Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp được TaiLieuViet sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp các bạn học sinh chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 9 một cách dễ dàng nhất. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây

Dàn ý Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: quan niệm sống đẹp.

2. Thân bài

a. Giải thích

Sống đẹp: sống với tấm lòng yêu thương chân thành, rộng mở, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn, yêu thương và giúp đỡ mọi người.

→ Chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình vì như thế cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.

b. Phân tích

Người sống đẹp là người luôn luôn giúp đỡ, muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen.

Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và lan tỏa được những thông điệp tích cực ra cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,…

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: quan niệm sống đẹp và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Nghị luận xã hội về quan niệm sống đẹp mẫu 1

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Ôi, sống đẹp là thế nào hỡi bạn”. Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng từng nghe qua rất nhiều lần về quan niệm sống đẹp, sống có ích. Vậy có khi nào bạn tự hỏi: Thế nào là sống đẹp? Sống đẹp chính là sống với tấm lòng yêu thương chân thành, rộng mở, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người. Sống đẹp trước hết phải xuất phát từ lòng nhân ái, từ chính tình yêu trong trái tim để từ đó mà sống hết mình vì người khác, để bao dung, thứ tha. Sống đẹp sẽ giúp cho con người có một nhân sinh quan đúng đắn, là tiền đề để xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực, nơi mà con người biết nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, biết sống vì người khác, biết cho đi, vươn lên và làm chủ bản thân. Tuổi trẻ chúng ta với vai trò dựng xây đất nước, là động lực phát triển đất nước, mang sứ mệnh bảo vệ Tổ Quốc nếu không sống đẹp, đất nước sẽ chẳng thể phồn vinh, mà còn có nguy cơ rơi vào bạo loạn. Mỗi chúng ta hãy mở rộng lòng mình, đem yêu thương sưởi ấm cho những trái tim ướt lạnh trước sóng gió của cuộc đời; hãy biết cho đi để được nhận lại. Sống phải biết học tập và rèn luyện đúng cách thì lối sống ấy mới tồn tại và phát triển. Không ai sống đẹp ngay từ lúc lọt lòng. Bởi vậy, học tập và rèn luyện đúng cách là con đường duy nhất đưa ta đến với một lối sống văn minh, một lối sống đẹp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, phê phán những người có lối sống ích kỉ, nhỏ nhen, ỷ lại, quen dựa dẫm vào người khác, không có ý chí vươn lên, không có ý thức cống hiến cho xã hội và những con người lạnh lùng, vô cảm, mặc kệ những nỗi đau của đồng loại. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy rèn luyện cho bản thân mình lối sống đẹp, sống cống hiến, sống cho đi để góp phần giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh hơn.

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp – Bài tham khảo 2

Lẽ sống đẹp từ xưa đến nay luôn được ca ngợi và đề cao. Ty nhiên, hiểu thế nào là sống đẹp và học được cách sống đẹp với mọi người lại là một vấn đề đáng được quan tâm và bàn tới. Lối sống đẹp là sống lạc quan, yêu đời, hướng đến và làm theo những việc thiện; tích cực giúp đỡ người khác, yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, biết hi sinh cái tôi cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng. Sống đẹp là một lối sống tốt mà mỗi người cần phải rèn luyện cho bản thân. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất, hãy trở thành một người có lối sống đẹp để thấy cuộc đời có nghĩa, cống hiến được những điều tốt đẹp cho xã hội, giúp xã hội phát triển bền vững, giàu đẹp hơn. Một xã hội có nhiều người có lối sống đẹp là một xã hội văn minh, nơi con người được sống trong tình yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nhau, đoàn kết với nhau và tạo nên được những giá trị bền vững lâu dài. Người có lối sống đẹp là những người có ý thức rèn luyện, hoàn thiện bản thân cả về tri thức lẫn đạo đức; biết yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ những người xung quanh, từ đó họ lan tỏa được những việc làm tích cực của mình đến cộng đồng, đến mọi người. Là người học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta hãy sống thật tốt, tích cực rèn luyện tri thức, tu bổ đạo đức cũng như sống chan hòa, yêu thương với những người xung quanh để xã hội phát triển ngày càng văn minh hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phê phán những người có lối sống tiêu cực, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình mà không nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm và những người sống buông thả bản thân, không tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình. Một đời người quá ngắn để làm được những điều tốt đẹp cho người khác, cho xã hội. Chúng ta hãy luôn cố gắng, làm việc tốt trong khả năng của mình để cuộc sống thêm văn minh hơn, vững bền hơn.

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp – Bài tham khảo 3

Cuộc sống có vô vàn cách mà con sống với nhau, đối xử với nhau. Để góp phần làm nên một đất nước giàu đẹp, văn minh, bác ái thì chúng ta cần sống với nhau bằng cách sống đẹp đẽ nhất.

Sống đẹp là sống lạc quan, yêu đời, hướng đến và làm theo những việc thiện; tích cực giúp đỡ người khác, yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, biết hi sinh cái tôi cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình vì như thế cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Người sống đẹp là người luôn luôn giúp đỡ, muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen. Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và lan tỏa được những thông điệp tích cực ra cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… Những người này đáng bị phê phán và cần phải thay đổi bản thân, thay đổi lối sống nếu muốn có được những điều tốt đẹp hơn.

Cuộc sống muôn hình vạn trạng, cách chúng ta sống và đối xử với nhau sẽ góp phần là cho xã hội này tốt hơn, văn minh hơn. Hãy sống với nhau bằng tình cảm chân thành nhất, đẹp đẽ nhất và để lại nhiều tiếng thơm cho đời.

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp – Bài tham khảo 4

“Đẹp” không phải chỉ là cái đẹp hình thức. Cái “đẹp” thể hiện từ những hành động cư xử nhỏ nhất trong cuộc sống đến nghị lực vươn lên trong mỗi con người. “Sống đẹp” trước hết phải xuất phát từ lòng nhân ái, từ chính tình yêu trong trái tim để từ đó mà sống hết mình vì người khác, để bao dung, thứ tha … Xuất phát từ tình yêu thương nên bất cứ hành động nào dù là nhỏ nhất cũng đầy sự quan tâm, chia sẻ giữa những con người. Một sáng đến trường bạn không sợ muộn học mà dừng lại giúp một cụ già qua đường. Mỗi ngày dành dụm tiền để ủng hộ quỹ “vì người nghèo”. Những hành động ấy dù nhỏ nhặt nhưng đều là những nghĩa cử cao đẹp.

Sống đẹp là sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong lịch sử của dân tộc có biết bao tấm gương về sống đẹp: Trần Hưng Đạo, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Trần Quốc Toản, chị Võ Thị Sáu, anh Kim Đồng, anh Nguyễn Văn Trỗi,… vĩ đại hơn cả là Bác Hồ kính yêu. Họ là những người sống hết mình vì dân tộc vì cách mạng, vì nền độc lập, tự do của đất nước. Họ đã giành cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Họ là những anh hùng đã có công giữ nước, là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập, noi theo.

Bên cạnh đó cũng không hiếm những người có lối sông tiêu cực, đi ngược với luân lí và đạo đức. Đó là những tên bán nước, buôn người, những người đầu độc chính dân tộc mình bằng thuốc phiện, rượu cồn. Chính họ đã vấy bẩn bộ mặt xã hội, làm cho không ít dân ta trở nên nhu nhược, bần hèn. Đó là những tấm gương xấu đáng bị lên án và bài trừ. Thật vậy, để sống đẹp không phải là điều đơn giản. Ai cũng biết sống đẹp là như thế nào, nhưng không phải ai cũng biết sống thế nào cho đẹp. Bởi lẽ, cuộc sống hiện tại quá hỗn tạp, có nhiều luồng tư tưởng khác nhau, hoặc đồng điệu hoặc trái ngược nhau. Có những người sống thiên về vật chất mà vô tình đánh mất đi vẻ đẹp của tâm hồn. Trong khi sống đẹp đòi hỏi chúng ta phải thực sự tỉnh táo, biết nhận thức, biết yêu thương, biết giữ mình khỏi những cám dỗ của xã hội.

Sống đẹp không phải là chuyện một ngày, một bữa. Chúng ta không thể trở thành người sống đẹp chỉ trong một ngày, một giờ. Cần phải nhận thức đúng và rèn luyện thường xuyên. Lâu ngày sẽ trở thành thói quen, lối sống của ta sẽ dần được cải thiện. Sống đẹp không khó; chỉ khó khi ta lười biếng, e ngại hoặc chưa đủ quyết tâm, dễ dàng bỏ cuộc, buông xuôi, mặc cho dòng đời xô đẩy. Cuộc đời bạn phải do bạn quyết định. Có sống đẹp hay không cũng do ở nơi bạn. Đừng ngồi lì mãi thế! Cũng đừng mãi mê muội chạy theo những thứ phù phiếm mà đánh mất đi bản chất của mình! Đừng sống phí tuổi thanh xuân cho những trò vui vô bổ, những thói ăn chơi trụy lạc! Mà bạn hãy trao dồi kiến thức, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội như giúp đỡ người nghèo, các em bé mồ côi, các cụ già ốm đau, không nơi nương tựa.

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp

Sẽ sống đẹp nếu con người có mục tiêu, có lý tưởng hợp lý, vừa sức và hài hòa giữa các giá trị. Giá trị vật chất, giá trị nhân văn, giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ… phải thực sự hài hòa trong quan hệ tương tác sẽ làm cho mỗi người sống đẹp hơn. Thật sự bất hợp lý và thiếu toàn diện nếu như con người thiếu động cơ sống hay thiếu động cơ đích thực và chân chính. Sống đẹp mãi là động lực để mỗi người phấn đấu nếu như mỗi người biết cống hiến, biết hy sinh và có bản lĩnh sống!

Hãy mở rộng lòng mình, đem yêu thương sưởi ấm cho những trái tim ướt lạnh trước sóng gió của cuộc đời. Hãy biết cho đi để được nhận lại: tình yêu thương, niềm tin và hy vọng. Sống đẹp là lối sống mà ai ai cũng muốn có được. Sống phải biết học tập và rèn luyện đúng cách thì lối sống ấy mới tồn tại và phát triển. Không ai sống đẹp ngay từ lúc lọt lòng. Bởi vậy, học tập và rèn luyện đúng cách là con đường duy nhất đưa ta đến với một lối sống văn minh, một lối sống đẹp. Bạn còn chờ gì nữa?

Hãy bắt đầu từ hôm nay, và ngay bây giờ! Bạn thực sự muốn mình là một người “Sống đẹp”.

Tôi từng đọc một bài thơ nghe qua tưởng chỉ là thơ vui nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc:

“Khi anh sinh ra
Mọi người đều cười
Riêng anh thì khóc tu tu
Hãy sống sao để khi chết đi
Mọi người đều khóc
Còn môi anh thì nở nụ cười”

Bạn và tôi, hãy tự chiêm nghiệm cho mình lối sống đẹp để khi ở cuối con đường, chúng ta đều mỉm cười mãn nguyện!

