TaiLieuViet.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết Cách viết phần kết bài trong văn nghị luận để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé.

1. Hướng dẫn chung cách viết kết bài

Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải quyết ở thân bài. Phần này góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn cho bài văn. Tùy mục đích nghị luận, người viết có thể sử dụng một trong các cách kết bài sau đây:

  • Kết bài bằng cách tóm lược: Là kiểu kết bài mà ở đó người viết tóm tắt quan điểm, tổng hợp những ý chính đã nêu ở thân bài. Cách kết bài này dễ viết hơn và thường được sử dụng nhiều hơn.
  • Kết bài bằng cách bình luận mở rộng và nâng cao: Là kiểu kết bài trên cơ sở quan điểm chính của bài viết, bằng liên tưởng, vận dụng, người viết phát triển, mở rộng nâng cao vấn đề.

Trên đây là một số kiểu kết bài cần hình thành cho học sinh, tùy vào đối tượng và mục đích nghị luận, người viết có thể chọn một cách kết bài phù hợp. Kĩ năng mở bài và kết bài cũng đã được cụ thể hóa trong một tiết học trong chương trình Ngữ văn 12.

* Ví dụ minh họa 1.

Đề bài: Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) và “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), anh (chị) hãy phát biểu suy nghĩ của mình về số phận người phụ nữ xưa và nay.

Tham khảo thêm: Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ

– Kết bài bằng cách tóm lược:

“Như vậy, các nhân vật nữ trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ” có nhiều điểm chung. Họ đều là những người phụ nữ có số phận bất hạnh, cơ cực nhưng trong tâm hồn họ đều tiềm tàng một sức sống và ý thức vươn lên. Người phụ nữ ngày nay có nhiều khác biệt, họ đã biết khẳng định vị trí của mình trong xã hội và càng ngày càng vươn tới những đỉnh cao mới.”

(Bài viết của học sinh)

– Kết bài bằng cách bình luận mở rộng và nâng cao:

“Làm thế nào để một nửa thế giới luôn được sống hạnh phúc và ngày càng được hạnh phúc hơn? Làm thế nào để tất cả phụ nữ Việt Nam luôn ngập tràn trong tiếng cười?…Đó là những câu hỏi không dành riêng cho bất cứ ai, không dành riêng cho phái nam mà chính những người phụ nữ cũng phải trả lời chúng”

(Bài viết của học sinh)

Viết văn nghị luận là thể hiện sự hiểu biết, nhận thức, khám phá của mình về đối tượng nghị luận giúp người khác cùng hiểu và tin vào vấn đề. Đồng thời người viết cũng thể hiện chính kiến, thái độ, sự đánh giá vấn đề, không ngừng đưa ra những điều chỉnh tích cực. Do đó ngoài những kĩ năng cơ bản trên người viết phải sử dụng kết hợp các thao tác lập luận như phân tích, giải thích, bình luận, chứng minh, bác bỏ…Các thao tác lập luận đã được cụ thể hóa trong các bài học trong sách giáo khoa theo cấu trúc đồng tâm. Các em đã được học các thao tác lập luận từ cấp 2, học sinh cần chú ý xác định thao tác chính và thao tác phụ để sử dụng cho hợp lí giúp bài văn nghị luận đạt được kết quả cao nhất.

* Ví dụ minh họa 2

+ Phát triển mở rộng thêm vấn đề:

VD: “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, là một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn đầy sức thuyết phục.” Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Đã hơn nữa thế kỷ trôi qua nhưng “Tuyên ngôn độc lập” vẫn là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn đồng thời cũng là một tác phẩm chính luận xuất sắc, mẫu mực. “Tuyên ngôn độc lập – mở đầu cho kỉ nguyên độc lập, tự do, tạo điều kiện cho mọi thay đổi cho đời sống dân tộc trong đó có văn học.

+ Vận dụng vào cuộc sống, rút ra bài học áp dụng:

VD: Với đề: Suy nghĩ về mối quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc. Ta có thể kết bài như sau:

Tiền tài và hạnh phúc là mối quan hệ bản chất của xã hội loài người. Tiền tài và hạnh phúc là khát vọng muôn đời của nhân loại. Phàm là người, ai cũng muốn có tiền tài và hạnh phúc. Nhưng để điều hoà mối quan hệ này quả không đơn giản, nhất là trong xã hội hiện đại, khi mà nhu cầu của con người về sự no đủ ngày càng cao hơn, tha thiết hơn. Để có được hạnh phúc thực sự, mỗi người phải biết cách dùng tiền tài như một phương tiện để gây dựng và bảo vệ hạnh phúc, không nên để đồng tiền điều khiển ta.

* Ví dụ minh họa 3

Đề bài: Như một thứ a-xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội.

Từ ý kiến trên, anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay.

Chúng ta có cuộc sống thanh bình hơn 30 năm qua là phải đổi biết bao máu xương của cha, ông, của các anh hùng đã ngã xuống cho Tổ quốc nàv. Chúng ta cần phải “sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận” đế xứng đáng với những hi sinh của thế hệ đi trước và sự kỳ vọng tha thiết của những người ngã xuống cho quê hương. Trách nhiệm sống của mỗi chúng ta là luôn rèn luyện nhân phẩm, năng lực tri thức để làm cho xã hội ngày càng phồn vinh, trong đó cần tuyên chiến một cách dũng cảm nhất với thói vô trách nhiệm và lối sống đạo đức giả.

Tóm lại: Có nhiều cách, nhiều kiểu kết bài. Nhưng dù kết bài theo kiểu nào đi chăng nữa thì cũng nhằm khắc sâu kết luận của người viết để lại ấn tượng cho người đọc và nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề đã được nghị luận. Kết bài hay phải vừa đóng lại, chốt lại, phải vừa mở ra, nâng cao và cứ ngân nga mãi trong lòng người đọc.

2. Mẹo viết phần kết bài trong tình thế cấp bách

Tình thế cấp bách cô nói ở đây là khi sắp hết giờ, hoặc khi tâm lí căng thẳng, chúng ta không thể trau chuốt cho phần kết bài được. Một số bạn học yếu có thể vận dụng kiểu kết bài chung chung, mang tính công thức. Cách Kết bài bằng cách tóm lược dễ làm nhất. Khi chỉ còn vài phút, các em có thể kết bài chung chung, tất nhiên nếu làm như vậy sẽ không được điểm cao, nhưng “có còn hơn không”, các em sẽ gỡ được 0,5 điểm bố cục, vì nếu 2 phần kia làm tốt mà không có kết bài thì sẽ bị mất 0,5 điểm. Mặt khác còn gây cụt hứng, mất thiện cảm ở người chấm.

Nếu đề bài cho phân tích nhân vật, phân tích tác phẩm, hoặc phân tích đoạn thơ, thì kết bài các em có thể “khen” (hoặc chê) chung chung, cứ khen nhân vật, khen tác phẩm hay, khen nghệ thuật đặc sắc…. Hoặc đề bài nghị luận về tư tưởng đạo lí thì khen (hoặc chê) tư tưởng đạo lí đó, liên hệ bản thân…. Nghị luận về hiện tượng tiêu cực thì chê hiện tượng đó…

+ Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt

Tham khảo thêm: Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.

+ Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Tham khảo thêm: Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng, một người lao động nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.

VD:Tóm lại, ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay là một vấn nạn gây hậu quả nghiêm trọng cần lên án và loại bỏ. Hãy bảo vệ môi trường để hành tinh của chúng ta mãi mãi là một màu xanh vĩnh cửu. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của mọi người, vì vậy mỗi người chúng ta cần có ý thức, góp phần chung tay xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp.

