Phân tích Tràng sáng hôm sau do TaiLieuViet biên soạn bám sát truyện ngắn Vợ nhặt trong chương trình Ngữ Văn 12 nhằm mục đích giúp các em học sinh có thêm tài liệu ôn tập truyện ngắn Vợ nhặt cũng như nhân vật Tràng. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.

Phân tích tâm Trạng tràng sáng hôm sau bao gồm Dàn ý phân tích tâm trạng Tràng sáng hôm sau và bài văn mẫu Tâm trạng nhân vật Tràng sáng hôm sau đầy đủ ý nghĩa để các em học sinh nắm được nội dung tác phẩm một cách dễ dàng hơn.

Bản quyền tài liệu thuộc về TaiLieuViet.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

I. Dàn ý phân tích tâm trạng Tràng sáng hôm sau

1. Mở bài

Giới thiệu nhà văn Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và dẫn dắt vào nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau khi lấy cô thị làm vợ.

2. Thân bài

a. Buổi sáng tỉnh dậy

Trong người Tràng thấy êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra, hắn vẫn ngỡ ngàng không tin rằng mình đã có vợ.

Nhận ra xung quanh mình có sự thay đổi lớn vô cùng khác lạ: nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Tràng nhận thấy cô thị đảm đang, chu đáo khác hẳn với vẻ đanh đá anh thấy trước đây.

b. Trong bữa ăn đầu tiên khi có vợ

Khi bà cụ Tứ bàn về tương lai, Tràng chỉ vâng rất ngoan ngoãn khiến cho không khí trong gia đình ấm áp, hòa hợp mà trước giờ chưa từng thấy.

Khi cầm bát cháo cám đưa lên miệng, hắn chun mặt lại vì chao chát nhưng khi nghe cô thị kể về việc người dân mạn trên đi phá kho thóc Nhật, trong ý nghĩ của hắn hiện lên hình ảnh người dân đi phá kho và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

→ Việc lấy vợ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống cũng như suy nghĩ của anh Tràng, từ đó mở đường cho anh đến một tương lai tươi sáng hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại tâm trạng của Tràng sau khi có vợ và đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn.

II. Bài văn mẫu phân tích tâm trạng nhân vật Tràng sáng hôm sau

Bài mẫu số 1

Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, tuy sáng tác của ông không nhiều. Ông chính là một trong số ít nhà văn minh chứng cho chân lý “quý ly bất hồ đa” trong nghệ thuật. Đề tài quen thuộc của nhà văn là cuộc sống nông thôn và người nông dân, truyện ngắn của ông là thế giới của “đất” và “người”, của những gì thuần hậu được “dệt” nên bằng tình cảm thiết tha, gắn bó sâu nặng của nhà văn. “Vợ nhặt” là một tác phẩm như thế, truyện ngắn đã khắc họa hình ảnh những con người sống trong gian khổ vẫn sáng ngời những phẩm chất, những khát khao tình yêu, hạnh phúc tốt đẹp. Trong đó, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc là Tràng và diễn biến tâm trạng của anh trong buổi sáng ngày hôm sau khi lấy vợ.

Là một trong ba nhân vật chính của truyện, cũng là chủ thể của hành động “nhặt vợ”, Tràng được nhà văn khắc họa tương đối đậm nét về cả ngoại hình, dáng vẻ, tâm trạng và tính cách. Tràng là dân ngụ cư – tầng lớp có địa vị thấp kém nhất trong xã hội. Tràng xuất hiện với dáng vẻ thô dáp, vụng về: “Hắn đi từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về phía trước”. Đó là con người mà ngay trong hoàn cảnh bình thường cũng rất khó có thể lấy được vợ. Vậy mà Tràng lại có vợ, thậm chí chóng vánh, dễ dàng đến mức chính hắn cũng không tin nổi.

“Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy”. Anh vẫn còn đọng lại cảm giác êm ái, lửng lơ như “người trong giấc mơ đi ra”, anh vẫn còn “ngỡ ngàng như không phải” với việc mình đã có vợ – bởi niềm hạnh phúc ấy thật quá lớn lao, anh chưa thể tin vào mắt mình. Thế rồi, Tràng “lững thững bước ra sân”, một vệt nắng dài của mùa hè sáng lóa, xóa đi những u tối của đói khổ. Qua luồng sáng ấy, Tràng chợt nhận ra xung quanh mình có gì đấy thật khác lạ. Khác lạ không chỉ trong suy nghĩ mà còn trong những đổi thay từ nhà cửa, sân vườn đến không khí đầm ấm, tươi mới của gia đình mình.

Trong buổi sáng hôm ấy, Tràng đã thấm thía cảm động trước cảnh tượng đầm ấm của gia đình khi nhìn thấy mẹ và vợ cùng thu dọn nhà cửa, sân vườn. Ngôi nhà sạch sẽ, quang quẻ, những đống rác mùn trong sân đã được hót gọn, dây quần áo vắt khươm mươi niên được phơi hong khô ráo, hai cái ang khô cong bây giờ nước đầy ăm ắp… đó là hình ảnh của sự sống, là cái sinh khí mới mẻ của một mái ấm gia đình mà lần đầu tiên Tràng được cảm nhận. Không khí ấy khiến Tràng thấy mình như trưởng thành, với những ý thức sâu sắc về tình cảm, bổn phận, trách nhiệm: Bỗng nhiên, hắn thấy hắn thương yêu gắn bó… lạ lùng với cái tổ ấm nơi hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái…bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Từ anh Tràng vô tư, ngờ nghệch đã trở thành người đàn ông biết gánh vác, anh “xăm xăm” chạy ra giữa sân, muốn góp sức để phụ mẹ và vợ tu sửa lại căn nhà cho tươm tất, sạch đẹp đón chào cuộc sống mới. Bước chân “xăm xăm” ấy chính là bước chân của sự trưởng thành, trách nhiệm của người đàn ông biết yêu thương gia đình.

Biến đổi lớn lao, mới mẻ nhất của Tràng được Kim Lân miêu tả trong chi tiết: khi nghe vợ kể về những đoàn người đói rách đi theo Việt Minh phá kho thóc Nhật, Tràng có cảm giác tiếc rẻ vẩn vơ – cảm giác của Tràng cho thấy từ nay, khi có một gia đình phải lo, chắc chắn Tràng sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đến với cách mạng, đi theo cách mạng để lo miếng cơm, manh áo cho vợ con. Và ở cuối truyện, ngay khi Tràng đang cố nuốt miếng cháo cám đắng chát vào miệng thì hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới trong tâm trí Tràng vẫn đem lại niềm tin sâu sắc cho người đọc: những người như Tràng sẽ đến với cách mạng một cách tích cực, nhanh chóng, triệt để nhất bởi chỉ có cách mạng mới có thể giúp họ thay đổi cuộc đời, mới có thể đem lại hạnh phúc và cuộc sống ấm no cho gia đình, vợ con họ.

Cuộc đời Tràng tiêu biểu cho số phận người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám – cũng như con trai lão Hạc, vì nghèo quá mà không thể lấy đươc vợ, nhưng Kim Lân không dừng lại ở đó. Nhà văn đã đem đến cho nhân vật sự thay đổi mang tính “đột phá” để anh có được một con đường mới, con đường hướng đến hạnh phúc cao cả, hướng đến cách mạng một cách tự nhiên, tất yếu. Qua nhân vật Tràng, Kim Lân đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, tiếp nối những trang viết của Ngô Tất Tố, Nam Cao,…

Bài mẫu số 2

Kho tàng văn học Việt Nam đã ghi dấu ấn của bao nhà văn, nhà thơ. Một trong số đó phải nhắc đến nhà văn Kim Lân. Với đề tài người nông dân, ông đã sáng tác ra nhiều tác phẩm gây được tiếng vang lớn. Một trong số đó phải kể đến truyện ngắn Vợ nhặt và nhân vật Tràng. Hình ảnh của Tràng được khắc họa rõ nét nhất khi Tràng lấy cô thị về làm vợ.

Tràng là một gã trai nghèo khổ, dân cư ngụ, làm nghề đẩy xe bò thuê để nuôi thân và nuôi mẹ già. Chính vì thế, anh bị mọi người coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về. Anh có ngoại hình xấu xí, thô kệch, hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn… Đầu cạo trọc nhẵn, cái lưng to rộng như lưng gấu, ngay cả cái cười cũng lạ, cứ phải ngửa mặt lên cười hềnh hệch.

Tuy nhiên, anh chàng lại là người có tấm lòng nhân hậu, phóng khoáng. Giữa cái nạn đói khủng khiếp ấy, anh đã không toan tính mà đón cô thị về làm vợ, nuôi thêm một miệng ăn. Nhưng cũng chính vì có vợ mà tâm lí của Tràng cũng có nhiều thay đổi.

——————————–

Trên đây TaiLieuViet đã giới thiệu tới các em Phân tích nhân vật Tràng sáng hôm sau. Bài viết đã tổng hợp dàn ý và các bài phân tích nhân vật Tràng trong sáng hôm sau. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết:
Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng sau khi lấy Thị làm vợ
Phân tích nhân vật Tràng hay nhất
Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Tràng liên hệ với tâm trạng Chí Phèo