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp – Bài tham khảo 5

Cuộc sống luôn có những quy tắc và chuẩn mực của nó. Và con người sống cũng đều tuân theo nó. Những lối sống, phong cách sống luôn là điều mà mọi người quan tâm. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, có rất nhiều những nền văn hóa khác nhau du nhập vào Việt Nam. Những nền văn hóa ấy cũng kéo theo những suy nghĩ, lối sống mới. Người Việt dễ dàng hòa nhập với chúng đặc biệt là giới trẻ. Điều đó cũng không hề xấu. Biết hội nhập là tốt, biết học hỏi những điều mới là hay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chính là người trẻ, sống mới nhưng vẫn phải đẹp. Tuổi trẻ phải sống đẹp.

Để nói về vấn đề này, đầu tiên ta phải hiểu sống đẹp là gì, là như thế nào. Chắc chắn, sống đẹp là sống tốt rồi. Bởi đã “đẹp” đương nhiên phải là hợp lý. “Sống đẹp” là sống phù hợp với đạo lý, với những chuẩn mực của xã hội. Sống biết yêu thương, biết sẻ chia. Sống có hoài bão và ước mơ. Sống cho đúng với lương tâm con người, đúng với những lí tưởng cao cả đúng đắn mà mình hướng tới. Sống đẹp là sống với một tâm hồn đẹp. Vậy thế nào là đạo lý, là chuẩn mực xã hôi, là lí tưởng cao cả? Những điều đó có thể là những đạo lý của con người Việt từ xưa đến nay như yêu nước thương nòi, khiêm tốn, kiên trì, giản dị, giàu lòng nhân ái; có thể là lí tưởng xây dựng xã hội chủ nghĩa, những mục tiêu hiện đại hóa đất nước… Biết yêu thương là biết đồng cảm, sẻ chia chân thành với những người thân, những người xung quanh mình, những mảnh đời éo le hơn nếu có thể. Sống có hoài bão, ước mơ. Với những đam mê và ước mơ của mình có trách nhiệm và hành động để đạt được chúng. Không ai có thể sống tốt nếu không có những ước mơ dẫn đường. Ước mơ chính là kim chỉ nam giúp ta chọn con đường để đi tới. Nhiều người bạn của tôi sống mà không có bất cứ một ước mơ nào, họ không biết mình thích gì, cứ đi mà không biết cái đích mình đến là đâu. Chính vì vậy mà họ lãng phí thời gian và tiền bạc của mình vào những trò tiêu khiển không điểm dừng. Rồi dần dần, họ sống buông thả lúc nào không hay, đến khi quay đầu lại cũng đã quá muộn. Những trường hợp như tôi kể trên rất nhiều. Bạn không tin chỉ cần vài thao tác nhỏ trên mạng cũng có thể thấy hàng loạt những lời kêu ca về họ. Sống đẹp không chỉ được thể hiện ở phong cách sống mà còn ở cách ăn nói, đối nhân xử thế, cách mà ta nhìn nhận cuộc đời. Trước hết là lời ăn tiếng nói. Tiếng nói không chỉ mang nét đặc trưng của vùng miền nơi bạn sinh sống mà còn thể hiện trình độ của bạn. Bởi người khôn khéo và có học thức không bao giờ sử dụng những lời tục tĩu, lăng mạ như mấy bà bán cá ngoài chợ được. Ngôn ngữ sử dụng đều được lựa chọn sao cho phù hợp nhất nhưng vẫn có khả năng diễn đạt thái độ và tâm ý của người nói. Những lời nói phải được sử dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đôi bên. Chẳng hạn giao tiếp với sếp thì dùng một lối nói, về nhà nói chuyện với ba mẹ một lối nói…. Việc giao tiếp với người xung quanh là một cơ hội để cho họ biết được tâm hồn cũng như tính cách của mình. Và việc bạn sống đẹp hay không cũng được đánh giá qua những lời nói ấy. Cách đối nhân xử thế cũng là mặt biểu hiện hết sức quan trọng. Yếu tố này thể hiện rõ nhất phong cách sống của bạn. Bạn đối xử với bề trên như thế nào, với bạn bè anh em như thế nào, với những người xung quanh, với kẻ thù, những người ganh ghét bạn như thế nào đều thể hiện rõ. Bạn hào nhã với họ, bạn không chấp nhặt phản bội, đâm sau lưng hoặc tìm cách hãm hại họ đó là sống đẹp. Bạn bao dung với những người làm tổn thương bạn đó là sống đẹp. Bạn biết đồng cảm với những người bất hạnh hơn mình cũng là sống đẹp. Bạn sống với một tâm thế lạc quan yêu đời đó cũng là sống đẹp.

Phần nào hiểu qua sống đẹp là gì, câu hỏi đặt ra cho chúng ta lại là: “Tại sao tuổi trẻ lại phải sống đẹp?”. Thì tôi có thể giải thích đầu tiên tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt của xã hội. Tuổi trẻ với vai trò dựng xây đất nước, nằm trong độ tuổi lao động, là động lực phát triển đất nước. Sứ mệnh của tuổi trẻ là dựng xây và bảo vệ Tổ Quốc. Nếu không sống đẹp, đất nước ấy sẽ chẳng thể phồn vinh, mà còn có nguy cơ rơi vào bạo loạn. Bởi đối lập với sống đẹp là ích kỉ, là độc ác tham lam, luôn mang trong mình dã tâm không tốt đẹp. Những lối sống ấy sẽ ăn mòn lương tri con người, làm cho xã hội ngày càng xuống ấp trầm trọng về mặt đạo đức xã hội, khiến xã hội không thể phát triển vững bền. Sống đẹp sẽ giúp cho con người có một nhân sinh quan đúng đắn, là tiền đề để xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực. Là một người trong hàng ngũ tuổi trẻ, bạn hãy hăm hở, đam mê học hỏi để dựng xây nước nhà, rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi, tạo cho mình một lối sống đẹp, đúng đắn. Khi đó không những cuộc sống mỉm cười với bạn mà chính bạn cũng cảm thấy mình thanh thản và xứng đáng. Đừng đắm chìm mãi trong những trò tiêu khiển, đừng ngủ quên trong huyễn hoặc hão huyền. Hãy đứng lên và hành động để tiến về phía trước. Vì tương lai là do chính bạn tạo ra chứ không phải ai khác. Tấm gương sống đẹp nổi bật nhất chính là Bác Hồ vĩ đại của chúng ta. Với nhiệt huyết tuổi trẻ của Người, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm ra con đường cứa nước, tìm ra lối đi đúng đắn để giải phóng cho dân tộc. Bởi vậy mà ngày nay, phong trào học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn là phong trào sôi nổi của tuổi trẻ, những thanh niên, đoàn viên, đảng viên. Phong trào này không những thúc đẩy sự phát triển trong lối sống của đại bộ phận giới trẻ mà còn hình thành những tấm gương sống đẹp mới cho xã hội.

