Giải Sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại CTST vừa được TaiLieuViet.vn sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Lịch sử lớp 10 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

I. Cơ sở hình thành

Câu hỏi trang 53 SGK Sử 10 CTST: Điều kiện tự nhiên của vùng đất Hy Lạp và La Mã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của nền văn minh?

Lời giải

– Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.

– Địa hình Hy Lạp bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiều nhưng bù lại có nhiều khoáng sản và loại đất sét trắng để làm gốm. Khí hậu và đất đai Hy Lạp phù hợp trồng các loại cây như nho, ô liu,…

– La Mã có nhiều đồng bằng rộng lớn hơn, khí hậu ấm áp, mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Tài nguyên khoáng sản phong phú, thúc đẩy nghề luyện kim sớm phát triển.

Câu hỏi trang 54 SGK Sử 10 CTST: Nêu đặc điểm dân cư của Hy Lạp và La Mã thời cổ đại.

Lời giải

– Cư dân Hy Lạp cổ đại gồm bốn tộc người chính: Ê-ô-li-an, I-ô-ni-an, A-kê-an và Đô-ri-an. Đến khoảng thế kỉ VIII – VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước mình là Hy Lạp.

– Bán đảo I-ta-li-a thời cổ đại có nhiều tộc người.

+ Những cư dân có mặt sớm nhất là người Li-gua, sau đó là người I-ta-li-ốt và một nhánh sống ở đồng bằng La-ti-um được gọi là người La-tinh.

+ Tộc người Ê-tơ-ru-xcơ, Xen-tơ thiên di đến miền Bắc, người Hy Lạp di cư đến phía nam.

+ Về sau, người La-tinh dựng nên thành La Mã bên bờ sông Ti-bơ và gọi là người La Mã.

Câu hỏi 1 trang 54 SGK Sử 10 CTST: Kinh tế Hy Lạp và La Mã thờ kì cổ đại có những điểm gì nổi bật?

Lời giải

– Hy Lạp và La Mã sớm phát triển nghề đi biển và các ngành khai khoáng, luyện kim, đóng tàu.

– Các nghề thủ công phát triển giúp sản phẩm làm ra rất đa dạng.

– Tiền tệ được lưu thông rộng rãi để giao thương trong khu vực và với các nước phương Đông. Thương nhân Hy Lạp, La Mã: bán các loại rượu nho, dầu ô liu, gốm màu, cẩm thạch, thiếc, chì,…; mua về lương thực, cá, da súc vật, giấy, thuỷ tinh,…

Câu hỏi 2 trang 54 SGK Sử 10 CTST: Theo em, sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra những cơ sở gì để phát triển văn minh Hy Lạp – La Mã?

Lời giải

– Sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra cơ sở vật chất thúc đẩy sự phát triển của văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại.

Câu hỏi trang 55 SGK Sử 10 CTST: Vì sao nói chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp và La Mã cổ đại có tính chất điển hình trong lịch sử cổ đại?

Lời giải

– Tính chất điển hình của chế độ chiếm hữu nô lệ ở phương Tây cổ đại được thể hiện qua một số điểm sau:

+ Nô lệ chiếm số lượng áp đảo trong xã hội.

+ Nô lệ là lực lượng sản xuất chính trong xã hội, tham gia vào tất cả các ngành kinh tế một cách rộng rãi và phổ biến.

+ Nô lệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ nô. Chủ nô có quyền tự ý giết chết, đánh đập, hành hạ, ban tặng hoặc vứt bỏ nô lệ mà pháp luật không can thiệp. Nô lệ còn là một thứ hàng hóa kinh doanh phổ biến giới quý tộc, chủ nô. Giá cả của nô lệ phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe, giới tính, năng lực lao động.

+ Nô lệ không được xem là con người, mà chỉ được xem là một thứ công cụ biết nói. Nô lệ không được phép có gia đình riêng, trong trường hợp nam – nữ nô lệ chung sống với nhau, thì con cái sinh ra cũng trở thành nô lệ.

+ Bộ máy nhà nước dù được xây dựng theo thể chế dân chủ; song vẫn là công cụ để đàn áp, bóc lột nô lệ, bảo vệ quyền lợi cho chủ nô.

Câu hỏi trang 55 SGK Sử 10 CTST: Văn minh Hy Lạp – La Mã đã tiếp thu những thành tựu gì từ văn minh phương Đông? Nêu ví dụ minh họa.

