớ trong tình yêu với được ví như một cuốn nhật ký ghi lại những cung bậc cảm xúc giữa hai trái tim cùng chung nhịp đập. Giờ đây, nỗi nhớ ấy tràn vào địa hạt thơ ca Xuân Quỳnh khiến không gian biển cả mở ra đa chiều, rộng lớn và bao la, có con sóng gầm gào trên mặt đại dương nhưng cũng có con sóng cuộn trào trong lòng biển cả. Thủ pháp điệp “con sóng” diễn tả sự điệp trùng của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau. Sóng là em, em là sóng. Cũng như sóng kia, tâm hồn em cũng vô vàn những tâm tư khó hiểu.
Có ai yêu mà không nhớ bao giờ? Có ai nhớ mà không thể nguôi? Nỗi nhớ là một cảm xúc thiêng liêng, đáng trân trọng của tình yêu. Xuân Quỳnh đã đặt từ cảm thán “ôi” xuất hiện giữa dòng thơ, tạo nên mạch nguồn cảm xúc rung động cả câu thơ. Nỗi nhớ ấy như sóng biển, không hề đứng yên mà luôn rạo rực, hướng về phía bờ cõi vĩnh hằng. Từ xưa đến nay, biển và bờ như một đôi tình nhân sánh bước bên nhau trong thơ ca, ta đã từng bắt gặp chuyện tình sóng, biển và bờ cát đầy tình thương da diết:
“Bờ ôm sóng bằng vòng tay hiền hòa
Nhưng tình biển lại bao la chan chứa
Sóng không đành buông tay quên lời hứa
Cố vùi chôn bao khát vọng tuôn trào”
Ở trong thơ của Xuân Quỳnh thì lại là nỗi niềm khôn nguôi mà sóng dành cho bờ. Xuân Quỳnh đã sáng tạo ở nghệ thuật nhân hóa “Sóng nhớ bờ”, “không ngủ được” nhằm bộc lộ tâm trạng nhớ thương, nỗi nhớ cồn cào, da diết đứng ngồi không yên, không thể nguôi ngoai. Nỗi nhớ ấy thật giống với tính chất của những con sóng, nó cuộn trào mãnh liệt và triền miên, vô tận trong tâm trí người con gái. Thật tự nhiên và thơ mộng, con sóng nhớ bờ nên ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng giống như bến đợi thuyền, thuyền nhớ bến:
“Thuyền đi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
Nỗi nhớ ấy da diết và khắc khoải khiến lòng người con gái không nguôi bồi hồi nhớ thương:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
“Còn thức” chỉ trạng thái tỉnh táo, có thể nhìn thấy rõ hình bóng anh, ánh mắt anh. Đó là một tình yêu cuồng nhiệt, say mê. Con sóng trong thơ Xuân Diệu cũng khao khát được đến bờ để được vỗ về, ve vuốt:
“Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
(Xuân Diệu)
Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hoà nhịp vào trong tình yêu với anh. Tình yêu của người con gái thật mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi. Xuân Quỳnh dùng chữ “lòng” rất tinh tế. “Lòng” là nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người. Nơi ấy chứa đựng những bí mật thẳm sâu của tình yêu và nỗi nhớ. Ấy vậy mà giờ đây, tình yêu ấy không còn là bí mật của riêng cô gái ấy nữa mà cô gái đã phơi bày hết tất cả tâm tư của mình để thể hiện trọn vẹn với người mình yêu. Vậy tại sao lại là “trong mơ còn thức”? Đây là một điểm sáng của nghệ thuật về nỗi nhớ. Tình yêu ấy khiến con người ta thay đổi giờ giấc tuần hoàn của cơ thể, khiến giấc ngủ trở nên bị xáo trộn về cả thời gian và tính chất. Thật đúng như ca dao xưa từng viết:
“Nhớ ai bồi hổi, bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”
