TaiLieuViet.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Kết nối tri thức bài 6: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh để bạn đọc cùng tham khảo. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để giải sgk Kinh tế Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

Mở đầu

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:

Nhà chị P có 2 sào vườn chuyên trồng rau và cây ăn quả, chị có ý định kết hợp trồng trọt với chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi; chất thải chăn nuôi lại trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng góp phần giảm chi phí đầu vào, năng cao giá trị sản xuất. Chị được một người thân gợi ý cho một số phương án:

– Kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi lợn.

– Kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi lợn và ngan.

– Kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi gà.

Với một số vốn rất ít ỏi, chị đang băn khoăn, chưa biết nên chọn phương án nào cho phù hợp.

Theo em, chị nên chọn phương án nào cho phù hợp? Vì sao?

Bài làm

– Theo em, chị P nên lựa chọn phương án: kết hợp trồng rau, cây ăn quả với chăn nuôi gà. Vì: nguồn vốn của chị P ít, do đó, chị cần cân nhắc, tính toán chi phí đầu vào sản xuất sao cho hợp lí. Cụ thể:

+ Nếu nuôi lợn:

▪ Giá lợn giống tương đối cao, dao động trong khoảng từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/ con giống (tùy thời điểm và giống lợn).

▪ Khi nuôi lợn, chị P cần đầu tư hệ thống chuồng trại với quy mô lớn.

▪ Về thức ăn, bên cạnh các phế, phụ phẩm từ trồng trọt, chị P cũng cần đầu tư thêm các loại cám (có thể là cám công nghiệp hoặc các sản phẩm khác, như: ngô, khoai,…) với lượng lớn.

▪ Thời gian xuất chuồng, bán ra thị trường cũng khá dài (trung bình khoảng 4 – 6 tháng).

+ Nếu nuôi gà:

▪ Giá gà giống dao động trong khoảng từ 10 đến 25 ngàn đồng/ con giống (tùy thời điểm và giống gà);

▪ Hệ thống chuồng trại không cần quá phức tạp;

▪ Về thức ăn, có thể tận dụng tốt phế, phụ phẩm từ trồng trọt; cỏ trong vườn và bổ sung thêm một chút thức ăn khác (số lượng không cần nhiều như nuôi lợn);

▪ Thời gian xuất chuồng của gà ngắn hơn nuôi lợn (khoảng từ 3 – 4 tháng), nên chị P có khả năng quay vòng vốn nhanh.

1. Khái niệm và tầm quan trọng của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, các nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh

a. Khái niệm và tầm quan trọng của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh

Câu hỏi: Em hãy đọc câu chuyện sau để trả lời câu hỏi:

Chị D là sinh viên đang học ngành Công nghệ sinh học. Nhà chị có một cái sân nhỏ sau nhà. Năm học thứ ba, thấy nhiều bạn sinh viên trong trường thích chơi cây cảnh mi ni nhưng khu vực quanh trường chưa có ai kinh doanh mặt hàng này, chị liền nảy sinh ý tưởng kinh doanh.

Chị suy nghĩ và xây dựng ý tưởng kinh doanh cây cảnh mi ni: tận dụng mảnh sân của gia đình và phát huy những kiến thức, kĩ năng đã học về cấy, ghép cây cảnh mi ni như sen đá, xương rồng, lưỡi hổ, dương xỉ… Chị cũng có thể nhờ thầy cô hướng dẫn cách lai ghép thành những giống cây mới lạ, trồng vào những chiếc cốc, chậu nhỏ xinh xắn, kết hợp với các phụ kiện tiểu cảnh, làm thành những chậu cây độc đáo để các bạn sinh viên có thể mua về trang trí bàn học, tủ sách hay làm quả tặng cho bạn bè. Với những bạn muốn mua những chậu nhỏ, đắt, cây giống, hạt giống, viên đá cuội trang trí… để tự tay trồng, chăm bón, sắp xếp chậu cây theo ý thích, chị sẽ tiếp tục bổ sung các mặt hàng này để đáp ứng. Chị thấy vui vì ý tưởng kinh doanh này tuy chỉ là mô hình nhỏ lẻ nhưng có thể mang lại những khoản thu nhập cho bản thân và mang niềm vui, tình yêu cây cỏ đến với các bạn sinh viên.

(1) Em có nhận xét gì về ý tưởng kinh doanh của chị D?

(2) Việc xây dựng ý tưởng kinh doanh giúp chị D xác định những vấn đề cơ bản của hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào?

