Phân tích, đánh giá tác phẩm Dục Thúy Sơn – Nguyễn Trãi (Ngữ văn 10 KNTT, tập 2)

TaiLieuViet.vn xin gửi tới các bạn bài viết Phân tích, đánh giá tác phẩm Dục Thúy Sơn (Nguyễn Trãi. Mời các bạn cùng tham khảo.

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Tình yêu thiên nhiên luôn là một chủ đề, một nguồn cảm hứng lớn được rất nhiều các nhà thơ trung đại hướng đến tìm tòi và khám phá, ẩn sau bức tranh thiên nhiên đó là một cảm hứng thế sự hoài cổ sâu sắc.Dục Thúy Sơn được rút từ tập Ức Trai thi tập, viết vào sau cuộc kháng chiến chống quân Minh và trước khi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn là một bài thơ tiêu biểu cho nguồn cảm hứng này.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu khái quát về ngọn núi cửa biển:

“Hải khẩu hữu tiên san
Tiền Niên lũ vãng hoàn”

(Cửa biển có ngọn núi tiên
Năm xưa ta đã nhiều lần qua lại nơi này)

Tác giả sử dụng từ “tiên” – vốn mang ý nghĩa của những điều kì diệu, thoát khỏi chốn phàm thường giúp người đọc hình dung núi Dục Thúy như chốn bồng lai tiên cảnh, là món quà vô giá và vĩnh cửu mà tiên giới ban tặng cho con người.

Vẻ đẹp toàn cảnh của núi Dục Thúy hiện lên vô cùng rõ nét qua câu 3 và 4 từ điểm nhìn xa, có tầm bao quát rộng:

“Liên hoa phù thủy thượng
Tiên cảnh trụy trần gian”

(Cảnh tiên nơi cõi tục
Mặt nước nổi hoa sen)

Cảnh núi Dục Thúy hiện lên như cảnh thần tiên trên cõi tục, được ví như một bông hoa sen nổi trên mặt nước, hình ảnh thơ và bút pháp mới lạ, độc đáo. Nhà thơ không so sánh mà trực tiếp biểu thị núi Dục Thúy với đóa sen. Hình ảnh hoa sen có ý nghĩa biểu tượng, biểu trưng cho sự thoát tục, như là cõi tiên rơi xuống trần gian. Đó là vẻ đẹp thanh cao, mang đậm dấu ấn văn hóa tôn giáo đặc biệt là Phật giáo. Đài sen là nơi Đức Phật ngự tọa, là chứng nhân của bao sinh kiếp vô lượng mà Người đã ban xuống. Ngôn ngữ thơ được sử dụng tinh tế, tạo ấn tượng sâu đậm cho người đọc người nghe. Trong nguyên văn, từ “phù” nghĩa là nổi nhưng lay động tại chỗ, từ “trụy” có nghĩa là rơi rớt từ trên cao xuống, thể hiện sự sống động trong miêu tả.

Câu 5 và câu 6 thể hiện dấu ấn riêng mạnh mẽ của tâm hồn Nguyễn Trãi, hai câu thơ miêu tả cận cảnh núi dục Thúy:

“Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn”

(Bóng tháp hình trâm ngọc
Gương sông ánh tóc huyền)

Tác giả so sánh bóng tháp như chiếc trâm ngọc màu xanh, ánh sáng sóng nước như đang soi chiếu vào mái tóc biếc… Trâm ngọc xanh và mái tóc biếc gợi hình ảnh trẻ trung, trong sáng, trữ tình và nên thơ, thường được dùng để miêu tả vẻ đẹp của người con gái. Thiên nhiên được so sánh với vẻ đẹp của con người. Lấy vẻ đẹp của người con gái để hình dung bóng núi trên sóng biếc. Sự liên tưởng vô cùng hiện đại, đặc biệt và hiếm gặp trong thơ cổ. Nếu như thơ cổ dùng vẻ đẹp thiên nhiên làm chuẩn mực thì Nguyễn Trãi lại lấy vẻ đẹp con người là thước đo. Điều đó cho thấy tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, tinh tế của nhà thơ.

Hai câu cuối bài thơ là nỗi niềm hoài niệm của nhà thơ:

“Hữu hoài trương Thiếu bảo
Bi khắc tiền hoa ban”

(Nhớ xưa Trương Thiếu bảo
Bia khắc dấu rêu hoen)

Trong phần kết của những bài thơ viết về đề tài “đăng cao”, “đăng sơn”, thi nhân xưa thường thể hiện chí khí hào hùng, khát vọng lớn lao, hoặc nhấn mạnh sự nhỏ bé, cô đơn của con người trước núi sông kì vĩ.

“Việc cũ ngoảnh đầu ôi đã dứt
Dòng trôi tìm bóngdạ bâng khuâng’’
(Cửa biển Bạch Đằng)

Hai câu thơ kết này cũng như những bài thơ khác cùng chủ đề của Nguyễn Trãi, là sự bộc lộ những suy tư về con người, lịch sử, dân tộc. Tác giả sử dụng từ “hữu hoài” mang nét nghĩa là nhớ về những điều xưa cũ, cụ thể ở đây là hình ảnh của bậc danh sĩ cao khiết Trương Hán Siêu dưới triều Trần người đã đã được Vua Trần ban cho danh vị cao quý Thiếu bảo. Tên tuổi của ông gắn liền với Dục thúy sơn. Nguyễn Trãi không gọi đích danh tên của Trương Hán Siêu mà gọi danh vị của ông thể hiện sự tôn kính, trọng vọng với người xưa.Tác giả đứng trên núi Dục Thúy nhìn núi ngắm tháp mà bùi ngùi thương nhớ người xưa, hình ảnh Trương Thiếu bảo còn phảng phất đâu đây.

Nhà thơ đã khái quát lên một quan niệm, đó là những thực thể vô tri vô giác thì tồn tại vĩnh cửu, còn con người thì phải theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử của thời gian, không thể làm trái lại. Những biến đổi không ngừng nghỉ của đất nước khiến mọi thứ xảy ra quá nhanh, tựa như cát bụi thoáng qua.

Bằng ngòi bút tài hoa, tác giả sử dụng thể thơ đường luật ngũ ngôn bát cú, hệ thống hình ảnh ẩn dụ, so sánh, đối nhau thể hiện rõ nét vẻ đẹp của núi Dục Thúy. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của núi Dục Thúy thần tiên thoát tục, xen vào đó là nỗi niềm cảm hoài về người xưa của tác giả Nguyễn Trãi. “Dục Thúy Sơn” đã phản ánh một tài năng lớn, một nhân cách văn hóa cao đẹp của Đại Việt trong thế kỉ XX.

—————————————————————–

Trên đây là bài viết Phân tích, đánh giá tác phẩm: Dục Thúy Sơn (Nguyễn Trãi). Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10 – bộ sách Kết nôi tri thức – tập 2. Tham khảo thêm các bài văn mẫu tại chuyên mục Văn mẫu lớp 10 KNTT.