Mở bài Chị em Thúy Kiều – Nguyễn Du được TaiLieuViet tổng hợp gồm những mở bài mẫu có cách tiếp cận tác phẩm ở những góc độ khác nhau nhưng đầy đủ những ý chính của bài. Mời các bạn cùng tham khảo các cách mở bài dưới đây

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 1

Nguyễn Du (1765 – 1820) quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm thành công nhất của ông chính là “Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là “Truyện Kiều”. Tác phẩm thực sự là “một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” bởi truyện không những có giá trị nội dung cao cả mà còn rất đặc đắc về mặt nghệ thuật. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là trích đoạn nổi bật của tác phẩm.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 2

“Thơ không phải là rượu đã rót sẵn vào chén mà là men đương lên, không phải hoa sẵn trên cành mà là dòng nhựa đương chuyển”. Nhận xét ấy của nhà thơ Xuân Diệu là muốn nói đến sức sống, sự rung cảm mãnh liệt của thơ ca đối với người đọc. Một áng thơ hay nhất định là áng thơ gây được những tình cảm diệu kì nơi người đọc, chứa đựng sức hấp dẫn khiến từng con chữ, từng nét bút như có linh hồn. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trích “Truyện Kiều của Nguyễn Du chính là những “men đương lên”, “nhựa đương chuyển” như thế.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 3

Giáo sư Đào Duy Anh từng nhận xét: “Nếu Nguyễn Trãi với “Quốc âm thi tập” là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với “Truyện Kiều” lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta.”. Quả thực, 3254 câu “Kiều”, câu nào cũng là những lời thơ toàn bích. Đọc “Truyện Kiều”, ta thấy được hết cái thanh cao, đẹp đẽ của tiếng nói và tâm hồn dân tộc. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” thuộc phần đầu của tác phẩm chính là một trong những trích đoạn nổi bật nhất, đặc sắc về cả giá trị nội dung lẫn nghệ thuật.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 4

Nền văn học Việt Nam ta đã vinh danh bao nhà văn, nhà thơ không chỉ ở kho tàng nước nhà mà còn nổi tiếng trên toàn thế giới. Một trong những tác giả nổi bật nhất chắc hẳn chúng ta không ai không biết đến, đó chính là Đại thi hào Nguyễn Du cùng tác phẩm thành công vang dội – Truyện Kiều. Truyện Kiều là một trong những truyện được viết bằng thơ Nôm vô cùng đặc sắc, câu chuyện kể về cuộc đời nhân vật Thúy Kiều. Phần đầu câu chuyện, tác giả giới thiệu đến vẻ đẹp của Thúy Kiều và người em Thúy Vân qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều ta đã được học ở sách giáo khoa.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 5

Vẻ đẹp ngoại hình và tính cách của con người đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội cũ luôn là đề tài quen thuộc khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Một trong số đó ta phải kể đến Đại thi hào Nguyễn Du cùng tác phẩm Truyện Kiều. Phần đầu câu chuyện, qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều, tác giả đã giúp bạn đọc hình dung ra được vẻ đẹp yêu kiều, mĩ miều của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 6

“Hồng nhan bạc phận” chắc hẳn là câu nói quen thuộc mà chúng ta ai cũng biết nói về những người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, nết na nhưng cuộc sống lại đầy đau thương, khổ hạnh. Một trong những nhân vật điển hình cho điều này chính là Thúy Kiều trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Mở đầu câu chuyện, qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều, ta thấy được vẻ đẹp sắc nước hương trời của Thúy Kiều cũng như người em Thúy Vân.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 7

“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

(Trích “Kính gửi cụ Nguyễn Du” – Tố Hữu)

Những vần thơ trên đã thể hiện tấc lòng tri âm tri kỷ cùng tiếng nói đồng vọng của Tố Hữu đối với Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc. Câu thơ còn gợi nhắc đến sự thành công của tác phẩm “Truyện Kiều” – kiệt tác trong nền văn học trung đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Sự thành công của tác phẩm được tạo nên bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả, xây dựng chân dung nhân vật. Trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc phần “Gặp gỡ và đính ước” đã thể hiện khả năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong việc khắc họa vẻ đẹp “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” hết sức sinh động của hai cô con gái đầu lòng nhà viên ngoại họ Vương.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 8

“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm xứng tầm kiệt tác trong nền văn học Việt Nam. Bên cạnh bút pháp tả cảnh thì nghệ thuật tả người cũng là yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm. Điều này đã được thể hiện rõ qua trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc phần “Gặp gỡ và đính ước”. Thông qua những câu thơ giàu chất tạo hình và ngòi bút thiên về sự ngợi ca tài năng, vẻ đẹp của con người xuất phát từ cảm hứng nhân đạo, nhân văn vô cùng cao đẹp, tác giả Nguyễn Du đã phác họa thành công bức chân dung của chị em Thúy Kiều, đồng thời gửi gắm những dự cảm sâu sắc về cuộc đời của nhân vật.

Mở bài đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 9

Một trong những đặc trưng nổi bật của thi pháp văn học trung đại là lấy thiên nhiên làm thước đo chuẩn mực để miêu tả, khắc họa và đánh giá vẻ đẹp của con người. Quan điểm này đã chi phối và có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều sáng tác tiêu biểu của các tác giả thuộc nền văn học trung đại, trong đó trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc kiệt tác “Truyện Kiều” là minh chứng tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Qua đoạn trích, chúng ta có thể thấy được tài năng của tác giả Nguyễn Du trong việc miêu tả, khắc họa chân dung nhân vật thông qua vẻ đẹp về ngoại hình, tài năng, trí tuệ, cốt cách cùng dự cảm về cuộc đời, số phận của chị em Thúy Kiều.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 10

Xantưkốp Sêđrin – nhà văn vĩ đại người Nga từng đưa ra nhận định vô cùng sâu sắc: “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Kiệt tác “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du- đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới quả thật là tác phẩm minh chứng cho sức sống vĩnh hằng, bất diệt của văn học. Bằng đôi mắt đồng cảm, xót thương xuất phát từ cảm hứng nhân đạo, nhân văn cao đẹp, nhà thơ đã tái hiện thành công cuộc đời trắc trở trong muôn vàn bi kịch của nhân vật Thúy Kiều. Tác phẩm đạt tới sự thành công về giá trị nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” đã thể hiện rõ điều này. Bằng việc sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, tác giả Nguyễn Du đã phác họa, tái hiện sinh động bức chân dung mĩ lệ, đẹp đẽ về ngoại hình, cốt cách, tài năng và trí tuệ “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” của Thúy Kiều và Thúy Vân

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 11

Sử dụng bút pháp miêu tả ước lệ tượng trưng của văn học cổ điển, với ngòi bút tài hoa, chắt lọc, trau chuốt ngôn từ, Nguyễn Du đã khắc hoạ thật sinh động hai bức chân dung Thúy Vân và Thúy Kiều, mỗi người một vẻ đẹp riêng, toát lên từ tính cách, từng số phận riêng, không lẫn vào nhau, không thể phai nhạt trong tâm hồn người đọc. Đây là thành công trong bút pháp nghệ thuật miêu tả người của Nguyễn Du. Đã hơn hai thế kỉ rồi, với truyện Kiều và nghẹ thuật tả người đặc sắc, tinh tế của Nguyễn Du, đẫ là bậc thầy làm rung động và sự cảm phục, trân trọng của bao thế hệ đối với đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 12

Đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” nằm ở phần đàu của câu chuyện. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du tập trung miêu tả hai chân dung tuyệt mỹ của chị em Thuý Kiều. Đằng sau những nét bút miêu tả tinh tế và độc đáo, người đọc có thể nhận thấy tấm lòng ưu ái, trân trọng đặc biệt của Nguyễn Du đối với nhân vật của mình. Qua ngòi bút của Nguyễn Du, hai chị em Thuý Kiều đều xinh đẹp, nhưng “mỗi người (tài tình) mỗi vẻ” với dự báo trước số phận, tính cách, cuộc đời của mỗi nhân vật, đặc biệt là Thuý Kiều.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 13

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 14

Tiếng thơ ai động đất trời,

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,

Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày…

Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc ta. Truyện Kiều là kiệt tác của nền thi ca cổ dân tộc sáng ngời tinh thần nhân đạo, về phương diện nghệ thuật, áng thơ này là mẫu mực tuyệt vời về ngôn ngữ, về tả cảnh, tả người, tả tình, tự sự v.v… đem lại cho nhân dân ta nhiều thú vị văn chương. Đoạn thơ giới thiệu Chị em Thúy Kiều là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất trong Truyện Kiều.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 15

Tìm đến thơ cổ viết về giai nhân thì đoạn thơ Chị em Thúy Kiều trích trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một trong những vần thơ tuyệt bút. 24 câu lục bát đã miêu tả sắc, tài và đức hạnh chị em Thúy Kiều, Thúy Vân – hai tuyệt thế giai nhân – với tất cả tấm lòng quý mến và trân trọng của nhà thơ thiên tài dân tộc.

Mở bài Chị em Thúy Kiều mẫu 16

Nguyễn Du là một thiên tài văn học và ông được coi là Đại thi hào văn hóa của Việt Nam. Cả cuộc đời cầm bút, ông đã để lại rất nhiều những tác phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu có “Đoạn trường tân thanh” mà người Việt quen gọi nôm là “Truyện Kiều”. Trong chương trình Ngữ văn 9, tập 1, có đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trích “Truyện Kiều” , là một trong những đoạn trích hay, độc đáo, thể hiện tài năng nghệ thuật miêu tả, khắc họa chân dung con người của Nguyễn Du, góp phần làm nên thành công của tác phẩm.

———————————————————————

Ngoài bài viết trên, mời các bạn học sinh tham khảo thêm Mở bài kết bài Văn 9, Soạn văn 9, Chúc các bạn học tập thật tốt!