Phân tích “Lời tiễn dặn” – Truyện thơ dân tộc Thái

Phân tích “Lời tiễn dặn” – Truyện thơ dân tộc Thái là tài liệu học tập mới được TaiLieuViet biên soạn, giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn lớp 11.

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

I. Dàn ý Phân tích “Lời tiễn dặn”

1. Mở bài

Dẫn dắt và giới thiệu về truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” và đoạn trích “Lời tiễn dặn”.

2. Thân bài.

a. Tóm tắt truyện thơ và khái quát về đoạn trích

– Tiễn dặn người yêu” truyện thơ dân tộc Thái, kể về chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Chàng trai quyết ra đi làm giàu, hy vọng có thể lấy được người yêu nhưng cuối cùng, cô gái vẫn bị ép gả cho nhà giàu. Trải qua rất nhiều biến cố, họ mới có thể ở bên nhau.

– Đoạn trích “Lời tiễn dặn” phần cảm động nhất của truyện thơ, nói về cuộc chia tay giữa hai người và lời của chàng trai khi phải chứng kiến cô gái bị nhà chồng ngược đãi.

b. Phân tích đoạn trích

  • Phần 1: Tâm trạng, tình cảm của chàng trai và cô gái khi chia tay

– Tâm trạng rối bời, vừa lưu luyến, thủy chung, không nỡ rời xa lại vừa cay đắng, buồn bã của chàng trai:

+ Lời nói đầy cảm động.

+ Suy nghĩ, cảm xúc mãnh liệt.

+ Lời thề tình yêu son sắt.

+ Đi cùng người yêu nhưng lại nghĩ “đành lòng quay lại”, “chịu quay đi”.

⇒ Đây là cảm xúc của người có tình yêu tha thiết nhưng lại đau khổ vì hoàn cảnh thực tại.

– Tâm trạng dằn vặt, đớn đau vô cùng của cô gái:

+ Cất bước theo chồng nhưng “Vừa đi vừa ngoảnh lại”.

+ Níu kéo chàng trai ở lại thêm nữa.

+ Con đường đi tới nhà chồng trở nên xa ngái, buồn thương, đầy sóng gió.

⇒ Đây là tâm trạng bế tắc, lo lắng, sợ hãi trong tâm can người con gái khi phải bước chân vào cuộc hôn nhân không tự nguyện.

  • Phần 2: Hoàn cảnh, tình cảm của chàng trai và cô gái khi gặp lại nhau

– Khi đến thăm cô gái tại nhà chồng, chàng trai bị đặt vào hoàn cảnh trớ trêu, đau khổ: yêu nhau mà không đến được với nhau, nay lại nhìn cô bị nhà chồng hành hạ.

– Thái độ, hành động của chàng trai:

+ Chăm sóc, an ủi người yêu một cách tận tình và cảm thông, thương xót cho cô.

+ Thể hiện rõ thái độ phản kháng, mong muốn thoát khỏi tập tục gò bó để đến bên nhau.

+ Một lần nữa khẳng định sự vĩnh cửu của tình yêu chân chính, dù chết không thay đổi.

c. Tổng kết

– Giá trị nội dung:

+ Ca ngợi khát vọng tự do, hạnh phúc của con người.

+ Phản đối tập tục phong kiến cổ hủ.

+ Lối nói giàu hình ảnh.

+ Sử dụng nhiều từ láy.

3. Kết bài

II. Văn mẫu Phân tích “Lời tiễn dặn”

Nói về văn học dân gian, M. Gorki nhận định: “Hãy đi sâu vào vẻ đẹp quyến rũ của ngôn ngữ bình dân, hãy đi sâu vào những câu hài hoà cân đối trong các bài ca, trong truyện cổ tích… Bạn sẽ thấy ở đó sự phong phú lạ thường của các hình tượng, sự giản dị của sức mạnh làm say đắm lòng người, vẻ đẹp tuyệt vời của những định nghĩa… Hãy đi sâu vào sáng tác của nhân dân, nó trong lành như nước nguồn ngọt ngào, tươi mát, róc rách từ khe núi chảy ra”. Đến với đoạn trích “Lời tiễn dặn” trích trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” của dân tộc Thái, ta sẽ thấy rõ vẻ đẹp “giản dị”, “trong lành” mà vẫn đủ sức làm say lòng người ấy.

“Tiễn dặn người yêu” là một trong những truyện thơ đặc sắc nhất của kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Đây là câu chuyện tình yêu vượt qua định kiến xã hội của chàng trai và cô gái. Hai nhân vật chính trong truyện đã gắn bó với nhau từ thuở ấu thơ nhưng khi lớn lên, cha mẹ cô gái chê chàng trai nghèo nên đã gả cô cho một người giàu có. Khi ấy, chàng trai quyết ra đi làm giàu, hy vọng có thể chuộc lại người yêu. Cô gái quyết tâm chờ đợi người mình yêu nhưng cuối cùng, ngày người chồng hết hạn ở rể đã đến và cô phải về nhà chồng. Chàng trai làm ăn giàu có, trở về quê hương nhưng đã muộn. Chàng trai và cô gái đau đớn chia xa. Bất hạnh thay, sau khi cô gái bị gia đình chồng đuổi về thì cha mẹ lại bán cô vào nhà quan rồi lại đem cô ra chợ bán: “một cuộn lá dong đổi lấy người”. Người đổi được cô khi ấy lại là người yêu của cô khi xưa. Cô gái tủi thân tủi phận nên nhan sắc phai tàn, tiều tụy. Quá buồn bã, cô lấy chiếc đàn môi là kỉ vật tình yêu ngày xưa ra gảy. Chàng trai lắng nghe tiếng đàn, nhận ra người yêu và quyết định lấy cô làm vợ. Anh chia đôi tài sản cho người vợ cũ, cho về kết duyên với người yêu của cô ngày trước. Từ đó, hai người sống hạnh phúc bên nhau. Đoạn trích “Lời tiễn dặn” phần cảm động nhất của truyện thơ, nói về cuộc chia tay giữa hai người và lời của chàng trai khi phải chứng kiến cô gái bị nhà chồng ngược đãi.

Anh yêu em, lẽ tiễn đưa em đến tận nhà chồng,

Nhưng chim chích trên cao lượn vòng gọi anh quay lại, anh quay lại

Chim nhạn dưới thấp bay quanh nhủ anh quay đi, anh quay đi

– “Chào chốn rừng xanh nơi thường lui tới,

Nước dập bè chìm

Sóng xô bè vỡ,

Bè chìm trôi ba suối mất rồi

Mở đầu đoạn trích là ba tiếng “Anh yêu em” ngọt ngào mà tha thiết của chàng trai. Vì yêu thương cô gái mà anh đã “tiễn đưa em đến tận nhà chồng”, cố gắng lưu giữ những phút giây bên người mình yêu. Thế nhưng, tâm trạng chàng trai xảy ra cuộc đấu tranh nội tâm phức tạp. Anh ý thức được sự mâu thuẫn giữa hoàn cảnh thực tại và khát khao tình yêu sâu nặng. Thế nên, chàng trai có sự dùng dằng, vừa muốn đi vừa muốn ở. Lối nói giàu hình ảnh của những người dân miền núi đã diễn tả rất sinh động trạng thái tâm lí đặc biệt này. Thiên nhiên dường như thương xót, buồn rầu cùng chàng trai nên “Chim chích trên cao”, “Chim nhạn dưới thấp” đều gọi anh quay về. Điệp từ “quay lại”, “quay đi” những luyến tiếc, vấn vương trong lòng chàng trai. Chốn rừng xanh mà đôi ta “thường lui tới” nay cũng đượm buồn. Những hình ảnh thiên nhiên gợi lên sự cách trở như “Nước”, “Sóng” kết hợp cùng các động từ mạnh “đập”, “chìm”, “xô”, “vỡ” diễn tả sự vụn vỡ của tình yêu đôi lứa.

Họ vốn đã quen nhau từ thuở bé nhưng chàng trai vẫn nói rằng:

Đôi ta yêu nhau chưa trọn một ngày

Chưa đầy một khắc

Của không mua lẽ đâu được giữ liền tay

Chỉ cá liền với nước

Chỉ lúa liền với ruộng

Tiễn đưa em, thôi anh quay lại, em ơi!

Cách nói “chưa trọn”, “chưa đầy” cho thấy thái độ tiếc nuối vô bờ của chàng trai. Đối với những người yêu nhau, ở bên nhau bao lâu cũng là không đủ. Chỉ khi cưới nhau về, tình yêu mới thực sự trọn vẹn. Thế nên, trong giờ phút chia tay, chàng trai mới cảm thấy quãng thời gian bên nhau là quá ngắn ngủi, không đầy một ngày, một khắc. Chàng trai thấu rõ luật lệ khắc nghiệt của xã hội: “Của không mua lẽ đau được giữ liền tay”. Anh còn nghèo khó, không đủ tiền để cưới cô ngay nên đành chấp nhận nhìn cô gả cho người khác chứ không thể mãi giữ cô bên mình. Khoảng cách về địa vị, tiền bạc đã tách rời tình yêu của họ. Tuy nhiên, ngay trong giờ phút ấy, chàng trai vẫn ngầm khẳng định sức sống của tình cảm. Điệp cấu trúc “Chỉ…liền…với” kết hợp cùng các hình ảnh thiên nhiên có mối quan hệ chặt chẽ như “cá” – “nước”, “lúa” – “ruộng” đã cho thấy sự gắn bó khăng khít của những người yêu nhau. Trong sự đau lòng, chàng trai thốt lên: Tiễn đưa em, thôi anh quay lại, em ơi!

Đáp lại lời của chàng trai, cô gái cũng tha thiết:

“Đừng vội anh, đừng vội,

Sao Khun Lú trên trời còn đợi

Áng mây kia vương vấn còn chờ

Đôi ta xa nhau dằng dặc nỗi niềm tưởng nhớ

Mưa sắp rơi ào đồng cỏ

Đừng bỏ em trơ trọi giữa rừng

Đừng bỏ em giữa dòng sóng thác trào dâng!”

Câu “Đừng vội anh, đừng vội” là lời níu kéo tình yêu đầy xót xa. Cô gái lấy tích truyện “Chàng Lú – Nàng Ủa” để khẳng định tình yêu. Đến ngôi sao xa cách nhau mà vẫn còn đợi, áng mây trôi hờ hững trên trời còn chờ thì ta hãy cứ chờ nhau. Thiên nhiên cũng khóc thương cho mối tình ấy nên “Mưa sắp rơi ào đồng cỏ”. Điệp cấu trúc “Đừng bỏ em” được đặt ở đầu câu khiến lời thơ vang lên tựa tiếng khẩn cầu đầy tội nghiệp của người con gái không muốn rời xa người mình yêu. Rừng sâu trơ trọi hay dòng thác trào dâng không chỉ là không gian trong hiện thực mà còn không gian tâm lí. Cô gái biết chắc rằng mai đây khi trở thành vợ của người mà cô không yêu, cuộc đời cô sẽ là những tháng ngày tăm tối.

Trước những lời tâm tình của người yêu, chàng trai đã thể hiện tình yêu sắt son chung thủy:

“Thác trào dâng, ngang dòng củi vướng

Gặp nhau đây thoắt bỗng chia lìa

Đôi ta yêu nhau đợi tới tháng Năm lau nở

Đợi mùa nước đỏ cá về

Đợi chim tăng ló hót gọi hè

Không lấy được nhau mùa hạ, ta lấy nhau mùa đông

Không lấy được nhau thời trẻ, ta lấy nhau khi goá bụa về già”

Đôi ta sẽ mai yêu nhau và chờ đợi không quản thời gian. Tình yêu ta nối dài từ “tháng Năm lau nở” đến “mùa nước đỏ cá về” rồi mùa hè “chim tăng ló hót”. Sự đối lập giữa các cột mốc thời gian “mùa hạ” – “mùa đông”, “thời trẻ” – “góa bụa về già” cùng điệp cấu trúc “Không lấy được nhau…. ta lấy nhau…” đã khẳng định sự quyết tâm đến cùng, sẽ tìm mọi cách để được ở bên người anh yêu. Chỉ bằng các hình ảnh thiên nhiên giản dị, gần gũi và biện pháp điệp cấu trúc như láy đi láy lại phần điệp khúc của bản tình ca, tác giả dân gian đã diễn tả một tình yêu cháy bỏng, tha thiết và cao cả vô cùng.

