Phân tích, đánh giá trích đoạn “Xúy Vân giả dại” – trích chèo Kim Nham

TaiLieuViet.vn xin gửi tới các bạn bài viết Phân tích, đánh giá trích đoạn “Xúy Vân giả dại” – trích chèo Kim Nham gồm dàn ý và bài văn mẫu. Mời các bạn cùng tham khảo.

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

I. Dàn ý

A. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu trích đoạn, khái quát nội dung.
– Nêu cảm nhận của bản thân.

B. Thân bài
1. Tóm tắt vở chèo Kim Nham.
2. Nguyên nhân Xúy Vân giả dại
3. Phân tích bi kịch của Xúy Vân
* Xúy Vân xuất hiện: giới thiệu sự ngang trái trong tình cảnh, tâm trạng nhân vật.
* Xúy Vân xưng danh: nhân vật xưng rõ tên, tính cách, tài năng, thói xấu, ước mơ, khát vọng,…
* Xúy Vân giãi bày: tâm trạng thương nhớ người tình, tuyệt vọng, bế tắc,…
4. Đánh giá
– Nội dung
– Nghệ thuật

C. Kết bài
– Đánh giá về trích đoạn và vở chèo.
– Thông điệp rút ra sau khi đọc tác phẩm.

II. Bài văn mẫu

Chèo là loại hình nghệ thuật dân gian đại diện cho tiếng nói của những người dân bình thường trong xã hội xưa, là tấm gương phản chiếu cuộc sống con người dưới chế độ phong kiến. Trong các tác phẩm chèo, tác giả dân gian thường ưu ái khắc họa những người phụ nữ thời xưa – tầng lớp gánh chịu nhiều nhất những khổ đau, ngang trái trong xã hội. Xây dựng thành công một vai đào pha: Xúy Vân với những nét tính cách, hành động tưởng chừng như đáng lên án, phê phán kịch liệt, song vở chèo Kim Nham lại để lại cho độc giả những suy ngẫm sâu xa về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa.

Kim Nham là một nho sinh, trọ học ở Tràng An và được Huyện Tể gả con gái của mình là Xúy Vân – một cô gái thơm thảo, thùy mị và đảm đang. Sau khi kết duyên với Xúy Vân, Kim Nham tiếp tục “dùi mài kinh sử”, miệt mài đèn sách đợi khoa thi, để nàng lại với sự cô đơn tột cùng. Ở quê, Xúy Vân bị gã Trần Phương tán tỉnh, hứa hẹn ngon ngọt. Nàng giả điên với hy vọng có thể thoát khỏi Kim Nham, đến với Trần Phương. Sau những cố gắng chạy chữa không thành, Kim Nham đành phải để nàng được tự do. Xúy Vân tìm đến Trần Phương nhưng bị hắn trở mặt, bội hứa. Từ chốn giả điên, Xúy Vân đã hóa điên thật.

Nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân là lời xúi giục và hứa hẹn ngon ngọt của Trần Phương – một gã người tình trăng hoa và đểu cáng:

“Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng
… Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,
Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại”.

Song, sâu xa hơn, đó chính là do nỗi buồn chán, cô đơn và khao khát cảnh sống hạnh phúc của nàng sau nhiều ngày tháng đợi chồng theo đuổi nghiệp đèn sách. Xúy Vân phải giả điên để thoát khỏi cuộc hôn nhân với Kim Nham, đến với người tình mà nàng nghĩ sẽ đem lại cho mình những hạnh phúc lứa đôi, quây quần, đoàn tụ.

Xúy Vân xuất hiện trong trích đoạn với lời nói lệch (lối nói có giọng điệu riêng trong chèo, thường được dùng để tạo không khí sôi nổi hoặc gấp gáp):

“Đau thiết thiệt van
Than cùng bà Nguyệt
Đánh cho lê liệt
Chết mệt con đồng
Bắt đò sang sông
Bớ đò, bớ đò”.

Đoạn mở đầu đã giới thiệu được sự ngang trái trong tình cảnh, tâm trạng nhân vật. Xúy Vân xuất hiện với tâm trạng buồn khổ về duyên tình, khiến con người tê tái chỉ còn biết cầu cứu, kêu than cùng bà Nguyệt, mong nhận được sự đồng cảm của cộng đồng. Lời hát vỉa càng làm rõ nét hơn tâm trạng thất vọng của Xúy Vân khi những lời khẩn cầu rơi vào im lặng. Lời hát quá giang (hay còn gọi là hát đò):

“Cách con sông nên tôi phải lụy đò,
Bởi ông trời tối phải lụy cô bán hàng”.

Buồn tủi vì duyên phận, nhân vật buông xuôi theo tiếng gọi “gió trăng”, muốn sang sông để tìm kiếm hạnh phúc.

“Chả nên gia thất thì về,
Ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười”.

Đó là tâm trạng muốn phản kháng, thoát khỏi thực tại. Phía bên kia sông, không biết điều đón chờ có phải là hạnh phúc mà nàng mong chờ hay không, nhưng có lẽ trước mắt Xúy Vân cần được giải thoát, chỉ cần được thoát ly khỏi thực tại cô đơn, tủi nhục mà nàng đang ngày ngày phải đối diện.

“Tôi chắp tay lạy bạn đừng cười
Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng
Gió trăng thời mặc gió trăng
Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên”.

Xúy Vân khao khát vượt thoát nhưng cũng lo âu, dằn vặt. Nàng đã hành động trái với đạo lí nhưng biết mình sai, hoảng hốt lo sợ điều tiếng thị phi, sợ người đời khinh miệt, ngầm hổ thẹn vì việc làm của mình. Nàng phân bua và cũng tự dặn lòng mình cần giữ tiết. Đó là mâu thuẫn giữa tình cảm, khát vọng được giải thoát với ý thức về đạo đức của người phụ nữ theo luật lệ phong kiến và dư luận xã hội xưa.

Trước khi xưng danh, nhân vật nói: “Chị em ơi! – Ra đây, có phải xưng danh không nhỉ?”. Có tiếng đế vọng lại: “Không xưng danh, ai biết là ai?”. Điều này cho thấy giữa khán giả và sân khấu dường như không có khoảng cách đáng kể. Nói cách khác, sân khấu như một không gian được hình thành tự nhiên giữa vòng vây của khán giả, gây cảm tưởng người diễn là người vừa bước tách ra từ đám đông để lên sàn diễn.

Nhân vật đã xưng rõ tên, tính cách:

Chẳng giấu gì, Xúy Vân là tôi
Tuy dại dột, tài cao vô giá
Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ”.

Nhân vật giới thiệu cả nét xấu của mình một cách rất tự nhiên, bởi khi đã được nghe những lời xưng danh, khán giả không còn phải bỏ nhiều công để suy đoán về tính cách nhân vật nữa mà có thể tập trung theo dõi nghệ thuật trình diễn của diễn viên.

“Con gà rừng ăn lẫn với công,
Đắng cay chẳng có chịu được, ức!
Mà để láng giềng ai hay?
… Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên”.

Nhân vật giới thiệu hoàn cảnh, thân phận của mình, tự thấy mình lạc lõng, vô nghĩa trong gia đình Kim Nham. Từ “ức” – tiếng đệm trong câu hát vừa mô phỏng tiếng kêu của con gà nghẹn thóc, vừa mang nghĩa ấm ức, uất ức, bất bình trước thực tại. Nhân duyên khiến Kim Nham và Xúy Vân phải ràng buộc nhau nhưng thế giới tâm trạng, những ao ước của hai người lại khác xa nhau, không thể đồng cảm và chia sẻ.

“Chờ cho bông lúa chín vàng
Để anh đi gặt, để nàng mang cơm”.

Nhân vật nói đến ước mơ hạnh phúc của mình, về một cuộc sống đầm ấm, ríu rít, hạnh phúc thật bình dị và tươi sáng. Nàng mong ước có cuộc đời bình dị “anh đi gặt, nàng mang cơm” nhưng Kim Nham mải mê đèn sách, thi cử mặc nàng đơn độc với gánh nặng gia đình.

“Rủ nhau lên núi Thiên Thai,
Thấy hai con quạ đang ăn xoài trên cây
Ba cô bán mắm trong làng,
Mắm không bán hết, còn quang với thùng”.

Tâm trạng nhân vật đang thương nhớ người tình không nguôi.

Xúy Vân hát sắp (điệu hát tươi vui rộn rã, trái ngược với tâm trạng nhân vật trong lời hát):

“Con cá rô nằm vũng chân trâu,
Để cho năm bảy cần câu châu vào.”

Những hình ảnh ẩn dụ đầy chất gợi xoáy sâu vào sự tuyệt vọng về cuộc hôn nhân thiếu vắng tình yêu, sẻ chia của người con gái đáng thương. Hình ảnh “con cá rô nằm vũng chân trâu” thể hiện rõ cảnh sống bế tắc, không lối thoát, “năm bảy cần câu châu vào” chính là những áp lực gia đình, xã hội trói buộc người phụ nữ vào vũng lầy cuộc đời. Tâm trạng nhân vật: tuyệt vọng, bế tắc, cay đắng.