Bài làm

(1) – Ý tưởng kinh doanh của chị D:

+ Độc đáo, sáng tạo;

+ Ý tưởng kinh doanh này đã mang lại cho chị D một khoản thu nhập để trang trải, cải thiện cuộc sống đồng thời, mang niềm vui và tình yêu cây cỏ đến với các bạn sinh viên.

(2) – Việc xây dựng ý tưởng kinh doanh, giúp chị D xác định những vấn đề cơ bản trong hoạt động sản xuất kinh doanh là:

+ Kinh doanh mặt hàng gì? (xác định được đối tượng khách hàng là ai, họ có nhu cầu như thế nào?);

+ Kinh doanh thế nào? (xác định được cách thức kinh doanh có hiệu quả);

+ Kinh doanh cho ai? (xác định được mục tiêu kinh doanh).

b) Nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp sau, kết hợp với câu chuyện kinh doanh của chị D ở phần trên để trả lời câu hỏi:

Anh C là chuyên viên phòng kinh doanh của một công ty văn phòng phẩm. Gần nhà anh mới khánh thành trường phổ thông liên cấp. Anh C liền có ý tưởng sẽ mở cừa hàng kinh doanh văn phòng phẩm tại nhà.

(1) Ý tưởng kinh doanh của chị D, anh C bắt nguồn từ những lợi thế nội tại và cơ hội bên ngoài nào?

(2) Theo em, ý tưởng kinh doanh còn có thế nảy sinh từ những nguồn nào khác?

Bài làm

(1) ♦ Ý tưởng kinh doanh của chị D:

– Lợi thế nội tại:

+ Chị D có kiến thức và kĩ năng chuyên môn về ngành công nghệ sinh học;

+ Gia đình chị D có một mảnh vườn nhỏ, có thể tận dụng làm nơi để thực hiện ý tưởng sản xuất, kinh doanh.

– Cơ hội bên ngoài:

+ Nhiều bạn sinh viên trong trường thích chơi cây cảnh mini nên chị D có lượng khách hàng tương đối dồi dào.

+ Khu vực quanh trường chị D chưa có ai kinh doanh mặt hàng cây cảnh mini nên chị D hầu như không có đối thủ cạnh tranh.

+ Sự hỗ trợ, giúp đỡ về mặt kĩ thuật của các thầy cô giáo trong trường.

♦ Ý tưởng kinh doanh của anh C:

– Lợi thế nội tại:

+ Anh C có sự hiểu biết về các sản phẩm văn phòng phẩm.

+ Do anh C là chuyên viên phòng kinh doanh, nên anh có các mối quan hệ và biết được những đầu mối cung cấp nguồn hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả phù hợp.

+ Do mở cửa hàng tại nhà, nên anh C có sẵn mặt bằng kinh doanh.

– Cơ hội bên ngoài: mới có một trường phổ thông liên cấp được mở ra ở gần nhà anh C

(2) – Các nguồn giúp tạo ý tưởng kinh doanh:

+ Lợi thế nội tại: xuất phát từ đam mê, hiểu biết, khả năng huy động các nguồn lực,… của chủ thể kinh doanh.

+ Cơ hội bên ngoài: bắt nguồn từ một nhu cầu mới chưa được đáp ứng, lợi thế cạnh tranh, thuận lợi về vị trí triển khai hay thuận lợi từ một chính sách vĩ mô,…

2. Khái niệm cơ hội kinh doanh và tằm quan trọng của việc xác định, đánh giá các cơ hội kinh doanh.

Câu hỏi: Em hãy đọc tiếp câu chuyện kinh doanh của chị D và trả lời câu hỏi:

Sau khi xây dựng ý tưởng kinh doanh, chị D xác định đây là cơ hội kinh doanh vì hoạt động kinh doanh này có tính bền vững; đáp ứng nhu cầu lành mạnh và ngày càng lớn của sinh viên; có thể duy trì lâu dài vì dựa trên nguồn lực sẵn có và năng lực chuyên môn của bản thân; có thể mạng lại lợi nhuận và đây cũng là thời điểm chị có đủ điều kiện về vốn, kinh nghiệm để thực hiện kinh doanh. Tuy nhiên, chị cũng cẩn trọng đánh giá cơ hội này trên cơ sở xem xét điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc thực hiện ý tưởng kinh doanh này để đưa ra quyết định kinh doanh.