Giờ đây, ngay cả khi “em” ngủ mà tâm trí vẫn thao thức về anh. Câu chuyện của tình yêu muôn thuở luôn khiến lòng ta bồi hồi, xao xuyến thế đấy. Xuân Quỳnh trải lòng mình ra với nỗi nhớ rồi lại ôm vào mình một niềm khát khao về một tình yêu thủy chung:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
“Xuôi Bắc”, “ngược Nam” là hai cặp phạm trù đối lập nhau. Hai chữ “xuôi”, “ngược” lại chỉ sự vận động trái chiều làm cho không gian hai miền Nam Bắc càng trở nên cách xa vời vợi. Điệp từ “dẫu” được lặp lại hai lần như khẳng định bao khó khăn, trắc trở của tình yêu. Bình thường, người ta nói ngược Bắc, xuôi Nam, Xuân Quỳnh nói ngược lại là xuôi Bắc, ngược Nam. Phải chăng tình yêu ấy đang dần biến những điều nghịch lý trở thành một chân lý mới? Hay bởi vì, cuộc đời này còn ẩn chứa nhiều ngang trái, éo le, cách trở là thế nhưng dẫu có ở nơi nào thì trái tim em vẫn luôn hướng về phương anh? Dù Bắc hay Nam, xuôi hay ngược cũng đều không có ý nghĩa gì nữa bởi giờ chỉ còn tình yêu của chúng ta là duy nhất. Câu thơ gợi liên tưởng đến câu ca dao xưa:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội, ngũ cửu thập đèo cũng qua”
Tình yêu của người phụ nữ thật vô cùng sắt son, chung thủy. Tác giả đã mượn quy luật của sóng, luôn vỗ vào bờ để khẳng định lời thề thủy chung son sắt của “em”. Dường như, trong nỗi lòng của em, dù xa xôi cách trở nhưng trong lòng em, anh vẫn là một điểm đến mà em không bao giờ thôi nhớ, thôi nghĩ về. Xuân Quỳnh như hướng trọn vẹn điểm nhìn tình yêu về phương anh:
“Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh”
Tình yêu là câu chuyện muôn thuở, dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không thể ngăn cản nó. Lúc bấy giờ, tưởng chừng những tiếng thơ yêu ấy khó có thể bộc bạch, giãi bày, thế nhưng Xuân Quỳnh không hề giấu giếm, nó chân thành mà táo bạo vô cùng, một tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ. Chính sự hóa thân này đã giúp Xuân Quỳnh diễn tả được mọi cung bậc cảm xúc của người phụ nữ trong tình yêu, phong phú mà tinh tế vô cùng. Đúng như Võ Văn Trực đã từng nói về Xuân Quỳnh rằng: “Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả tình yêu. Chị không quanh co không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ Xuân Quỳnh”.
Nếu như những khổ thơ trước nhà thơ nói về niềm vui sướng dào dạt, những nhung nhớ giận hờn thì đoạn thơ này nhà thơ lại thể hiện những băn khoăn, lo lắng. Đó cũng là trực cảm của tình yêu. Lưu Quang Vũ đã từng viết một cách tuyệt vọng:
“Hạnh phúc chỉ là điều bịa đặt
Nên tình yêu là chuyện viển vông thôi”.
Nhưng với Xuân Quỳnh, người phụ nữ ấy vẫn tha thiết yêu đời, vẫn ấp ủ hy vọng và phơi phới một niềm tin sau những đổ vỡ ấy, thật đáng khâm phục:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Ba từ “Ở ngoài kia” như thể diễn tả đôi mắt của Xuân Quỳnh đang dõi về khơi xa, nơi trăm ngàn con sóng ngày đêm không biết mỏi đang vượt qua giới hạn “muôn vời cách trở” để hướng vào bờ ôm ấp nỗi yêu thương. Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh. Tình yêu của người con gái thật mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trọn vẹn với hạnh phúc lứa đôi.
Khổ thơ còn là một chút dự cảm mong manh của nhà thơ, một chút chạnh lòng nghĩ đến những cách trở trong tình yêu. Nhưng ý thơ phấp phới một niềm tin yêu lạc quan rằng con sóng dù xa xôi nghìn trùng nhưng nhất định sẽ tới bờ, dù có biết bao cách trở. Cũng như em và anh, em sẽ sẵn sàng chạy đến bên anh, chỉ cần có sự nâng đỡ của đôi cánh tình yêu. Hình tượng sóng bỗng sáng ngời lên vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ với những khao khát về tình yêu chung thủy, một mái ấm hạnh phúc. Đây cũng chính là vẻ đẹp, là phẩm chất của cả thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ mà Xuân Quỳnh muốn gửi gắm đến bạn đọc, đó chính là niềm tin vào tình yêu giữa người với người.
Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà đã nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ này vẫn còn ấp ủ biết bao hy vọng, vẫn phơi phới một niềm tin:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Có lẽ, người con gái ấy còn quá nhiều lo lắng, trăn trở: năm tháng còn rất dài, biển kia bao la đến vậy nhưng liệu có đủ sức để giữ những đám mây ở lại bên mình mãi mãi? Trong đoạn thơ, nhà thơ đã đưa ra các phạm trù về thời gian và không gian: “cuộc đời”, “năm tháng”, “biển” và “mây”. “Năm tháng” gợi thời gian vô thủy, vô chung giữa cuộc đời hữu hạn. “Mây” gợi không gian vô tận, vô cùng giữa biển cả nhỏ bé. Trong cuộc đời dài rộng này, tương lai là một điều mà con người không thể nào tiên đoán được. Có khi nào tình yêu của con người dù chân thành, mãnh liệt nhiều khi không vượt nổi thời gian, sẽ phai tàn và biến mất theo năm tháng? Nhưng, nữ sĩ ấy vẫn luôn có niềm tin vào tình yêu của mình, vào sự lựa chọn con đường mà mình đang và sẽ đi. Bài thơ được kết thúc ở điểm đỉnh của niềm khao khát tột độ:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
“Làm sao được tan ra” là một câu hỏi tu từ. Cụm từ “làm sao” chỉ những suy tư băn khoăn, trăn trở của thi sĩ. Trạng thái “tan ra” cho thấy khao khát cháy bỏng, mãnh liệt của Xuân Quỳnh. Những từ “biển lớn”, “ngàn năm” diễn tả những khái niệm không gian, thời gian rộng lớn, vô cùng đã thể hiện khát vọng vừa nồng nàn, thiết tha vừa cao cả, thiết tha. Sự chuyển hóa liên tục giữa hai hình tượng “Sóng” và “em” làm cho mạch cảm xúc càng thêm trữ tình.
Cuộc đời là biển lớn tình yêu, biển sẽ không thể là trở thành một thể thống nhất nếu không có trăm con sóng hình thành nên. Trong quan niệm của nhà thơ, cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng. Ta có thể thấy được những tâm tư, tình cảm chân thật nhất của nữ thi sĩ, rằng Xuân Quỳnh muốn đem tình yêu của mình vào tình yêu lớn của đất nước, để có thể cống hiến những điều đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất. Chỉ khi có sự hòa nhập và sẵn sàng dâng hiến, hi sinh, sống hết mình cho tình yêu thì tình yêu đó mới trường tồn vĩnh hằng với thời gian.
Đặt bài thơ trong hoàn cảnh năm 1968 khi đất nước đang có chiến tranh ta cảm nhận thấm thía và sâu sắc về tình yêu và những khát vọng của những con người trong thời đại ấy. Đó chính là sự hy sinh tình yêu cá nhân mình để trăm con sóng tình yêu ấy hòa vào biển lớn tình yêu của đất nước, của trách nhiệm cao cả. Sự hiến dâng ấy cũng như tâm nguyện của nhà thơ Thanh Hải khi sắp tạm biệt cõi đời:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Tình yêu đã chuyển hóa thành khát vọng, một khát vọng sôi sục mà vẫn khiêm nhường, đầy nữ tính. Đúng thật là “Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên sóng. Chỉ biết rằng chị sinh ra là để dành cho thơ. Dù đầu đời, vốn học vấn còn chưa cao, nhưng hồn thơ ở người con gái đất La Khê – Hà Đông ấy đã luôn dồi dào và dạt dào sức sống” (Chu Văn Sơn).
Hình tượng “sóng” và “em” đã sánh đôi và hòa quyện vào nhau xuyên suốt mạch cảm xúc bài thơ. Qua đó, chúng ta cảm nhận được sức sống và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy chủ động, mạnh bạo bày tỏ những khát khao và rung động rạo rực của lòng mình trong tình yêu. Đó là một nét rất mới mẻ, thậm chí “hiện đại” trong thơ ca.
Xuân Quỳnh đã tìm được một cách nói riêng để bộc lộ tình yêu, những rung động của lòng mình qua thể thơ ngũ ngôn quen thuộc và ngôn ngữ dung dị và tinh tế. Tác giả cũng thật linh hoạt trong cách dùng từ với sự xuất hiện của nhiều cặp từ trái nghĩa, những tính từ biểu cảm, những điệp từ, điệp ngữ chạy dọc suốt bài thơ, cùng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, so sánh đã góp phần biểu hiện rất rõ một trái tim nồng nàn, đa cảm. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh, tiếng nói tâm hồn của một người phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.
Tố Hữu đã từng nói: “Bài thơ hay làm cho người ta không còn thấy câu thơ. Chỉ còn cảm thấy tình người. Quên rằng đó là tiếng nói của ai, người ta thấy nó như tiếng ca từ trong lòng mình, như là của mình”. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã thổi vào nền thơ ca nước nhà một làn gió mới đầy duyên dáng và chất riêng của người phụ nữ qua tiếng sóng lòng trào dâng tha thiết, tiêu biểu cho những tính cách riêng và khao khát được yêu của người phụ nữ Việt Nam:
“”Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nắng cũng cho thơ…”
Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo!
Related posts
Tài liệu nổi bật
Categories
- Âm Nhạc – Mỹ Thuật Lớp 9 (17)
- Âm nhạc lớp 6 – KNTT (31)
- Âm Nhạc Lớp 7- CTST (23)
- Bài tập Toán 9 (8)
- Chưa phân loại (32)
- Chuyên đề Hóa học 12 (196)
- Chuyên đề Sinh học lớp 12 (61)
- Chuyên đề Toán 9 (50)
- Công Nghệ Lớp 10- CD (58)
- Công Nghệ Lớp 10- KNTT (52)
- Công nghệ Lớp 11 – KNTT (22)
- Công Nghệ Lớp 6 – CTST (15)
- Công Nghệ Lớp 6 – KNTT (16)
- Công Nghệ Lớp 7- CTST (18)
- Công Nghệ Lớp 7- KNTT (19)
- Công nghệ Lớp 8 – CD (21)
- Công nghệ Lớp 8 – CTST (18)
- Công nghệ Lớp 8 – KNTT (7)
- Công Nghệ Lớp 9 (114)
- Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Văn (35)
- Địa Lí Lớp 10- CD (99)
- Địa Lí Lớp 10- KNTT (77)
- Địa lí Lớp 11 – CD (31)
- Địa lí Lớp 11 – CTST (23)
- Địa lí Lớp 11 – KNTT (19)
- Địa Lí Lớp 12 (134)
- Địa lí Lớp 6 – CTST (36)
- Địa lí Lớp 6 – KNTT (30)
- Địa Lí Lớp 7- CTST (22)
- Địa Lí Lớp 7- KNTT (19)
- Địa Lí Lớp 9 (290)
- GDCD 12 (28)
- GDCD Lớp 6 – CTST (8)
- GDCD Lớp 6 – KNTT (12)
- GDCD Lớp 9 (94)
- Giải bài tập Địa Lí 12 (12)
- Giải bài tập SGK Toán 12 (8)
- Giải bài tập Sinh học 12 (45)
- Giải SBT Hóa học 12 (71)
- Giải vở BT Văn 9 (122)
- Giáo Dục Công Dân Lớp 7- CTST (12)
- Giáo Dục Công Dân Lớp 7- KNTT (10)
- Giáo dục công dân Lớp 8 – CD (10)
- Giáo dục công dân Lớp 8 – CTST (10)
- Giáo dục công dân Lớp 8 – KNTT (10)
- Giáo Dục Quốc Phòng Lớp 10- CD (12)
- Giáo Dục Quốc Phòng Lớp 10- KNTT (12)
- Hóa Học Lớp 10- CD (30)
- Hóa Học Lớp 10- KNTT (61)
- Hoá Học Lớp 11 – CD (19)
- Hoá học Lớp 11 – CTST (19)
- Hoá học Lớp 11 – KNTT (25)
- Hóa Học Lớp 12 (130)
- Hóa Học Lớp 9 (717)
- Hoạt Động Trải Nghiệm Lớp 10- KNTT (52)
- Hoạt Động Trải Nghiệm Lớp 7- CTST (40)
- Hoạt Động Trải Nghiệm Lớp 7- KNTT (16)
- Hoạt động trải nghiệm Lớp 8 – CD (19)
- Hoạt động trải nghiệm Lớp 8 – CTST (9)
- Hoạt động trải nghiệm Lớp 8 – KNTT (18)
- Khoa học tự nhiên Lớp 6 – CTST (46)
- Khoa học tự nhiên Lớp 6 – KNTT (57)
- Khoa Học Tự Nhiên Lớp 7- CTST (51)
- Khoa học tự nhiên Lớp 8 – CD (51)
- Khoa học tự nhiên Lớp 8 – CTST (33)
- Khoa học tự nhiên Lớp 8 – KNTT (37)
- Kinh Tế & Pháp Luật Lớp 10 – CD (21)
- Kinh tế & Pháp luật Lớp 11 – CD (21)
- Kinh tế & Pháp luật Lớp 11 – CTST (11)
- Kinh tế & Pháp luật Lớp 11 – KNTT (11)
- Lịch Sử Lớp 10- CD (34)
- Lịch Sử Lớp 10- CTST (20)
- Lịch Sử Lớp 10- KNTT (42)
- Lịch sử Lớp 11 – CTST (13)
- Lịch sử Lớp 11 – KNTT (13)
- Lịch sử Lớp 6 – CTST (21)
- Lịch sử Lớp 6 – KNTT (22)
- Lịch Sử Lớp 7- CTST (19)
- Lịch sử lớp 7- KNTT (18)
- Lịch Sử Lớp 9 (148)
- Lịch sử và Địa lí Lớp 8 – CTST (40)
- Lịch sử và Địa lí Lớp 8 – KNTT (33)
- Lý thuyết Địa lý 12 (4)
- Lý thuyết Lịch sử lớp 9 (33)
- Lý thuyết Ngữ Văn (83)
- Lý thuyết Ngữ Văn 12 (18)
- Lý thuyết Sinh học 12 (41)
- Mở bài – Kết bài hay (55)
- Mở bài lớp 12 hay (24)
- Nghị luận xã hội (34)
- Ngữ Văn Lớp 10- CD (113)
- Ngữ Văn Lớp 10- CTST (79)
- Ngữ Văn Lớp 10- KNTT (198)
- Ngữ Văn Lớp 11 – CD (51)
- Ngữ văn Lớp 11 – CTST (89)
- Ngữ Văn Lớp 11 – KNTT (107)
- Ngữ Văn Lớp 12 (379)
- Ngữ Văn Lớp 6 – KNTT (293)
- Ngữ Văn Lớp 7- CTST (103)
- Ngữ Văn Lớp 7- KNTT (66)
- Ngữ văn Lớp 8 – CD (48)
- Ngữ văn Lớp 8 – CTST (123)
- Ngữ văn Lớp 8 – KNTT (196)
- Ngữ Văn Lớp 9 (28)
- Phân tích các tác phẩm lớp 12 (12)
- Sinh Học Lớp 10- CD (49)
- Sinh Học Lớp 10- CTST (61)
- Sinh Học Lớp 10- KNTT (71)
- Sinh Học Lớp 11 – CD (16)
- Sinh học Lớp 11 – CTST (18)
- Sinh học Lớp 11 – KNTT (18)
- Sinh Học Lớp 9 (229)
- Soạn Anh 12 mới (86)
- Soạn văn 9 (50)
- SOẠN VĂN 9 BÀI 1 (50)
- SOẠN VĂN 9 BÀI 2 (50)
- Tác giả – Tác phẩm (41)
- Tác giả – Tác phẩm Ngữ Văn 12 (13)
- Thi THPT QG môn Địa lý (12)
- Thi THPT QG môn Sinh (8)
- Tiếng Anh Lớp 10 Friends Global (57)
- Tiếng Anh Lớp 10 Global Success (604)
- Tiếng Anh Lớp 10 iLearn Smart World (98)
- Tiếng anh Lớp 11 Friends Global (171)
- Tiếng anh Lớp 11 Global Success (368)
- Tiếng anh Lớp 11 iLearn Smart World (104)
- Tiếng Anh Lớp 12 cũ (168)
- Tiếng Anh Lớp 6 Friends Plus (114)
- Tiếng Anh Lớp 6 Global Success (174)
- Tiếng Anh Lớp 7 Friends Plus (160)
- Tiếng Anh Lớp 8 Friends plus (71)
- Tiếng anh Lớp 8 Global Success (79)
- Tiếng anh Lớp 8 iLearn Smart World (40)
- Tiếng Anh Lớp 9 Mới (211)
- Tin Học Lớp 10- CD (24)
- Tin Học Lớp 10- KNTT (33)
- Tin học Lớp 11 – KNTT (21)
- Tin Học Lớp 6 – CTST (41)
- Tin Học Lớp 6- KNTT (17)
- Tin Học Lớp 7- CTST (14)
- Tin Học Lớp 7- KNTT (16)
- Tin học Lớp 8 – CD (36)
- Tin học Lớp 8 – CTST (10)
- Tin học Lớp 8 – KNTT (5)
- Tin Học Lớp 9 (21)
- Toán 10 sách Chân trời sáng tạo (42)
- Toán Lớp 1 – KNTT (1)
- Toán Lớp 10- CD (44)
- Toán Lớp 10- CTST (39)
- Toán Lớp 10- KNTT (161)
- Toán Lớp 11 – CD (19)
- Toán Lớp 11 – CTST (44)
- Toán Lớp 11 – KNTT (46)
- Toán Lớp 12 (123)
- Toán Lớp 6 – CTST (62)
- Toán Lớp 6 – KNTT (102)
- Toán Lớp 7- CTST (52)
- Toán Lớp 7- KNTT (74)
- Toán Lớp 8 – CD (23)
- Toán Lớp 8 – CTST (21)
- Toán Lớp 8 – KNTT (34)
- Toán Lớp 9 (194)
- Tóm tắt Ngữ văn (16)
- Trắc nghiệm Ngữ Văn (75)
- Trắc nghiệm Toán 9 (61)
- Trải nghiệm hướng nghiệp Lớp 11 – KNTT (8)
- Văn mẫu 12 phân tích chuyên sâu (12)
- Văn mẫu 9 (273)
- Vật Lí Lớp 10- CD (39)
- Vật Lí Lớp 10- KNTT (61)
- Vật Lí Lớp 11 – CD (18)
- Vật lí Lớp 11 – CTST (20)
- Vật lí Lớp 11 – KNTT (26)
- Vật Lý Lớp 9 (217)