TaiLieuViet.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết Giải Địa 10 Bài 13: Nước biển và đại dương CTST để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn đọc trả lời các câu hỏi trong SGK Địa 10 CTST. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.

Mở đầu trang 57 SGK Địa 10 CTST

Biển và đại dương có ý nghĩa như thế nào đối với thực tiễn đời sống?

Lời giải

Biển và đại dương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của con người như: các biển và đại dương cung cấp nguồn tài nguyên phong phú như sinh vật, khoáng sản,…; là không gian để phát triển các ngành kinh tế,…

I. Tính chất của nước biển và đại dương

Câu hỏi trang 57 SGK Địa 10 CTST: Dựa vào bảng 13 và thông tin trong bài, em hãy:

– Trình bày đặc điểm nhiệt độ và độ muối trung bình của nước biển và đại dương.

– Cho biết nhiệt độ và độ muối của nước biển và đại dương thay đổi như thế nào.

Giải Địa 10 Bài 13

Lời giải

* Nhiệt độ và độ muối

– Nhiệt độ trung bình trên bề mặt của nước biển và ở giữa đại dương là khoảng 17°C.

– Độ muối

+ Độ muối là một trong những thành phần hoá học quan trọng của nước biển.

+ Nước biển và đại dương có độ muối trung bình là 35%.

+ Độ muối là do nước sông hoà tan các loại muối từ đất, đá trong lục địa đưa ra.

* Sự thay đổi của nhiệt độ và độ muối

– Nhiệt độ

+ Sự thay đổi nhiệt độ phụ thuộc vào vị trí địa lí, điều kiện khí hậu và các yếu tố tự nhiên khác.

+ Ở các biển và đại dương, nhiệt độ trung bình trên bề mặt cũng rất khác nhau.

+ Biên độ nhiệt năm của nước biển và đại dương không lớn.

+ Ở Xích đạo là 27 – 29°C, ở ôn đới là 15 – 16°C, ở hàn đới là dưới 1°C.

– Độ muối

+ Độ muối của nước biển thay đổi tuỳ thuộc vào lượng nước sông chảy vào biển, độ bốc hơi và lượng mưa.

+ Ở các biển và đại dương khác nhau có độ muối không giống nhau.

II. Sóng biển và thủy triều

Câu hỏi trang 58 SGK Địa 10 CTST: Dựa vào hình 13.1 và thông tin trong bài, em hãy:

– Trình bày khái niệm về sóng biển.

– Giải thích nguyên nhân hình thành sóng biển.

Lời giải

– Khái niệm: Là hình thức dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng.

Câu hỏi trang 58 SGK Địa 10 CTST: Dựa vào hình 13.2, hình 13.3 và thông tin trong bài, em hãy:

– Trình bày nguyên nhân hình thành thủy triều.

– Nhận xét về vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất khi có triều cường và triều kém.

Lời giải

– Thủy triều là hiện tượng mực nước biển dao động theo chu kì và biên độ nhất định do ảnh hưởng của sức hút Mặt Trăng, Mặt Trời và lực li tâm của Trái Đất.

– Khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất thẳng hàng thì dao động thủy triều lớn nhất – triều cường. Ngược lại, khi Mặt Trời, Mặt Trăng Trái Đất vuông góc thì dao động thủy triều nhỏ nhất – triều kém.

III. Dòng biển

Câu hỏi trang 59 SGK Địa 10 CTST: Dựa vào hình 13.4 và thông tin trong bài, em hãy trình bày:

– Khái niệm dòng biển (hải lưu).

– Nguồn gốc xuất phát, hướng di chuyển của các dòng biển nóng và dòng biển lạnh.

Giải Địa 10 Bài 13

Lời giải

– Dòng biển là dòng nước di chuyển trong các biển và đại dương tương tự như các sông ở trong lục địa.

– Đặc điểm:

+ Dòng biển nóng thường phát sinh ở hai bên đường Xích đạo chảy theo hướng tây, gặp lục địa chuyển hướng chảy về cực.

+ Dòng biển lạnh thường xuất phát từ vĩ tuyến 30 – 40o gần bờ đông các đại dương chảy về Xích đạo.

+ Dòng biển nóng, lạnh hợp lại thành vòng hoàn lưu ở mỗi bán cầu.

+ Ở Bắc Bán Cầu có dòng biển lạnh xuất phát từ cực men theo bờ Tây các đại dương chảy về Xích đạo.

+ Các dòng biển nóng, lạnh đối xứng nhau qua bờ đại dương.

IV. Vai trò của biển và đại dương đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội

Câu hỏi trang 60 SGK Địa 10 CTST: Dựa vào hình 13.5 và thông tin trong bài, em hãy:

– Kể tên một số hoạt động kinh tế, khai thác tài nguyên biển và đại dương.

