Nghị luận Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?

Nghị luận Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê là tài liệu học tập được TaiLieuViet biên soạn chi tiết, nhằm giúp các bạn học sinh học tốt môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Khi được hỏi về yếu tố tiên quyết tạo nên thành công, gần như tất cả các bậc vĩ nhân trên thế giới đều đưa ra đáp án là sự đam mê. Điều này quả thực đúng đắn vì ta chưa từng thấy ai làm việc trong sự chán nản, lười nhác mà có thể tạo ra thành quả tốt đẹp. Thế nhưng, trên đời vốn chẳng có điều gì đúng với chữ “hoàn hảo”. Liệu rằng đam mê có thật sự là chìa khóa vạn năng, giúp ta vượt qua mọi khó khăn trong đời? Và hơn hết, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?

Đam mê không đơn thuần chỉ là một sở thích hay thú vui. Nhắc đến đam mê là nói đến điều mà mỗi người thực sự yêu thích, hăng say, quyết tâm chinh phục bằng mọi giá. Trong đó, mỗi con người lại chọn cho mình những đam mê riêng. Có người đam mê âm nhạc, có người lại yêu thích hội họa, có người khác lại say mê kinh doanh,… Thế giới càng rộng lớn, ta càng bắt gặp vô vàn niềm đam mê kì thú. Việc lựa chọn sống hết mình vì đam mê hay tạm gác lại, thậm chí từ bỏ đam mê luôn là một trong những vấn đề lớn của đời người.

Trước hết, điều ta không thể phủ nhận chính là đam mê đem đến cho đời sống con người rất nhiều giá trị tích cực. Khi xác định được đam mê của mình, con người sẽ có động lực để học tập. Dù phải trải qua những gian nan, thử thách, ta cũng không nề hà. Đam mê đem đến cho con người thái độ tích cực, ý chí kiên cường, nghị lực bền bỉ và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi người. Bên cạnh đó, nhờ có đam mê mà chúng ta có định hướng rõ ràng cho tương lai của mình thay vì sống một cách vô hướng, mông lung. Không chỉ vậy, niềm đam mê còn mang đến cho tâm hồn ta niềm hứng khởi, sự tự tin. Tìm thấy đam mê đồng nghĩa với tìm ra mục đích sống. Không đam mê, không tình yêu, con người sẽ chỉ “tồn tại” chứ không thực sự “sống” với tất cả những rung cảm của tâm hồn. Và nếu một ngày ta không còn trên thế giới, liệu ta có tự hỏi mình đã để lại điều gì cho nhân loại khi từng ngày trôi qua đều vô nghĩa? Huyền thoại bóng đá Pelé là minh chứng điển hình cho việc theo đuổi đam mê. Pelé được sinh ra ở một làng nhỏ tại Brazil. Do gia đình khó khăn, ông từng phải chơi bóng bằng chân trần với quả bóng được bện từ những miếng vải vụn. Niềm đam mê được chơi trên sân cỏ đã tiếp thêm sức mạnh để Pelé kiên trì luyện tập hằng ngày và trở thành huyền thoại bóng đá thế giới. Hay ta có thể kể đến họa sĩ Fujiko F. Fujio – tác giả bộ truyện tranh Doraemon. Vào những năm cuối đời, khi sức khỏe suy kiệt, Fujiko vẫn miệt mài làm việc. Tình yêu nghệ thuật của ông còn mạnh mẽ hơn sự dày vò của bệnh tật. Chú mèo máy Doraemon đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ trẻ em toàn thế giới, lưu giữ sức sống cho tên tuổi ông.

Nghị luận xã hội về vấn đề: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê

Đam mê đem lại nhiều lợi ích và có ý nghĩa to lớn với cuộc đời. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khi đam mê phải lùi bước trước những yếu tố khác. Nhân dân ta có câu: “Dã tràng xe cát biển Đông/Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” chỉ những người làm việc cơ cực mà không thu lại thành quả. Câu nói này có thể áp dụng vào những trường hợp không nhận thức được sự chênh lệch giữa đam mê và tài năng cũng như hoàn cảnh thực tế. Có những việc không phải cứ yêu thích, đam mê hay kiên trì là thành công. Ví dụ như âm nhạc, hội họa đều đòi hỏi năng khiếu rất cao. Nếu ta không có được khả năng ca hát thiên phú, chắc chắn không thể trở thành ca sĩ dù luyện tập nhiều đến đâu. Ngoài ra, đời sống luôn chứa đựng vô vàn bước ngoặt. Chắc hẳn, sẽ có những thời điểm mà đam mê, cái tôi của bản thân ta phải lùi bước trước gánh nặng cơm áo gạo tiền và tuổi tác. “Có thực mới vực được đạo” là chân lí muôn thuở. Thậm chí, sự dèm pha từ người đời hoặc những định kiến xã hội cũng có thể là nguyên nhân khiến con người cân nhắc việc theo đuổi đam mê. Những ảo tưởng hão huyền, niềm hy vọng viển vông thực sự có thể khiến cuộc đời con người rơi vào vực thẳm.

Vậy đâu là đáp án cho câu hỏi“Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?”? Có lẽ, đáp án hoàn chỉnh nhất chính là sự kết hợp giữa “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”. Mỗi khi cân nhắc việc cống hiến hết mình vì điều gì đó, chúng ta cần xác định xem nó có thực sự là niềm đam mê chân chính hay không và dự liệu những thứ ta sẽ phải hy sinh khi theo đuổi nó. Hơn nữa, đam mê không phải là câu chuyện tầm phào nên hãy cam kết với chính bản thân mình sẽ nỗ lực hết sức. Con đường đến đỉnh vinh quang ắt sẽ khó khăn và có nhiều thất bại nhưng chớ nản lòng. Hơn hết, nếu hiện tại bạn chưa có đủ khả năng để theo đuổi đam mê thì đừng vội để nó lụi tắt. Khát vọng có thể tạm thời lùi bước trước thực tế. Chỉ cần ta còn nhiệt huyết và quyết tâm, không bao giờ là quá muộn. “Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê” – Nick Vujicic.

Đam mê là một phần kì diệu của cuộc sống. Nền văn minh tiên tiến mà con người đang sống ngày hôm nay được xây dựng trên nền tảng của lao động, sáng tạo và đam mê nên hãy chọn cho mình một niềm đam mê giữa thế giới muôn màu.

————————————————-

Ngoài bài viết trên, mời các độc giả của TaiLieuViet tham khảo thêm các bài viết hay và bổ ích khác tại Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo, Văn mẫu lớp 11 Chân trời sáng tạo. Chúc các bạn học tập thật tốt!