TaiLieuViet xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết Kết bài “Ánh trăng” – Nguyễn Duy. Bài viết gồm những mẫu kết bài hay, ngắn gọn, đa dạng do TaiLieuViet sưu tầm và biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu để học tập tốt môn Ngữ văn lớp 9. Mời các bạn tham khảo!

1. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 1

Với tư cách là một độc giả dạo chơi trên chuyến đò thời gian với dòng chảy hoài niệm của Nguyễn Duy, ta có thể khẳng định rằng bài thơ “Ánh trăng” là sự kết tinh của dòng cảm xúc sâu lắng và chất triết lí thâm trầm. Ta đã bắt gặp sự giao nhau của tâm hồn thi sĩ với tâm sự nghĩa tình của cả một thế hệ. Quả thật, Nguyễn Duy đã đem phần đẹp nhất, nhân hậu nhất, trong sáng nhất của trăng để soi vào phần đen tối nhất của con người. Trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho sự bất biến, cho vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc đời.

2. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 2

Thời gian, kỉ niệm cứ như dòng chảy không ngừng nhưng nó đâu thể nào cuốn đi được lòng thủy chung son sắt của trăng, trăng vẫn ở đó và vẫn tỏa sáng, bởi lẽ “Thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trở thành bất tử” ( Shelly). Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã nhắc nhở chúng ta về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính, sống hòa hợp với thiên nhiên, đất nước rất bình dị, hiền hậu. Dù đi đâu, đi đến tận cuối đất cùng trời, dù ta là ai, chỉ cần ta sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, ánh trăng vẫn thủy chung, trọn vẹn, nghĩa tình sắt son. Đó là đạo lí đắt giá không chỉ cho thế hệ những người đã qua một thời trận mạc mà còn cho cả một lớp người mai sau.

3. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 3

Ánh trăng của Nguyễn Duy là bài thơ xúc động của nhà thơ Nguyễn Duy gợi nhắc về những ân tình thủy chung trong quá khứ. Sử dụng những ngôn ngữ đời thường, giản dị cùng lời dắt dắt tự nhiên tựa như lời trần thuật lại tha thiết như lời giãi bày, tâm sự Nguyễn Duy không chỉ đơn giản mang đến một câu chuyện hấp dẫn mang tính nút thắt về cuộc hội ngộ bất ngờ giữa người chiến sĩ xưa với người bạn tri kỉ “ánh trăng” mà còn chứa đựng những triết lí sâu sắc về sự thủy chung, đọc bài thơ độc giả cũng chợt “giật mình” để nhìn nhận, xem xét lại chính bản thân mình về thái độ, tình cảm với những kỉ niệm, ân tình trong quá khứ, bài thơ hướng chúng ta đến lối sống nghĩa tình, thủy chung hơn.

  • Mở bài Ánh trăng Nguyễn Duy

4. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 4

Ánh trăng là chủ đề không mấy xa lạ trong thi ca, thế nhưng khác với những thi nhân xưa viết về ánh trăng trong nguồn cảm hứng thẩm mĩ, viết để ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên thì Nguyễn Duy lại mượn hình ảnh ánh trăng để nói về những nghĩa tình trong quá khứ. Ánh trăng trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Duy chính là cố nhân, là chứng nhân cho những tình nghĩa thủy chung con người đã có trong quá khứ, qua bài thơ Nguyễn Duy đã gửi gắm bài học, triết lí sâu sắc đến chính bản thân mình cũng như độc giả: cần có sống nghĩa tình, thủy chung với quá khứ, bởi đó chính là những kí ức, những ngày tháng gắn liền với sự trưởng thành, nuôi dưỡng thế giới tâm hồn của mỗi con người.

Kết bài thơ Ánh trăng

5. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 5

Được viết bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn cùng ngôn ngữ tinh lọc, hình ảnh trong sáng, giọng thơ thiết tha tâm tình như lời tâm sự, “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy đã đánh thức trong mỗi người những miền kí ức đẹp đẽ, tươi sáng nhưng vô tình bị bụi của thời gian cùng cái bận rộn của cuộc sống thường nhật che khuất. Nhà thơ đã gửi gắm đến độc giả những chiêm nghiệm, cảm xúc chân thành nhất của mình, để từ đó gửi gắm một triết lí được đúc rút từ chính những chiêm nghiệm thực tế của mình: Cần sống nghĩa tình, trong guồng quay bất tận của cuộc sống hiện tại, con người đừng chỉ nhìn về những thứ vật chất phù phiếm trước mắt mà hãy dành cho mình một khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn về phía sau, nhìn về những nghĩa tình thủy chung đã có trong quá khứ.

6. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 6

Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là những tâm sự tha thiết, chân tình mà thấm đượm những triết lí, suy tư về những ân tình trong quá khứ của một người lính từng trải qua khói lửa của chiến tranh, từng sống một cuộc sống mới khi đất nước hòa bình, giải phóng. Qua bài thơ, Nguyễn Duy muốn gửi gắm đến độc giả hãy sống nghĩa tình, biết thủy chung với quá khứ, sâu sắc hơn đó là lời nhắc nhở mỗi con người chúng ta về đạo lí nghĩa tình “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

7. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 7

Bằng hình ảnh ánh trăng hiện ra đột ngột giữa khung cảnh thành phố, bài thơ như một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu … Bài thơ gây được xúc động bởi cách diễn tả như một lời tâm sự chân thành, lời tự nhắc nhở có giọng trầm tĩnh mà lắng sâu. Khổ cuối của bài thơ đưa tới chiều sâu lí tưởng triết lý: vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ, “kể chi người vô tình”, là biểu tượng của sự bao dung độ lượng, của nghĩa tình thủy chung trọn vẹn trong sáng mà không hề đòi hỏi đền đáp. Đó cũng chính là phẩm chất cao cả của nhân dân, mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc trong thời kì chiến tranh chống Mĩ.

8. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 8

Nguyễn Duy là một nhà thơ có phong cách viết rất gần gũi với người đọc và lời thơ mang tính triết lí, giản dị nhưng cũng rất sâu xa. Bài thơ đã khép lại nhưng vẫn mở ra cho chúng ta biết bao trăn trở, suy nghĩ về cách sống làm người. Có lẽ bởi vậy mà bài thơ “Ánh trăng” vẫn luôn trụ vững trong lòng người đọc, neo lại với thời gian.

9. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 9

Ánh trăng của Nguyễn Duy gây được nhiều xúc động đốì với nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn tả bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. Ánh trăng còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “mình” suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn.

10. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 10

Ánh trăng là một bài thơ hay. Thể thơ năm chữ được vận dụng sáng tạo, tài hoa. Sự phong phú vần điệu, ngôn ngữ trong sáng, giọng thơ tâm tình vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhà thơ tâm sự với người đọc những sâu kín nhất nơi lòng mình. Chất triết lí thâm trầm được diễn tả qua hình tượng “ánh trăng” đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Không nên sống vô tình. Phải thủy chung trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với bạn bè, đồng chí, với nhân dân – đó là điều mà Nguyễn Duy nói thật hay, thật cảm động qua bài thơ này.

11. Kết bài “Ánh trăng” – Mẫu 11

Với giọng điệu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng kết hợp với thể thơ ngũ ngôn và việc không viết hoa chữ cái đầu dòng thơ thể thơ phù hợp với việc tự sự, bộc lộ cảm xúc, bài thơ “Ánh trăng” đã thực sự gây nhiều xúc động đối với bao độc giả. Có lẽ ai đã từng đọc “Ánh trăng” cũng đều nghiêm khắc với chính mình như thế vì một thời quá khứ chưa được đánh giá đúng mức. Vâng, muộn còn hơn không, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với những gì thuộc về quá khứ. Hẳn “Ánh trăng” không chỉ làm “giật mình” một Nguyễn Duy mà thôi!

……………………………………………………………..

Ngoài Kết bài Ánh trăng Nguyễn Duy. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Mở bài kết bài Văn 9, Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt