Kết bài Đoàn thuyền đánh cá được TaiLieuViet sưu tầm và đăng tải. Sau đây là tài liệu mời các bạn tham khảo

1. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 1

“Đoàn thuyền đánh cá” là một bài thơ ca ngợi cuộc sống mới, con người mới. Bài thơ tràn ngập niềm vui phơi phới, niềm say sưa hào hứng chinh phục thiên nhiên của con người. Đây cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp lộng lẫy, hùng vĩ và nên thơ của biển cả quê hương. Đó chính là sức hấp dẫn đến từ những vần thơ của Huy Cận.

2. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 2

Xuân Diệu quan niệm: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Tác giả Huy Cận đã đem hiện thực ấy vào trong trang viết của mình một cách tự nhiên, đồng thời ông cũng khiến con tim người đọc tan chảy khi cảm nhận tư thế làm chủ của những con người lao động mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quả thực văn học chân chính nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, nên bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” vẫn sáng ngời cho đến tận hôm nay và mãi mãi về sau.”

3. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 3

Thiên nhiên bao giờ cũng đẹp, bức tranh thiên nhiên luôn gắn liền với tâm hồn của người nghệ sĩ. Thiên nhiên là đối tượng của văn học nghệ thuật, để nhà văn gửi gắm tâm tư, tình cảm, quan điểm của mình. Với Huy Cận, cảm hứng về biển là cảm hứng vũ trụ nhưng đồng thời là cảm hứng cuộc đời. Nhà thơ viết về biển cũng là viết về sự sống, về đất nước, quê hương, về con người trong cõi trần gian. Về với biển là nhà thơ được nghe tiếng nói, lời ca, hơi thở của biển và sự sống dạt dào:

“Sóng nói điều chi mãi chẳng thôi

Tiếng riêng tạo hoá nói cùng người

Dạt dào sự sống rằng không mỏi

Trong, mặn làm nên nụ sóng cười.”

4. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 4

“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lòng

Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa

Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa

Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi.”

Tiếng thơ “ảo não” mang nặng “nỗi sầu vạn cổ”, “nỗi buồn thiên thu” của ông đã nói lên được tâm trạng chung của tầng lớp tiểu tư sản đương thời. Cảnh sắc thiên nhiên trong “Đoàn thuyền đánh cá” không đơn thuần chỉ bộc lộ gián tiếp vẻ đẹp của con người qua từng bức tranh mà còn thể hiện những thông điệp, ý nghĩa mà Huy Cận khéo léo gửi gắm. Nhưng tựu chung lại, có thể thấy nổi bật lên trong thơ Huy Cận là khát vọng được hoà nhập giữa cá thể và vũ trụ, con người và thiên nhiên.

5. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 5

Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ để rồi trong không gian rộng lớn, choáng ngợp ấy hình ảnh con người lao động trong công việc đánh bắt hiện lên thật đẹp đẽ, họ chủ động tự tin làm chủ công việc, làm chủ cuộc sống của mình. Sự kết hợp giữa cảm hứng thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong đoàn thuyền đánh cá đã mang đến cho chúng ta bức tranh đầy màu sắc về thiên nhiên, về cuộc sống lao động con người trong giai đoạn mới.

6. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 6

Có thể nói, “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận là bài ca lao động đầy hứng khởi, hào hùng. Qua khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, qua công việc đánh bắt của người dân làng chài, Huy Cận đã ca ngợi sự giàu có, trù phú của biển cả, trân trọng, ngợi ca sự cần cù, nhiệt huyết của người lao động trong công việc của mình, họ là những người lao động trong cuộc sống mới với tư thế tự tin, dáng vẻ ngạo nghễ, chủ động trong công việc, mang niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

7. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 7

Bằng những hình ảnh chân thực, cụ thể của công việc lao động trên biển kết hợp với cảm hứng trữ tình lãng mạn, nhà thơ Huy Cận trong Đoàn thuyền đánh cá đã gợi ra khung cảnh thiên nhiên kì vĩ, rộng lớn cùng không khí lao động đầy hăng say, nhộn nhịp của người lao động trong công việc đánh bắt của mình. Bài thơ là khúc tráng ca về công việc lao động trên biển, qua đó Huy Cận còn thể hiện niềm vui, sự tự hào trước một sức sống mới, nguồn sống mới của con người khi miền Bắc đã được giải phóng, cả nước phấn khởi tiến đến xây dựng xã hội chủ nghĩa.

8. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 8

Bằng những hình ảnh đẹp đẽ, tráng lệ cùng những liên tưởng sáng tạo, độc đáo, nhà thơ Huy Cận đã rất thành công khi mở ra bức tranh lao động nhiệt huyết, hăng say của người ngư dân vùng biển Quảng Ninh. Qua bài thơ, tác giả Huy Cận đã ngợi ca vẻ đẹp, sự giàu có của thiên nhiên, biển ca; ngợi ca khí thế lao động mạnh mẽ, tinh thần lạc quan, tự tin làm chủ cuộc sống của con người sau giải phóng đồng thời bộc lộ niềm vui tươi, hứng khởi lại tràn đầy tự hào của nhà thơ trước thiên nhiên, trước cuộc sống mới – cuộc sống xã hội chủ nghĩa.

9. Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá – mẫu 9

Bằng tình yêu thiên nhiên, đất nước con người cùng cái tài hoa trong sáng tạo nghệ thuật của mình, Huy Cận trong bài thơ Đoàn thuyền đánh đã dựng lên bức tranh thật ấn tượng về công việc lao động trên biển của người dân làng chài. Trong bức tranh ấy không chỉ có cái rắn rỏi, tư thế tự tin, chủ động của người lao động mà còn có sự hòa quyện tuyệt vời với vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của tự nhiên. Mỗi lời thơ như một nét chấm phá ấn tượng giúp cho bức tranh về thiên nhiên và cuộc sống con người trở nên rõ nét, hoàn thiện trước mắt độc giả.

……………………………………………………………..