TaiLieuViet xin trân trọng giới thiệu bài Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 9: Tế bào nhân thực được TaiLieuViet sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 10 sách CTST. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.

Lý thuyết Sinh học 10 bài 9

A. Đặc điểm chung của tế bào nhân thực

– Có kích thước lớn hơn tế bào nhân sơ.

– Có cấu tạo phức tạp hơn tế bào nhân sơ:

+ Có nhân chính thức với màng nhân ngăn cách chất nhân và tế bào chất.

+ Có bộ khung xương tế bào.

+ Có hệ thống nội màng chia tế bào chất thành các xoang riêng biệt.

+ Có nhiều bào quan có màng bao bọc.

B. Cấu tạo tế bào nhân thực

I. Nhân tế bào

– Cấu tạo:

+ Thường có hình bầu dục hoặc hình cầu, đường kính trung bình khoảng 5 µm.

+ Được bao bọc bởi màng nhân (màng nhân là màng kép) có bản chất là lipoprotein, ngăn cách môi trường bên trong nhân với tế bào chất.

+ Trên màng nhân có đính các ribosome và các lỗ màng nhân. Các lỗ màng nhân thực hiện trao đổi chất giữa nhân và tế bào chất.

+ Bên trong nhân là dịch nhân chứa nhân con và chất nhiễm sắc (DNA trong nhân liên kết với protein).

– Chức năng: Nhân tế bào là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của tế bào và được xem là một trong những bào quan quan trọng nhất của tế bào.

II. Tế bào chất

1. Bào tương

– Cấu tạo:

+ Bào tương là khối tế bào chất đã được tách bỏ hết các bào quan.

+ Chiếm gần 50% khối lượng tế bào.

+ Thành phần chủ yếu là nước và một số chất khác như: ion, các chất hữu cơ (amino acid, nucleotide,…).

– Chức năng: Bào tương là môi trường diễn ra nhiều quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng của tế bào.

2. Ribosome

– Vị trí: Có thể đính trên màng nhân, lưới nội chất hạt hoặc nằm tự do trong tế bào chất. Ngoài ra, ribosome còn có trong ti thể và lục lạp.

– Số lượng: Trong tế bào nhân sơ, có thể có từ hàng trăm đến hàng triệu ribosome.

– Cấu tạo:

+ Ở sinh vật nhân thực, có ribosome 80 S.

+ Không có màng bao bọc.

+ Được cấu tạo gồm một số loại rRNA kết hợp với protein.

+ Mỗi ribosome gồm một tiểu phần lớn và một tiểu phần nhỏ. Khi không hoạt động, hai tiểu phần tách rời nhau, chỉ khi hai tiểu phần gắn kết với nhau tạo thành ribosome hoàn chỉnh thì ribosome mới thực hiện chức năng.

3. Lưới nội chất

+ Là hệ thống màng lipoprotein bên trong tế bào.

+ Chỉ gồm một màng duy nhất gấp nếp tạo thành hệ thống các kênh, túi và ống thông với nhau.

– Gồm 2 loại là lưới nội chất trơn (không có đính ribosome) và lưới nội chất hạt (có đính ribosome). Tùy theo mỗi loại tế bào mà mức độ phát triển của hai loại lưới nội chất là khác nhau.

– Chức năng: Hệ thống lưới nội chất sản xuất ra các sản phẩm cần thiết cho hoạt động của tế bào.

+ Lưới nội chất trơn chứa nhiều enzyme tổng hợp lipid, chuyển hóa đường và khử độc cho tế bào.

+ Lưới nội chất hạt có chức năng tổng hợp các loại protein tiết ra ngoài tế bào hoặc các protein cấu tạo nên màng sinh chất và các protein trong lysosome.

4. Bộ máy Golgi

– Cấu tạo: Được cấu tạo bởi màng lipoprotein tạo thành hệ thống các túi dẹp xếp chồng lên nhau và liên kết với nhau thông qua các protein nằm trên màng của chúng.

– Chức năng:

+ Tiếp nhận các sản phẩm từ lưới nội chất → Biến đổi, đóng gói và phân phối các sản phẩm đến các vị trí khác nhau thông qua các túi tiết hay lysosome.

+ Thực hiện quá trình tổng hợp polysaccharide cấu tạo nên thành tế bào thực vật.

5. Ti thể

– Số lượng: Số lượng ti thể trong tế bào có thể từ hàng trăm đến hàng nghìn tùy từng loại tế bào. Một số loại tế bào không có ti thể như tế bào hồng cầu người, tế bào mạch gỗ và mạch rây ở thực vật.

– Cấu tạo:

+ Thường có dạng hình cầu hoặc bầu dục.

+ Được bao bọc bởi 2 lớp màng: Màng ngoài trơn, màng trong gấp nếp tạo thành các mào, trên mào chứa hệ thống các enzyme hô hấp.

+ Trong chất nền ti thể có các phân tử DNA nhỏ (mtDNA) có dạng vòng mang gene mã hóa protein của ti thể, trong đó có một số protein tham gia chuỗi chuyền electron; mã hóa cho các tRNA và rRNA của ti thể. Ngoài ra trong chất nền còn chứa ribosome 70 S, enzyme,…

– Chức năng: thực hiện quá trình hô hấp tế bào giúp chuyển hóa cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào thông qua quá trình hô hấp tế bào.

6. Lục lạp

– Là bào quan chỉ có ở tảo, thực vật (chủ yếu ở lá).

– Cấu tạo:

+ Được bao bọc bởi 2 lớp màng tuy nhiên màng trong không gấp nếp như ở ti thể.

+ Bên trong lục lạp chứa chất nền (stroma) không màu và hệ thống các túi dẹp (thylakoid): Trong chất nền lục lạp chứa DNA dạng vòng (cpDNA) mang gen mã hóa các loại protein của lục lạp;ribosome 70 S và các enzyme quang hợp. Trên màng thylakoid chứa hệ sắc tố và các enzyme quang hợp; các thylakoid xếp chồng lên nhau tạo thành các granum.

– Chức năng: Có chức năng quang hợp và tổng hợp các chất cần thiết cho tế bào.

7. Một số bào quan khác

Cấu tạo và chức năng của khung xương tế bào

– Cấu tạo: Được cấu tạo bởi các vi ống, vi sợi và sợi trung gian.

– Chức năng:

+ Làm giá đỡ cơ học và duy trì hình dạng của tế bào.

+ Là nơi neo đậu của nhiều bào quan (ti thể, ribosome, nhân) và enzyme trong tế bào.

+ Các vi ống và vi sợi của khung xương tế bào còn tham gia vào sự vận động của tế bào.

Cấu tạo và chức năng của lysosome và peroxisome

– Lysosome:

+ Có dạng hình cầu, chỉ có ở tế bào động vật.

+ Có nguồn gốc từ bộ máy Golgi.

+ Cấu tạo: Được bao bọc bởi màng lipoprotein. Trong lysosome chứa nhiều enzyme thủy phân.

+ Chức năng: Có chức năng tiêu hóa nội bào (phân cắt các đại phân tử hữu cơ), phân hủy các sản phẩm dư thừa, các tế bào và bào quan già, tế bào bị tổn thương không còn khả năng phục hồi. Ngoài ra, lysosome còn có vai trò bảo vệ tế bào bằng cách chống lại các tác nhân gây hại (vi khuẩn, virus, các chất độc hại).

– Peroxisome:

+ Được hình thành từ lưới nội chất trơn.

+ Cấu tạo: Gần giống lysosome. Trong peroxisome chứa các enzyme chuyển hóa lipid, catalase phân giải H2O2, uricase phân giải uric acid.

+ Chức năng: Có chức năng chuyển hóa lipid; khử độc H2O2, uric acid để bảo vệ tế bào.

Cấu tạo và chức năng của không bào

– Cấu tạo: Được bao bọc bởi một lớp màng.

– Chức năng: Tùy vào loài sinh vật và loại tế bào mà không bào có chức năng khác nhau.

+ Ở tế bào lông hút, không bào chứa nhiều muối khoáng hòa tan giúp rễ hút nước.

+ Ở tế bào cánh hoa, lá, quả, không bào chứa sắc tố, chất có mùi thơm để thu hút côn trùng đến thụ phấn hoặc chứa chất thải, chất độc để chống lại các loài ăn thực vật.

+ Ở một số tế bào, không bào có thể giúp dự trữ dinh dưỡng hoặc chứa enzyme thủy phân.

Cấu tạo và chức năng của trung thể

– Một tế bào động vật thường có một trung thể nằm cạnh nhân tế bào.

– Cấu tạo:

+ Gồm hai trung tử xếp thẳng góc với nhau và chất quanh trung tử.

+ Mỗi trung tử là một ống hình trụ dài và rỗng, được cấu tạo từ các bộ ba vi ống xếp thành vòng.

– Chức năng: Có chức năng hình thành thoi phân bào nên có vai trò rất quan trọng trong phân bào.

III. Màng sinh chất

1. Cấu tạo của màng sinh chất

– Năm 1972, Singer và Nicolson đã đề xuất mô hình khảm động của màng sinh chất và được công nhận vì phù hợp với các dạng tế bào và giải thích được màng sinh chất vừa có tính ổn định, vừa có tính linh hoạt để đáp ứng được chức năng đa dạng của màng.

Cấu tạo màng sinh chất theo mô hình khảm động

– Theo mô hình khảm động:

+ Tính “khảm” của màng: Màng sinh chất được cấu tạo gồm một khung liên tục do lớp kép phospholipid tạo thành. Trên lớp kép phospholipid, nhiều phân tử protein phân bố trên màng. Các phân tử protein có thể nằm xuyên qua khung (protein xuyên màng) hoặc bám ở mặt trong hay mặt ngoài của màng (protein bám màng).

+ Tính “động” của màng: Các phân tử phospholipid và protein trên màng có khả năng chuyển động trong màng.

+ Trên màng sinh chất còn có carbohydrate liên kết với protein (glycoprotein) hoặc lipid (glycolipid). Ngoài ra, trên màng sinh chất của tế bào động vật còn có nhiều phân tử cholesteron nằm xen kẽ với các phân tử phospholipid có tác dụng làm tăng tính ổn định của màng.

2. Chức năng của màng sinh chất

Màng sinh chất là ranh giới giữa môi trường bên trong và bên ngoài tế bào, giữ nhiều chức năng quan trọng:

– Vận chuyển các chất:

+ Màng sinh chất có tính thấm chọn lọc nên chỉ cho các chất cần thiết đi qua.

+ Giữ ổn định vật chất bên trong tế bào tránh các tác động cơ học.

– Truyền tín hiệu: Mặt ngoài của màng sinh chất có các protein đóng vai trò là các thụ thể tiếp nhận thông tin từ môi trường ngoài đưa vào tế bào.

– Nhận biết tế bào: Các glycoprotein đặc trưng cho từng loại tế bào có vai trò là dấu hiệu nhận biết các tế bào của cùng một cơ thể cũng như tế bào của cơ thể khác.

IV. Các cấu trúc bên ngoài màng sinh chất

1. Cấu tạo và chức năng của thành tế bào

– Vị trí: Ở tế bào thực vật và nấm, thành tế bào bao bọc bên ngoài màng sinh chất.

– Cấu tạo:

+ Ở thực vật, thành tế bào cấu tạo chủ yếu từ cellulose, ngoài ra còn có pectin và protein. + Ở nấm, thành tế bào cấu tạo chủ yếu là chitin.

+ Giữa thành của hai tế bào có phiến giữa (có bản chất là polysaccharide) giúp liên kết hai tế bào với nhau. Ngoài ra, giữa hai tế bào thực vật còn có cầu sinh chất – đây là con đường lưu thông xuyên suốt giữa các tế bào thực vật với nhau.

– Chức năng: Quy định hình dạng và bảo vệ tế bào.

2. Cấu tạo và chức năng của chất nền ngoại bào

– Ở tế bào động vật, bên ngoài màng sinh chất của tế bào động vật được bao phủ bởi chất nền ngoại bào.

– Cấu tạo: Được cấu tạo chủ yếu từ glycoprotein liên kết với các chất vô cơ và hữu cơ khác nhau.

– Chức năng: Có vai trò như “chất keo” kết dính các tế bào cạnh nhau tạo thành mô và giúp tế bào thu nhận thông tin.

Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 bài 9

—————————————–

Như vậy TaiLieuViet đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 9: Tế bào nhân thực. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Sinh học 10,Giải bài tập Sinh học lớp 10, Giải Vở BT Sinh Học 10,Sinh học 10 Cánh Diều, Sinh học 10 Kết nối tri thức, Tài liệu học tập lớp 10.