Kết bài Đồng Chí – Chính Hữu được TaiLieuViet tổng hợp các cách kết bài cho tác phẩm “Đồng Chí” hay nhất. Chúc các bạn học tốt, mời các bạn tải về tham khảo, chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới

1. Kết bài Đồng chí – Mẫu 1

Chính Hữu đã từng nói về những vần thơ của mình: “Trong bài “Đồng chí”, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Suốt cả cuộc chiến đấu, chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu, là tình đồng chí, đồng đội”. Văn chương đã tạo ra một thế đứng riêng mạnh mẽ không kém gì lịch sử. Nói về thời đại đau thương và quật khởi qua hình tượng người chiến sĩ, tác phẩm đã gây nên những rung động thẩm mỹ, tạo thành ấn tượng không thể nào quên. Chính những điều đó khiến bài thơ “Đồng chí ” mãi ngân vang trong trái tim bạn đọc hôm qua, hôm nay và mai sau. Thật đúng như lời ngợi ca của Tố Hữu dành cho những người lính:

“Kính chào anh con người đẹp nhất

Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất

Những anh hùng của thế kỷ 20”.

2. Kết bài Đồng chí – Mẫu 2

“Lật trái trang thơ may ra anh đọc được trên kia đời tôi một ít

Thơ không phản ảnh đời mình thì nó cũng phản ánh những mùa hoa.”

(Chế Lan Viên)

Phải chăng thơ ca là vậy, nó vẫn luôn phản ánh những mùa hoa đẹp như thế. Và Chính Hữu đã mang đến cho thơ ca cách mạng một giai điệu mới mẻ, một bức tranh thật đẹp về người lính chống Pháp. Đó là mối tình đồng chí đồng đội được hình thành và phát triển trong điều kiện chiến đấu vô cùng thiếu thốn gian khổ để tạo nên phẩm chất đẹp đẽ, một trong những nguồn sức mạnh của quân đội ta. Đằng sau những suy nghĩ ấy, bài thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lý trong thời đại chúng ta: Sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ mà là con người – con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm.

3. Kết bài Đồng chí – Mẫu 3

Văn chương nghệ thuật cần đến những con người biết nhìn hiện thực bằng trái tim. Chính Hữu đã đưa hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên nhưng đồng thời cũng đặt vào bức tranh ấy một viên ngọc sống thuần khiết nhất, đó là tình đồng chí đồng đội keo sơn thắm thiết. Chân dung người Vệ Quốc quân trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp hiện lên thật đẹp để qua những vần thơ mộc mạc, giản dị mà gợi nhiều suy tưởng. Để rồi khi thời gian trôi qua, mỗi khi nhắc đến hình tượng người lính trong kháng chiến thì bức tượng đài đó vẫn luôn hiện về trong tâm trí người đọc.

4. Kết bài Đồng chí – Mẫu 4

“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm” (Voltaire). Thơ ca chỉ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp đập thổn thức, mỗi lời thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền cảm lớn vô cùng. Chính vì thế, có những bài thơ đã ra đời cách xa chúng ta cả một thời đại nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị. “Đồng Chí” của Chính Hữu là một thi phẩm như vậy. Từ những miền quê nghèo khác nhau trên dải đất hình chữ S, cùng chung sự khốn khó, chung lý tưởng chiến đấu, những người lính đã đến với nhau, giản dị mà chân thành. Bài thơ sẽ mãi là biểu tượng đẹp về tình đồng chí bất tử!

5. Kết bài Đồng chí – Mẫu 5

“Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông.”

