Đóng vai Phan Lang kể lại câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 9, giúp các bạn hiểu thêm về bài học này và hình thành bài làm văn hiệu quả. Tài liệu văn mẫu nêu cảm nghĩ gồm dàn ý làm bài và bài văn mẫu ngắn gọn nhất, mời các bạn tham khảo.

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet.
Nghiêm cấm sao chép nhằm mục đích thương mại.

Dàn ý Đóng vai Phan Lang kể lại câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương

1. Mở bài

Giới thiệu câu chuyện: tôi là người cùng làng lại được xuống thủy cung nên hiểu rõ câu chuyện của Vũ Nương.

2. Thân bài

a. Trước khi xuống thủy cung

  • Vũ Nương là người con gái xinh đẹp, hiền lành, nết na nổi tiếng trong làng mà ai cũng biết.
  • Trương Sinh là chồng của Vũ Nương, là con trai trong một gia đình giàu có nhất nhì làng tôi nhưng nổi tiếng vì tính đa nghi.
  • Tôi cùng Trương Sinh đi lính đánh giặc, sau khi chiến thắng cùng nhau trở về quê nhà.
  • Vừa mới về chưa được bao lâu đã hay tin Trương Sinh đuổi Vũ Nương đi vì cho rằng nàng có người khác nhân lúc chúng tôi đi lính và người đó ta thường xuyên đến vào lúc đêm khuya.
  • Hôm sau nghe tin Vũ Nương nhảy sông tự tử để bảo vệ danh tiết: tôi ngạc nhiên, sững sờ không dám tin vào sự thật.
  • Tôi được hay tin người đàn ông đến với Vũ Nương vào buổi tối chính là chiếc bóng của cô ấy, cô ấy nói thế để con mình biết nó có bố. → cảm thấy tiếc thương, đau xót trước một số phận hẩm hiu.

b. Khi xuống thủy cung

  • Một đêm tôi nằm mơ có người con gái áo xanh đến xin tha mạng, hôm sau có người biếu tôi con rùa mai xanh làm tôi liên tưởng đến giấc mơ và thả nó đi.
  • Năm ấy quân Minh tiến vào ải Chi Lăng khiến người dân phải nhảy xuống sông, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra, chỉ thấy mình đang ở trong một cung điện nguy nga lộng lẫy.
  • Có người phụ nữ tiến đến giới thiệu là vợ vua biển Nam Hải, cũng chính là con rùa được tôi cứu sống bèn mở yến tiệc thiết đãi tôi.
  • Trong bữa tiệc, có rất nhiều mĩ nhân, nhưng tôi chợt thấy trong số đó có một gương mặt khá quen nhìn rất giống Vũ Nương nhưng không dám nhận.
  • Khi bữa tiệc tàn, người đó tiến đến gần tôi và nói chuyện về việc mình bị oan và được các nàng tiên dưới thủy cung thương tình cứu giúp.
  • Tôi hỏi Vũ Nương sao không quay về nhân gian, không nhớ những người thân yêu ở nhân gian hay sao, khi tôi nhắc đến người thân, nàng ứa nước mắt và nói sẽ có ngày nàng trở về.
  • Hôm sau Linh Phi sai người rẽ nước đưa tôi trở về nhân gian, Vũ Nương đưa cho tôi chiếc hoa vàng và dặn tôi nói với Trương Sinh nếu nể tình xưa nghĩa cũ hãy lập đàn giải oan trên sông để nàng trở về.

c. Sau khi trở về nhân gian

  • Tôi đến gặp Trương Sinh và kể cho anh ta câu chuyện gặp Vũ Nương và những lời Vũ Nương dặn dò.
  • Trương Sinh không tin lời tôi nói, tôi đưa chiếc hoa vàng của nàng, lúc này Trương Sinh mới tin lời tôi.
  • Trương Sinh lập đàn ở bến Hoàng Giang, quả nhiên Vũ Nương ngồi kiệu hiện lên mặt nước, sau khi bày tỏ lòng mình nàng lại trở về thủy cung để lại sự tiếc nuối cho Trương Sinh.

3. Kết bài

Câu chuyện đã để lại trong lòng tôi nhiều cảm xúc và đó là kỉ niệm tôi không bao giờ quên.

Văn mẫu Đóng vai Phan Lang kể lại câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương

Tôi tên là Phan Lang, một người coi bến đò bình thường ở bến Hoàng Giang. Nhưng những câu chuyện mà tôi đã trải qua và chứng kiến ở đây là những kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên: đó là câu chuyện của vợ chồng Trương Sinh – Vũ Nương và việc tôi được xuống thủy cung.

Ở trong làng tôi, Vũ Nương nổi tiếng là người con gái xinh đẹp, hiền lành, nết na mà ai cũng biết; có rất nhiều chàng trai muốn cưới nàng làm vợ nhưng cuối cùng nàng đồng ý lấy Trương Sinh. Trương Sinh là con trai trong một gia đình giàu có nhất nhì làng tôi nhưng nổi tiếng vì tính đa nghi, lúc nào cũng cảnh giác với vợ mình. Tuy nhiên với sự khéo léo của mình mà gia đình họ sống rất hòa thuận và họ chuẩn bị đón con đầu lòng.

Tuy nhiên, năm ấy, giặc Chiêm đánh chiếm nước ta, tôi cùng Trương Sinh phải đi lính đánh giặc ròng rã hơn một năm trời. Sau khi chiến thắng, chúng tôi cùng nhau trở về quê nhà. Vừa mới về chưa được bao lâu tôi đã hay tin Trương Sinh đuổi Vũ Nương đi vì cho rằng nàng có người khác nhân lúc chúng tôi đi lính và người đó thường xuyên đến vào lúc đêm khuya. Điều này thực sự khó tin với một người như Vũ Nương, nhưng minh là người ngoài không hiểu rõ câu chuyện nên tôi không phán xét gì. Hôm sau nghe tin Vũ Nương nhảy sông tự tử để bảo vệ danh tiết, tôi ngạc nhiên, sững sờ không dám tin vào sự thật. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh khiến người ngoài cuộc như tôi cũng phải choáng ngợp.

Một thời gian sau, tôi được hay tin người đàn ông đến với Vũ Nương vào buổi tối chính là chiếc bóng của cô ấy, cô ấy nói thế để con mình biết nó có bố và không bị thiếu thốn tình cảm của người cha khiến tôi càng cảm thấy tiếc thương, đau xót trước số phận hẩm hiu của nàng. Câu chuyện cứ thế dần trôi vào dĩ vãng trong niềm tiếc thương của mọi người.

Một đêm tôi nằm mơ có người con gái áo xanh đến xin tôi tha mạng, tôi không hiểu sẽ có chuyện gì những cũng không để tâm lắm. Sáng hôm sau có người quen mang đến biếu tôi con rùa mai xanh rất đẹp, tôi chợt liên tưởng đến giấc mơ đêm qua bèn thả nó đi. Năm ấy quân Minh tiến vào ải Chi Lăng đánh chiếm nước ta, thế nước nguy nan, người dân phải nhảy xuống sông để tránh giặc, trong tình huống đó tôi cũng không ngoại lệ mặc dù biết ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.

Tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra, chỉ thấy khi mình mở mắt ra đã đang ở trong một cung điện nguy nga lộng lẫy. Tôi đang đi loanh quanh ngắm nhìn mọi thứ, bỗng có người phụ nữ tiến đến giới thiệu là vợ vua biển Nam Hải, cũng chính là con rùa được tôi cứu sống bèn mở yến tiệc thiết đãi tôi. Bữa tiệc diễn ra vui vẻ, trong có rất nhiều mĩ nhân, nhưng tôi chợt thấy trong số đó có một gương mặt khá quen nhìn rất giống Vũ Nương nhưng không dám nhận. Khi bữa tiệc tàn, người đó tiến đến gần tôi, tôi nhận ra chính là Vũ Nương và nàng nói chuyện với tôi về việc mình bị oan, sau khi nhảy xuống sông tự vẫn thì được các nàng tiên dưới thủy cung thương tình cứu giúp nên đã ở lại đây. Tôi hỏi Vũ Nương sao không quay về nhân gian để tiếp tục cuộc sống còn đang dang dở của mình, không nhớ những người thân yêu ở nhân gian hay sao? Lúc này, nàng như không chịu đựng được nữa, hai hàng nước mắt ứa ra và khẳng định sẽ có ngày nàng trở về. Tôi trò chuyện với nàng nhiều hơn về những câu chuyện ở trần gian, sau đó tôi quay lại chỗ nghỉ của mình được sắp xếp để chuẩn bị cho ngày trở về. Hôm sau Linh Phi sai người rẽ nước đưa tôi về nhân gian, Vũ Nương đưa cho tôi chiếc hoa vàng và dặn dò nói với Trương Sinh nếu nể tình xưa nghĩa cũ hãy lập đàn giải oan trên sông để nàng trở về. Tôi đồng ý và hứa với nàng sẽ nói chuyện với Trương Sinh.

