TaiLieuViet xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề Rừng xà nu, với nội dung tài liệu chi tiết và ngắn gọn sẽ là nguồn thông tin hữu ích để giúp các bạn học sinh học tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

I. Tác giả Nguyễn Trung Thành

1. Tiểu sử

  • Nguyễn Trung Thành hay còn gọi là Nguyên Ngọc tên thật là Nguyễn Văn Báu sinh năm 1932 quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
  • Năm 1950 ông vào bộ đội, sau đó làm phóng viên báo Quân đội nhân dân liên khu V.
  • Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tổng biên tập báo Văn nghệ.

2. Con đường nghệ thuật

  • Những năm tháng lăn lộn trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V đã giúp ông hiểu biết sâu sắc về Tây Nguyên, để sau khi tập kết ra Bắc có thể viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lê – tác phẩm được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 – 1955).
  • Sau năm 1954 ông còn có những sáng tác phục vụ công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc như tập truyện ngắn Rẻo cao (1961).
  • Với bút danh Nguyễn Trung Thành ông đã viết nhiều tác phẩm có tiếng vang lớn trong đời sống lúc bấy giờ, như tập truyện và kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969) và tiểu thuyết Đất Quảng (1971 – 1974).

II. Hoàn cảnh sáng tác Rừng xà nu

Truyện ngắn “Rừng xà nu” được Nguyễn Trung Thành sáng tác mùa hè năm 1965 khi giặc Mĩ đổ ào ạt vào miền Nam. Chúng đổ bộ vào bãi biểu Chu Lai, lộ rõ bản chất sát nhân của đế quốc, khủng bố đẫm máu phong trào cách mạng của nhân dân ta. Nguyễn Trung Thành cũng giống như những nhà văn cùng thời của mình, muốn viết một bài “Hịch tướng sĩ” của thời đại chống Mĩ. Nên sau khi viết tùy bút “Đường chúng ta đi”, ông bắt tay vào viết truyện ngắn “Rừng xà nu”.

Truyện ngắn “Rừng xà nu” được ra mắt lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ số 2/1965, sau đó in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số các sáng tác của Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) viết trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

III. Ý nghĩa nhan đề Rừng xà nu

Theo lời tâm sự của nhà văn, khi chuẩn bị cho số Hai của tạp chí văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ, Nguyễn Trung Thành dự định viết một truyện ngắn chiến đấu về đồng bằng nhưng ý định đó không thành công. Vì nó làm thức đậy trong lòng tác giả những cảm xúc đã chín muồi về thời kì ở Tây Nguyên. Thế là “Rừng xà nu”, con người Tây Nguyên đã trải mình trên những trang văn hừng hực của Nguyễn Trung Thành. Như vậy theo lời của nhà văn thì sự ra đời của tác phẩm “Rừng xà nu” bắt đầu đến với ngòi bút gần như không hề tính trước, là một khu rừng xà nu, những cây xà nu.

Nhà văn đặt tên cho tác phẩm là “Rừng xà nu” không phải là ngẫu nhiên vô tình mà là một dụng ý nghệ thuật. Bởi đối với những nhà văn, nhất là những nhà văn có tài, việc đặt tên cho các đứa con tinh thần của mình là một việc làm hết sức quan trọng bởi nó ghi dấu linh hồn của tác phẩm và tư tưởng tác giả. Tên tác phẩm không khác gì một chiếc chìa khóa giúp người đọc mở vào chiếm lĩnh thế giới huyền diệu của tác phẩm hoặc nó được ví như một lối mở dẫn dắt người đọc và khám phá lâu đài của văn chương, nghệ thuật.

Đọc tác phẩm ta thấy nhà văn có thể đặt tên khác cho truyện ngắn của mình là Tnú, là Làng Xô Man, bởi câu chuyện xoay quanh những con người ấy. Nếu đặt là Tnú, kết quả của cách đặt tên ấy là hướng người đọc vào nhân vật trung tâm nhưng lại làm mất đi tính khái quát gợi mở – điều cốt yếu của một tác phẩm văn học. Vì vậy nhà văn đặt tên là “Rừng xà nu” với những ý nghĩa sâu sắc dưới đây:

Đó là một hàm nghĩa sâu xa, nó là hình ảnh gắn bó mật thiết và để lại những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời viết văn của Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành. Trong truyện rừng xà nu không chỉ được trạm khắc thành một bức tranh phong cảnh có đường nét, màu sắc mang đặc trưng của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ mà nó còn làm nền cho câu chuyện bi tráng về Tnú. Vì vậy xà nu mang ý nghĩa biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do, vẻ đẹp tâm hồn và tinh thần bất khuất của đồng bào Tây Nguyên. Nhan đề truyện là sự lựa chọn đặc sắc của Nguyễn Trung Thành góp phần tạo lên chất sử thi anh hùng, lấp lánh màu sắc thiên nhiên trong thiên truyện. Hơn thế nữa, xà nu được biết đến là một loại cây rất đặc trưng của núi từng Tây Nguyên hùng vĩ, thơ mộng. Ấy là loài cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. “Thân cây cao vút, vạm vỡ, ứa nhựa, tán lá vừa thanh nhã, vừa rắn rỏi”. Nó là một sự sống không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bởi nó tạo lên một không khí Tây Nguyên, chất Tây Nguyên độc đáo cho thiên truyện.

IV. Tóm tắt tác phẩm Rừng xà nu

Tóm tắt tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành mẫu 1

Truyện kể về một làng ở Tây Nguyên – làng Xô Man – nằm giữa cánh rừng xà nu bạt ngàn, đang từng ngày hứng chịu những trận những trận đại bác của đồn giặc. Cha mẹ chết sớm, Tnú được dân làng Xô Man chăm sóc và nuôi dưỡng. Hồi ấy, Mỹ – Diệm khủng bố dữ dội, nhưng làng vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ (anh Quyết). Tuy còn nhỏ tuổi, Tnú và Mai được giao làm liên lạc cho anh Quyết, rồi được anh Quyết dạy chữ. Một lần, trong chuyến đưa thư của anh Quyết lên huyện Tnú bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai. Ba năm sau, Tnú vượt ngục trở về thì anh Quyết đã hi sinh. Tnú cưới Mai và cùng dân làng chuẩn bị chiến đấu. Hay tin làng Xô Man chuẩn bị vũ khí chờ thời cơ nổi dậy đến tai giặc. Thằng Dục đưa lính đến lùng sục vây ráp. Cụ Mết, Tnú, cùng thanh niên lánh vào rừng. Không bắt được Tnú, bọn giặc bắt Mai với đứa con nhỏ chưa đầy tháng của hai người đánh đập dã man cho đến chết. Tnú xông ra nhưng không cứu được vợ con mà còn bị chúng bắt trói và tẩm nhựa xà nu đốt mười đầu ngón tay để khủng bố tinh thần dân làng. Thế nhưng, cũng ngay đêm ấy, khi Tnú bị Bắt, Cụ Mết đã dẫn thanh niên vào rừng lấy giáo mác cất giấu đem về và bất ngờ đồng loạt xông vào giết hết lũ giặc. Làng Xô Man đồng khởi thắng lợi. Tnú gia nhập Giải phóng quân. Anh dũng cảm lập chiến công, được cấp chỉ huy cho về phép thăm làng một đêm. Sáng hôm sau, Tnú lại chia tay dân làng về đơn vị. Cụ Mết và Dít tiễn Tnú. Ba người nhìn ra xa thấy đồi xà nu xanh ngút ngàn trải dài tới tận chân trời. Họ chia tay nhau ở đồi xà nu, cạnh con nước lớn.

Tóm tắt tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành mẫu 2

Tnú sau thời gian xa làng theo cách mạng đã quay trở về làng, Tnú được thằng bé Heng dẫn đường cho anh Tnú bởi xung quanh làng có nhiều cạm bẫy. Buổi tối hôm đó cụ Mết đã kể cho cả làng nghe về lịch sử của làng và cuộc đời của Tnú. Tnú từ khi mới ra đời đã mồ côi bố mẹ, anh được nuôi dưỡng trưởng thành bởi dân làng Xô Man. Ngay từ khi còn nhỏ Tnú và Mai đã được anh Quyết dạy cho nhiều điều bổ ích. Tnú và Mai lấy nhau và họ trở thành những người tiên phong trong việc lãnh đạo dân làng theo cách mạng. Tin làng chuẩn bị phản kháng đã đến tai bọn xấu, chúng cho quân đến đàn áp và phải bắt bằng được Tnú, bọn giặc ác ôn đã tra tấn mẹ con Mai cho đến chết, Tnú không thể giữ được bình tĩnh đã xông ra giết giặc, bị giặc bắt, bị tra tấn bằng cách đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa xà nu. Trước sự dã man, độc ác của giặc, dân làng nổi dậy phản kháng đánh gục kẻ thù. Sáng hôm sau Tnú được cụ Mết, bé Heng, Dít, tiễn anh lên đường theo cách mạng. Họ chia tay nhau ở đồi Xà nu đang tràn trề sức sống vươn lên bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ thù.

V. Bố cục (3 phần)

Phần 1 (từ đầu đến “những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”): Hình ảnh rừng xà nu

Phần 2 (tiếp đó đến “giội lên khắp người như ngày trước”): Câu chuyện Tnú sau ba năm đi lực lượng về thăm làng

Phần 3 (còn lại): Câu chuyện về cuộc đời bi tráng của Tnú và câu chuyện chiến đấu của dân làng Xô Man được cụ Mết kể lại

VI. Giá trị nội dung và nghệ thuật

Nội dung: Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đặt vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của nhân dân và đất nước mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.

Nghệ thuật: Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi được thể hiện ở đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu. Kết cấu vòng tròn: mở đầu, kết thúc là hình ảnh rừng xà nu cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách

———————–

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

  • Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia đạt 8 điểm môn Văn năm 2020
  • 20 đề đọc hiểu thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn
  • Cách làm bài văn nghị luận xã hội (Dạng tổng hợp)