Sống đẹp là một vấn đề chưa bao giờ là thôi cần thiết. Và tuổi trẻ phải sống đẹp là một điều tất yếu và quan trọng. Không một lĩnh vực nào mà tuổi trẻ bị khuất phục. Bởi vậy hãy rèn luyện cho mình một lối sống đẹp đúng nghĩa để không phí hoài tuổi xuân của chính bản thân mình. Vì “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (Xuân Diệu) nên đừng để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Hãy thức tỉnh và hành động ngay hôm nay để làm giàu cho chính bản thân cũng như chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng.

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp – Bài tham khảo 6

Con người ta sinh ra và lớn lên, ai lại không một lần ước mơ, dù là ước mơ thật bình thường, thật đơn giản và ai cũng có những khát vọng, có niềm tin và có lý tưởng để sống nhất là đối với tuổi trẻ của chúng ta, lứa tuổi người ta cho là đẹp nhất thì ước mơ và lý tưởng lại bộc lộ rõ nét, có lúc lại đan xen với nhau, có lúc lại là một cuộc đấu tranh dằn vặt. Ai cũng biết, tuổi trẻ bao giờ cũng vươn tới cái hay nhất, cái đẹp nhất. Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời biết bao điều mới lạ đặt ra đòi hỏi phải nhận thức và xử lý. Đâu sẽ là sống đẹp, sống có ích? Tiền đề tươi sáng? Thế nào là hạnh phúc, là ước mơ cao đẹp?

“Sống đẹp” không phải là một cái gì to lớn lắm, nó rất gần gũi với chúng ta, đó không phải là những lý lẽ, những lời nói suông, nhưng phương châm trên giấy, sách vở… mà đó là những việc làm, những hành động cụ thể diễn ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta. Ðịnh nghĩa về “Sống đẹp” sẽ có rất nhiều cách khác nhau; Đó là sống có đạo đức trong sáng và bản lĩnh vững vàng, có lý tưởng và sống hết mình vì lý tưởng, chỉ khi xác định được điều đó ta mới sống và làm việc thật sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể hiểu “Sống đẹp” là sống có ích, là sống có lý tưởng, có bản lĩnh vững vàng, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, trong sáng. Chỉ khi xác định được điều đó ta mới sống và làm việc thật sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Bản thân tôi nghĩ rằng bản thân mỗi người nên cố gắng hoàn thành tốt công việc mình đang làm cũng là sống đẹp.

Trong thực tế, rất có thể có một số bạn trẻ nghĩ “Sống đẹp” là một khái niệm xa vời, khó thực hiện; tuy nhiên, nếu nhìn thẳng và sâu vào vấn đề này trong thời kỳ đất nước đổi mới tiến vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa ta thấy điều đó thật sự không có gì xa lạ, khó thực hiện; mà trái lại nó tồn tại ngay trong cách nghĩ, cách làm hay nói gần hơn là trong cách ăn nói, ứng xử trong lao động, công tác, học tập và đời sống thường nhật của mỗi con người. Nếu như trong chiến tranh, lớp lớp cha anh ta đã sống và cống hiến quên mình cho nền độc lập dân tộc, tính mạng con người và cuộc sống hạnh phúc cá nhân là rất quý giá, nhưng tất cả đều được tình nguyện gác lại, tình nguyện hy sinh, họ sẵn sàng đánh đổi những gì là riêng tư nhất để đổi lấy nền độc lập dân tộc.

Họ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi tuổi đời còn rất trẻ và cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp chung của Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, họ đã tự nguyện ra đi, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đó là sự dấn thân, cống hiến hoàn toàn tự nguyện khi bản thân đã hiểu thế nào là lẽ sống của một con người và lý tưởng của Người Cộng sản. Họ đã có niềm tin tuyệt đối vào độc lập tự do, có lý tưởng cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vô tư dâng hiến tuổi trẻ và cuộc đời cho đất nước. Niềm tin và lý tưởng ấy được bồi đắp và khích lệ mạnh mẽ bởi sự hy sinh lớn lao và nhân cách cao cả của bộ máy lãnh đạo mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã nghĩ và hành động như vậy.

Ngày hôm nay, sống giữa đất trời hoà bình, chiến tranh đã lùi xa, phần lớn mọi sự so sánh giữa thời chiến tranh với thời hiện tại đều có rất nhiều sự khác biệt, nhưng có một điểm chung rất thống nhất trong tình cảm và lí trí của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay chính là: lý tưởng cách mạng và khát vọng sống, cống hiến cho quê hương, đất nước. Bởi tôi nghĩ, ở mỗi con người nhu cầu khẳng định mình là rất lớn; nhất là ở tuổi trẻ, bởi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các bạn trẻ cũng luôn luôn khát khao được thực hiện những ước mơ và khát vọng của bản thân. Nếu như những ước mơ, khát vọng, niềm tin và lý tưởng ấy được quan tâm, chăm sóc, giáo dục và khơi dậy sẽ biến nó thành sức mạnh to lớn để phát triển đất nước và sẽ là những đoá hoa thơm có ích giữa cuộc đời như lời Bác đã khẳng định khi tham dự Đại hội Đoàn lần thứ III năm 1961 “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”.

“Sống đẹp” là chúng ta phải biết dung hoà mọi mặt: môi trường sống và làm việc, quan hệ xã hội, gia đình… Một hành động giúp đỡ người già cả, tàn tật, người gặp khó khăn hoạn nạn; một phong trào cứu trợ đồng bào bị thiên tai; một phong trào đền ơn đáp nghĩa rộng khắp; những lớp học tình thương đem ánh sáng văn hoá đến với trẻ em nghèo… tất cả những việc làm ấy là kết quả của một cách sống coi trọng nhân nghĩa. Chúng ta thật sự cảm động khi bắt gặp rất nhiều những hình ảnh thanh niên tình nguyện đang lao động quên mình trên mọi miền đất nước. Đấy là những thanh niên có lý tưởng cao đẹp, có trái tim nồng nhiệt, xung kích vào những công việc mà tổ quốc và nhân dân gọi đến

Tôi đã nhìn thấy trong ánh mắt và qua chuyện kể của các bạn tình nguyện, ngọn lửa truyền thống yêu nước nồng nàn và lòng nhân ái cao đẹp của thanh niên ta. Riêng hai chữ “tình nguyện” đã nói lên những đức tính quên mình vì nước, vì dân của các bạn và một phong cách mới “mình vì mọi người”, không đòi “mọi người vì mình”.

“Sống đẹp” phải chăng nó cũng giống như lý tưởng và ước mơ, bao giờ nó cũng đi đôi với nhau. Bởi chỉ sống đẹp, có ước mơ không thôi thì sẽ dễ sản sinh ra một lớp người chỉ thích hưởng thụ, dễ lầm lạc và dễ sa ngã. Còn sống chỉ có lý tưởng thì con người dễ bi quan, dễ chao đảo khi có cái gì đó không như họ muốn, họ nghĩ vậy thì chẳng khác nào sống có ích, có lý tưởng là cái gì đó thật cao quý, tốt đẹp mà mình mơ ước và hướng tới, coi đó là mục đích phải thực hiện được, dẫu phải trải qua những khó khăn gian khổ. Có những lúc, chính cái “Sống đẹp” mà mình đang kiên trì hướng tới lại là cái tạo cho mình sức mạnh để vượt qua khó khăn.

“Sống đẹp” cũng là lý tưởng cao đẹp của một thời, lý tưởng càng đẹp càng cao thì sức mạnh càng nhân lên gấp bội. Thời kháng chiến gian khổ ác liệt, sống chết trong gang tấc thì cái lý tưởng giải phóng đất nước đánh đuổi kẻ thù luôn là động lực thúc đẩy để người chiến sĩ cách mạng vượt lên và chiến thắng. Trong hoà bình xây dựng đất nước, không phải là không có kẻ thù, không có những cản trở đê hèn luôn rình rập để lôi kéo con người tha hoá, biến chất. Chính cái lý tưởng sống nhân ái, mong muốn dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh lại là niềm cổ vũ, là sức mạnh để những con người tự khẳng định và trưởng thành.

Chúng ta có thể kể ra rất nhiều những nét tiêu biểu của lối sống đẹp – sống có ích. Nếu như trong chiến tranh, như đã nói ở trên, cha anh ta đã sống và cống hiến quên mình cho nền độc lập dân tộc; tính mạng con người và cuộc sống hạnh phúc cá nhân đều được tình nguyện gác lại, tình nguyện hy sinh, họ sẵn sàng đánh đổi những gì là riêng tư nhất để đổi lấy nền độc lập dân tộc. Họ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi tuổi đời còn rất trẻ và cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp chung của Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, họ đã tự nguyện ra đi, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đó là sự dấn thân, cống hiến hoàn toàn tự nguyện khi bản thân đã hiểu thế nào là lẽ sống của một con người và lý tưởng của Người Cộng sản. Biết bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã nghĩ và hành động như, thì ngày hôm nay, sống giữa đất trời hoà bình, khi chiến tranh đã lùi xa, mọi sự so sánh giữa thời chiến tranh với thời hiện tại phần lớn đều có rất nhiều sự khác biệt, nhưng có một điểm chung rất thống nhất trong tình cảm và lí trí của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay chính là: lý tưởng sống, khát vọng sống và cống hiến cho Tổ quốc. Bởi tôi nghĩ, ở mỗi con người nhu cầu khẳng định mình là rất lớn; nhất là ở tuổi trẻ, chúng tơi luôn luôn khát khao được thực hiện những ước mơ và khát vọng của bản thân.

Thực tế, trong cuộc sống có rất nhiều những tấm gương để chúng ta suy nghĩ và học tập nói theo. Với tôi, đó là tấm gương của em học sinh vượt nghèo khó để học và học rất giỏi Nguyễn Vũ Hoàng – Trường THPT Bố Trạch – Quảng Bình. Em có thể quá xa tôi về khoảng cách địa lý, tuy nhiên tôi luôn cảm thấy em rất gần và có nhiều điều để cho tôi học tập.

Sinh ra trong một gia đình nghèo trên mảnh đất nghèo, khô cằn bởi khí hậu và bom đạn, tưởng rằng như thế cũng đã là thử thách giành cho Hoàng, nhưng không, mẹ Hoàng lại còn bị bệnh hiểm nghèo, bố là thương binh, sức khoẻ yếu. Trong hoàn cảnh đó em đã biết vượt lên số phận để vừa lao động mưu sinh vừa học tập. Niềm khát khao được học tập của em đã làm cho bà ngoại của em đã có một hành động rất đáng nhớ, đó là hàng ngày đi cắt lúa mót, vừa là để ăn, vừa là để bán, bởi mùa nào thì thức đó, bà đều đặn để vào hũ tiết kiệm tiền cho Hoàng đi học: 1.000 đồng. Điều tôi học được từ Hoàng đó chính là ý chí phấn đấu không mệt mỏi của em. Không cam chịu, không đầu hàng số phận, không buông xuôi bản thân mình em đã cố gắng và đã là học sinh giỏi trong 12 năm liền và hơn thế em đã là người vinh dự đội vòng nguyệt quế của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” với một phần thưởng vô cùng lớn lao đó là được đi du học nước ngoài. Thành tích của em đã đem lại nghị lực để chiến thắng bệnh tật cho người mẹ, niềm vui cho người bà rất mực thương yêu em và là tấm gương cho người em nhỏ trong gia đình và hơn thế, nó đã nâng cánh cho ước mơ cống hiến cho quê hương, đất nước của em dần trở thành hiện thực.

Và tôi tin, em lớn lên từ nghèo khó và trưởng thành bằng nghị lực, em sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, sẽ là người thanh niên sống có ích cho xã hội em sẽ luôn là tấm gương sáng về “Sống đẹp” cho rất nhiều người dù cho hoàn cảnh sống của họ có giống em hay không.

Vâng! Có lẽ vì thế mỗi con người chúng ta, ai cũng đều có riêng cho mình những mục đích sống, những lý tưởng, ước mơ và hoài bão. Nhưng để “Sống đẹp” thì ai cũng phải tự nhìn lại chính mình để suy ngẫm về mục đích sống, những lý tưởng, những ước mơ và hoài bão đó. Và có lẽ còn khó khăn hơn để chúng ta hiểu cặn kẽ thế nào là “Sống đẹp – sống có ích”?

Riêng bản thân tôi: “Sống đẹp” đó chính là mình phải biết sống vì cái chung của xã hội và của mọi người, phải biết xa rời cái chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Để từ đó xây dựng cho chính mình một lối sống “Sống đẹp” cho mọi người và cho xã hội. Một nhà thơ đã từng viết: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Sống đẹp là nếp sống của một con người có phẩm chất đạo đức tốt, biết hy sinh và cống hiến, không đơn điệu, cá nhân, mà phải biết hoà mình với cộng đồng, với tập thể, biết yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn. Sống có ích là lối sống biết hy sinh, biết gạt bỏ những lợi ích riêng tư để tìm cái chung và chia sẻ những đau thương mất mát của người khác, biết đóng góp và cống hiến hết sức mình vì lợi ích, tương lai của Tổ quốc, của dân tộc.

Gần đây, qua hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, chúng ta như được sống lại không khí thời chống Mỹ. Tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: “Sự tận tụy làm người của Đặng Thùy Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hắn về lý tưởng cũng phải kính trọng.” Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh một cô gái Hà Nội nhỏ bé, một nữ bác sĩ trẻ phụ trách một bệnh viện dã chiến trong rừng sâu Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đêm đêm, sau những lúc mệt mỏi vì chăm sóc thương binh, chị lại ngồi cặm cụi ghi những dòng nhật ký, ghi lại những khát vọng sống, khát vọng yêu thương, khát vọng làm người. Chị và đồng đội của chị đã chiến đấu và hy sinh với mong muốn ngày mai đất nước ta tươi đẹp, hoà bình thống nhất hai miền, để những đứa em Miền Nam kết nghĩa của chị được ra thăm Miền Bắc, để mọi người dân được sống trong hạnh phúc, ấm no.

Tôi lại nghĩ đến một số không ít những thanh niên thế hệ chúng tôi ngày nay, sinh ra trong những gia đình giàu có đang lao vào những cuộc ăn chơi thác loạn, quay cuồng trong những hộp đêm với thuốc lắc hoặc đua xe gầm rú trên đường phố như những hung thần. Tôi lại nghĩ đến những cán bộ thoái hoá biến chất đang sống trong nhung lụa, trong những căn hộ cao cấp, thừa mứa những tiện nghi đắt tiền. Họ còn tìm đủ mọi mánh lới thủ đoạn để tham nhũng tiền bạc của nhà nước của nhân dân đem cung phụng cho bồ nhí, thư ký riêng trong khi đó nhiều gia đình còn đang sống trong những căn nhà dột nát, bữa no, bữa đói, thiếu nước, thiếu điện.

Tóm lại, “Sống đẹp” không là một khái niệm xa vời, khó thực hiện; trái lại nó tồn tại ngay trong cách nghĩ, cách làm hay nói gần hơn là trong cách ăn nói, ứng xử trong lao động, công tác, học tập và đời sống thường nhật của mỗi con người. Nói rõ ra thanh niên ngày nay sống đẹp, sống có ích trước hết phải là sống có lý tưởng, mục đích rõ ràng, trung thành với mục tiêu của chính mình. Mỗi người có thể có mục tiêu khác nhau, nhưng nhất thiết không phải là một lối sống vị kỷ mà luôn hướng tới cộng đồng, như nhà thơ Tố Hữu trong buổi đầu băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời đã viết:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp – Bài tham khảo 7

Từ xưa đến nay, có rất nhiều người đã bày tỏ quan niệm của mình về cuộc sống. Hăm-lét, nhân vật nổi tiếng trong bi kịch của sếcxpia từng băn khoăn, trăn trở trước câu hỏi: Sống hay không sống? Paven Coocsaghin, người thanh niên cộng sản trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Xô viết Ôtxtdrốpxki đã khẳng định: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống… Thi hào Đức Bê-khe đưa ra quan niệm sống đẹp bằng những vần thơ cháy bỏng để cổ vũ cho những con người đang hăng say góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tươi sáng:

“Sống đẹp” đâu phải là những từ trống rỗng
Chỉ có ai bằng đấu tranh, lao động
Nhân lên vẻ đẹp cuộc đời
Mới là người sống cuộc sống đẹp tươi.

Vậy sống đẹp là sống như thế nào và ý nghĩa của nó là gì? Sống đẹp là sống có lí tưởng, hoài bão, có mục đích rõ ràng, cao cả. Người sống đẹp biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết và họ suốt đời phấn đấu, hi sinh cho mục đích cao cả đó.

Trước hết, những người sống đẹp tự nguyện cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc, đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, biết bao tấm gương chiến đấu hi sinh chống quân xâm lược để bảo vệ non sông gấm vóc của tổ tiên. Tên tuổi của họ được lưu danh muôn thuở. Danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói tràn đầy khí phách trước quân thù: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. Nguyễn Trung Trực, người anh hùng đất Lục tỉnh Nam Kỳ dõng dạc thét vang trước khi chết: Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây. Tổng bí thư Trần Phú trước lúc bị thực dân Pháp xử tử hình còn hô vang khẩu hiệu cổ vũ tinh thần đồng bào, đồng chí: Hãy giữ vững ý chí chiến đấu! Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ mười sáu tuổi thà chết chứ không chịu hé răng khai một lời trước họng súng quân thù. Lê Văn Tám, em thiếu nhi Bến Nghé dũng cảm tự thiêu làm ngọn đuốc lao vào kho đạn của thực dân Pháp. Làm sao có thể kể hết những gương “sống đẹp” như Anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Viết Xuân, Lê Thị Hồng Gấm, Út Tịch, Nguyễn Thị Định, Đặng Thuỳ Trâm… và hàng triệu thanh niên nam nữ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai trên mảnh đất Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng”!

Những con người sống đẹp là những con người có tinh thần lao động siêng năng, sáng tạo; mạnh dạn xóa bỏ những lạc hậu, phản động, xây dựng những cái mới mẻ, tiến bộ, làm cho xã hội không ngừng phát triển, đem lại cuộc sống giàu đẹp cho nhân dân. Bác Hồ kính yêu là gương sáng về cuộc đời chiến đấu và lao động quên mình vì dân, vì nước. Bác lấy hạnh phúc chung của dân tộc làm hạnh phúc của riêng mình. Câu nói tâm huyết của Bác đã in sâu vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt: Tôi chì có một ham muốn tột bậc là đất nước ta được độc lập, tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Anh hùng lao động Lương Định Của, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân đã đem hết tài năng và sức lực cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu để tìm ra nhiều giống lúa hăng suất cao, góp phần nâng cao đời sống nông dân và biến nước ta thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và thường mại, nhiều doanh nhân vừa có tài vừa có đức đang ngày đêm mang hết nhiệt tình và tài năng làm giàu cho đất nước, khẳng định một số thế mạnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Họ không chỉ làm giàu cho cá nhân mà còn biết quan tâm tới quyền lợi chung của nhân dân, đất nước. Sống như vậy là sống đẹp.

Ngày nay, thế hệ trẻ đang say sưa lao động trên khắp các công trình dựng xây đất nước như: công trình đường dây điện cao thế 500 kilôvôn chạy suốt chiều dài đất nước; những giàn khoan dầu khí trên biển Đông, những nhà máy thủy điện sông Đà, Trị An, Yaly, Thác Mơ… Hàng ngàn kỹ sư, hàng vạn thanh niên đang hăng say lao động trên tuyến dường Hồ Chí Minh nối liền hai miền Bắc – Nam ruột thịt.

Tuổi trẻ học đường hôm nay cũng ôm ấp những ước mơ cao đạp, luôn luôn hướng tới những chân trời rộng mở và khao khát được tiếp bước những thế hệ đi trước, biến ước mơ thành hiện thực. Tuổi trẻ phải dũng cảm vượt khó, tiến công vào các lĩnh vực khoa học tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ thông tin… Tương lai rộng mở nhưng thử thách, gian nan không phải ít, đòi hỏi chúng ta phải bền bỉ, kiên trì học tập, làm việc và phấn đấu để từ đó có đủ trí tuệ và khả năng tạo dựng sự nghiệp cho bản thân; đồng thời đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh, xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Như vậy cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa, mới xứng đáng là sống đẹp như nhà thơ Bê-khe đã khẳng định.

Nêu suy nghĩ của em về quan niệm sống đẹp – Bài tham khảo 8

Sống đẹp là một thuật ngữ khá quen thuộc với mọi người nhưng có lẽ lại là điều vô cùng mang tính hiện đại và thời sự. Trong đà phát triển của xã hội, sống đẹp lại mang những sắc thái rất riêng của mình. Sống đẹp không chỉ là một từ ngữ chỉ còn trong chỗ đứng của tưởng tượng mà trở thành lý tưởng sống của khá nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ.

