Phân tích “Dương phụ hành” – Cao Bá Quát

Phân tích “Dương phụ hành” – Cao Bá Quát là tài liệu học tập mới nhất được TaiLieuViet biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tư liệu học tập môn Ngữ văn 11. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Cao Bá Quát trước mắt chúng ta, tượng trưng cho tài thơ và tinh thần phản kháng. Còn triết lý của ông chính là bền bỉ phục vụ cho đời” (Xuân Diệu). Quả thực, Cao Bá Quát không chỉ là một người anh hùng phất cờ khởi nghĩa trong lòng nhân dân mà còn là nhà thơ kiệt xuất. Tài năng văn chương cùng tấm lòng giúp dân, giúp đời của ông được thể hiện một cách độc đáo, tinh tế qua “Dương phụ hành

Cao Bá Quát (1809 – 1853?), có tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, quê ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho, có truyền thống khoa cử nhưng con đường quan lộ của ông lại gặp nhiều trắc trở. Ông đi thi nhiều lần không đỗ và chỉ được làm một số chức quan nhỏ trong triều đình. Cá tính phóng túng, ngang tàng của Cao Bá Quát vốn dĩ không thể hòa hợp với môi trường bảo thủ, khuôn phép cao độ của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Khi đi chấm sơ khảo trường thi ở Thừa Thiên, do mắc phải sai sót mà ông bị điều đi “lấy công chuộc tội” ở Indonesia. Về sau, ông được khôi phục chức quan cũ rồi đảm đương một số chức quan nhỏ khác trong triều. Khi mâu thuẫn giữa nhân dân và triều đình được đẩy lên cao độ, đời sống bá tánh lầm than cơ cực, Cao Bá Quát đã dựng cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, triều đình nhà Nguyễn ra lệnh “tru di tam tộc” họ Cao và tiêu hủy các tác phẩm của Cao Bá Quát. Tuy nhiên, tên tuổi cùng những sáng tác của ông vẫn được hậu thế lưu truyền cho đến ngày nay. “Dương phụ hành” được sáng tác trong khoảng thời gian ông bị đi đày, cho thấy cảm quan hiện thực mới mẻ và sâu sắc cùng lòng nhân đạo của nhà thơ.

Khoảng thời gian đi đày, phải xa quê hương vô cùng gian khổ nhưng cũng đem lại những tác động to lớn đối với tâm hồn Cao Bá Quát. Ông có cơ hội chứng kiến những cảnh mới, người mới và nảy sinh những suy tư về xã hội, thời đại. Mở đầu bài hành là một hình ảnh giản dị mà không kém phần sinh động:

Tây dương thiếu phụ y như tuyết

Độc bằng lang kiên toạ thanh nguyệt

(Thiếu phụ Tây dương áo trắng phau

Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu)

Giữa đêm trăng thanh trên đất khách, nhân vật trữ tình đã đặc biệt chú ý đến một thiếu phụ phương Tây. Trang phục của người phụ nữ ấy có màu trắng tinh tựa như tuyết, khác với trang phục thường thấy của những người phụ nữ bình dân phương Đông. Dưới ánh trăng, người phụ nữ tựa vai chồng thật tình tứ. Sắc trắng của áo thiếu phụ hòa cùng với ánh sáng bàng bạc của trăng tạo nên cảm giác yên bình và nên thơ. Sự tự nhiên, thân mật của đôi vợ chồng ấy đã tạo cho tác giả không ít bất ngờ, thích thú.

Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh

Bả duệ nâm nâm hướng lang thuyết

(Ngó thuyền Nam thấy đèn le lói

Kéo áo, rì rầm nói với nhau)

Tác giả đã quan sát và ghi lại từng cử chỉ, hành động của người phụ nữ. Văn học trung đại khắc họa thiên nhiên, con người thường dùng ước lệ, tượng trưng. Những nhà nho xưa đã quen ví vẻ đẹp con người với tùng, cúc, trúc, mai. Nay Cao Bá Quát cũng viết bài hành bằng chữ Hán nhưng không cần dùng bất cứ hình ảnh ước lệ nào để làm nổi bật vẻ chân thực, sống động của cảnh trước mắt. Thiếu phụ phương Tây ngó nhìn ánh đèn le lói từ phía thuyền của người Nam. Đôi vợ chồng cùng kéo áo rì rầm điều gì đó. Đây không phải là khung cảnh thường thấy trong xã hội phong kiến nước ta lúc bấy giờ. Hành động nhỏ nhặt, bình thường cùng cảnh tượng ấm êm ấy đã làm nảy sinh trong tâm hồn nhà thơ biết bao nỗi khắc khoải, suy tư khi sống trong cảnh cô đơn nơi đất khách quê người.

Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì

Dạ hàn vô ná hải phong xuy

Phiên thân cánh sảnh lang phù khởi

Khỏi thức Nam nhân hữu biệt li.

(Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay

Gió bể, đêm sương, thổi lạnh thay!

Uốn éo đòi chống nâng đỡ dậy

Biết đâu nỗi khách biệt li này)

Các từ “Hững hờ”, “Uốn éo” cho thấy tâm thế thoải mái của người phụ nữ khi ở cạnh chồng. Cô như đòi hỏi sự yêu thương, chăm sóc từ chồng. Một hành động bình thường nhưng cho thấy sự khác biệt trong văn hóa ở những vùng đất khác nhau. Sự ấm áp, niềm hạnh phúc toát ra từ phía cặp vợ chồng đối lập với hình ảnh ở câu dưới: Dạ hàn vô ná hải phong xuy (Gió bể, đêm sương, thổi lạnh thay!). Đêm trên bến vắng, gió thổi từng cơn lạnh lẽo, sương rơi như thấm cả vào hồn người. Kẻ tha hương mang nặng cõi lòng buốt giá. Đứng trước thiên nhiên và bầu trời đêm rộng lớn, chứng kiến sự đầm ấm từ đôi vợ chồng, Cao Bá Quát tự thấy mình là “khách biệt li” cô đơn, lẻ loi, tủi hờn. Nỗi lòng của khách biệt li chính là nỗi đau xót trước thời thế loạn lạc, tài năng không được trọng dụng, con đường công danh gặp nhiều trắc trở và đời sống nhân dân lầm than cơ cực vì xã hội phong kiến lạc hâu, triều đình bảo thủ. Cao Bá Quát đã ngầm ủng hộ quyền tự do, hạnh phúc của con người và bày tỏ niềm yêu nước, thương dân thông qua bài hành về người thiếu phụ phương Tây.

Dương phụ hành” là tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả, ca ngợi khát khao hạnh phúc, tự do đáng quý của con người và cho ta thấy cái nhìn hiện thực đầy phóng khoáng của Cao Bá Quát. Từ đó, ta thấy được “cái mộng thay đổi thời cuộc và chuyển vần số mệnh” (GS. Thanh Lãng).

———————————————————–

Kho tài liệu phong phú của TaiLieuViet vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức, Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!