Giải Sinh 10 Bài 18: Chu kì tế bào CTST được TaiLieuViet.vn tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo.

Bài tập 1 trang 89 SGK Sinh 10 CTST

Hãy so sánh những điểm khác biệt của chu kì tế bào ở sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực.

Lời giải

So sánh chu kì tế bào ở sinh vật nhân sơ và nhân thực:

Sinh vật nhân sơ

Sinh vật nhân thực

– Chu kì tế bào diễn ra đơn giản theo hình thức trực phân.

– Chu kì tế bào diễn ra phức tạp hơn gồm 2 giai đoạn là giai đoạn trung gian và giai đoạn nguyên phân.

– Quá trình phân chia nhân không xuất hiện thoi phân bào, các nhân con được tạo ra thường có bộ nhiễm sắc thể không đều nhau.

– Quá trình phân chia nhân có sự xuất hiện thoi phân bào, mỗi tế bào con đều nhận được bộ nhiễm sắc thể giống nhau và giống hệt tế bào mẹ.

Bài tập 2 trang 89 SGK Sinh 10 CTST

Cơ chế nào kiểm soát chu kì tế bào? Tại sao nói pha G1 vừa là pha sinh trưởng vừa là pha kiểm soát của chu kì tế bào?

Lời giải

● Cơ chế kiểm soát chu kì tế bào là các điểm kiểm soát chu kì tế bào:

– Điểm kiểm soát G1 (điểm khởi đầu hoặc điểm kiểm soát giới hạn): kiểm soát giới hạn tốc độ trong chu kì tế bào, nhận diện các tổn thương DNA nhằm đảm bảo DNA bị tổn thương hoặc không hoàn chỉnh không được phân vào các tế bào con.

– Điểm kiểm soát G2/M: kiểm soát sự nhân đôi của nhiễm sắc thể, điều chỉnh các sai hỏng trước khi tế bào bước vào giai đoạn phân chia nhân.

– Điểm kiểm soát chuyển tiếp kì giữa – kì sau (điểm kiểm soát thoi phân bào): kiểm soát sự sắp xếp của các nhiễm sắc thể trên thoi phân bào, kiểm soát việc đính tơ phân bào lên tâm động nhiễm sắc thể, kích hoạt sự phân chia các nhiễm sắc tử chị em trong các nhiễm sắc thể kép.

● G1 vừa là pha sinh trưởng vừa là pha kiểm soát của chu kì tế bào vì:

– Ở pha G1, tế bào tổng hợp các chất cần thiết cho sự sinh trưởng và phân chia của tế bào dẫn đến tăng trưởng về kích thước.

– Pha G1 có điểm kiểm soát G1, nếu pha này không diễn ra thì tế bào không thể đi vào các pha tiếp theo.

Bài tập 3 trang 89 SGK Sinh 10 CTST

Trong chu kì tế bào, pha nào có nhiều thay đổi về thành phần trong tế bào và pha nào có nhiều thay đổi về hình thái nhiễm sắc thể? Hai pha này có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Lời giải

– Pha có nhiều thay đổi về thành phần: Pha G1 (tổng hợp các protein, các loại RNA,…) và pha S (nhân đôi DNA và nhiễm sắc thể).

– Pha thay đổi nhiều về hình thái nhiễm sắc thể: Pha M (từ dãn xoắn thành co xoắn rồi lại dãn xoắn, từ nhiễm sắc thể kép thành nhiễm sắc thể đơn).

– Mối quan hệ giữa các pha: Pha G1 tổng hợp các chất và bào quan cần thiết, đồng thời cho phép chu kì tế bào được tiếp diễn, tạo nền tảng cho sự nhân đôi của DNA, nhiễm sắc thể ở pha S và sự phân chia ở pha M.

Bài tập 4 trang 89 SGK Sinh 10 CTST

Ở tế bào phôi, chỉ 15 – 20 phút là hoàn thành một chu kì tế bào, nhưng tế bào thần kinh ở người trưởng thành thì hầu như không phân bào. Hãy giải thích tại sao.

Lời giải

Ở tế bào phôi, chỉ tầm 15 – 20 phút là hoàn thành một chu kì tế bào, nhưng tế bào thần kinh ở người trưởng thành thì hầu như không phân bào là do khi tế bào thần kinh biệt hóa thành tế bào thần kinh trưởng thành sẽ bị mất trung tử nên các tế bào này sẽ tồn tại ở pha Go của chu kì tế bào và mất khả năng hình thành tế bào con.

Bài tập 5 trang 89 SGK Sinh 10 CTST

Nếu sự phân chia tế bào một cách không bình thường sẽ dẫn đến hậu quả gì? Giải thích.

Lời giải

Nếu sự phân chia tế bào không bình thường sẽ dẫn đến các tế bào được sinh ra một cách không bình thường (tế bào đột biến) dẫn tới các ảnh hưởng xấu đến hoạt động sống của cơ thể. Ví dụ như sự tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát dẫn đến bệnh ung thư.

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giải Sinh 10 Bài 18: Chu kì tế bào CTST. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Sinh 10 CTST. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn Toán 10 CTST…