Ý nghĩa của phát ngôn có trách nhiệm trong giao tiếp xã hội

Ý nghĩa của phát ngôn có trách nhiệm trong giao tiếp xã hội là gì? là bài văn mẫu mới nhất, sát với chương trình Ngữ văn lớp 11 sách Kết nối tri thức. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Ông cha ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Lời ăn tiếng nói chính là một khía cạnh để đánh giá con người. Vậy nên, việc phát ngôn có trách nhiệm trong giao tiếp xã hội hằng ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp phổ biến nhất của con người. Nhờ có ngôn ngữ mà những tinh hoa văn hóa của nhân loại được lưu truyền và phát triển. Với mỗi dân tộc, ngôn ngữ còn thể hiện bản sắc văn hóa. Trong thời đại 4.0 – thời đại của xu thế toàn cầu hóa thì việc phát triển ngôn ngữ cũng ngày càng được coi trọng. Đứng trước làn sóng giao thoa văn hóa mạnh mẽ, sự “lên ngôi” của công nghệ thông tin mỗi con người cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát triển ngôn ngữ.

Đầu tiên, việc sử dụng lời ăn tiếng nói một cách đúng đắn sẽ thể hiện tính cách của chúng ta cũng như thái độ của ta đối với mọi vấn đề trong đời sống. Giao tiếp là chìa khóa để kết nối con người. Lời hay, ý đẹp sẽ giúp ta nhận được sự yêu mến. Lời ngay, ý thật khiến ta tạo dựng được lòng tin. Không chỉ vậy, việc có trách nhiệm với lời nói của mình, biết kiểm soát lời nói cũng là cách để ta rèn luyện bản lĩnh, học cách điều hòa cảm xúc và lí trí. Cuộc sống không phải là một con đường thẳng tắp mà luôn chứa đựng những khúc quanh gập ghềnh. Bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể xảy ra bất hòa. Trong hoàn cảnh đó, ta cần sử dụng ngôn ngữ của mình một cách khôn khéo thay vì để cảm xúc nhất thời chi phối, làm tổn thương chính mình và người khác.

Mở rộng ta, việc phát ngôn có trách nhiệm trong giao tiếp xã hội còn có ý nghĩa thiết thực trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước. Tiếng nói là tài sản vô giá của quốc gia, cho thấy vẻ đẹp tinh thần của con người qua bao thăng trầm lịch sử. Chính vì thế, trong bất kì cuộc giao tiếp nào, ta phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với tiếng nói dân tộc. Ngoài ra, tiếng nói địa phương cũng là một phần bản sắc văn hóa, góp phần làm nên diện mạo phong phú cho ngôn ngữ dân tộc nên hãy tự hào vì âm điệu riêng của vùng đất nơi ta sinh ra và lớn lên.

Trong xã hội hiện nay tồn tại một bộ phận người có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, làm mất đi sự giàu đẹp và trong sáng của ngôn ngữ. Việc kết hợp một cách lố lăng giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để thể hiện tư tưởng sính ngoại. Bên cạnh đó, có những người lại sử dụng lời ăn tiếng nói bừa bãi, không thành thực, gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội. Đây đều là những hiện tượng đáng phê phán.

Để ngôn ngữ dân tộc được phát triển một cách tự nhiên và trong sáng nhất, mỗi cá nhân cần ý thức được vai trò của mỗi phát ngôn trong từng cuộc giao tiếp. Sự cố gắng của mỗi con người sẽ làm nên một xã hội văn minh trên cơ sở của tình thương và đạo đức.

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

———————————————————–

Kho tài liệu phong phú của TaiLieuViet vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức, Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!