Ngày hôm sau, tôi đến gặp Trương Sinh và kể cho anh ta câu chuyện gặp Vũ Nương rằng nàng đã ra sao sau khi tự vẫn và ước nguyện của nàng. Nhưng Trương Sinh không tin lời tôi nói, cho rằng tôi đang bịa đặt mọi thứ để anh ta cảm thấy áy náy về những việc mình đã làm. Tôi bèn đưa chiếc hoa vàng cho anh ta, lúc này Trương Sinh mới tin lời tôi. Tôi dặn dò anh ta chuẩn bị những lễ nghi thật kĩ lưỡng. Trương Sinh lập đàn ở bến Hoàng Giang, quả nhiên Vũ Nương ngồi kiệu hiện lên mặt nước, sau khi bày tỏ lòng mình nàng lại trở về thủy cung để lại sự tiếc nuối cho Trương Sinh.

Câu chuyện về Trương Sinh và Vũ Nương tuy đã trôi xa nhưng những cảm xúc khác nhau về câu chuyện này vẫn đọng lại trong lòng tôi cũng như những người được chứng kiến câu chuyện này. Đây không chỉ là câu chuyện vợ chồng đơn thuần mà còn là bài học sâu sắc cho những người sau này về lòng tin về người bạn đời của mình.

Khái quát về Tác giả Nguyễn Dữ

1. Tiểu sử tác giả Nguyễn Dữ

Nguyễn Dữ chưa rõ năm sinh năm mất, sống vào khoảng thế kỉ XVI, là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.

Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, ông làm quan nhưng mới được vài năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa.

2. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Dữ

Khái quát chung về Chuyện người con gái Nam Xương

1. Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương

Vũ Nương là cô gái xinh đẹp, thùy mị, nết na khiến chàng Trương đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ. Ngày chồng tòng quân, nàng đau lòng, dặn dò và mong chồng bình an trở về. Ở nhà, nàng một lòng một dạ chăm sóc con trai và chăm sóc mẹ chồng những ngày cuối đời. Khi chồng trở về, bế con ra thăm mộ mẹ, đứa nhỏ đã tiết lộ bố nó đêm nào cũng đến thăm nó khiến Trương Sinh đem lòng nghi ngờ, ghen tuông. Trương Sinh về nhà đã chửi mắng nàng và đuổi nàng đi mặc cho nàng van xin và thanh minh. Để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình Vũ Nương đã nhảy sông tự tử. Sau này, khi Trương Sinh hiểu ra oan khuất của nàng đã vô cùng đau xót nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa mà mãi ở lại nơi thủy cung.

2. Giá trị nội dung và nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương

– Giá trị nội dung:

Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền, chà đạp số phận người phụ nữ. Đồng thời, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhân vật Vũ Nương: thùy mị, nết na, luôn giữ gìn khuôn phép, hết mực thủy chung với chồng. Bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.

– Giá trị Nghệ thuật:

Xây dựng tình huống truyện độc đáo. Sử dụng yếu tố kỳ ảo làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình, nhân vật được xây dựng qua lời nói và hành động. Các lời trần thuật và đối thoại của nhân vật sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ nhưng vẫn khắc hoạ đậm nét và chân thật nội tâm nhân vật.

—————————

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

  • Bài tập đọc hiểu lớp 9 môn Ngữ văn
  • 10 đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ ôn thi vào lớp 10
  • Tóm tắt tác phẩm lớp 9

Trên đây TaiLieuViet đã giới thiệu tới các em Đóng vai Phan Lang kể lại câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương. Để có kết quả cao hơn trong học tập, TaiLieuViet xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Toán lớp 9, Trắc nghiệm Tiếng Anh 9, Lý thuyết môn Vật lí lớp 9, Giải Tập bản đồ Lịch Sử lớp 9 mà TaiLieuViet tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.