Văn 9: Bến quê và những điều đau đớn đến phút cuối mới ngộ ra

Bến quê và những điều đau đớn đến phút cuối mới ngộ ra được TaiLieuViet sưu tầm và đăng tải. Bến quê là truyện ngắn thấm đẫm chất triết lý của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Sau đây là tài liệu mời quý thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo

  • Soạn Văn 9 bài Bến quê VNEN
  • Soạn bài Bến quê siêu ngắn
  • Đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ văn lớp 9 bài 54: Bến quê

Câu chuyện xoay quanh những ngày cuối đời của nhân vật tên Nhĩ. Dù không mô tả chi tiết về thời kỳ hoàng kim nhưng qua cách giới thiệu, độc giả có thể nhận ra rằng nhân vật Nhĩ là một người rất thành công trong sự nghiệp. Anh có cơ hội được đi khắp bốn bể năm châu. Những chính thành công ấy đã đẩy nhân vật đến bi kịch. Đáng tiếc là, chỉ đến khi thời gian sống trên cõi đời này chỉ được tính bằng ngày, Nhĩ mới nhận ra sự bất hạnh của mình.

“Bến quê” là một chuỗi những bi kịch. Bi kịch này dẫn tới bi kịch kia khiến cho nhân vật đau đớn, vật vã. Sự đau đớn, nuối tiếc của nhân vật đem đến cho chúng ta những bài học vô cùng sâu sắc.

Một trong những bất hạnh lớn nhất của cuộc đời Nhĩ là có nhiều cái bên anh cả cuộc đời nhưng đến cuối đời anh mới nhìn thấy, mới nghe được.

Bến quê và những điều đau đớn đến chết mới ngộ ra

Liên là người phụ nữ gắn bó với Nhĩ cả cuộc đời. Cô là hậu phương, là điểm tựa để anh có thể tung hoành năm châu bốn bể. Nhưng dường như Nhĩ không nhận ra đó là điểm tựa cho cuộc đời mình. Chỉ đến khi sắp từ giã cõi đời, Nhĩ mới thực sự nhìn thấy Liên, thực sự cảm nhận được sự hi sinh mà Liên đã dành cho anh suốt cả cuộc đời. Lần đầu tiên Nhĩ nghe được tiếng bước chân quen thuộc của Liên trên những bậc cầu thang đã mòn lõm. Cũng lần đầu tiên, anh nhận ra vợ mình mặc chiếc áo vá. Lần đầu tiên Nhĩ nói với Liên rằng: “Cả đời anh làm cho em khổ mà em cứ lặng thinh”. Những thứ “lần đầu tiên ấy” sao mà xót xa đến thế. Có lẽ, những người thân yêu ở bên, ta chẳng bao giờ nhận ra họ đã hi sinh nhiều cho mình đến nhường nào. Chỉ đến khi sắp phải rời xa họ, ta mới thực sự thấy họ vô cùng quan trọng thì đã quá muộn mất rồi.

Việc chưa bao giờ hiểu và thấu cảm cho vợ làm Nhĩ day dứt. Nhưng điều khiến anh day dứt nhiều hơn nữa là anh chưa bao giờ đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Đó là nơi vợ anh sinh ra và lớn lên. Mảnh đất quen thuộc vô cùng mà lại cách xa vời vợi. Một người đã đi khắp năm châu nhưng không thể bước chân lên dải đất ngay cửa sổ nhà mình mới xót xa làm sao. Đôi khi, chúng ta cứ mải mốt đi tìm những miền đất lạ mà quên đi vẻ đẹp của vùng quê ngay bên cạnh mình. Để rồi, khi nhận ra vẻ đẹp của nó thì chỉ còn đủ sức nhìn ngắm và tiếc nuối mà thôi.

Một trong những nghịch lý đau đớn nữa chính là cảnh ngộ của Nhĩ. Một người đã đi khắp thế gian nhưng đến cuối đời, chỉ di chuyển vài chục cm thôi cũng là cả một cuộc hành trình dài. Thế mới thấy, sức khỏe là thứ tài sản vô giá của con người. Khi còn khỏe, ta luôn phung phí nó. Để đến cuối cuộc đời, một chút sức tàn cũng vô cùng quý giá.

Bến quê còn có rất nhiều chi tiết, hành ảnh mang ý nghĩa biểu tượng vô cùng sâu sắc.

Đầu tiên là việc Nhĩ nhờ Tuấn (con trai của anh) giúp mình sang bãi bồi bên kia sông. Thực ra, không phải là anh muốn con trai thực hiện nguyện vọng của mình. Có lẽ, điều mong muốn lớn nhất của Nhĩ là cậu con trai (rất giống mình) ấy sẽ không phải tiếc nuối, xót xa như anh lúc này. Tuy nhiên, người trẻ thường cho những điều người lớn nói là thừa thãi hoặc viển vông. Vì thế, dù miễn cưỡng nghe lời bố nhưng Tuấn lại sa vào bàn cờ thế ven đường và có thể sẽ lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày.

Những bàn cờ thế ven đường cũng mang nhiều ý nghĩa chiêm nghiệm sâu sắc. Nhà văn Nguyễn Minh Châu phải thốt lên rằng: Con người ta, trên đường đời không tránh khỏi những điều chùng chình hoặc vòng vèo. Ván cờ thế ven đường cũng như những cám dỗ của cuộc đời. Chúng ta rất dễ sa vào đó để rồi mất đi cái đích đã định từ trước. Chính những “ván cờ thế ven đường” ấy khiến cho Nhĩ phải sống trong day dứt trong suốt những ngày cuối đời.

Chi tiết chuyến đò duy nhất trong ngày cũng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đó cũng chính là chuyến đò của cuộc đời. Mỗi chúng ta chỉ có một chuyến đò duy nhất để đến đích của cuộc đời. Nếu ta cứ chùng chình hoặc vòng vèo sa vào những cạm bẫy, những cám dỗ thì chắc chắn ta sẽ bị lỡ chuyến đò duy nhất ấy. Khi đã lỡ đò, người ta chỉ còn biết xót xa, tiếc nuối mà thôi. Hành động của Nhĩ khi chuyến đò duy nhất trong ngày cập bến khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đó không hẳn là hành động thúc giục cậu con trai. Đó còn là niềm khao khát trong vô vọng được ngồi trên con đò duy nhất ấy để sang miền đất vừa rất gần gũi thân thương, nhưng cũng vô cùng xa lạ đối với Nhĩ.

Bến quê là một chuỗi những tiếc nuối. Những tiếc nuối ấy đến từ sự vô tâm của nhân vật Nhĩ. Điều đó đem đến cho những ta những bài học vô cùng quý giá. Trong cuộc đời này, hãy yêu những gì gần gũi và thân thuộc với mình. Hãy sống hết mình với yêu thương ấy. Để đến khi từ giã cõi đời, ta có thể mỉm cười mãn nguyện.

Trên đây TaiLieuViet đã giới thiệu tới các bạn bài Bến quê và những điều đau đớn đến phút cuối mới ngộ ra là tài liệu này khá hay giúp các bạn học sinh ôn tập, rèn luyện chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi lớp 9 sắp tới. Chúc các bạn ôn tập tốt. Mời các bạn tham khảo

  • Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9
  • Bến quê của Nguyễn Minh Châu – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9

……………………………………………………………..

Ngoài Bến quê và những điều đau đớn đến phút cuối mới ngộ ra. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9, Soạn văn 9 VNEN, Đề thi học sinh giỏi 9 hoặc đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt