Kể lại một việc tốt mà em đã làm bao gồm dàn ý và 10 bài văn mẫu hay chọn lọc, giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9. Đây là tài liệu hữu ích giúp các em có thêm ý tưởng khi làm bài, từ đó học tốt môn Văn 9 hơn. Dưới đây là nội dung chi tiết các em tham khảo nhé.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm

Dàn ý kể lại một việc tốt mà em đã làm lớp 9

1. Mở bài: Giới thiệu việc tốt mà em đã làm: giúp đỡ người khác, nhặt được của rơi trả người bị mất,…

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện

  • Nêu nguyên nhân và hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: em gặp tình huống đó như thế nào? (Nhân lúc đi học về, trong giờ học,…)
  • Những suy nghĩ ban đầu của bản thân khi đứng trước tình huống. (Bối rối, lo lắng, không biết phải làm gì… hay bình tĩnh?)

b. Diễn biến câu chuyện

  • Em đã làm gì trước tình huống đang xảy ra? (Giúp đỡ, chia sẻ,…)
  • Nêu tâm trạng của em lúc đó. (Vui vẻ, hạnh phúc vì làm được việc tốt,…)
  • Thái độ của người được em giúp đỡ như thế nào: cảm kích, biết ơn, vui vẻ,…
  • Thái độ của mọi người xung quanh em trước việc tốt mà em làm: tán thưởng, biểu dương, khích lệ, khen ngợi,…

c. Bài học được rút ra sau câu chuyện

  • Câu chuyện mang đến cho em bài học gì? (Phải biết giúp đỡ người gặp khó khăn, nhặt được của rơi trả người bị mất, phải biết sẻ chia,…)
  • Việc làm tốt lần này là động lực để em làm nhiều việc tốt hơn nữa.

3. Kết bài: Nêu tầm quan trọng của việc làm tốt và rút ra bài học cho bản thân.

Kể về một việc tốt mà em đã làm lớp 9 Ngắn gọn

Chiều hôm qua, em đã làm được một việc tốt. Tuy đó chỉ là một việc nhỏ bé, nhưng em vẫn rất vui, vì đã có thể giúp đỡ cho người khác.

Lúc ấy, em đang đi bộ về nhà sau tiết học buổi chiều. Vừa đi, em vừa nghĩ về bài tập cần làm tối nay và chương trình tivi thú vị sẽ chiếu. Bỗng, em nghe thấy âm thanh xì xào ở phía cuối đường. Vội chạy lại xem, thì em nhìn thấy hai em nhỏ đang lo lắng đứng ở dưới gốc sấu và nhìn chăm chú lên đó. Lại gần hơn, em nhận ra một chùm bóng bay đang mắc kẹt ở trên cành sấu. Hỏi chuyện, em biết được, hai em nhỏ vừa đi mua bóng để đi tham gia tiệc mừng sinh nhật bạn nhưng do lỡ tay làm bóng bay lên. Hiểu được vấn đề, em liền cởi balo đưa cho em nhỏ cầm, rồi cởi giày và thoăn thoắt trèo lên cây. Từ nhỏ, em đã luôn tự hào về khả năng trèo cây hái quả của mình. Nhưng đây là lần đầu em dùng nó để giúp cho người khác. Vừa trèo, em vừa cố khống chế tay mình thật nhẹ nhàng, để tránh làm rung cây khiến chùm bóng bay lên cao hơn. Sau một hồi căng thẳng, em đã chạm được vào trái bóng. Hai bạn nhỏ ở dưới reo lên sung sướng khiến em càng thêm tràn trề động lực. Buộc chắc chùm bóng vào cổ tay, em tụt dần xuống đất. Vừa xuống đến nơi, hai bạn nhỏ ríu rít vây quanh em, vừa cảm ơn vừa trầm trồ về khả năng leo trèo khiến em vừa vui vừa có chút ngại ngùng.

Trờ về nhà, em cứ nghĩ mãi đến vẻ mặt hạnh phúc là lời cảm ơn rối rít của hai bạn nhỏ. Niềm vui sướng cứ thế len lỏi trong lồng ngực, khiến em đi lại nhẹ nhàng như đang bay vậy.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm mẫu 1

Có những ngày nằm dài bên ô cửa sổ, ngắm nhìn dòng người qua lại bên đường, nhìn những chiếc lá xanh khẽ lay động vì gió xuân. Em mỉm cười và bình yên đến lạ khi nhớ về việc tốt mà em đã làm ngày hôm ấy – tuy nhỏ bé nhưng điều đó làm em cảm thấy thật hạnh phúc.

Đó là một ngày mưa tầm tã, mưa rơi tơi bời qua làn tóc rối của những cây liễu ven hồ. Em khoác áo mưa trên đường đi học về, mải miết đạp xe trong mưa mong sớm về đến nhà. Chợt có một tiếng kêu yếu ớt nào đó vang lên bên đường khiến em phanh xe lại và nhìn ngó xung quanh vắng tanh. Đảo mắt một chút, em giật mình nhìn thấy bé gái ướt nhẹp vì nước mưa đang ngồi bệt bên đường với cái chân bị chày xước và đỏ tấy. Em dắt xe lại gần cất tiếng hỏi:

– Bé gái, em có bị làm sao không?

Em ấy ngẩng đầu nhìn em , đôi mắt đã sưng đỏ, khóc thút thít:

– Chị ơi, em bị ngã, em đau chân quá, Em muốn về nhà.

Em đỡ cô bé đứng dậy, ngồi bên vệ đường và hỏi , hóa ra cô bé học trường tiểu học gần đây, cô bé đi bộ về nhưng vì trời mưa khá to nên trượt chân và ngã ở đây. Thấy cô bé như vậy, em vội lấy áo mưa chùm lên người cô bé và nói:

– Không sao đâu, nói cho chị biết nhà của em, chị sẽ đưa em về. Chắc bố mẹ đang lo lắng cho em đó.

– Nhà em ở gần đây ạ, đi một đoạn nữa rẽ vào con ngõ nhỏ , trước ngõ có cây phượng rất to

Em nghe thấy , hơi buồn cười. Có lẽ cô bé còn nhỏ, chỉ quen thuộc đường về nhà mà không nhớ địa chỉ cụ thể. Nhưng trùng hợp, con ngõ ấy cách nhà em rất gần. Vì mới chuyển đến khu này sống nên em không biết cô bé cũng ở đây. Em dựng xe đạp lên, nhanh chóng bế cô bé ngồi đằng sau, chùm áo mưa kín cho cô bé và không quên nhắc nhở hãy ôm chặt lấy người em. Cô bé rất ngoan, chỉ khóc thút thít và gật đầu:

– Vâng ạ

Trời cũng dần ngớt cơn mưa, con đường phía trước mặt em sáng hẳn không còn âm u. Em tăng tốc độ đạp xe nhanh hơn. Một lát đã đến nhà cô bé, vì chân đau nên không đi được, em bế cô bé vào cửa nhà thì nhìn thấy mẹ cô bé đang rất sốt ruột đi đi lại lại trong nhà, tay cầm điện thoại không ngừng bấm. Em cất tiếng chào:

– Cháu chào cô ạ, cô có phải là mẹ em Phương không ạ ?

– Nhà cháu ở khu này, trên đường thấy em bị ngã nên cháu đưa em về, trời mưa lớn quá

Trời cũng đã tạnh mưa, những đám mây trắng bồng bềnh óng vàng màu nắng. Em chào mẹ cô bé và đi về nhà với ba mẹ. Tuy hôm nay em về khá muộn, nhưng khi nghe được câu chuyện em kể , mẹ không trách mắng mà nở nụ cười hạnh phúc:

– Con gái của mẹ đã lớn rồi.

Em cảm nhận được niềm vui và tình yêu thương của mẹ trong ánh mắt đó. Có lẽ khi ta trao đi tấm lòng, sự yêu thương sẻ chia, làm một việc tốt dù cho nó nhỏ bé, ta cũng cảm thấy thật hạnh phúc biết bao.

Trời đã về chiều, em vẫn ngồi bên ô cửa sổ mỉm cười hạnh phúc nhớ lại việc làm tốt đẹp ấy. Dường như nó trở thành một niềm vui to lớn đối với cô học sinh cấp 2 như em, trở thành một đoạn kí ức tốt đẹp nuôi dưỡng tâm hồn.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm mẫu 2

Từ khi còn bé, em luôn được mẹ dạy rằng phải biết yêu thương và giúp đỡ người khác. Tâm hồn non nớt khi ấy luôn ghi nhớ lời dạy của mẹ,nhưng em vẫn không hiểu hết lời mẹ đã nói. Cho đến thứ Năm tuần trước, một sự việc xảy ra đã dạy cho em bài học quý giá về tình thương con người, khiến em bỗng hiểu được tình yêu thương quan trọng thế nào trong cuộc sống. Tuần trước, em đã giúp đỡ một cụ già. Việc làm ấy tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với em.

Thứ Năm tuần trước, trời mưa rả rích cả ngày dài. Em lang thang trên đường đi học về, nhìn đường xá vắng vẻ hơn hẳn mọi ngày, em cũng thấy buồn man mác. Đi qua chợ làng, em thấy vẫn còn lác đác những sạp hàng hoa quả chưa bán hết. Bỗng em chú ý tới một cụ bà đang mặc áo mưa, dưới chân cụ là vài củ khoai lang chưa bán hết. Cụ bà có dáng người nhỏ bé, lưng cụ gù in hằn dấu vết tháng năm. Không kịp suy nghĩ nhiều, em chạy tới chỗ cụ, muốn mua hết số khoai còn lại cho cụ. Lúc đến gần cụ, em càng thấy thương cụ hơn. Bên trong chiếc áo mưa mỏng manh là dáng người nhỏ bé và khuôn mặt già nua đầy vết chân chim, đôi mắt cụ nheo lại, dường như cụ đã nhìn không rõ nữa. Thấy em muốn mua hết số khoai còn lại, cụ vui lắm. Cụ nói với em:

May quá, có cháu mua khoai cho cụ. Cụ ngồi ở đây từ sáng tới giờ mà vẫn chưa bán được đáng bao nhiêu.

Em cẩn thận đếm lại số tiền mình đã dành dụm cẩn thận mỗi khi mẹ cho tiền ăn sáng để mua búp bê, không chần chừ đưa cho cụ:

Cụ ơi, con mua hết vài củ khoai còn lại này. Hôm nay trời mưa, cụ về sớm kẻo ốm.

Cụ nở với em một nụ cười hiền hậu. Nụ cười hiền của cụ làm em bỗng nhớ đến nụ cười của bà ngoại.

Ừ, cụ cũng về ngay đây. Cháu bé ngoan quá.

Em ở lại dọn dẹp sạch sẽ cùng cụ. Tới lúc em chào tạm biệt cụ để đi về, trời đã sẩm tối. Không yên tâm khi để cụ về nhà một mình, em liền đề nghị đưa cụ về nhà một đoạn. Cụ vội vàng xua tay:

Trời tối rồi, cháu về đi thôi. Bố mẹ chắc cũng mong cháu lắm.

Nhìn bóng lưng cụ đi xa, đôi vai của tuổi già khiến trong lòng em dấy lên cảm xúc khó tả.Cuối cùng, em quyết định chạy tới cùng cụ về nhà. Cụ có chút ái ngại nhưng rất cảm động, vừa đi trên con đường làng đã bị nước mưa làm cho trơn trượt, hai cụ cháu vừa vui vẻ trò chuyện với nhau. Tới nhà cụ, em chào tạm biệt cụ và đi về, bỗng cụ gọi với em lại:

Hôm nay cháu giúp đỡ cụ nhiều quá. Cụ cảm ơn cháu. Cháu thật là một đứa trẻ ngoan khiến bố mẹ vui lòng. Cụ có một chút rau xanh tự trồng, cháu cầm về để cả nhà cùng ăn. Cháu lấy đi cho cụ vui.

Em chưa kịp nói thêm điều gì, cụ liền đi vào trong nhà và mang cho em một mớ rau muống tươi xanh. Bỗng em cảm thấy vô cùng vui vẻ. Em bỗng thấy được việc làm của mình đã giúp đỡ người khác nhiều thế nào, thấy được rằng cho đi tình yêu thương quả thật rất tuyệt vời. Em cười tươi vui vẻ đón nhận món quà tràn ngập tình yêu thương của cụ, chào cụ thật to rồi đạp xe về nhà. Cụ khen em ngoan, cụ còn nói rằng bố mẹ em sẽ vô cùng yên tâm và tự hào về em. Những tâm sự chân thật của cụ làm em thấy hạnh phúc.

Về tới nhà, trời đã sắp tối hẳn, mẹ em đang chuẩn bị bữa tối. Mẹ hỏi em:

– Sao hôm nay về muộn vậy con?

Em liền kể cho mẹ nghe chuyện tốt em đã làm, rồi đưa cho mẹ túi khoai lang và mớ rau xanh của bà cụ. Mẹ nở một nụ cười hiền hậu với em, ánh mắt mẹ ánh lên sự trìu mến yêu thương. Mẹ khen em làm rất tốt, mẹ nói con gái của mẹ đã trưởng thành hơn rất nhiều, biết yêu thương lo lắng cho người khác làm bố mẹ tự hào. Em cũng vô cùng vui vẻ. Em bỗng muốn làm nhiều việc tốt hơn nữa, muốn lan tỏa những hành động đẹp tới nhiều người hơn bởi lẽ một thế giới con người sống với nhau bằng tình yêu thương, sự tử tế thì sẽ rất đỗi tuyệt vời.Em hiểu được rằng lòng nhân ái luôn là thứ ai ai cũng có thể thấy bất phân tuổi tác, màu da, bất kể họ có bị những khiếm khuyết cơ thể như mù lòa hay câm điếc. Lòng tốt cho đi chính là yêu thương mà ta giữ lại được. Một hành động tốt nhỏ bé của em đối với bà cụ đã dạy em một bài học vô cùng ý nghĩa.

Em mong muốn bản thân sẽ lan tỏa tình yêu thương đến tất cả mọi người xung quanh. Từ sau hôm đó, mỗi khi đi học về em đều đi ngang qua chợ làng để chào cụ. Cụ rất quý em, em cũng coi cụ như một người bà của mình. Chính tình yêu thương con người đã cho em thêm một người bà hiền hậu đáng kính.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm mẫu 3

Hôm ấy, chiều thứ bảy, em sang nhà ngoại chơi. Khi đi đến gần đồn công an, một sự việc xảy ra làm em chú ý. Ngay trước cổng đồn, một người phụ nữ đang vừa khóc vừa nói gì đó với chú công an. Người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, ăn mặc giản dị, tay xách một gói đồ. Còn chú công an khoảng hai mươi lăm tuổi. Người phụ nữ vẫn vừa khóc vừa cầu cứu chú công an: – Chú ơi! Chú cứu tôi với. Bây giờ tôi biết làm sao đây! Chú công an ôn tồn nói với người phụ nữ:

– Chị cứ bình tĩnh kể đầu đuôi sự việc. Chúng tôi sẽ giúp chị. Người phụ nữ nức nở: – Tôi đưa cháu đi chợ để mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho cháu vào năm học mới. Trả tiền xong, quay lại, tôi đã không thấy cháu đâu cả. Tôi tìm mấy vòng quanh nơi mua bán cũng không thấy. Tôi lo quá không biết tính sao. Thế là tôi lại đây. Chú ơi! Chú giúp tôi với! Chú công an hỏi: – Cháu bé là trai hay gái? Cháu mấy tuổi? Ăn mặc thế nào? Người phụ nữ kể cho chú công an nghe. Chú ghi ghi, chép chép… Đúng lúc đó tôi thấy chị Lan, gần nhà tôi, tay dắt một đứa bé trai khoảng 5 tuổi đến cổng đồn công an. Em bé vừa đi vừa khóc, mồ hôi nhễ nhại. Chị Lan dùng khăn giấy lau cho em và nói với em điều gì đó. Vừa nhìn thấy bé trai, người phụ nữ mừng quýnh: – Ôi! Con tôi! Chú công an ơi! Cháu đây rồi! Người phụ nữ ôm chầm lấy con. Có lẽ mừng quá nên mất một lúc sau người phụ nữ mới quay sang cảm ơn chị Lan rối rít: – Cô cảm ơn cháu nhiều lắm! Nếu không có cháu bây giờ cô không biết sẽ làm sao? Chị Lan nhẹ nhàng đáp: – Dạ, không có gì đâu cô ạ! Cháu sang nhà bạn. Trên đường đi, cháu thấy em đang ngồi bên gốc cây và khóc. Cháu hỏi nhưng em không nhớ số nhà nên cháu không thể đưa em về nhà được. Cháu quyết định đưa em đến đây để nhờ các chú công an giúp đỡ. Người phụ nữ nói tiếp: – Cháu ngoan quá! Cháu tên gì? Cháu học lớp mấy? Chị Lan chỉ cười, rồi xin phép về.

Mọi người nhìn chị Lan bằng ánh mắt trìu mến. Riêng tôi, tôi rất yêu quý chị Lan. Chị không chỉ giúp đỡ bà con, cô bác lối xóm mà chị luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm mẫu 4

Năm lớp hai, có một chuyện mà đến giờ em vẫn nhớ trong câu chuyện đó em đã đấu tranh với sai lầm của chính mình.

Hôm đó, cô gọi các bạn lên bảng chữa bài tập toán, khi cô gọi bạn Thảo Hương lên chữa bài, em nhìn thấy bạn lúng túng nói gì đó với bạn bên cạnh, lúc bạn lên đến bàn em, bạn nói thầm vào tai em: Phương Anh ơi! Cho tớ mượn vở nhé! Em hơi lưỡng lự rồi đưa cho bạn vở của mình. Các bạn chữa bài xong, cô bảo cả lớp thu vở lúc đó em mới lên nói với cô là Thảo Hương quên vở, cô hỏi: Thế sao lúc này bạn lại có vở và lên chữa bài? Em trả lời là em không biết. Vừa lúc đó, tiếng trống trường từ báo hiệu giờ ra chơi, cô cho các bạn ra chơi, thế là cả lớp ùa ra ngoài như những chú chim non rời tổ, em cũng ra theo. Ra chơi vào, cô trả vở và gọi các bạn đọc điểm, cô gọi đến Thảo Hương thì bạn lí nhí trả lời: Thưa cô, em… em quên vở ạ. Thế là cô cho bạn điểm kém, bạn rất buồn.

Về đến nhà, em kể chuyện của bạn cho mẹ, mẹ bảo em: Con nên đến thú thật với cô thì chắc cô sẽ không nói gì đâu. Tối hôm đó, em trằn trọc không ngủ được. Hôm sau, em đến nói thật với cô là chính em đã cho bạn mượn vở. Chẳng ngờ cô đã không mắng em mà còn khen em trong tiết học sinh hoạt lớp. Hôm đó em rất vui, khi vừa đến gặp mẹ ở nhà em đã tíu tít kể chuyện và em thấy mẹ nói rất đúng.

Câu chuyện đó luôn khắc sâu trong tâm trí em em rất tự hào vì mình đã làm một việc tốt.

Kể về một việc tốt mà em đã làm mẫu 5

Chúng ta khi đến trường đều được thầy cô giáo dạy dỗ về việc nói lời hay, làm việc tốt. Chắc hẳn, trong mỗi chúng ta, ai cũng đã từng làm những việc có ích, giúp đỡ người khác. Bản thân em cũng không ngoại lệ, mới gần đây thôi, em có làm một việc tốt khiến bố mẹ vui lòng đó là nhặt được của rơi, trả người bị mất.

Hôm ấy là một buổi trưa nắng nóng, vừa tan học về muộn, dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng trường em nhìn thấy một chiếc ví màu nâu. Nhặt chiếc ví lên xem mở ra trong đó có rất nhiều giấy tờ tùy thân và ba triệu đồng tiền mặt. Em ngó nghiêng xung quanh không còn ai ở lại chỉ có mình em và chiếc ví. Em loay hoay suy nghĩ với số tiền lớn trong ví này mình có thể mua được nhiều món đồ yêu thích khác nhau ngay lập tức mà không phải để dành, tiết kiệm số tiền tiêu vặt ít ỏi mà bố mẹ cho. Nhưng trong đầu em lại hiện lên bài học của cô giáo về cách làm người: Nhặt được của rơi trả lại người mất vậy nên em quyết định trả lại chiếc ví này cho chủ nhân người làm mất.

Em quay lại trường học, đến phòng gặp cô tổng phụ trách vì em biết trưa nào cô cũng ở lại trực trường. Em vào kể lại với cô chuyện em nhặt được chiếc ví. Cô bàn với em rằng cô sẽ thông báo với ban Giám hiệu và các thầy cô giáo trong trường đồng thời thông báo trên loa để ai mất có thể nhận lại; các em học sinh có thể về hỏi phụ huynh xem có ai làm rơi ví không. Trong trường hợp không ai nhận chiếc ví này thì một ngày sau cô sẽ giao chiếc ví này cho bên công an để họ vào cuộc giải quyết, tìm ra chủ nhân chiếc ví. Em đồng ý với cách giải quyết của cô. Em về nhà với tâm trạng hồi hộp, mong chờ có người đến nhận lại chiếc ví.

Chiều hôm đó, sau khi cô giáo thông báo khoảng một tiếng đồng hồ thì bỗng có thông báo gọi em xuống phòng cô tổng phụ trách. Em xin phép cô giáo để xuống đó. Hóa ra chủ nhân chiếc ví chính là của bác quản lí thư viện trường em, do có việc gấp và sơ ý nên bác làm rơi. Bác cảm ơn em và còn rút ra một số tiền để hậu tạ nhưng em không nhận. Ngày hôm sau, bác có mua tặng em mấy quyển sách em yêu thích và thường xuyên mượn ở thư viện để cảm ơn. Em cảm thấy rất vui vì đã làm được một việc tốt. Về đến nhà, em kể với bố mẹ nghe câu chuyện của mình, bố mẹ hài lòng và khen em ngoan ngoãn, biết làm việc tốt và còn thưởng cho em một cuốn truyện tranh em yêu thích. Tối hôm đó, cô giáo chủ nhiệm có gọi điện thoại về trao đổi với bố mẹ về việc làm này của em, em được tuyên dương rất nhiều. Nhưng bản thân em cũng hiểu mình chỉ đang góp một phần nhỏ nhoi cho xã hội, cần phải làm nhiều việc hơn nữa để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mỗi chúng ta hãy cùng chung tay, mỗi người một việc làm tốt nhỏ sẽ tạo nên một xã hội, một cuộc sống tốt đẹp. Con người là nhân tố quan trọng cấu tạo thành một cuộc sống nhiều màu sắc, hãy cùng tạp ra những màu sắc xinh đẹp, ý nghĩa để tô điểm cho cuộc sống.