+ Người Hy Lạp cổ đại đã tiếp thu nhiều tri thức toán học của Lưỡng Hà, Ai Cập để khái quát thành nhiều định lí, định luật, định đề.

+ Người Hy Lạp cổ đại dựa trên bảng chữ cái của người Phê-ni-xi để tạo nên hệ thống 24 chữ cái vào khoảng cuối thế kỉ IV TCN.

II. Thành tựu văn minh tiêu biểu

Câu hỏi trang 56 SGK Sử 10 CTST: Thành tựu về chữ viết của văn minh Hy Lạp – La Mã là gì?

Lời giải

– Người Hy Lạp cổ đại dựa trên chữ cái của người Phê-ni-xi để tạo nên hệ thống 24 chữ cái vào khoảng cuối thế kỉ IV TCN.

– Về sau, người La Mã tiếp thu chữ cái Hy Lạp tạo thành chữ La-tinh, ban đầu gồm 20 chữ cái, sau hoàn thiện thành hệ thống 26 mẫu tự La-tinh.

– Họ cũng dùng chữ cái để tạo ra chữ số La Mã, còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Câu hỏi trang 56 SGK Sử 10 CTST: Theo em, các tác phẩm văn học của thời kì Hy Lạp cổ đại phản ánh điều gì của đời sống xã hội?

Lời giải

– Các tác phẩm văn học của thời kì Hy Lạp cổ đại:

+ Phản ánh cuộc sống lao động và nguyện vọng của nhân dân.

+ Giải thích sự hình thành của vũ trụ, cuộc đấu tranh trong thế giới muôn loài.

+ Do được tạo nên từ thực tế cuộc sống, các vị thần trong thần thoại Hy Lạp – La Mã không phải là những lực lượng xa vời, có quyền uy tuyệt đối và đáng sợ như các thần ở phương Đông mà là những hình tượng rất gần gũi với con người.

Câu hỏi trang 57 SGK Sử 10 CTST: Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của nền văn minh Hy Lạp – La Mã có những tác phẩm tiêu biểu nào? Theo em, những tác phẩm này thể hiện điều gì trong đó?

Lời giải

– Các tác phẩm tiêu biểu về kiến trúc:

+ Ở Hy Lạp: đền Pác-tê-nông, đền thờ thần Dớt, lăng mộ vua Mô-sô-lớt,…

+ Ở La Mã: đấu trường Cô-li-dê, đền Pan-tê-ông, Khải hoàn môn Công-xtan-ti-nút,…

– Các tác phẩm về điêu khắc: tượng thần Vệ nữ thành Mi-lô, tượng Lực sĩ ném đĩa, tượng Thần Dớt, các bức phù điều,…

– Những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc thể hiện tài năng và sự sáng tạo của cư dân Hy Lạp – La Mã

Câu hỏi trang 58 SGK Sử 10 CTST: Những thành tựu về khoa học, kĩ thuật của người Hy Lạp và La Mã đã giải quyết những vấn đề cơ bản nào trong đời sống cư dân cổ đại? Cho ví dụ minh họa.

Lời giải

– Những thành tựu về khoa học, kĩ thuật của người Hy Lạp và La Mã đã giải quyết những vấn đề cơ bản trong đời sống cư dân cổ đại: giảm sức lao động cơ bắp của con người, chế tạo nhiều vật dụng phục vụ cuộc sống của con người,…

– Ví dụ

+ Phát minh quan trọng nhất của Ta-lét là tỉ lệ thức. Dựa vào công thức ấy ông đã tính được chiều cao của Kim tự tháp bằng cách đo bóng của nó.

+ Phát minh quan trọng nhất của Ác-si-mét là về mặt lực học, trong đó đặc biệt nhất là nguyên lí đòn bẩy. Với nguyên lí này, người ta có thể dùng một lực nhỏ để nâng lên một vật nặng gấp nhiều lần.

+ Ác-si-mét đã chế ra máy ném đá để đánh quân La Mã, máy phóng gỗ để bắn thuyền quân địch, sử dụng gương 6 mặt để đốt thuyền địch. Hệ thống đòn bẩy được sử dụng để hạ thủy những chiếc thuyền lớn ba tầng. Ác-si-mét còn phát minh ra máy bơm nước để hút nước ra khỏi thuyền khi thuyền bị thủng.

Câu hỏi trang 59 SGK Sử 10 CTST: Em hiểu như thế nào về triết học duy vật và triết học duy tâm?

