Phân tích “Chân quê” – Nguyễn Bính

Phân tích “Chân quê” – Nguyễn Bính là tài liệu học tập được TaiLieuViet biên soạn chi tiết, nhằm giúp các bạn học sinh học tốt môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Nguyễn Bính được nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét là nhà thơ “quê mùa” bởi dù sống ở thời đại của những hồn thơ mới nhưng sáng tác của Nguyễn Bính luôn hướng về cảnh, người nhà quê. Bài thơ “Chân quê” được xem như tuyên ngôn về nghệ thuật của ông, cho thấy đặc trưng phong cách và cái tình sâu nặng mà Nguyễn Bính dành cho những giá trị văn hóa truyền thống.

“Chân quê” được sáng tác năm 1936, là một trong những sáng tác nổi bật nhất của Nguyễn Bính. Mở đầu là khung cảnh thân quen của làng quê Việt:

Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Những bài thơ có điệu nói, kể về một câu chuyện (thường là những đổ vỡ, đợi chờ, ngóng trông) là một đặc trưng của thơ Nguyễn Bính. Ta đã từng đắm mình trong cơn mưa xuân có “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, nhìn theo màu xanh của giàn trầu, cau cho thỏa nỗi “Tương tư”. Đến với “Chân quê”, ta lại lắng nghe tiếng nói của chàng trai với người con gái. Câu chuyện bắt nguồn từ việc “em đi tỉnh về”. Dường như trong những ngày tháng xa nhau, chàng trai đã chất chứa trong lòng biết bao nhớ thương, chờ đợi. Đến ngày cô gái trở về, anh đứng đợi cô nơi con đê đầu làng rất lâu. Hình ảnh những bờ sông, con đê, bến bãi,…luôn gắn liền với những cuộc ra đi hoặc trở về trong ca dao, dân ca. Đó là biểu tượng cho nghĩa tình làng quê, truyền thống quê hương vẫn mãi tồn tại bất biến dù con người có đi xa tới phương nào. Bốn tiếng cuối câu thơ thứ hai “con đê đầu làng” đều là thanh bằng khiến câu thơ như kéo dài ra theo niềm thương nỗi nhớ. Thế rồi, cô gái xuất hiện với một diện mạo mới: “Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!”. Sự thay đổi của cô gái đã làm biến đổi dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình. Từ láy “rộn ràng” ở cuối dòng thơ thứ ba cho thấy sự vui tươi, rạng rỡ của cô, đối lập với trạng thái khổ đau, tan vỡ của chàng trai. Khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuya bấm đều là những món đồ tân thời, khác hẳn với trang phục giản dị ở thôn quê. Chính điều ấy đã làm chàng trai phải thốt lên: “em làm khổ tôi!”. Câu thơ có âm điệu tự nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày với cách xưng hô “em” – “tôi” tình cảm, duyên dáng.

Từ chỗ bộc lộ cảm xúc buồn bã, thất vọng, chàng trai bắt đầu đặt ra những câu hỏi cho cô gái:

Nào đâu cái yếm lụa sồi

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Điệp ngữ “Nào đâu” được lặp lại hai lần, đặt ở đầu mỗi dòng thơ diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng, tiếc nuối đến độ đau xót của nhân vật trữ tình. Cả khổ thơ là những câu hỏi tu từ cho thấy thái độ phản đối sự thay đổi ở người con gái. Biện pháp liệt kê “cái yếm lụa sồi”, “cái dây lưng đũi”, “cái áo tứ thân”, “cái khăn mỏ quạ”, “cái quần nái đen” đã thể hiện sự trân trọng của nhà thơ dành cho trang phục truyền thống. Yêu thương, gìn giữ trang phục ấy cũng chính là bảo vệ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Trong thời buổi mà luồng văn hóa mới đang du nhập vào nước ta, nhiều người chạy theo thị hiếu. Cô gái trong bài thơ mới chỉ “đi tỉnh về” một vài ngày nhưng đã thay đổi cung cách ăn mặc. Đây thực sự trở thành cú sốc trong tâm hồn chàng trai. Nguyễn Bính đã từng thể hiện sự yêu mến hình ảnh những người con gái truyền thống gắn với khung cảnh thanh bình của làng quê trong nhiều bài thơ khác:

Em là con gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già.

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Khổ thơ thứ ba là lời giãi bày trực tiếp của chàng trai:

Nói ra sợ mất lòng em,

Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.

Như hôm em đi lễ chùa,

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

Câu thơ “Nói ra sợ mất lòng em” cho thấy sự ngại ngùng của nhân vật trữ tình. Chàng trai sợ rằng sẽ khiến người mình yêu buồn bã nhưng anh hi vọng rằng cô vẫn giữ cho mình vẻ đẹp và cốt cách truyền thống thanh cao giống như hôm đi lễ chùa. Đây không phải là biểu hiện cho sự ích kỉ hay lạc hậu mà là khát khao bảo vệ những giá trị truyền thống nhân văn cao đẹp.

Bài thơ khép lại với hương thơm và sắc trắng nồng nàn của hoa chanh:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê.

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Hình ảnh bông hoa chanh trong sáng, trắng ngần, ngát hương thơm là ẩn dụ cho con người Việt Nam giản dị, mộc mạc mà không kém phần cao quý. Hoa chanh nở giữa vườn chanh cũng như con người cần ý thức được về cội nguồn của mình, hòa hợp bản thân với môi trường xung quanh. Thầy u, quê hương chính là nơi mà chúng ta thuộc về và luôn luôn gắn bó. Nơi phố thị xa hoa đã làm bay đi ở em phần nào “Hương đồng gió nội”…

Kho tài liệu phong phú của TaiLieuViet vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo, Văn mẫu lớp 11 Chân trời sáng tạo để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!