Soạn bài Con chim chiền chiện (Huy Cận) trang 21, 22 gồm có phần yêu cầu, phần đáp án chuẩn và phần giải thích, hướng dẫn chi tiết cho từng câu hỏi có trong cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 1 thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo.

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.

A. Soạn bài Con chim chiền chiện lớp 7

Câu 1 trang 22 Ngữ văn 7 Tập 1 Chân trời sáng tạo

Xác định vần và nhịp của bài thơ và cho biết hiệu quả nghệ thuật của nó.

Hướng dẫn trả lời:

– Các vần của bài thơ:

  • Vần chân: cao – ngào; xanh – lanh; chói – nói; chi – thì; sà – ca; sữa – chứa
  • Vần lưng: lanh – cành; veo – gieo

→ Hiệu quả nghệ thuật: tạo sự liên kết giữa các câu thơ; tạo nhạc điệu, âm hưởng cho câu thơ; làm cho câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc

– Nhịp của bài thơ: 2/2

→ Hiệu quả nghệ thuật: tạo nên tiết tấu, nhịp thơ ngắn, nhanh như tiết tấu vỗ cánh của chú chim đang bay lượn trên bầu trời

Câu 2 trang 22 Ngữ văn 7 Tập 1 Chân trời sáng tạo

Phân tích một hình ảnh trong bài thơ mà em cho là độc đáo nhất.

Hướng dẫn trả lời:

Gợi ý:

Hình ảnh mà em cho là độc đáo nhất bài thơ là hình ảnh “tiếng ngọc trong veo”.

Tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp nghệ thuật chuyển đổi cảm giác để khắc họa tiếng hót của chú chim chiền chiện. Tiếng hót ấy là những âm thanh vang vọng trong không trung nay được cô đọng thành từng hạt ngọc quý giá trong veo đẹp vô cùng. Không chỉ nghe bằng tai, nay người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp của âm thanh ấy bằng đôi mắt, bằng xúc giác. Nhờ vậy, âm thanh mỹ diệu của chim chiền chiện được lột tả và khắc họa một cách bóng bẩy, dễ cảm nhận và đi sâu vào tâm hồn người đọc hơn.

>> Tham khảo: Phân tích một hình ảnh trong bài thơ Con chim chiền chiện mà em cho là độc đáo nhất lớp 7

Câu 3 trang 22 Ngữ văn 7 Tập 1 Chân trời sáng tạo

Trong khổ thơ thứ hai và thứ tư, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Những biện pháp đó có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung của hai khổ thơ?

Hướng dẫn trả lời:

Trong khổ thơ thứ hai và thứ tư tác giả đã sử dụng các biện pháp tu từ sau:

– Biện pháp tu từ so sánh (tiếng hót – cành sương) → Tác dụng: khắc họa vẻ đẹp long lanh, trong veo, thánh thót của tiếng hót chim chiền chiện đẹp tựa như những giọt sương dưới ánh nắng chói chang

– Biện pháp chuyển đổi cảm giác (tiếng hót – thành viên ngọc, xâu thành chuỗi) → Tác dụng: giúp tạo điểm nhấn thú vị cho bài thơ, đồng thời giúp hữu hình một âm thanh tuyệt đẹp, cô đọng nó lại trong câu thơ để người đọc có thể dễ dàng liên tưởng, tưởng tượng và cảm nhận hơn

– Biện pháp tu từ nhân hóa (gieo từng chuỗi, vui nhiều, hát không biết mỏi) → Tác dụng: khắc họa chú chim chiền chiện như một người nghệ sĩ thực thụ, đam mê ca hát, dâng hiến tiếng hót của mình làm niềm vui cho đời không biết mệt mỏi. Từ đó, giúp câu thơ trở nên thú vị, sinh động và hấp dẫn. Đồng thời giúp người đọc dễ dàng cảm nhận và liên tưởng được những hình ảnh thơ mà tác giả muốn gửi gắm tình cảm trong đó.

Câu 4 trang 22 Ngữ văn 7 Tập 1 Chân trời sáng tạo

Tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện cảm xúc của tác giả. Đó là cảm xúc gì?

Hướng dẫn trả lời:

– Từ ngữ hình ảnh thể hiện cảm xúc của tác giả:

  • Lòng đầy yêu mến
  • Lòng vui bối rối
  • Tưng bừng lòng ta

– Cảm xúc của tác giả: vui vẻ, hạnh phúc, thư giãn, phấn khởi khi được nghe tiếng hót và nhìn thấy hình dáng của chú chim chiền chiện

Câu 5 trang 22 Ngữ văn 7 Tập 1 Chân trời sáng tạo

Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm: Những chú chim chiền chiện là loài chim mang vẻ đẹp và tâm hồn nghệ sĩ. Tuy nhỏ bé nhưng chúng luôn đồng hành và đem đến niềm vui cho cuộc sống của mọi người. Vì vậy hãy yêu thương và bảo vệ loài chim nhỏ bé này nói riêng và thiên nhiên xung quanh chúng ta nói chung. Hãy chung sống hòa bình, gắn bó và thương yêu lẫn nhau.

B. Tìm hiểu chung bài Con chim chiền chiện lớp 7

1. Tác giả bài thơ Con chim chiền chiện: Huy Cận

  • Tên khai sinh: Cù Huy Cận
  • Năm sinh: 1919-2005
  • Quê quán: Hương Sơn, Hà Tĩnh
  • Phong cách nghệ thuật: các tác phẩm thơ của ông đều rất hàm súc và  giàu chất suy tưởng triết lí
  • Tác phẩm tiêu biểu: Lửa thiêng, Vũ trụ ca, Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời, Những năm sáu mươi, Kinh cầu tự …

2. Bài thơ Con chim chiền chiện

  • Thể loại: thơ bốn chữ
  • Xuất xứ: xuất bản năm 2004 trong tập thơ Những bài thơ em yêu (Phạm Hổ, Nguyễn Nghiệp tuyển chọn)
  • Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

————————————————-

>> Tiếp theo: Soạn bài Làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm đề thi giữa kì 1 lớp 7, đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi giữa kì 2 lớp 7 và đề thi cuối kì 2 lớp 7 tất cả các môn. Chúc các bạn học tập tốt và đạt kết quả cao trong năm học này.