Lời giải

– Triết học duy vật cho rằng vật chất, giới tự nhiên là cái có trước và quyết định ý thức của con người; giải thích mọi hiện tượng của thế giới này bằng các nguyên nhân vật chất – nguyên nhân tận cùng của mọi vận động của thế giới này là nguyên nhân vật chất.

– Triết học duy tâm cho rằng ý thức, tinh thần, ý niệm, cảm giác là cái có trước giới tự nhiên, được gọi là các nhà duy tâm; chủ trương giải thích toàn bộ thế giới này bằng các nguyên nhân tư tưởng, tinh thần – nguyên nhân tận cùng của mọi vận động của thế giới này là nguyên nhân tinh thần.

Câu hỏi trang 59 SGK Sử 10 CTST: Tín ngưỡng, tôn giáo của người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã có những ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội của phương Tây sau này?

Lời giải

– Tín ngưỡng, tôn giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân phương Tây sau này. Ví dụ: đến thế kỉ IV, Thiên Chúa Giáo được công nhận là quốc giáo ở đế chế La Mã; cho đến hiện nay, Thiên Chúa giáo vẫn có ảnh hưởng ở nhiều quốc gia châu Âu.

Câu hỏi trang 59 SGK Sử 10 CTST: Thế vận hội của người Hy Lạp cổ được tổ chức như thế nào?

Lời giải

– Ô-lim-pic là Đại hội thể thao nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại.

– Đại hội được tổ chức vào mùa hè cứ bốn năm một lần ở Ô-lim-pi-a.

– Các môn thể thao thi đấu tại Đại hội là: đi bộ, vật tự do, đua ngựa, ném đĩa, nhảy xa, ma-ra-tông,… Các cuộc tranh tài thể thao ở Ô-lim-pic theo tinh thần “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Những người thắng cuộc được đội lên đầu một vòng hoa nguyệt quế và cầm trên tay một càng lá ô liu thể hiện khát vọng hòa bình.

– Một trong những nghi lễ quan trọng là rước đuốc.

Luyện tập và vận dụng trang 60 SGK Sử 10 CTST

Luyện tập 1 trang 60 SGK Sử 10 CTST: Em hãy phân tích những cơ sở hình thành nền văn minh Hy Lạp – La Mã thời cổ đại.

Lời giải

* Cơ sở về điều kiện tự nhiên:

– Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.

– Địa hình Hy Lạp bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiều nhưng bù lại có nhiều khoáng sản và loại đất sét trắng để làm gốm. Khí hậu và đất đai Hy Lạp phù hợp trồng các loại cây như nho, ô liu,…

– La Mã có nhiều đồng bằng rộng lớn hơn, khí hậu ấm áp, mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Tài nguyên khoáng sản phong phú, thúc đẩy nghề luyện kim sớm phát triển.

* Cơ sở về dân cư:

– Cư dân Hy Lạp cổ đại gồm bốn tộc người chính: Ê-ô-li-an, I-ô-ni-an, A-kê-an và Đô-ri-an. Đến khoảng thế kỉ VIII – VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước mình là Hy Lạp.

– Bán đảo I-ta-li-a thời cổ đại có nhiều tộc người.

+ Những cư dân có mặt sớm nhất là người Li-gua, sau đó là người I-ta-li-ốt và một nhánh sống ở đồng bằng La-ti-um được gọi là người La-tinh.

+ Tộc người Ê-tơ-ru-xcơ, Xen-tơ thiên di đến miền Bắc, người Hy Lạp di cư đến phía nam.

+ Về sau, người La-tinh dựng nên thành La Mã bên bờ sông Ti-bơ và gọi là người La Mã.

* Điều kiện kinh tế:

– Sớm phát triển nghề đi biển và các ngành khai khoáng, luyện kim, đóng tàu.

– Các nghề thủ công phát triển giúp sản phẩm làm ra rất đa dạng.

– Tiền tệ được lưu thông rộng rãi để giao thương trong khu vực và với các nước phương Đông.

* Điều kiện chính trị

– Ở Hy Lạp:

+ Vào thời kì nhà nước sơ khai, cư dân cổ ở vùng đất Hy Lạp đã tạo dựng được nền văn minh cổ đầu tiên, gọi là Crét – Mi-xen.

+ Từ thế kỉ VIII TCN, ở Hy Lạp đã hình thành quốc gia thành bang phát triển chế độ dân chủ chủ nô.

+ Đến thế kỉ IV TCN, Ma-xê-đô-ni-a xâm chiếm và thống trị Hy Lạp;

+ Đến năm 146 TCN, Hy Lạp bị sáp nhập vào đế quốc La Mã.

– Nhà nước La Mã cổ đại ra đời muộn hơn, không ngừng mở rộng lãnh thổ, phát triển thành để chế vào thế kỉ I TCN và tồn tại đến thế kỉ V.

* Điều kiện xã hội: Tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, trong đó hai giai cấp đối kháng cơ bản là chủ nô và nô lệ.

* Sự kế thừa thành tựu văn minh phương Đông

– Địa hình Hy Lạp và La Mã mang tính “mở” nên có điều kiện giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn minh phương Đông cổ đại.

– Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh phương Đông như chữ viết, văn học, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ cũng như các kĩ thuật chế tác và sản xuất thủ công nghiệp.

Luyện tập 2 trang 90 SGK Sử 10 CTST: Những thành tựu tiêu biểu về chữ viết, văn hóa, nghệ thuật của người Hy Lạp và La Mã cổ đại có ý nghĩa như thế nào?

Lời giải

– Ý nghĩa của thành tựu chữ viết:

+ Chữ viết Hy Lạp và La Mã đơn giản, ngắn gọn, linh hoạt, mang tính khái quát hóa. Đó là nền tảng chữ viết theo hệ chữ La-tinh hiện nay.

+ Hệ chữ số La Mã mà ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng là một cống hiến lớn của người La Mã cổ đại.

– Ý nghĩa của thành tựu văn hóa, nghệ thuật:

+ Những thành tựu văn hóa, nghệ thuật của Hy Lạp và La Mã đạt tới trình độ cao, mang tính thực tế, tinh tế và tính dân tộc sâu sắc.

+ Đó là hình mẫu cho những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của châu Âu trong giai đoạn sau như thời Phục hưng, cận đại, hiện đại,…

Vận dụng 1 trang 60 SGK Sử 10 CTST: Tại sao nói, văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại là cơ sở của nền văn hóa châu Âu hiện đại?

Lời giải

– Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại là cơ sở của nền văn hóa châu Âu hiện đại vì:

+ Cư dân Hy Lạp – La Mã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực: chữ viết, văn học, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, khoa học, kĩ thuật, tư tưởng, tôn giáo, thể thao,…

+ Những thành tựu văn minh Hy Lạp – La Mã có tính hiện thực cao, mang tính nhân bản; nhiều thành tựu vẫn có giá trị và được sử dụng cho đến ngày nay. Ví dụ: hệ thống chữ La-tinh là cơ sở của hơn 200 ngôn ngữ trên thế giới hiện nay; các định lí, định đề khoa học của Hy Lạp – Lã Mã vẫn được giảng dạy trong các trường học hiện nay; tinh thần của văn minh Hy Lạp – La Mã là một trong những cơ sở cho sự bùng nổ và phát triển của phong trào văn hóa Phục hưng ở châu Âu (thế kỉ XIV – XVII)….

Vận dụng 2 trang 60 SGK Sử 10 CTST: Đỉnh Ô-lim-pớt và vòng nguyệt quế thường tượng trưng cho điều gì? Tại sao các kì Thế vận hội Ô-lim-pic lại có tục rước đuốc từ ngọn núi Ô-lim-pớt?

Lời giải

– Đỉnh Ô-lim-pớt và vòng nguyệt quế thường tượng trưng khát vọng hòa bình.

– Các kì Thế vận hội Ô-lim-pic lại có tục rước đuốc từ ngọn núi Ô-lim-pớt vì: Người Hy lạp cổ đại tôn sùng lửa và quyền lực. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Prô-mê-thơ-ớt đã đánh cắp lửa từ thần Dớt và đưa nó cho con người. Để đón nhận lửa từ thần Prô-mê-thơ-ớt, người Hy Lạp tổ chức các cuộc đua tiếp sức. Vận động viên cần vượt qua một ngọn đuốc thắp sáng với nhau cho đến khi người chiến thắng cán đích. Từ đó lễ rước đuốc trở thành nghi lễ quan trọng và không thể thiếu trong các kì Thế vận hội Ô-lim-pic.

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giải Sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại CTST. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã hướng dẫn cho bạn đọc trả lời các câu hỏi trong SGK Sử 10 CTST. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn Ngữ văn 10 CTST, Địa lý 10 CTST…