(1) Theo em, có những điều kiện thuận lợi nào đối với công việc kinh doanh cây cảnh mi ni của chị D?

(2) Dựa trên các tiêu chí: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với chị D trong việc thực hiện cơ hội kinh doanh cây cảnh mi ni, em hãy đánh giá đây có phải là cơ hội tốt không. Vì sao?

(3) Việc xác định, đánh giá đó có vai trò thế nào đối với việc ra quyết định kinh doanh của chị D?

Bài làm

(1) – Những điều kiện thuận lợi đối với công việc kinh doanh cây cảnh mini của chị D là:

+ Nhu cầu chơi cây cạnh mini của các bạn sinh viên ngày càng lớn => do đó, hoạt động kinh doanh này có tính bền vững.

+ Chị D đã có kiến thức và kĩ năng chuyên môn, gia đình chị D lại có mảnh vườn để chị D thực hiện ý tưởng sản xuất => do đó, hoạt động kinh doanh này có thể duy trì lâu dài.

+ Chị D đã có một nguồn vốn nhất định, có kinh nghiệm => do đó, hoạt động kinh doanh này có thể mang lại lợi nhuận cho chị.

+ Khu vực xung quanh trường chưa có ai bán mặt hàng cây cảnh mini, chị D hầu như không có đối thủ cạnh tranh => do đó, đây là thời điểm kinh doanh phù hợp.

(2) ♦ Chị D có cơ hội kinh doanh tốt, vì: ý tưởng kinh doanh của chị D có nhiều điểm mạnh và cơ hội hơn so với điểm yếu và thách thức. Cụ thể:

– Điểm mạnh là chị D đã có lợi thế nội tại về: kĩ năng, chuyên môn; địa bàn sản xuất…

– Có nhiều cơ hội thuận lợi từ bên ngoài, như:

+ Lượng khách hàng dồi dào, có nhu cầu ngày càng lớn;

+ Thị trường ít có đối thủ cạnh tranh;

+ Có sự hỗ trợ kĩ thuật từ phía thầy cô.

– Một số điểm yếu và thách thức chị D cần lưu ý, như: ý tưởng thiết kế, trang trí các tiểu cảnh; sự xuất hiện của các đối thủ kinh doanh khác…. Tuy nhiên, những điểm yếu và thách thức này không quá lớn, có thể được khắc phục được.

(3) – Việc xác định, đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức có vai trò quan trọng đối với việc ra quyết định kinh doanh của chị D:

+ Khi nhận thấy điểm mạnh và cơ hội lớn hơn điểm yếu và thách thức, chị D có thể quyết định thực hiện ý tưởng kinh doanh.

+ Ngược lại, khi nhận thấy điểm yếu và thách thức lớn hơn, chị D có thể lựa chọn việc: suy nghĩ, cân nhắc thêm để cải tiến ý tưởng hoặc cũng có thể dừng lại, từ bỏ ý tưởng.

3. Các năng lực cần thiết của người kinh doanh.

Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:

Khởi nghiệp từ một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành chế tạo ô tô, ban đầu ông H làm việc cho một nhà máy sửa chữa ô tô. Sau 5 nằm làm quen với công việc, chịu khó học hỏi, ông quyết định thành lập cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, sau này phát triển thành công ty chuyên lắp ráp và kinh doanh ô tô. Để công ty hoạt động có hiệu quả, ông luôn chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vạch ra chiến lược kinh doanh; tự trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng quản trị doanh nghiệp, xây dựng hệ thẳng quản lí nội bộ công ty chuyên nghiệp, tạo dựng được mối quan hệ rộng rãi với các đối tác, khách hàng và xây dựng được văn hoá công ty.

(1) Ông H đã thể hiện những năng lực nào trong kinh doanh?

(2) Theo em, người kinh doanh cần có những năng lực nào khác? Vì sao?

(3) Dựa trên những năng lực cần thiết của người kinh doanh vừa phân tích, em hãy tự nhận xét năng lực kinh doanh của bản thân.

Bài làm

(1) – Những năng lực của ông H:

+ Năng lực chuyên môn, thể hiện ở việc, ông H đã có kiến thức, kĩ năng và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa ô tô, xe máy.

+ Năng lực lãnh đạo, thể hiện qua việc, ông H luôn chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vạch ra chiến lược kinh doanh.

