Nghị luận về tác phẩm văn học (truyện thơ)

Nghị luận về tác phẩm văn học (truyện thơ) là bài viết chi tiết, giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu để củng cố kiến thức. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

“Nàng Ờm – chàng Bồng Hương” là truyện thơ tiêu biểu của dân tộc Mường. Tác phẩm có nội dung ý nghĩa, hình thức thể hiện độc đáo, thể hiện được lối tư duy phóng khoáng, giàu hình ảnh của người miền núi.

Về mặt nội dung, tác phẩm đề cao tình yêu, sự tự do và khát khao hạnh phúc chân chính của con người. Qua lời kể của nàng Ờm – người con gái trong cuộc tình ấy, ta có thể thấu hiểu được hoàn cảnh, sự thủy chung của con người khi yêu và những rào cản xã hội khắt khe.

Các cố, các mẹ ơi!

Hôm nay trăng sáng đẹp trời

Em kể lại kiếp khốn cho các mẹ biết

Em kể lại kiếp khổ cho các mẹ hay

Trong những gian nhà lớn giữa núi rừng tĩnh mịch, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng để cùng nghe những câu chuyện xa xưa về bản, về mường. Linh hồn nàng Ờm tự lên tiếng kể về số phận của mình vào một đêm trăng sáng đã tạo cho câu chuyện màu sắc huyền bí, thiêng liêng. Câu chuyện của nàng chính là “kiếp khốn”, “kiếp khổ” – bi kịch tình yêu bị đẳng cấp xã hội, khoảng cách giàu – nghèo ngăn cấm.

Cái chuyện con Ờm

Trên núi Làn Ai

Quê nhà Ờm ở đất Cành Nành

Làng Ca Da, mường Kỳ Ống

Để các mẹ suy đi nghĩ lại

Mà thương cho cái kiếp con người

Các mẹ sống trên đời

Đừng chê người ăn ngón

Đoạn thơ là lời nàng Ờm tự giới thiệu về mình. Quê nàng ở Cành Nành, làng Ca Da, mường Kỳ Ống. Cành Nanh, Ca Da, Kỳ Ống đều là các địa danh thuộc miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa – nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc Mường. Những chi tiết khác về gia cảnh của nàng Ờm nằm trong những phần khác của truyện thơ. Ngược lại với chàng Bồng Hương có hoàn cảnh nghèo khổ thì Ờm sinh ra trong gia đình giàu có nên cha mẹ rất nghiêm khắc và khuôn phép. Ờm và Bồng Hương đã biết nhau từ nhỏ. Lớn lên, họ yêu nhau và có ước mơ hạnh phúc giản dị, chân thành:

Ăn chung một gian

Uống nước chung một máng

Xỉa răng chung một ống

Chết hay sống cùng trọn một đời.

Bất hạnh thay, biến cố ập đến. Tình yêu sâu nặng của họ bị xã hội và gia đình phản đối. Ờm và Bồng Hương đã cùng nhau bỏ trốn lên núi Làn Ai. Những tháng ngày ở Làn Ai, hai người sống rất hạnh phúc. Khi sống cùng nhau, Bồng Hương làm việc không ngơi tay, Ờm cũng cũng làm lụng chẳng ngừng nghỉ. Buổi sáng nàng chăn lợn, chăn gà, buổi chiều lại đi cấy. Điều này cho thấy ý thức vun vén cho tình yêu, sự cần cù, nghiêm túc xây dựng cuộc sống của hai người. Bồng Hương đã tính đến chuyện sẽ cùng người yêu bỏ sang mường khác sinh sống. Nhưng vì sợ quyền cha, phép mẹ sẽ tìm đến hành hạ hai người lần nữa nên Ờm đã ăn lá ngón để kết liễu đời mình, giữ trọn lời thề tình yêu. Bồng Hương cũng ra đi theo người yêu. Thế nên, Ờm mới nói rằng: “Các mẹ sống trên đời/Đừng chê người ăn ngón”. Hành động ăn lá ngón là để chứng minh và bảo toàn cho tình yêu và danh dự, không phải một hành động bộc phát. Chỉ có nàng mới có thể thấu hiểu được chính hoàn cảnh và nỗi đau của mình khi ấy để đi đến quyết định đau đớn.

Nàng Ờm không hận thù, ghét bỏ mà vẫn mong cho những người ở lại “sống lâu trăm năm”, “thêm trăm ngàn tuổi”, “nên bố nên mẹ”, “giàu sang”. Ờm vẫn trân trọng và thương nhớ quê hương, mong ước được quay về giãi bày tình yêu và nỗi khổ đau cho mọi người thấu tỏ, thương xót. Nàng Ờm mong rằng sẽ không có đôi lứa nào phải tủi, phải đau giống như nàng. Thế nhưng, Làn Ai cùng tình yêu với chàng Bồng Hương đã níu chân nàng ở lại ngọn núi:

Nhưng em không về, con gà nó đợi

Nếu em không về, con lợn nó mong

Gà nó bới rẫy bông

Lợn ăn rỗng phá ha

Đoạn trích kết thúc bằng lời mời gọi mọi người lên thăm núi Làn Ai và khẳng định nghĩa tình con người làm nên nghĩa tình cho sông núi.

Về nghệ thuật, tác phẩm có sựkết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình cùng lối nói giàu hình ảnh, phép điệp, ngôn giữ có nhịp điệu, giản dị và trong sáng, lời thơ có nhiều vế đối nhau cân xứng.

Như vậy, truyện thơ “Nàng Ờm – chàng Bồng Hương” có nội dung sâu sắc, giàu tính nhân văn và được thể hiện qua hình thức nghệ thuật đặc sắc. Tác phẩm xứng đáng được phổ biến rộng rãi hơn nữa trong thời đại hiện nay.