Sống đẹp trước hết là nhu cầu của mỗi người và mọi người. Ai lại không muốn mình sẽ thực sự đẹp trong mắt của mọi người cũng như của chính mình. Hạnh phúc với chính mình nghĩa là được người khác thừa nhận và hạnh phúc hơn nữa khi chính mình cũng cảm thấy thoải mái và vừa lòng với chính mình. Hạnh phúc toàn vẹn và tuyệt vời nhất khi con người sống đẹp một cách đúng nghĩa với cái đẹp cả về hình thức lẫn nội dung. Cái đẹp ấy không chỉ tựu chung ở nét đẹp bên ngoài mà còn phải là đẹp ở hành vi, thái độ và cả quan điểm sống, lý tưởng sống.

Sống đẹp phải là sống biết cống hiến. Đừng vội cho rằng cống hiến là một thuật ngữ khá xa lạ với nhiều người trẻ ngày nay. Hãy lắng nghe và biết quan sát. Đâu đây vẫn thường xuyên có những bạn trẻ, những cụ già và thậm chí cả những em bé vẫn âm thầm cống hiến. Hãy hiểu cống hiến theo nghĩa rộng của nó. Trước hết, đừng dồn ép từ cống hiến theo kiểu là chỉ biết hy sinh hoàn toàn một cách thụ động. Hãy phả vào cống hiến một hơi thở của cuộc sống sẽ thấy hết giá trị của sự cống hiến. Biết sống tốt cho mình cũng có thể được xem là cống hiến.

Khi cá nhân biết làm chủ, biết tích cực học tập, biết nỗ lực tối đa để làm việc… để có thể đứng vững và đi bằng chính đôi chân của mình mà không phụ thuộc, không làm phiền người khác đã là cống hiến. Bao nhiêu tiền của, bao nhiêu sự phiền nhiễu sẽ không xảy ra với những người thân của họ, với chính gia đình họ thì đã là quá tốt. Thế là sống đẹp!

Trong cuộc sống, sống đẹp còn thôi thúc con người biết nghĩ cho người khác chứ không quá cá nhân và ích kỷ để chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Nghĩ cho người khác để bất kỳ hành vi và thái độ nào của mình cũng đừng làm cho người khác đau, đừng làm cho người khác khó chịu… hãy tưởng tượng xem người ta sẽ nói gì nếu như những bạn trẻ cứ đua xe, lạng lách, đánh võng hoặc quậy phá hàng ngày hàng giờ sẽ nhận được những lời mắng như thế nào từ phía những người xung quanh.

Chính bản thân họ chưa chắc đã nhận được những lời phê bình hay thậm chí là chửi mắng. Chính bố mẹ, chính gia đình và thậm chí là dòng tộc của họ nhận lãnh. Chính kiểu sống chưa thật sự đẹp này đã làm cho những người xung quanh bị ảnh hưởng. Biết nghĩ tới mình để sống tốt vẫn chưa đủ mà còn biết nghĩ đến người thân, người xung quanh… mới có nghĩa là sống đẹp không ích kỷ.

Có lẽ lý tưởng sống của mỗi người đều được xây dựng một cách khác nhau nhưng khi thực hiện bất kỳ một hoạt động nào đó trong cuộc sống, đừng quên rằng con người tồn tại một cách chặt chẽ khi sống cùng cộng đồng. Sống đẹp còn phải nghĩ đến thể diện của một quốc gia một dân tộc. Sẽ không là quá đáng khi những nỗi đau từ việc một số cô gái Việt Nam tình nguyện làm “dâu” xứ người trong tình trạng mua bán với nỗi nhục nhã của bản thân mà của người dân Việt. Quan sát về tình hình giao thông Việt nam để nhận thấy những tai nạn liên tục xảy ra, những vấn đề tiêu cực nảy sinh liên tục sẽ thấy rằng cái lo đó, cái chưa đẹp đó không chỉ của một người mà của cả một quốc gia, một cộng đồng.

Hãy nhớ rằng một dân tộc mạnh thực sự khi có những con người thật mạnh và đặc biệt là một cộng đồng mạnh. Sống biết nghĩ đến cho mình, cho dân tộc, quốc gia là sống đẹp đúng nghĩa.

Xã hội càng lúc càng phát triển, sống đẹp không chỉ dừng lại ở chỗ tự thủ và con người phải biết chắc lọc những giá trị văn hóa thực sự có ích với chính mình trong cuộc sống. Khi xã hội phát triển, sự tương tác văn hóa đa chiều luôn làm cho suy nghĩ của mỗi người bị ảnh hưởng dù ít, dù nhiều. Tuy nhiên, sống đẹp đòi hỏi ở mỗi người phải biết tự đặt cho mình một bộ lọc đúng nghĩa. Có như thế con người mới có thể chắt lọc những giá trị văn hóa hợp lý và có giá trị. Sống có bản lĩnh đòi hỏi mỗi người phải biết từ chối hay phải biết nói không đúng lúc, phải biết chịu trách nhiệm để tránh kiểu văn hóa đổ lỗi… Bản lĩnh sẽ giúp con người phát triển một cách có điểm tựa để vững vàng hơn, cống hiến hiệu quả hơn.

Sẽ sống đẹp nếu con người có mục tiêu, có lý tưởng hợp lý, vừa sức và hài hòa giữa các giá trị. Giá trị vật chất, giá trị nhân văn, giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ… phải thực sự hài hòa trong quan hệ tương tác sẽ làm cho mỗi người sống đẹp hơn. Thật sự bất hợp lý và thiếu toàn diện nếu như con người thiếu động cơ sống hay thiếu động cơ đích thực và chân chính. Sống đẹp mãi là động lực để mỗi người phấn đấu nếu như mỗi người biết cống hiến, biết hy sinh và có bản lĩnh sống!

—————————

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu Ngữ văn lớp 9, Soạn văn lớp 9, Học tốt Ngữ Văn lớp 9, Soạn Văn lớp 9 (ngắn nhất), Tài liệu học tập lớp 9