+ Năng lực quản lí, thể hiện ở việc: ông H đã xây dựng hệ thống quản lí nội bộ công ty chuyên nghiệp, tạo dựng được mối quan hệ rộng rãi với các đối tác, khách hàng và xây dựng được văn hoá công ty.

+ Năng lực học tập, tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng, thể hiện qua việc: ông đã tự trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng quản trị doanh nghiệp.

(2) – Những năng lực cần có của người kinh doanh là:

+ Năng lực lãnh đạo: định hướng chiến lược, năng động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội kinh doanh.

+ Năng lực quản lí: tổ chức, thiết lập các mối quan hệ trong kinh doanh,..

+ Năng lực chuyên môn: có kiến thức về chuyên môn ngành đang kinh doanh.

+ Năng lực học tập, tích luỹ kiến thức, rèn luyện kĩ năng…

(3) (*) Tham khảo: bản thêm em có năng lực trong việc sản xuất và kinh doanh các loại bánh ngọt. Vì:

+ Em có đam mê, yêu thích công việc làm bánh. Bản thân em đã tham gia một số khóa học để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kĩ năng về làm bánh.

+ Trong 2 năm trở lại đây, em có thực hiện hoạt động kinh doanh bánh ngọt handmad vào các dịp lễ, tết như: tết trung thu, tết nguyên đán,… sản phẩm bánh của em đã nhận được sự khen ngợi, ủng hộ của nhiều bạn cùng trường, các thầy cô giáo và những người dân xung quanh khu phố.

+ Trong quá trình thực hành làm bánh cũng như kinh doanh, em đã sáng tạo ra một số công thức và loại bánh mới, nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng đa dạng của các khách hàng.

Luyện tập và vận dụng

Luyện tập

Câu hỏi 1: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào sau đây? Vì sao?

a. Ý tưởng kinh doanh tốt là đáp ứng được nhu cầu thị trường

b. Ý tưởng kinh doanh tốt là phải mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

c. Cơ hội kinh doanh là do những điều kiện, hoàn cảnh khách quan mang đến.

d. Mọi cơ hội kinh doanh đều là những điều kiện thuận lợi nên cần nắm bắt và thực hiện ngay.

Câu hỏi 2: Em hãy thực hành xây dựng một ý tưởng kinh doanh trong một hội chợ giả định do chi đoàn lớp em tổ chức và phân tích với thầy cô và các bạn ý tưởng đó.

Câu hỏi 3: Em hãy cho biết những việc làm sau đây đó đóng góp hay ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh.

a. Có ý tưởng kinh doanh cà phê, anh K xây dựng ý tưởng bằng cách xác định đối tượng khách hàng của mình là các bạn sinh viên: lựa chọn thuê địa điểm ở gần trường đại học; trang trí quán theo phong cách phù hợp với sở thích của các bạn trẻ; xác định phương thức kinh doanh mới mẻ hơn, mang lại sự tiện lợi cho khách hàng; kết hợp bán trực tiếp với bán qua mạng xã hội,…

b. Gia đình bác T mới chuyển lên thành phố sinh sống. Quan sát thấy hai quán cơm bình dân ở gần nhà có nhiều thực khách, bác quyết định mở quán cơm để kinh doanh mà không cần quan tâm đến đối thủ cạnh tranh vì cho rằng đây là cơ hội tốt giúp có thêm thu nhập và phù hợp với sở trường nấu nướng của bản thân.

Câu hỏi 4: Em có nhận xét gì về năng lực kinh doanh của các chủ thể kinh doanh dưới đây?

a. Có ý định tổ chức kinh doanh ở gần cổng trường trung học phổ thông, chị V đi tham quan, tìm hiểu một vài cửa hàng kinh doanh gần đó và quyết định sẽ áp dụng đúng mô hình kinh doanh bánh ngọt của nhà bác T mà không cần phải xây dựng ý tưởng kinh doanh riêng cho mình.

b. Bà C có ý định mở cửa hàng kinh doanh tại nhà từ lâu những vẫn chần chừ chưa tiến hành vì lo ngại việc kinh doanh không hiệu quả sẽ bị thua lỗ.

Vận dụng

Câu hỏi: Em hãy sưu tầm và viết bài giới thiệu về một tấm gương doanh nhân thành đạt nhờ có năng lực kinh doanh.

———————————

Bài tiếp theo: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Kết nối tri thức bài 7

TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Kết nối tri thức bài 6: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh. Mong rằng qua đây bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Kết nối tri thức. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Toán 11 Kết nối tri thức, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức.