Phân tích bài thơ “Thuyền và biển” – Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ “Thuyền và biển” – Xuân Quỳnh là bài viết bao gồm dàn ý và văn mẫu hay do TaiLieuViet biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tư liệu học tập môn Ngữ văn 11. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Nhận xét về thơ Xuân Quỳnh, Kiều Vân đã viết: “Cũng giống như hầu hết các nữ sĩ Đông, Tây, kim, cổ, Xuân Quỳnh làm thơ cốt để diễn tả cuộc sống của mình trên mọi phương diện: những khát khao, những tình cảm, những suy nghĩ và cả “sự sống” của người phụ nữ. Vì lẽ đó, thơ của chị hầu hết là thơ trữ tình. Đất nước, thiên nhiên, thời đại đều được phản ánh vào thơ chị thông qua lăng kính trữ tình đó”. Và một lần nữa, trái tim thơ rất mực nồng hậu ấy đã gửi gắm những suy tư về tình yêu của mình vào câu chuyện “Thuyền và biển”.

Xuân Quỳnh (1942 – 1988) quê ở Hà Đông – thành phố Hà Nội, là nhà thơ nữ nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện đại. Chị sáng tác cả trong thời chiến và thời bình. Những vần thơ viết về bom đạn chiến tranh, tình yêu quê hương đất nước trong chiến đấu của Xuân Quỳnh đã góp phần quan trọng vào văn học cách mạng của nước nhà. Tuy nhiên, phải đến khi đất nước độc lập, được trở về với đời sống riêng tư, sống trọn với tình yêu và gia đình thì hồn thơ của Xuân Quỳnh mới thực sự thăng hoa. “Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, không quanh co, qua những chặng, những trung gian, những cột cây số” (Nguyễn Đình Thi). Những vần thơ của chị nhận được sự yêu mến từ công chúng bởi sự giản dị, tình cảm, chân thật, tựa như một cuốn nhật kí tự thuật về bản thân và cuộc đời. Bài thơ “Thuyền và biển” là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của Xuân Quỳnh.

Là một người phụ nữ đa cảm và nhạy bén, Xuân Quỳnh thường rung động trước những cảnh sắc thiên nhiên. Thơ chị có màu xanh hoa cúc ngập tràn thung lung nhỏ, có mùa hạ “mật trào lên vị quả”, có cả hương hoa ngâu ngan ngát trào lên khung cửa,… Có thể thấy, Xuân Quỳnh biến thiên nhiên, sự vật thành những hình tượng nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ để gửi gắm tâm tư, tình cảm. Với bài thơ “Thuyền và biển” cũng vậy. Hai hình tượng thuyền và biển là biểu tượng cho hai con người trong tình yêu.

Mở đầu bài thơ là lời tâm tình, thủ thỉ của cô gái với người mình yêu:

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển:

“Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa… còn xa

Cô gái kể về một câu chuyện xa xăm, nhuốm màu huyền thoại. Từ thuở xa xưa lắm, ai biết tự bao giờ, ta đã thấy những con thuyền căng buồm trên biển lớn. Thuyền lướt trên những ngọn sóng, băng qua đại dương muôn trùng, đồng hành cùng cánh chim hải âu để chinh phục những miền đất mới. Lòng biển thẳm sâu như cất giấu điều bí mật của Trái Đất. Và cũng từ khi nào mà ta biết thương, biết nhớ, biết giận hờn và đau đớn vì tình yêu? Câu chuyện tình yêu của anh và em cũng giống như hành trình của thuyền và biển. Thuyền không chịu khuôn mình vào dòng chảy nhỏ bé của sông hồ nên đã chọn đi ra biển lớn. Thuyền “đi hoài không mỏi” dù chẳng biết đâu là bến bờ. Cái bao la của biển hòa hợp với khát vọng khôn cùng của thuyền. Điều này giống với tâm lí thường tình của con người trong đời sống. Tình yêu chỉ thực sự tồn tại giữa những trái tim cùng chung nhịp đập, có cùng chí hướng. Hành trình khám phá tâm hồn một con người sẽ luôn mới mẻ và hấp dẫn, chỉ khi ta yêu người đó. Dấu “…” kết hợp với những từ “vẫn”, “còn” và điệp từ “xa” lặp lại hai lần trong câu thơ diễn tả sự xa xôi của biển và ước mong chinh phục biển lớn của con thuyền, tượng trưng cho khát vọng hạnh phúc ở người con gái. Từ ca dao, dân ca đến văn học hiện đại, có rất nhiều tác phẩm lấy thuyền và biển để ẩn dụ cho muôn vàn những cung bậc tình cảm:

