Lý thuyết Ngữ văn 9: Kiều ở lầu Ngưng Bích được TaiLieuViet sưu tầm và giới thiệu tới bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 9. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết

1. Tìm hiểu chung đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

a/ Tác giả Nguyễn Du

– Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820.

– Tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên.

– Quê quán: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

– Cuộc đời

  • Ông sinh trưởng trong gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng và sáng tạo nghệ thuật.
  • Ông sống trong thời đại đau khổ, bế tắc và nhiều biến động.
  • Ông là người có hiểu biết sâu rộng, có vốn sống phong phú, Nguyễn Du đã sống nhiều năm lưu lạc tiếp xúc với nhiều cảnh đời và thân phận con người trong thời đại loạn lạc, dâu bể.
  • Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du rất phong phú và đồ sộ.

b/ Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

– Ông có ba tập thơ chữ Hán với 243 bài, sáng tác chữ Nôm xuất sắc nhất là “Truyện Kiều”.

– Đoạn trích được trích trong tác phẩm Truyện Kiều, được viết bằng chữ Nôm.

– Đoạn trích nằm ở phần hai (Gia biến và lưu lạc).

– Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà vờ hứa hẹn đợi bà bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới.

c/ Bố cục đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Văn bản được bố cục thành ba phần.

Bố cục đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Phần 1 (6 câu thơ đầu): Hoàn cảnh cô đơn của Kiều Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng
Phàn 2 (8 câu thơ tiếp): Nỗi nhớ của Kiều Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Phần 3 (các câu thơ còn lại): Tâm trạng của Thúy Kiều Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

2/ Đọc hiểu văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích

a/ Hoàn cảnh cô đơn của Kiều

– Không gian: Lầu Ngưng Bích.

– Thời gian: Mây sớm, đèn khuya, trăng.

– Cảnh vật

  • Non xa – trăng gần.
  • Mây – đèn.
  • Cồn cát nọ – bụi hồng kia.
  • Bốn bề bát ngát.

⇒ Nghệ thuật liệt kê, đối lập làm cho cảnh vật hiện ra bộn bề, bát ngát mênh mông đối lập với lòng người cô đơn trống vắng nơi đất khách quê người.

– Câu thơ “nửa tình“: vẻ đẹp trước lầu Ngưng Bích đã được nàng gửi gắm và tình cảm nhớ quê hương. Lúc này tình cảm và cảnh vật cứ đan xen, hòa trộn làm cho tâm trạng bẽ bàng, sầu tủi.

⇒ Cảnh vật dưới cái nhìn của Kiều được hiện ra đẹp nhưng đượm buồn.

b/ Nỗi nhớ của Kiều:

Nhớ người yêu, nhớ cha mẹ

– Nỗi nhớ Kim Trọng.

  • Nhớ đêm thề nguyện với Kim Trọng dưới đêm trăng.
  • Hình dung Kim Trọng nơi xa xôi đang mong chờ tin tức. Kiều cảm thấy mình có lỗi.
  • Tấm son gột rửa”: động từ mạnh “gột rửa” diễn tả tấm lòng thuỷ chung, mối tình đầu đẹp đẽ không thể gột rửa được cho dù nàng muốn lãng quên nó đi.

⇒ Tác giả dùng từ chọn lọc diễn tả nỗi nhớ người yêu đau đáu, da diết, đầy cảm động.

  • xót”: xót thương cha mẹ ngày ngày “tựa cửa” ngóng tin con.
  • Quạt nồng ấp lạnh”: lo cho cha mẹ, thương cha mẹ già yếu mà mình không được chăm sóc. Kiều tự trách mình không chu đáo.
  • Điển tích “Sân Lai” để nói đến tấm lòng hiếu thảo của Kiều chỉ biết lo cho người khác mà không nghĩ đến mình.

c/ Tâm trạng của Thúy Kiều

– Điệp ngữ: “buồn trông” 4 lần, kết hợp một hệ thống từ láy và đặc biệt là mỗi cặp câu thơ là một cảnh vật.