Xúy Vân hát ngược (thường dùng khi cần diễn tả tâm trạng điên loạn của nhân vật, lời hát được khai thác từ loại ca dao nói ngược):

“Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cành dơi,
Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,
Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây.
Ở trong đình có cái khua, cái nhôi
Ở trong cái nón có cái kèo, cái cột,
Ở dưới sông có cái phố bán bát,
Lên trên biển ta đốn gỗ làm nhà,
Con vâm kia đi ấp trứng ba ba,
Cưỡi con gà mà đi đánh giặc.”

Nội dung lời hát có nhiều đối tượng được nhắc đến nhưng không có mối liên hệ với nhau như tiện đâu nói đó, nhớ gì nói đấy. Mọi sự vật được nhìn theo logic ngược, đảo lại hoàn toàn mới đúng với ghi nhận của tri giác thông thường. Điều này mang lại cảm giác người nói là một kẻ điên hoặc không bình thường. Đây chính là mục đích của Xúy Vân. Tâm trạng nhân vật: sự bức xúc bị dồn nén đến mức nhân vật cảm thấy mọi sự vật đảo điên, không theo trật tự thông thường. Ranh giới giữa điên thật – điên giả khó phân biệt rõ ràng.

Như vậy, thông qua trích đoạn, ta thấy được mục đích giả dại là thoát khỏi cuộc hôn nhân với Kim Nham để đến với Trần Phương. Nguyên nhân phải giả dại: trong xã hội Việt Nam xưa, con người cá nhân chưa được tôn trọng. Những đòi hỏi về quyền tự quyết lối sống hay quyền lựa chọn người mình yêu thương thường bị phán xét một cách nghiêm khắc; với người phụ nữ, những khát vọng mang tính chất “vượt rào” lại càng bị ngăn trở, cấm đoán ngặt nghèo. Song, Xúy Vân không cam chịu cảnh sống cuộc đời cô đơn, bất hạnh, nàng tìm cách tự giải phóng bản thân mình. Việc Xúy Vân phải giả dại thay vì đường đường chính chính đến với tình yêu cho thấy sự bất lực, vô vọng của người phụ nữ trong hành trình tự giải phóng. Đồng thời, đó cũng là người phụ nữ có ý thức về giá trị bản thân, về quyền được hạnh phúc. Xúy Vân từ chỗ là người phá vỡ chuẩn mực của đạo đức lại trở nên đáng thương hơn đáng trách. Chủ đề đạo đức của vở chèo Kim Nham trở nên mờ nhạt và giá trị nhân bản lại tỏa sáng.

Về nghệ thuật, ngôn ngữ trích đoạn chèo sinh động, linh hoạt. Mở đầu đoạn trích là lời gọi đò tha thiết, diễn tả chân thực hoàn cảnh lỡ dở, bẽ bàng của Xúy Vân. Những câu hát tiếp theo đều rất giàu hình ảnh, nhiều ngụ ý, thể hiện tâm trạng bối rối, đầy mâu thuẫn của Xúy Vân. Thủ pháp nghịch dị dân gian được vận dụng: tâm trạng đau buồn nhưng điệu hát lại vui rộn rã, lúc đang khóc lại bật lên tiếng cười, đang cười bỗng chìm vào sầu não. Nghệ thuật diễn tả tâm trạng nhân vật vừa chân thực, vừa cụ thể vừa tinh tế cho thấy nội tâm phong phú với những mâu thuẫn phức tạp của nhân vật; đồng thời để lại ấn tượng, nỗi ám ảnh khó quên với người đọc về nhân vật.

Với nghệ thuật diễn tả nội tâm đặc sắc, trích đoạn đã thể hiện thành công bi kịch tình yêu và những mâu thuẫn phức tạp trong tâm hồn Xúy Vân. Thông qua trích đoạn, tác giả dân gian đã thể hiện tư tưởng đề cao khát vọng tình yêu tự do, khát vọng hạnh phúc chính đáng; lên án chế độ phong kiến cùng với những luật lệ hà khắc đã bóp nghẹt quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.

——————————————————————

Trên đây là bài viết Phân tích, đánh giá trích đoạn “Xúy Vân giả dại” – trích chèo Kim Nham. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10 – bộ sách Kết nôi tri thức – tập 2. Tham khảo thêm các bài văn mẫu tại chuyên mục Văn mẫu lớp 10 KNTT.