Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 9 bài 11: Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa

Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 9 bài 11: Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được TaiLieuViet sưu tầm và đăng tải, tổng hợp bài tập và lời giải ngắn gọn của các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn Giáo dục công dân lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh. Mời các quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo

Trả lời Gợi ý GDCD 9 Bài 11 trang 38: Hãy nêu vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước qua bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

a)

Trả lời:

– Là các thế hệ trí thức trẻ đua tài cống hiến cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của dân tộc

– Là lực lượng xung kích, lực lượng nòng cốt khơi dậy hào khí Việt Nam và lòng tự hào dân tộc;

– Quyết tâm đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển;

– Thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá…

b) Tại sao đồng chí Tổng Bí thư lại cho rằng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là “trách nhiệm vẻ vang và cũng thời cơ rất to lớn…” của thế hệ thanh niên ngày nay?

Trả lời:

– Bởi xây dựng và bảo vệ tổ quốc là lí tưởng của Đảng, đồng thời là trách nhiệm và lí tưởng của mỗi người dân yêu nước, trong đó có thế hệ thanh niên ngày nay.

– Vì vậy, mỗi thanh niên phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, kĩ năng, đem tài năng của mình cống hiến cho đất nước. Đó là cơ hội đồng thời cũng là trách nhiệm của thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

c) Để thực hiện tốt trách nhiệm của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư đòi hỏi thanh niên phải học tập, rèn luyện những gì và như thế nào ?

Trả lời:

– Thanh niên phải cố gắng lao động, học tập, chăm lo rèn luyện tư cách, đạo đức và sức khoẻ;

– Vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao văn hoá – khoa học;

– Tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc;

– Có lòng yêu nước nồng nàn, sống tình nghĩa, thuỷ chung với gia đình, bạn bè, lòng biết ơn các thế hệ cha anh..

– Lấy việc đem lại hạnh phúc cho nhân dân, cho mọi người làm niềm vui lớn, là hạnh phúc lớn cho đời mình.

Giải bài tập Giáo dục công dân 9 bài 1 trang 39: Tại sao Đảng và nhân dân ta lại tin tưởng vào thế hệ thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước?

Trả lời:

+ Thế hệ thanh niên ngày nay được sống và học tập trong một điều kiện thuận lợi và phát triển toàn diện về mọi mặt.

+ Họ là những người năng động, sáng tạo và tự tin; dám nghĩ dám làm, không ngại khó ngại khổ.

+ Họ có lí tưởng sống cao đẹp, có đầy nhiệt huyết trẻ.

+ Họ có điều kiện để tiếp cận với những nguồn tri thức tiên tiến hơn.

Bài 2 trang 39 Giáo dục công dân 9: Em hãy nêu một vài tấm gương về thanh niên đã phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như hiện nay. Em học được những điều gì ở họ?

Trả lời:

Tấm gương trước đây: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng…

– Tấm gương ngày nay: Một số gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2016

+ Đinh Thị Hương Thảo, sinh năm 1998, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thảo 2 lần đoạt Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2015, 2016; năm 2016, nhận giải đặc biệt “Nữ sinh châu Á đạt kết quả cao nhất” do Hội Vật lý châu Á Thái Bình Dương trao tặng.

Bài 3 trang 39 Giáo dục công dân 9: Em có nhận xét gì về những biểu hiện ở một số thanh niên học sinh hiện nay, như: đua xe máy, lười học, nghiện ma tuý, đua đòi ăn chơi,…?

Trả lời:

– Đây là những học sinh sống không có lí tưởng, không có mục đích, không có hoài bão ước mơ; sống dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ.

– Họ chỉ biết thoả mãn bản thân và đi vào con đường không lành mạnh; không biết nghĩ đến người khác.

– Kiểu sống đó sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng xấu.

Bài 4 trang 39 Giáo dục công dân 9: Trong thanh niên học sinh có quan niệm: “Được đến đâu thì hay đến đó”, “Nước đến chân mới nhảy”.

Em có đồng tình với quan niệm đó không? Vì sao?

Trả lời:

– Em không đồng ý.

– Vì muốn đạt được thành quả cần phải tự mình cố gắng, nỗ lực và phấn đấu. Không có thành công nào đến với ta dễ dàng, vậy nên nếu buông xuôi và phó mặc mọi thứ thì sẽ chỉ nhận về thất bại.

Bài 5 trang 39 Giáo dục công dân 9: Em hiểu thế nào về câu nói: “Cống hiến thì nhìn về phía trước, hưởng thụ thì nhìn về phía sau?”

Trả lời:

– Khi mình công hiến sức lực của mình cho lí tưởng cao đẹp cần luôn luôn khiêm tốn, học hỏi và luôn hoàn thiện bản thân.

– Khi nhìn lại những thành quả mình đạt được, mình hãy nhớ công lao của bao thế hệ cha anh, của những người đi trước đã đổ xuống để mình có được ngày hôm nay.

Bài 6 trang 39-40 Giáo dục công dân 9: Trong những việc làm dưới đây, việc làm nào biểu hiện trách nhiệm hoặc thiếu trách nhiệm của thanh niên, vì sao?

a) Nỗ lực học tập, rèn luyện toàn diện;

b) Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội;

c) Chưa có ý thức vận dụng những điều đã học vào thực tế;

d) Có ý thức giúp đỡ bạn bè và mọi người xung quanh;

đ) Sống, học tập, làm việc luôn nghĩ đến bổn phận đối với gia đình và xã hội:

e) Học tập vì quyền lợi của bản thân;

g) Học tập, làm việc vì sự phát triển thịnh vượng và bền vững của dân vì hạnh phúc của nhân dân;

h) Vượt mọi khó khăn thực hiện kế hoạch đặt ra;

i) Ngại tham gia các phong trào của Đoàn và nhà trường tổ chức;

k) Dồn hết sức lực vào việc học tập.

Trả lời:

– Những việc làm thể hiện có trách nhiệm: (a), (b), (d), (đ), (g), (h). Vì đây là những biểu hiện sống có lí tưởng, ước mơ và mục tiêu; đồng thời luôn cố gắng đạt được ước mơ và kế hoạch đề ra.

– Những việc làm thể hiện thiếu trách nhiệm: (c), (e), (i), (k). Vì sống chỉ biết nghĩ cho bản thân, không phấn đấu tham gia các hoạt động chung của tập thể, ích kỉ và lười nhác.

Bài 7 trang 40 Giáo dục công dân 9: Hãy xây dựng một kế hoạch học tập, rèn luyện cho năm học lớp 9 của bản thân và trao đổi trong tổ học tập.

Trả lời:

– Xây dựng một kế hoạch học tập tu dưỡng rèn luyện theo một số định hướng như:

+ Mục tiêu học tập năm lớp 9.

+ Mục tiêu ngoại ngữ.

+ Phát triển kĩ năng sống của bản thân.