– Trình bày vai trò của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế – xã hội.

Lời giải

* Một số hoạt động kinh tế, khai thác tài nguyên biển và đại dương: đánh bắt thủy hải sản, khai thác khoáng sản, du lịch biển, giao thông vận tải biển,…

* Vai trò của biển và đại dương

– Đối với phát triển kinh tế: các biển và đại dương cung cấp nguồn tài nguyên phong phú như sinh vật, khoáng sản,…; là không gian để phát triển các ngành kinh tế,…

– Đối với xã hội: các biển và đại dương tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế, xã hội giữa các quốc gia trên thế giới, là nguồn sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển,…

– Biển và đại dương còn có vai trò quan trọng đối với môi trường và hệ sinh thái.

Luyện tập và vận dụng trang 60 SGK Địa 10 CTST

Luyện tập 1 trang 60 SGK Địa 10 CTST: Em hãy lập sơ đồ thể hiện vai trò của biển và đại đương đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.

Lời giải

Giải Địa 10 Bài 13

Luyện tập 2 trang 60 SGK Địa 10 CTST: Em hãy phân biệt ba hiện tượng dao động của nước biển và đại dương: sóng, thủy triều, dòng biển.

Lời giải

Phân biệt ba hiện tượng dao động của nước biển và đại dương: sóng, thủy triều, dòng biển.

Hiện tượng

Sóng

Thủy triều

Dòng biển

Khái niệm

Là hình thức dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng.

Là hiện tượng dao động thường xuyên, có chu kỳ của các khối nước trong các biển và đại dương.

Là hiện tượng chuyển động của lớp nước biển trên mặt tạo thành các dòng chảy trong các biển và đại dương.

Nguyên nhân

Được hình thành chủ yếu do tác động của gió. Gió thổi càng mạnh và thời gian càng lâu thì sóng biển càng lớn.

Được hình thành chủ yếu do sức hút của Mặt Trăng và Mặt Trời.

Được hình thành chủ yếu do tác động của các loại gió thổi thường xuyên trên bề mặt Trái Đất.

Biểu hiện

Sóng bạc đầu, sóng lừng, sóng thần,…

– Triều cường, triều kém.

– Bán nhật triều, nhật triều, triều không đều.

Dòng biển nóng, dòng biển lạnh.

Vận dụng trang 60 SGK Địa 10 CTST: Em hãy thu thập những thông tin chứng minh vai trò quan trọng của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

Lời giải

– Học sinh thu thập tư liệu qua sách, báo hoặc internet.

– Gợi ý các vai trò quan trọng: Thủy sản, khoáng sản, du lịch và giao thông vận tải biển.

Một chút thông tin về vai trò quan trọng của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

Biển, đảo của nước ta không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, là nơi án ngữ các trục giao thông huyết mạch trên biển, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển, mà còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí, triển vọng khai thác nguồn khoáng sản này là rất lớn. Tuy mới ra đời, nhưng ngành dầu khí Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong những ngành khai thác biển; đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khẩu và thu nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước.

Ngành công nghiệp khai thác dầu khí phát triển kéo theo sự phát triển của một số ngành khác như công nghiệp hóa dầu, giao thông vận tải, thương mại trong nước và khu vực. Ngoài dầu mỏ, biển Việt Nam còn có nhiều mỏ sa khoáng và cát thủy tinh có trữ lượng khai thác công nghiệp và làm vật liệu xây dựng… Tiềm năng về khí – điện – đạm và năng lượng biển cũng rất lớn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, sóng…

Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Bờ biển dài, có nhiều bãi cát rộng, vũng, vịnh, hang động tự nhiên đẹp, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển tạo cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng.

Các bán đảo và đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới, tiêu biểu là quần thể núi và hang động đá vôi ở Vịnh Hạ Long đã được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên của thế giới.

Các trung tâm kinh tế thương mại, thành phố du lịch như Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu… nằm trên tuyến du lịch quốc tế có đủ các điều kiện và khả năng để trở thành tụ điểm du lịch biển đảo.

Biển Việt Nam còn là địa bàn quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.

Hiện nay, có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đa số các thành phố, thị xã đều nằm ở ven sông, cách biển không xa, nhất là các thành phố, thị xã ở miền Trung.

Khu vực ven biển cũng là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp lớn, có nhiều sân bay, cảng biển quan trong, các căn cứ hải quân, kho tàng, các công trình kinh tế-quốc phòng khác.

Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối… thu hút hơn 13 triệu lao động, giải quyết công ăn việc làm, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh-quốc phòng.

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giải Địa 10 Bài 13: Nước biển và đại dương CTST. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Địa 10 CTST. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn Ngữ văn 10 CTST, Lịch sử 10 CTST…