Phân tích “Prô – mê – tê bị xiềng”

Phân tích ” Prô – mê – tê bị xiềng” là tài liệu học tập mới nhất được TaiLieuViet biên soạn chi tiết nhằm giúp các bạn học sinh lớp 11 học tập tốt môn Ngữ văn. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Ét – sin là nhà soạn kịch người Hy Lạp, có đóng góp lớn trong việc phát triển nền bi kịch cổ đại. Vở kịch “Prô – mê – tê bị xiềng” là một trong bảy tác phẩm còn sót lại của ông. Tác phẩm được khai thác từ thần thoại Hy Lạp, chứa đựng những thông điệp sâu sắc.

Trong thần thoại, Prô – mê – tê vốn là vị thần có công với loài người, luôn thương yêu con người và nhiều lần lén lút giúp đỡ con người đằng sau lưng Dớt. Đoạn trích “Prô – mê – tê bị xiềng” kể về sự việc Prô – mê – tê bị Dớt đóng đinh trên đỉnh núi, để một con diều hâu ngày đêm moi gan. Đoạn trích gồm phần đầu là lời của nhạc trưởng và còn lại là lời thoại của nhân vật Prô – mê – tê. Trước câu hỏi: “Vì lí do nào bị Thần Vương giam giữ/Và đối xử khắt khe tàn ác, đê hèn”, Prô – mê – tê đã lên tiếng kể lại quá trình là một vị thần của mình:

Quả thực với ta, chỉ nhắc tới đã là chua xót!

Mà lặng đi càng nặng nỗi đau thương.

Cả hai bên đều xao xuyến bàng hoàng

Từ các thần linh buông mình trong oán hận

Và giữa họ sự bất hoà xảy đến

Kẻ muốn đẩy Crô-nốt đi rời khỏi ngôi trời

Hòng chuyển cả quyền hành cho Dớt nắm trong tay

Kẻ ngược lại thì đấu tranh kiên quyết

Hồng ngăn cản không bao giờ để Dớt

Chiếm được quyền thống trị các thần linh.

Prô – mê – tê kể lại sự việc khiến thế giới chao đảo, các thần linh oán giận. Với Prô – mê – tê, ấy cũng là một sự kiện đau lòng. Dớt đã chiếm ngôi của cha mình là Crô – nốt. Thế giới các vị thần được chia làm hai phe, một bên ủng hộ Dớt và một bên thì muốn ngăn cản Dớt chiếm được quyền hành. Ở thế giới của thần thoại Hy Lạp, các vị thần dù mang sức mạnh vô song nhưng lại có tâm hồn với đầy đủ các sắc thái tính cách như một con người. Kể cả thần Dớt, vị thần tối cao cũng có nhiều thói hư tật xấu. Đây là một đặc trưng của thần thoại phương Tây khi xây dựng hình ảnh thần linh gần gũi với con người.

Trong hoàn cảnh ấy, Prô – mê – tê đã lựa chọn khuyên nhủ Dớt hãy dùng mưu mẹo để trở thành kẻ vĩ đại thay vì sức mạnh của bạo lực nhưng Dớt không màng. Với sự trung thành của mình, Prô – mê – tê cùng với mẹ mình là nữ thần Tê – mít đã quyết định giúp Dớt. Thế nhưng, “cái tệ hại vốn đi đôi cùng bạo ngược”, Dớt luôn thiếu lòng tin ở Prô – mê – tê. Dớt tạo ra loài người yếu ớt, không có sức khỏe để chống chọi với tự nhiên khắc nghiệt. Không những vậy, Dớt còn không ban cho con người lửa, muốn con người mãi mãi sống trong bóng tối. Thậm chí, Dớt còn toan hủy diệt cả loài người để tạo ra một giống loài mới thay thế. Các vị thần linh, ai cũng có sức mạnh nhưng không ai dám đứng ra chống lại Dớt. Chỉ có mình Prô – mê – tê vì quá thương xót cho loài người nên đã đánh cặp ngọn lửa đem đến trần gian để khai sáng con người:

Vì thương xót trần gian như thể ruột rà

Mà ta bị khinh rẻ, không đáng người thương xót.

Thế là họ đoạ đầy ta khắc nghiệt

Cảnh tượng này nhục cho Dớt biết bao nhiêu!

Trong thế giới của thần linh, Prô – mê – tê trở thành biểu tượng cho tội lỗi, bị Dớt lấy ra làm gương cho những kẻ phản kháng lại quyền uy. Thế nhưng, với con người, Prô – mê – tê chính là vị thần đại diện cho sự sáng tạo và văn minh. Nhờ có ngọn lửa của Prô – mê – tê mà con người được khai sáng và có cuộc sống tốt đẹp.

Đoạn trích cho thấy tình yêu thương con người, sự thông minh, dũng cảm, tinh thần không khuất phục cường quyền và lòng yêu chuộng hòa bình ở nhân vật Prô – mê – tê. Câu chuyện mang đậm tính bi kịch về người anh hùng chính là một đặc trưng thường thấy trong thần thoại Hy Lạp.

———————————————————–

Kho tài liệu phong phú của TaiLieuViet vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức, Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!