Phân tích nhân vật thị trong “Vợ nhặt” – Kim Lân

Phân tích nhân vật thị trong “Vợ nhặt” – Kim Lân là tài liệu học tập mới nhất được TaiLieuViet biên soạn chi tiết nhằm giúp các bạn học sinh lớp 11 học tập tốt môn Ngữ văn. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người” (Đặng Thai Mai). Với nhà văn Kim Lân, cách “đến với cuộc sống” để thấu hiểu và yêu thương con người nằm ở việc viết về con người, cảnh sắc nông thôn mà ông gắn bó. Qua nhân vật thị trong “Vợ nhặt”, nhà văn gửi gắm sự trân trọng đến những người cùng khổ.

Truyện ngắn “Vợ nhặt” có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Cùng với “Con chó xấu xí”, “Làng” thì “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Kim Lân. Lấy bối cảnh nạn đói năm 1945, Kim Lân đã khắc họa số phận đau thương của đất nước, con người Việt Nam dưới ách đô hộ của bè lũ thực dân, phát xít. Nhân vật thị xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, được Kim Lân khai thác dưới nhiều khía cạnh để làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn.

Đầu tiên, thị có sự xuất hiện rất đặc biệt qua hai lần gặp Tràng. Lần đầu là khi Tràng đang gò lưng đẩy xe thóc qua con dốc tỉnh. Anh ta hò lên một câu: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì“. Sau vài câu trêu chọc, người đàn bà đã ton ton chạy lại đẩy xe giúpTràng. Lần thứ hai là khi anh đang ngồi nghỉ ở một hàng nước, người đàn bà ở đâu sầm sập chạy đến và mắng anh: “Điêu! Người thế mà điêu”. Người đàn bà này không có tên. Nhà văn chỉ gọi nhân vật là “thị”, “cô ả”, “người đàn bà”. Cách đặt tên nhân vật này cho thấy dụng ý nghệ thuật sâu sắc của nhà văn. Trong nạn đói, con người như mất đi danh tính, ai cũng là những bóng ma vật vờ.

Ngoại hình của thị rất xấu xí. Quần áo thị rách tả tơi như tổ đỉa, đội một cái nón rách. Trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt, bộ ngực thì lép kẹp. Nạn đói đã hành hạ thị đến khốn khổ. Chi tiết Tràng không nhận ra thị ngay lập tức trong lần gặp thứ hai bởi thị thay đổi quá nhiều đã cho thấy sự kinh hoàng của nạn đói.

Ngôn ngữ và hành động cho thấy một phần tính cách của thị. Vừa mới gặp Tràng, thị đã xưng xỉa mắng. Lời nói chua ngoa, đanh đá, chỏng lỏn: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”, “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt!”. Khi ăn bánh đúc, thị ăn một mạch chẳng chuyện trò gì, vừa ăn vừa thở. Ăn xong thị mới cầm dọc đôi đũa, quyệt ngang miệng một cái và khen bánh đúc ngon. Hành động đó thật sỗ sàng, thô thiển nhưng là hệ quả tất yếu của nạn đói.

Người đàn bà có phần liều lĩnh, táo bạo. Chỉ qua một câu hò, bốn bát bánh đúc và lời ngỏ ý rủ rê của Tràng mà thị sẵn sàng theo người đàn ông mới gặp về nhà. Trong nạn đói, thị đành giao phó số phận mình vào tay người khác.

Nhà văn Nam Cao đã viết: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”. Điều này đúng với nhân vật người vợ nhặt. Kim Lân đã nhìn thấy ở con người thô tục, xấu xí kia những vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp để cùng thương xót, đồng cảm và nâng niu họ.

Gia đình, người thân hay quê hương của thị không xuất hiện trong tác phẩm. Thị tồn tại như một thực thể trôi nổi giữa làng quê tang tóc. Phải chăng thị cũng là dân ngụ cư, phiêu bạt đến đây hay người thân của thị đã ra đi vì nạn đói? Không tên tuổi, không người thân thích, con người này thật đáng thương biết bao! Không chỉ vậy, thị còn là

nạn nhân của cái đói, cái nghèo. Đói khát đã bòn rút thân thể và tâm hồn thị. Khi được ăn no, thị như quên hết những gì đang diễn ra. Chẳng biết nương tựa vào đâu, thị còn sẵn sàng theo không Tràng về làm vợ. Kim Lân đã dành cho nhân vật cái nhìn đồng cảm, xót thương trước cuộc đời bất hạnh.

Khi nói về quan niệm văn chương của mình, Kim Lân chia sẻ: “Lắm lúc tôi thấy văn chương là một thứ đạo, đạo làm người, như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo nào cũng đòi hỏi sự thương yêu giữa con người với con người, đòi con người có quyền làm người, bình đẳng, tự do, bác ái”. Việc phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người chính là một khía cạnh của tình yêu thương và lòng bác ái.

Trước hết, thị là một người đàn bà đáng mến, biết đối đáp khôn khéo và rất tháo vát, nhanh nhẹn. Điều này được thể hiện ở lần gặp đầu tiên với Tràng. Ngôn ngữ đối thoại của thị rất duyên dáng, cho thấy sự nữ tính, có phần yểu điệu cùng sự mộc mạc, chân chất của người phụ nữ nông thôn Việt Nam: “Này nhà tôi ơi! Nói thật hay nói khoác đấy?”.

Ở thị, ta thấy khát vọng sống mãnh liệt, ý thức vun vén hạnh phúc gia đình và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Từ việc cô bám víu lấy câu hò của Tràng để đòi ăn, hành động cúi đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc hay việc quyết định theo Tràng về làm vợ đều là minh chứng cho khát khao sống. Biết trân trọng sinh mạng của mình, cố gắng để tồn tại là phẩm chất tốt đẹp của con người.

Trên đường theo Tràng về làm vợ, người đàn bà ý tứ đi sau Tràng chừng ba, bốn bước. Thị cắp cái thúng con con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất nửa mặt, có vẻ rón rén, e thẹn. Lời trêu đùa của bọn trẻ con cùng sự bàn tán của hàng xóm khiến thị ngượng ngùng đến mức chân nọ cứ bước díu cả vào chân kia. Cuộc đối thoại giữa Tràng và người đàn bà trên đường đi là chi tiết khiến cho tác phẩm trở nên ấm áp. Tràng chẳng nói được nên lời. Thị đã mở lời: “Nhà có ai?”. Tràng ngây ngô trả lời: “Có một mình tôi mấy u”. Người vợ nhặt nhận ra sự mâu thuẫn trong câu trả lời của Tràng nên bông đùa: “Đã một mình lại còn mấy u, bé lắm đấy!”. Sự duyên dáng, nhanh nhẹn của thị đã phá vỡ không khí tĩnh lặng, ngượng nghịu, khiến hai người gần gũi nhau hơn. Sau đó, Tràng khoe với người vợ mới chai dầu con con anh mua trên tỉnh. Đây quả thực là điều xa xỉ. Trang muốn dành những điều tốt nhất cho người vợ mới. Biết chuyện, thị lập tức phát mạnh vào vai Tràng và trách anh ta rằng “Hoang vừa vừa chứ”. Chi tiết này cho thấy ý thức chắt chiu cho cuộc sống gia đình ở thị.

Khi đã về đến nhà, trái với sự đon đả của Tràng thì thị lại thoáng buồn. Thị đảo mắt nhìn quanh căn nhà xiêu vẹo một lượt rồi nén một tiếng thở dài. Thị xót thương cho chính thân mình và cả người chồng mới. Có bao giờ thân phận con người lại rẻ rúng đến nhường này không?

Sau đêm tân hôn, thị không còn là người đàn bà chao chát, chỏng lỏn như hôm qua nữa. Thị ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình nên đã cùng mẹ chồng quét tước, thu dọn nhà cửa từ rất sớm. Sự xuất hiện của người vợ nhặt mang đến luồng sinh khí mới cho nhà Tràng. “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch”. Cách xưng hô, hành xử với mẹ chồng cũng thể hiện được thị là con người hiếu thảo, hiểu chuyện.

Vẻ đẹp của thị hiện lên rõ nét ở bữa cơm ngày đói. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo. Khi bà cụ Tứ bưng nồi chè khoán ra, hai mắt thị tối sầm lại. Thế rồi thị vẫn và cám vào miệng ăn bình tĩnh. Thị ăn rất ngon miệng bởi thị biết đây là tình thương, sự chắt chiu mà bà cụ Tứ dành cho các con. Quả thực, đây là người phụ nữ giàu tình thương và lòng nhân hậu, biết cảm thông với người khác.

Trong bữa ăn ngày đói, mọi người bỗng nghe thấy tiếng trống thúc thuế ngoài đình. Thị rất ngạc nhiên vì trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế, họ còn phá kho thóc của Nhật chia cho những người đói. Câu nói này như một làn gió mới thổi qua bộ óc vốn ngờ nghệch của Tràng. Hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới hiện ra trong tâm trí. Sớm thôi, thị và Tràng sẽ gia nhập vào đoàn người ấy, đi theo tiếng gọi của cách mạng để giải thoát số phận mình và toàn dân tộc. Đến đây, tư tưởng nhân đạo của Kim Lân được thể hiện trọn vẹn. Nhà văn đã đề ra một hướng đi mới cho con người để vươn đến độc lập, tự do.

Nhân vật người vợ nhặt với hoàn cảnh xuất thân, số phận và ngoại hình đáng thương nhưng mang nhiều vẻ đẹp tâm hồn cao quý là hình ảnh đại diện cho những người phụ nữ nông dân Việt nam trước Cách mạng. Qua nhân vật người vợ nhặt, nhà văn đã bày tỏ niềm đồng cảm, xót thương cho cuộc đời đau khổ của người lao động nghèo. Đồng thời, ông còn ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động cùng khổ, đặc biệt là khát vọng sống và niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Từ đó, Kim Lân tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến đã gây ra nạn đói ám ảnh trong lịch sử nhân loại và chỉ ra con đường giải phóng con người.

Kim Lân đã cho thấy tài năng bậc thầy của mình trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Từ cách đặt tên nhân vật, tạo dựng hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật đến xây dựng ngôn ngữ, hành động của nhân vật đều góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Với truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân đã thực sự trở thành một “Nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Ông sáng tác không nhiều và gác bút sớm nhưng sức sống của những tác phẩm mang tên Kim Lân vẫn mãi dai dẳng.

———————————————————–

Kho tài liệu phong phú của TaiLieuViet vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức, Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!