  • Cảnh vật: hình ảnh cánh buồm “xa xa” thấp thoáng nơi cửa bể chiều hôm gợi cảnh đời lưu lạc nơi chân trời góc bể, nỗi nhớ quê hương da diết.
  • Cảnh vật: cánh hoa trôi man mác gợi lên số phận lênh đênh vô định của Kiều.
  • Cảnh vật: nội cỏ rầu rầu gợi về một tương lai mờ mịt trong xã hội phong kiến suy tàn không lối thoát mà thân phận nhỏ bé của con người không biết làm sao đây.
  • Cảnh vật: “gió cuốn mặt duềnh“, “ầm ầm tiếng sóng” kêu gợi tâm trạng hãi hùng, lo sợ trước số phận, cuộc sống đang đe dọa bủa vây xung quanh nàng.

– Nghệ thuật: vần bằng, hệ thống từ láy tạo nên nỗi buồn tầng tầng lớp lớp.

– Miêu tả cảnh vật từ xa đến gần diễn tả tâm trạng từ chỗ nhớ quê hương, người thân đến lo buồn cho tương lai, sợ hãi, rùng rợn cho số phận của mình.

⇒ Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả xây dựng một bức tranh tâm trạng đặc sắc nhất, hay nhất của Truyện Kiều: nỗi buồn đau của Kiều như lan tỏa sang cảnh vật đã xâm chiếm lòng nàng.

Bài tập minh họa bài Kiều ở lầu Ngưng Bích

3. Dàn ý phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” của Nguyễn Du

a/ Mở bài

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
  • Nội dung đoạn trích, nỗi cô đơn, buồn tủi của Thúy Kiều khi bị giam ở lầu Ngưng Bích.

b/ Thân bài

– Không gian đã cuốn hồn nàng vào cảm xúc cô đơn, buồn tủi, xót xa. “Trước lầu Ngưng Bích… Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng“.

– Nghệ thuật liệt kê, đối lập làm cho cảnh vật hiện ra bộn bề, bát ngát mênh mông đối lập với nỗi lòng buồn tủi của Kiều.

⇒ Cảnh vật hiện ra trước mặt Kiều đẹp nhưng lòng đượm buồn.

– Cảnh vật làm nàng nhớ đến Kim Trọng, nàng cho rằng mình là người có lỗi với Kim Trọng. “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng… như chia tấm lòng“.

– Nàng nhớ thương cha mẹ trong sự mặc cảm của người tình tội lỗi. “Xót người tựa cửa…đã vừa người ôm“.

– “Cửa bề chiều hôm”: nỗi buồn dâng điệp điệp. Trông vời đâu đâu nàng cũng thấy cảnh vật cứ như khơi như vẽ cõi lòng đang xô đạt, chơi vơi, tàn tạ, vật vã, trăm nỗi tơi bời của mình.

⇒ Tác giả dùng từ chọn lọc diễn tả nỗi nhớ người yêu đau đáu, da diết, đầy cảm động và lòng hiếu thảo của Kiều.

– “Sầu đong càng lúc càng đầy“. Cho thấy Thúy Kiều mỗi lúc một lắng sâu vào cõi lòng mình. Nguyễn Du càng khơi dậy được bao nỗi niềm thổn thức, trăn trở, cuộn dâng thành lớp lớp sóng buồn xô dạt trong lòng nàng.

– Những từ láy, điệp ngữ, những hình ảnh thiên nhiên được xuất hiện thành những nét vẽ nghệ thuật khắc họa làm ngời sáng những biến thái của tâm hồn Thúy Kiều.

– Hòa vào lời độc thoại nội tâm chứa chan cảm xúc của Thúy Kiều có cả âm vang của tiếng lòng đồng cảm trân trọng nàng.

⇒ Nỗi tâm trạng của Kiều cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo khi dành cho Kim Trọng và cho cha mẹ.

c/ Kết bài

  • Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc vừa mang nét truyền thống vừa có những nét sáng tạo riêng.
  • Nguyễn Du đã thể hiện tình yêu thương đối với nỗi đau khổ của Thúy Kiều.