(Sao chiến thắng– Chế Lan Viên)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã chứng kiến bạo kì tích của những người nông dân. Họ đã làm nên lịch sử từ đôi bàn tay cày cuốc, đôi bàn chân lấm lem bùn lầy. Họ là những chàng “Thạch Sanh của thế kỉ XX”. Chính Hữu đã góp bản hùng ca “Đồng chí” hòa vào bản đàn chung về những người lính anh dũng của một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng. Bản hùng ca ấy vừa mang vẻ đẹp giản dị lại vừa mang vẻ đẹp cao cả thiêng liêng, thơ mộng. Cấu trúc song hành và đối xứng xuyên suốt bài thơ làm hiện lên những gương mặt người chiến sĩ rất trẻ như đang thủ thỉ, tâm tình, làm nổi bật chủ đề tư tưởng: Tình đồng chí gắn bó keo sơn. Với những đặc điểm đó, bài thơ xứng đáng là một trong những tác phẩm thi ca xuất sắc về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng của văn học Việt Nam.

6. Kết bài Đồng chí – Mẫu 6

Qua bài thơ Đồng chí, tác giả Chính Hữu đã dựng lên bức tượng đài giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng, đẹp đẽ về hình tượng người lính nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những người lính có xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, non sông họ đã cùng nhau kề vai chiến đấu, sẵn sàng dâng hiến toàn bộ tuổi xuân, coi cái chết nhẹ tựa hồng mao, tất cả vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Điều làm nên sức mạnh, sự quyết tâm, tinh thần quyết thắng của những người lính không chỉ bởi lí tưởng cứu nước, vì tình yêu dành cho gia đình, quê hương mà còn bởi tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, những người lính đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn của cuộc sống sinh hoạt, hỗ trợ, sát cánh cùng nhau chiến đấu, bởi vậy mà những khó khăn của cuộc sống, cái dữ dội của cuộc chiến không thể làm nhụt chí, lung lay quyết tâm chiến đấu của họ.

  • Mở bài Đồng Chí Chính Hữu

7. Kết bài Đồng chí – Mẫu 7

“Đồng chí” của Chính Hữu là bài thơ cảm động về tình đồng đội, đồng chí trong chiến tranh, đó là thứ tình cảm gắn kết thiêng liêng giữa những người lính vốn xa lạ, chẳng hề quen biết. Tình đồng chí giúp những người lính mạnh mẽ vượt qua mọi gian khó, khắc nghiệt của cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu, qua bài thơ này tác giả Chính Hữu không chỉ khéo léo xây dựng bức chân dung đẹp đẽ, chân thực về tình đồng chí mà còn góp phần lí giải về sức mạnh của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến xưa. Tình yêu thương, tinh thần đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù, hướng đến ánh sáng của độc lập, tự do.

Kết bài Bài thơ về Tiểu đội xe không kính

8. Kết bài Đồng chí – Mẫu 8

Đã có rất nhiều bài thơ hay viết về hình tượng người lính, đó là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, là Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, là Tây Tiến của Quang Dũng, những bài thơ đi cùng năm tháng ấy đã xây dựng thành công hình tượng người lính ở khía cạnh anh hùng, tinh thần quả cảm. Cũng viết về chủ đề người lính, chiến tranh quen thuộc ấy nhưng điều mà Chính Hữu gây ấn tượng đặc biệt nhất đối với tôi trong bài thơ “Đồng chí” là tình đồng đội, đồng chí giản dị, đời thường mà thiêng liêng, xúc động. Những người lính trong thơ Chính Hữu vẫn sáng ngời với lí tưởng đấu tranh, quyết tâm chiến thắng kẻ thù vì sự nghiệp giải phóng chung, nhưng qua những hành động sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau của những người lính chúng ta còn thấy được đời sống tình cảm đẹp đẽ, thấy được cội nguồn sức mạnh của những người lính trong chiến tranh. Đây chính là nét mới mẻ trong khám phá về hình tượng người lính của Chính Hữu.

9. Kết bài Đồng chí – Mẫu 9

……………………………………………………………..

Ngoài bài viết trên, kho tài liệu của TaiLieuViet vẫn còn rất nhiều tài liệu phong phú, bổ ích luôn sẵn sàng cho bạn đọc ghé thăm tại Ngữ văn lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Nghị luận xã hội lớp 9. TaiLieuViet luôn là trợ thủ đắc lực cho các bạn học sinh trong quá trình học tập! Chúc các bạn đạt được kết quả cao!