Kể về một việc tốt mà em đã làm mẫu 6

Hôm đó, cô trả vở Toán cho cả lớp. Đó là môn yêu thích nhất của Linh. Nhưng không hiểu sao hôm nay vẻ mặt của Linh rất lo lắng, và tôi còn thấy Linh cứ quay bên này, quay bên kia mãi.

Cô vừa trả vở xong cho các bạn thì đến giờ ra chơi. Tôi liền đến bên Linh. Linh nói: Hôm nay, bố mẹ tớ đi làm sớm, tớ không kịp xin mẹ 9.000đ để mua bút Nét hoa viết vào vở Toán. Linh sực nhớ ra và reo lên, A! Đúng rồi! Cậu có hai cái bút Nét Hoa, cậu có thể cho tớ mượn một chiếc được không? Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Có nên cho Linh mượn bút không nhỉ? Tôi hơi băn khoăn. Tiếng trống đã vang lên. Tôi liền về chỗ của mình. Cả lớp ngồi vào chỗ hát xong và Linh cắm cúi viết bài ngay để khỏi trễ giờ. Linh thấy thế nài nỉ tôi cho mượn bút. Cuối cùng tôi cũng quyết định được và gọi nhỏ: Linh ơi! Tớ cho cậu mượn bút này. Chiếc bút đó do mẹ tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Màu mực của chiếc bút rất đẹp. Linh nhận được, vẻ mặt phấn khởi lắm. Mỗi khi viết xong mấy chữ, tôi lại ngẩng lên và cảm thấy mực cứ vơi dần đi theo dòng chữ, con số ngay ngắn, thẳng hàng nằm trên trang giấy của bạn. Hết giờ Toán, Linh trả cho tôi chiếc bút và nói: Cảm ơn cậu vì đã cho tớ mượn chiếc bút nhé! Hôm sau, cô trả vở Toán, cả tôi và Linh đều được điểm 10. Tôi mừng lắm vì đã làm được một việc giúp bạn.

Khi về đến nhà tôi kể lại cho mẹ nghe. Mẹ nói: Con hãy cố gắng giúp bạn nhiều hơn khi gặp khó khăn nhé! Tôi như thấm thía câu nói đấy của mẹ và tôi không bao giờ quên được câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Kể về một việc tốt mà em đã làm mẫu 7

Chẳng bao giờ em làm được một việc tốt đáng kể hay chỉ ít là làm người khác thấy vui, chỉ trừ có một lần khi em còn học lớp 2. Lần đó em đã nhặt được của rơi và trả lại cho người mất.

Chiều hôm ấy, em trực nhật nên phải ở lại lớp một lúc để đổ rác. Lúc em đang đi trên sân trường thì bỗng em dẫm phải một vật gì cưng cứng. Em cúi xuống nhặt lên thì thấy: Ồ! hoá ra là một cuốn tiểu thuyết khổ 18x7cm của nhà sách Trí Tuệ cuốn đầu giáo sư Powel của tác giả A.R Belger. Cuốn sách này được bọc ngoài bằng nilon trong nên có lẽ người mất mới mua về chưa đọc. Em cũng chưa đọc nó nhưng đã biết ít nhiều về nó qua lời nói của bố mẹ. Hình như nó là một cuốn tiểu thuyết rất hay. Em lật xem bìa sau của cuốn sách thì thấy một đoạn văn ngắn kể lại tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó càng làm em chắc chắn về suy nghĩ của mình. Trong đầu em hiện lên ý nghĩ lấy luôn cuốn sách này. Thế là, em ngó xung quanh xem có ai không. Thôi chết! Còn bác bảo vệ. Em chờ bác bảo vệ để ý đi chỗ khác rồi nhanh tay đút luôn cuốn sách vào cặp tung tăng chạy ra khỏi cổng trường. Trên đường, em không thôi nghĩ về nhưng tình tiết hấp dẫn, li kì của cuốn sách. Ôi! thú vị biết bao! Nhưng cái đầu em không chỉ nghĩ đến một chuyện nó lái sang một chuyện khác. Chuyện về người bị mất. Vì có cái đầu ham nghĩ nên em không biết phải phân xử ra sao, mang về đọc và giữ của riêng hay trả lại cho người bị mất đây! Hai phương án cứ đánh nhau, xáo trộn trong đầu em. Vừa lúc đó, em về đến nhà. Em chào bố mẹ rồi đặt mình lên chiếc giường ở phòng riêng. Em lại tiếp tục suy nghĩ. Mà phải rồi! Mẹ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, mình nên hỏi mẹ xem sao! Em nghĩ, thế là em chạy xuống tầng 1, đưa cuốn sách cho mẹ và kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ cười và bảo:

– Bây giờ, con hãy đặt mình vào tình huống như người mất mà xem. Chắc chắn con sẽ rất buồn và lo lắng vì bố mẹ sẽ mắng khi làm mất cuốn sách khá đắt: 25.000đ cơ mà! Đấy, con hãy tự nghĩ và quyết định đi. – Quả thật nếu em là người mất thì cũng sẽ có những cảm giác như mẹ nói. Mà nếu các bạn biết thì lòng tin của các bạn đối với em sẽ chẳng ra gì nữa! Em quyết định sẽ trả lại. Sáng hôm sau, em mang cuốn sách đưa cho cô Tổng phụ trách. Vừa lúc đó, có một chị lớp Năm hớt hơ hớt hải chạy đến. Khi cô Tổng phụ trách đưa chị cuốn sách và giới thiệu em với chị thì chị ấy cảm ơn em rối rít.

Lúc em về lớp, các bạn xô đến quanh em và khen em. Khi đó em thực sự là rất vui. Bây giờ em mới biết giá trị của những việc làm tốt. Nó vô hình nhưng nó lại có thể mang niềm vui cho tất cả mọi người.

Kể về một việc tốt mà em đã làm mẫu 8

Tuần trước, trường em phát động phong trào thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Em đã làm được một việc tốt: nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất.

Trưa thứ năm, trên đường đi học về, qua quãng đường vắng, em nhìn thấy một túi xách nhỏ màu đen nằm ngay giữa đường. Em nhặt lên rồi vừa đi chậm chậm, vừa đưa mắt ngó chừng xem ai là chủ nhân của nó.

Một lúc sau, vẫn không thấy người tìm kiếm. Em đoán người đánh rơi đã đi xa hoặc không biết rằng mình đã đánh rơi. Nếu biết, chắc giờ này người ấy đang loay hoay tìm kiếm. Ai nhỉ? Một bác cán bộ hay một chú công nhân, một anh bộ đội? Trong chiếc túi này đựng những gì? Tài liệu, giấy tờ hay tiền bạc?

Bao câu hỏi hiện lên trong óc. Em đưa mắt nhìn quanh lần nữa. Không ai chú ý tới em. Em nghĩ là trả hay không trả? Nếu mình không trả, có ai biết đâu mà trách? Có tiền, mình sẽ mua truyện tranh này, mua quần áo mới này và mua những đồ chơi mà mình ao ước từ lâu. Tưởng tượng đến lúc ấy, em thích lắm, bước chân như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Tiếng thầy Hiệu trưởng trong buổi lễ phát động thi đua như văng vẳng đâu đây: Các em hãy ghi nhớ Năm điều Bác Hổ dạy, cố gắng học tập tốt, tu dưỡng tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi…

Kể lại một việc tốt mà em hoặc bạn đã làm Không! Không nên tham của người khác! Phải trả lại thôi!

Chủ nhân chiếc túi xách này sẽ mừng biết bao nếu tìm lại được nó. Nhưng biết ai là người đánh rơi mà trả? Tốt nhất là đem nộp cho các chú công an.

Giữa trưa, trụ sở công an phường vắng vẻ, chỉ có một chú trực ban. Thấy em ngập ngừng ở cửa, chú vồn vã hỏi:

– Có chuyện chi đó cháu?

– Dạ thưa chú, cháu nhặt được cái túi xách này. Cháu đem nộp, nhờ chú trả lại cho người mất ạ!

Đỡ chiếc túi từ tay em, chú tươi cười xoa đầu em rồi bảo:

– Cháu ngoan lắm, không tham của rơi! Chú cháu mình xem trong này có những gì để còn ghi vào biên bản.

Rồi chú lấy ra một xấp giấy tờ chủ quyền nhà, chủ quyền xe và hơn hai trăm ngàn tiền mặt. Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu em viết tên và địa chỉ xuống phía dưới.

Sáng thứ hai tuần sau, em được thầy Hiệu trưởng và cô Tổng phụ trách tuyên dương trong tiết chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến em vô cùng xúc động. Buổi tối, gia đình em tiếp một người khách lạ. Đó chính là chủ nhân của chiếc túi. Bác cám ơn em mãi và tặng em một trăm ngàn để mua sách vở và đồ chơi nhưng em kiên quyết từ chối.

Ba mẹ em rất mừng vì em biết làm điều tốt. Lời khen chân thành của mọi người đối với em là phần thưởng quý giá nhất. Nhớ lại chuyện ấy, giờ đây em vẫn thấy vui

Kể về một việc tốt mà em đã làm mẫu 9

Có một lần tôi đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ trực nhật của mình, ấy vậy mà tôi không những không bị phê bình mà còn được biểu dương nữa. Chắc hẳn các bạn rất tò mò “tại sao lại thế?”, phải không nào? Tôi sẽ kể các bạn nghe.

Hôm ấy, thứ năm, trời mưa dầm dề. Tôi thấy thật xui xẻo vì đúng hôm tôi phải đến sớm trực nhật. Tôi mặc áo mưa, xắn quần đến đầu gối, chân thấp chân cao bước trên con đường nhão nhoét đầy bùn đất, ổ voi ổ gà sũng nước. Chợt tôi nhìn thấy từ xa một bà cụ gầy yếu xiêu vẹo chống chiếc gậy dò dẫm từng; bước một, người như muốn đổ. Tôi vội đi lại chỗ cụ, lễ phép hỏi:

– Thưa bà, bà có việc gì mà lại đi giữa trời mưa thế này ạ?

Bà cụ nhìn tôi, móm mém cười:

– À, đứa con gái của bà ở làng bên bị ốm. Bà lo quá nên sang xem sao.

Đúng như mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt.

Tôi ái ngại nhìn con đường phía trước. Từ đây sang làng bên dễ đến hai cây số, liệu bà cụ có thể sang tới nơi? Ngần ngại một lúc, tôi nói với bà:

– Bà ơi, đường từ đây sang làng bên xa lắm. Hay bây giờ, bà vịn vào tay cháu, cháu đưa bà sang làng bên nhé!

Bà cụ mừng rỡ:

– Bà cũng đang lo, đường trơn quá, lỡ ngã thì khổ lắm. May quá, có cháu giúp bà rồi.

Thế là hai bà cháu tôi, bà vịn cháu, cháu đỡ bà cùng “dắt” nhau đi. Trời sáng dần, một số anh chị học sinh cũng đang trên đường tới trường. Có anh chị còn vô lễ, lấn đường của bà cháu tôi. Trời mỗi lúc một mưa to, gió mỗi lúc một thổi mạnh. Thấy bà cụ co ro, răng đập vào nhau lập bập, tôi biết là bà đang lạnh. Bà lẩm bẩm: “Thời tiết thế này chỉ tội con người thôi”. Tôi vội dừng lại, cởi áo khoác của mình ra choàng lên người bà cụ. Bà tấm tắc khen:

– Cháu thật ngoan ngoãn, hiếu hạnh.

Dần dần, hai bà cháu cũng tới được làng bên. Bà cảm ơn tôi mãi. Đợi bà vào làng rồi, mặc trời mưa, tôi ba chân bốn cẳng chạy tới lớp. Muộn gần nửa tiếng. May quá, bạn Hà cùng bàn đã trực nhật giúp tôi, Cô giáo phê bình:

– Hôm nay bạn Dương đã không hoàn thành nhiệm vụ trực nhật của mình lại còn đi học muộn. Cô phê bình bạn Dương trước lớp.

Tôi liền đứng dậy, xin phép cô kể lại nguyên nhân đi học muộn để cô và các bạn nghe. Cô giáo và cả lớp hiểu ra mọi chuyện cô không phê bình tôi nữa mà còn biểu dương:

– Bạn Dương tuy đi học muộn nhưng đã làm được một việc tốt, thật đáng khen. Cô sẽ đề nghị nhà trường khen thưởng. Thôi, chúng ta tiếp tục bài học.

Tuy hơi mệt nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được một việc tốt. Đúng như mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt.

—————————————————————

Trên đây, TaiLieuViet đã gửi tới các bạn Top 9 bài Kể lại một việc tốt mà em đã làm. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các em nâng cao khả năng viết văn, trau dồi thêm nhiều vốn từ, từ đó hoàn thiện bài văn hay hơn, sinh động hơn.

Chúc các em học tốt, dưới đây là một số bài văn mẫu lớp 9 các em tham khảo nhé:

  • Những bài văn thuyết minh hay nhất
  • Phân tích khổ thơ đầu tiên trong bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh
  • Bình giảng hai khổ thơ đầu trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh

Ngoài Kể lại một việc tốt mà em đã làm, các bạn học sinh còn có thể tham khảo Soạn bài lớp 9, Soạn Văn Lớp 9 (ngắn nhất). Chúc các bạn ôn thi tốt.