Những tháng ngày của cô gái khi ở nhà chồng là chuỗi ngày đau thương và bất hạnh:

Người xui con trai xuống đòn

Chồng lòng rộng không nỡ

Dạ bao dong còn thương

Con không đánh, bố bỏ cơm, không dậy

Chồng em liền trợn mắt ra tay

Số phận người phụ nữ trong xã hội ấy thật đáng thương. Người bố chồng xúi con trai đánh vợ. Chồng cô gái không nỡ lòng đánh cô nhưng nếu chồng cô không đánh, bố chồng liền bỏ cơm không ăn. Cuộc sống đau khổ của cô gái ở nhà chồng còn được chàng trai nhắc đến trong phần khác của truyện thơ. Quá khứ êm đềm, hạnh phúc của cô được thay bằng hiện tại xót xa, nhục nhã:

Thuở xa kia em ở nhà em,

Cá mương cuối dòng còn chê tanh,

Mà bây giờ em phải mớm con em bằng nhện,

Khi chưa lấy được, người vồ vập,

Khi chưa đón về, người xun xoe;

Lấy được rồi, người nhử

– Dâu ơi, xuống sàn ăn cám!

Theo phong tục của người Thái, nếu đôi nam nữ yêu nhau mà không lấy được nhau, họ sẽ thành anh em bè bạn và có thể tới thăm hỏi nhau và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn. Khi tới thăm nhà cô gái, chứng kiến tình cảnh ấy, chàng trai vô cùng đau xót. Anh hết mực cảm thông, chăm sóc cô bằng những lời nói, cử chỉ, hành động, ân cần:

Dậy đi em, dậy đi em ơi!

Dậy rũ áo kẻo bọ

Dậy phủi áo kẻo lấm!

Đầu bù anh chải cho,

Tóc rối đưa anh búi hộ!”

Anh chặt tre về đốt gióng đầu

Chặt tre dày, anh hun gióng giữa

Lam ống thuốc này em uống khỏi đau

Tơ rối đôi ta cùng gỡ

Tơ vò ta vuốt lại quay guồng

Quay lại guồng gỗ tốt cán thuôn

Về với người ta thương thuở cũ

Điệp từ “Dậy” kết hợp với cách gọi “em ơi” khiến lời thơ trở thành tiếng gọi ân cần, trìu mến. Những chi tiết “Đầu bù anh chải cho”, “Tóc rối đưa anh búi hộ!”

“Anh chặt tre về đốt gióng đầu” thể hiện sự quan tâm, lo lắng của anh đối với người mình yêu. Chàng trai như đang chịu đựng chung một nỗi đau với cô gái Nếu lời tiễn dặn ở phần đầu nổi bật với điệp khúc “anh” “em” đợi chờ tha thiết thì ở đây, lời của chàng trai lại trở nên ấm áp với chữ “ta”: “đôi ta cùng gỡ”, “ta vuốt lại”, “Về với người ta thương”. Họ cố gắng thay đổi thực tại, chống lại tập tục cổ hủ để được ở bên nhau. Những cụm từ “vuốt lại”, “quay lại”, “thưở cũ” gợi nhắc chàng trai và cô gái về quá khứ ngọt ngào, yên bình nay chỉ còn là ước ao. Sự kết hợp hoài hòa giữa yếu tố tự sự và trữ tình khiến đoạn thơ đong đầy cảm xúc.

Để tiếp thêm cho cô gái sức sống và niềm hi vọng, chàng trai lại nhắc về tình cảm chung thủy, trước sau như một của mình. Dường như, anh muốn cô nhớ rằng dẫu cuộc sống cơ cực và đớn đau ra sao thì người cô yêu vẫn luôn ở bên và đồng hành cùng cô:

Chết ba năm hình còn treo đó

Chết thành sông, vực nước uống mát lòng

Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm

Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung

Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát

Chết thành hồn, chung một mái, song song

Hỡi gốc dưa yêu mọc ngoài cồn cát

Nước ngập gốc đáng lụi, đừng lụi

Nước ngập rễ đánh bềnh, đừng bềnh

Sáu lần cấu trúc “Chết thành…” được điệp lại cũng là sáu lần chàng trai khẳng định sự gắn bó trong tình yêu. Cái chết vốn được coi là giới hạn của đời người. Nay tình yêu của anh và em còn vượt qua cả ranh giới đó. Ta yêu nhau khi trẻ, ta yêu nhau đến già và ta yêu nhau cả khi không còn nữa. Thủ pháp liệt kê các hình ảnh như sông, đất, bèo, muôi, hồn càng nhấn mạnh khát vọng tình yêu bỏng cháy. Dù có tồn tại dưới bản thể nào, anh và em vẫn sẽ tìm được nhau. Nhắc đến cái chết không phải là một biểu hiện của sự tuyệt vọng hay bi lụy mà là cách chứng minh sức sống dai dẳng, bền bỉ của tình yêu. Tình yêu của đôi trai gái hóa thành dòng nước mát, thành dây trầu xanh thẳm, nâng đỡ con người qua những nổi trôi, phiêu bạt. Quyết tâm đoàn tụ được nhắc đi nhắc lại bằng những câu thơ chung một cấu trúc cùng một loạt các hình ảnh có tính chất tượng trưng. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật trong ca dao của đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc nước ta.

Đôi ta yêu nhau, tình Lú – Ủa mặn mồng

Lời đã trao thương không lạc mất

Như bán trâu ngoài chợ

Như thu lúa muôn bông

Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng

Bền chắc như vàng, như đá

Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng

Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già

Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển

Người xiểm xui không ngoảnh, không nghe

Hình ảnh chàng Lú, nàng Ủa lại xuất hiện nhưng là lời của chàng trai tạo nên sự hô ứng, đồng vọng giữa lời của hai người yêu nhau. Đối với chàng trai, một lời nói ra đáng giá hơn cả ngàn vàng nên “không lạc mất”. Lối so sánh “Như bán trâu ngoài chợ/ Như thu lúa muôn bông” rất giàu hìnhh ảnh, tự nhiên, diễn tả được tình cảm sâu đậm của chàng trai và cô gái. Lời thơ vừa trữ tình lại vừa trang trọng. Các từ chỉ số lượng “trăm”, “nghìn” cho thấy sự lớn lao của tình yêu đôi lứa. Nếu ở đoạn đầu, chàng trai thẳng thắn bày tỏ: “Anh yêu em” thì đến đây đã đổi thành “Lòng ta thương nhau”. Một chữ “thương” đơn giản nhưng lại cao hơn chữ “yêu” rất nhiều bao hàm cả sự thấu hiểu, sẻ chia, sẵn sàng đồng cam cộng khổ. Mối tình đến từ hai phía ấy được so sánh với những vật chất rất khó phá hủy: “Bền chắc như vàng, như đá”. Điệp khúc “Yêu nhau, yêu trọn đời”, “Yêu nhau, yêu trọn kiếp” trở thành lời thề nguyền vĩnh cửu cho tình yêu thủy chung. Cách nói “không rung không chuyển”, “không ngoảnh không nghe” cho thấy quyết tâm cao độ bảo vệ tình yêu của chàng trai.

Như vậy, truyện thơ đậm chất trữ tình kết hợp hài hòa với yếu tố tự sự, sử dụng lối nói giàu hình ảnh, cách so sánh ví von đặc sắc cùng phép điệp từ, điệp cấu trúc,..Đoạn trích “Lời tiễn dặn” trích trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” của dân tộc Thái đã ca ngợi tình yêu trong sáng, thủy chung cùng khao khát tự do, hạnh phúc vượt qua rào cản từ luật lệ xã hội hà khắc của con người.

Sự tài hoa, trí tuệ của tác giả dân gian đã dệt nên câu chuyện tình yêu đẹp vượt thời gian. Giữa muôn ngàn cách thổ lộ tình cảm trên thế gian này, ta xin mượn lời của những chàng trai, cô gái Thái để cất tiếng “Yêu”:

“Không lấy được nhau mùa hạ, ta lấy nhau mùa đông

Không lấy được nhau thời trẻ, ta lấy nhau khi goá bụa về già”

————————————————–

Ngoài bài viết trên, mời các độc giả của TaiLieuViet tham khảo thêm các bài viết hay và bổ ích khác tại Ngữ văn 11 Cánh Diều, Văn mẫu lớp 11 Cánh Diều. Chúc các bạn học tập thật tốt!