4. Dàn ý phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, đoạn tích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

b. Thân bài

– Phân tích 6 câu thơ đầu bài Kiều ở lầu Ngưng Bích:

Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

  • Không gian: rộng lớn với “non xa”, “trăng gần” ⇒ sự bát ngát của không gian càng làm cho con người trở nên cô đơn, lẻ loi.
  • Từ “xa trông”: biểu lộ rất rõ tâm trạng thẫn thờ, đón đợi.

⇒ Không gian, vũ trụ bao la.

  • Từ “khóa xuân”: Kiều ý thức được mình không còn trẻ tuổi, đoạn tuyệt với tuổi trẻ khi đã rơi vào chốn lầu xa.
  • Tâm trạng của Thúy Kiều trước không gian bát ngát, mênh mông.
  • Từ láy “bẽ bàng”: sự hổ thẹn, sự tự vấn, nỗi chán nản hòa với buồn tủi đang tràn ngập trong tâm trạng Kiều.

– Phân tích 8 câu thơ giữa bài Kiều ở lầu Ngưng Bích:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm

  • Kiều nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến cảnh mình cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng.
  • Rồi bất chợt, nàng liên tưởng đến thân phận “bên trời góc biển bơ vơ” của mình.
  • Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”: tấm lòng son của Kiều, tấm lòng nhớ thương Kim Trọng sẽ không bao giờ phai mờ, nguôi quên dù cho có gặp nhiều trắc trở trong đường đời.
  • “xót” diễn tả tấm lòng Kiều dành cho đấng sinh thành: lo lắng nghĩ đến hình bóng tội nghiệp của cha mẹ, khi sáng sớm, lúc chiều hôm tựa cửa ngóng tin con, hay mong chờ con đến đỡ đần
  • Các thành ngữ “rày trông mai chờ”, “quạt nồng ấp lạnh”, “cách mấy nắng mưa” và các điển tích, điển cố “sân Lai, gốc Tử” để nói lên tâm trạng nhớ thương, lo lắng và tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ.

– Phân tích 8 câu thơ cuối bài Kiều ở lầu Ngưng Bích:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

  • Cặp lục bát 1: Phân tích hình ảnh “cửa bể chiều hôm”, “cánh buồm xa xa” gợi tả nỗi buồn của Kiều khi nghĩ về cha mẹ – những người sinh thành ra mình, nàng cảm thấy xót xa.
  • Cặp lục bát 2: Phân tính hình ảnh “ngọn nước mới sa”, “hoa trôi man mác” gợi tả nỗi mông lung lo lắng của Kiều không biết cuộc đời sẽ trôi đi đâu về đâu. Tâm trạng của Thúy kiều lại trở về với thực tại của đời mình, trở về với nỗi đau hiện thực.
  • Cặp lục bát 3: Phân tích hình ảnh “nội cỏ rầu rầu”, “chân mây mặt đất” gợi tả sự vô định của Kiều. Từ láy “rầu rầu” gợi cho ta sự tàn úa đến thảm thương, màu xanh tàn úa, héo hắt.
  • Cặp lục bát 4: Phân tích hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh”, “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” gợi sự sợ hãi, hoảng hốt của Kiều. Sự lênh đênh trên chặng đường đời nhiều sóng gió trước mặt Kiều, cũng là những phong ba, gập ghềnh mà Kiều sẽ phải đi qua.

→ Điệp từ “buồn trông” được nhắc đi nhắc lại trong khổ thơ. Nó như tâm trạng của Kiều lúc này, đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

3. Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật và giá trị của đoạn trích.

—————————————

Với nội dung bài Kiều ở lầu Ngưng Bích các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về hoàn cảnh sáng tác, giá trị nghệ thuật và nhân đạo, tình yêu thương đối với nỗi đau khổ của Thúy Kiều…

Trên đây TaiLieuViet đã giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Ngữ văn 9: Kiều ở lầu Ngưng Bích. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn văn 9, Tác giả – Tác phẩm Ngữ văn 9, Giải VBT Ngữ văn 9, soạn bài lớp 9.