Thuyền ơi có nhớ bến chăng,

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

(Ca dao)

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi

(Xuân Diệu)

Xuân Quỳnh đã lựa chọn hình tượng chuẩn xác để diễn tả một cách duyên dáng, ý nhị mà không kém phần thiết tha, mãnh liệt về tình yêu.

Nếu hai đoạn đầu của bài thơ kể về những tháng ngày gặp gỡ của thuyền và biển tựa như những ngày đầu tình yêu chớm nở thì hai khổ thơ sau, nhà thơ đã khắc họa những nét tâm lí của người đang yêu qua hoạt động của sóng biển:

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?)

Nghệ thuật so sánh giữa biển và “cô gái nhỏ” thật đáng yêu và tinh tế. Xuân Quỳnh như đang đối thoại, hòa vào làm một với biển khơi để khám phá con người trong tình yêu. Biển luôn chứa đựng rất nhiều bất ngờ không thể đoán định, giống như người đang yêu cũng khó nắm bắt chính mình. Có những ngày sóng yên biển lặng, êm đềm vỗ về vào mạn thuyền tựa như người con gái dịu dàng, thỏ thẻ lời yêu. Nhưng cũng có khi biển ào ạt, sóng cuộn trào mạnh mẽ. Sự “vô cớ” ấy của biển chính là những giận hờn, âu lo, là sự táo bạo, quyết liệt trong tâm hồn cô gái. Trong “Sóng”, nhà thơ không thể lí giải cội nguồn của sóng, gió và tình yêu, chỉ dành bất lực thú nhận:

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Với “Thuyền và biển”, Xuân Quỳnh đã tìm ra câu trả lời cho những cảm xúc thất thường, những xáo động nội tâm ấy: “Vì tình yêu muôn thuở/Có bao giờ đứng yên?”. Câu trả lời nằm ở bản chất vốn có của tình yêu. Một tình yêu thực thụ sẽ luôn làm náo động hồn ta, khiến ta trải qua đầy đủ những cung bậc từ nỗi nhớ, sự yêu thương, niềm hạnh phúc đến lo lắng, trách cứ, giận hờn. Câu hỏi tu từ ở cuối khổ thơ càng cho thấy sự ý thức rõ ràng của nhà thơ về tình yêu. Nếu thứ tình cảm ấy “đứng yên” lạnh lẽo, chẳng khiến ta khát khao hay mong đợi thì đó đích thị không phải tình yêu. Khổ thơ cho thấy quan niệm về tình yêu hiện đại, mới mẻ nhưng cũng rất mực đằm thắm, chân thành của Xuân Quỳnh.Là một người đã từng trải qua những đổ vỡ trong hôn nhân, chị không mất đi niềm tin vào chữ “Yêu” mà ngược lại, càng khao khát yêu và được yêu hơn nữa. Với Xuân Quỳnh, yêu và làm thơ là hai phạm trù không thể tách rời. Đọc các tác phẩm khác của chị, ta có thể ý thức về tình yêu chân chính, quyết tâm đến cùng vì tình yêu trọn vẹn được thể hiện rất rõ:

Dòng sông này, bãi cát, cánh buồm quen

Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ

Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở

Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu.

(Thơ tình cho bạn trẻ)

Gió thổi nơi này không lạnh tới nơi kia

Lời nói tâm tình trở nên nhạt nhẽo

Nghe tiếng con tàu em không thể hiểu

Tấm lòng anh trong mỗi chuyến đi xa.

(Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)

Tình yêu khó hiểu, khó ước đoán đến như vậy đấy. Tuy nhiên, chính sự khó nắm bắt ấy lại tạo nên nét hấp dẫn riêng biệt cho tình yêu cũng như cách thuyền và biển gắn bó:

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

Khổ thơ đã cho ta thấy quy luật tất yếu của cuộc sống và tình yêu. Chỉ những con thuyền lênh đênh trên sóng gió mới biết được biển khơi bao la đến nhường nào. Chỉ có những con sóng mới có thể hướng thuyền đến bến bờ mong đợi, đưa thuyền đi muôn nơi. Biển không nắm bắt được chính mình nhưng luôn sẵn sàng dùng sự mênh mông, rộng lớn của mình để che chở thuyền. Con người trong tình yêu cũng vậy. Giữa hai người đang yêu bao giờ cũng tồn tại một sợi dây linh diệu kết nối hai tâm hồn. Ta có thể không hiểu được mình nhưng luôn chờ đợi được thấu cảm từ đối phương và ngược lại.

Xuân Quỳnh đã đưa người đọc khám phá chuyến hành trình của con thuyền trên biển và cũng là hành trình phát triển của tình yêu. Hai khổ thơ trên chính là tình yêu trong những ngày tháng mặn nồng nhất. Tuy nhiên, đi liền với khát khao hạnh phúc, trái tim nhạy cảm của người phụ nữ bao giờ cũng ngập tràn dự cảm về sự chia ly:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố.

Những tháng ngày xa cách biển, thuyền không còn bến bờ để ngóng trông, hi vọng nên “Lòng thuyền đau – rạn vỡ”. Biển sẽ mãi gầm gào sóng gió vì không còn mạn thuyền để vỗ về những lúc yên bình. Thuyền và biển vốn dĩ là hai sự vật không thể tách rời. Tuy nhiên, dường như soi chiếu vào thuyền và biển, mượn câu chuyện của biển khơi để nói lên lòng mình vẫn là chưa đủ với người con gái. Thế nen, đến cuối bài thơ, cô gái đã tách mình ra, tự bộc bạch thẳng thắn lời yêu: “Nếu phải cách xa anh/Em chỉ còn bão tố”. Hai câu thơ cuối như là lời lo âu, sợ hãi trước tương lai không thể đoán định lại vừa là sự khẳng định sự chung thủy và niềm khao khát yêu thương mãnh liệt.

Như vậy, với thể thơ năm chữ, cặp hình tượng thuyền – biển giàu sức gợi, ngôn ngữ giản dị, giọng điệu tâm tình, kết hợp hài hòa giữa yếu tộ tự sự và trữ tình Xuân Quỳnh đã đem đến những quan niệm cao đẹp về tình yêu hiện đại. Thuyền, hay biển vốn không phải là những hình tượng nghệ thuật lạ lẫm nhưng vẫn mang những đặc sắc riêng khi được cảm nhận bằng nhãn quan của một trái tim phụ nữ nhạy cảm và tinh tế.

Xuân Quỳnh đã đóng góp cho văn học Việt Nam và cho đời sống muôn ngàn những mảnh ghép của tình yêu. Tình yêu, trong thơ chị, dù được thể hiện dưới hình thức nào, vẫn luôn bỏng cháy và đằm thắm hết mực. Niềm khao khát yêu mà chị đã thắp lên trong lòng người đọc sẽ vẫn xanh tươi qua thời gian, kéo dài như hành trình miên viễn của thuyền và biển…

———————————————————–

Kho tài liệu phong phú của TaiLieuViet vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức, Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!