Ví dụ 5: nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến

Kết bài cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến mẫu 1

Nỗi nhớ Tây Tiến cùng hình ảnh người chiến sĩ mang vẻ đẹp vừa bi tráng, vừa lãng mạn, hào hoa đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Nhiều năm tháng qua đi nhưng câu chuyện vẫn giữ nguyên vẹn giá trị của nó và góp phần không nhỏ vào việc làm phong phú cho nền văn học Việt Nam.

Kết bài cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến mẫu 2

Với nỗi nhớ Tây Tiến da diết cùng với tài năng sáng tác nghệ thuật vượt bậc của mình, nhà thơ Quang Dũng đã mang đến cho bạn đọc hình ảnh người chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến vừa dũng cảm, bi tráng lại vừa hào hoa, lãng mạn. Tác phẩm không chỉ đưa tên tuổi nhà thơ Quang Dũng tiến xa hơn trong giới nghệ thuật mà còn góp phần không nhỏ vào việc làm đa dạng, phong phú nền văn học nước nhà.

Kết bài cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến mẫu 3

Như vậy, qua hình tượng người lính Tây Tiến vừa hào hoa lãng mạn, vừa anh hùng bi tráng, nhà thơ Quang Dũng đã khiến cho người đọc hiểu thêm về binh đoàn này cũng như nỗi nhớ, tình cảm mà ông dành cho Tây Tiến. Có thể nói Tây Tiến với bút pháp lãng mạn khi tả người, tả cảnh, với ngôn ngữ văn chương giàu có và góc cạnh, với vẻ đẹp tuyệt vời của Quang Dũng, tác phẩm xứng đáng là một áng văn chương một thời vang bóng và nó mãi mãi vang bóng trong bạn đọc nhiều thời.

Ví dụ 6: Nêu suy nghĩ của anh/chị về tư tưởng: Đất nước là của nhân dân qua bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Mẫu kết bài tư tưởng: Đất nước là của nhân dân qua bài thơ Đất nước 1

Đề tài về đất nước luôn luôn là một cảm hứng cho mọi nền văn học nhất là nền văn học của một dân tộc mà tình yêu nước luôn luôn bị đem ra thử thách. Thành công về đề tài này đã nhiều nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một tiếng nói riêng, một sự khám phá riêng với một phong cách riêng, góp vào vườn thơ về đất nước bông hoa đẹp nhất tỏa hương thơm đến muôn đời, muôn thế hệ.

Mẫu kết bài tư tưởng: Đất nước là của nhân dân qua bài thơ Đất nước 2

Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt “như máu xương của mình”. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: thời đại của những thanh niên xuống đường.

Mẫu kết bài tư tưởng: Đất nước là của nhân dân qua bài thơ Đất nước 3

Mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa như những điển tích điển cố để tạo nên tính hình tượng đa nghĩa trong thơ ca. Những yếu tố của văn hóa dân gian đã hòa hợp thật kì diệu với tinh thần hiện đại. Nhà thơ đã lấy cái xưa cũ để nói chuyện hôm nay, lấy quá khứ để nói hiện tại và liên tưởng đến tương lai của đất nước. Nhà thơ xứng đáng là người đại diện cho dân tộc mình, thế hệ mình để ngợi ca về Đất Nước, nhân dân.

Kết bài phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Gấp lại những trang sách của Tô Hoài mà dư âm về nhân vật Mị, về cô gái Mèo với sức sống mãnh liệt, về số phận đáng thương của người dân nghèo dưới chế độ chủ nô phong kiến miền núi vẫn in đậm trong tâm khảm của bạn đọc. Sức sống của Mị hay sức hút của ngòi bút Tô Hoài quả thực có sức lay động lòng người để lại những day dứt, ám ảnh không nguôi.

Kết bài phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Câu chuyện đã cho ta thấy rõ và hiểu hơn về cô gái chịu nhiều đau khổ, tổn thương nhưng vẫn luôn chứa đựng những sức sống dồi dào. Mị không chỉ là đại diện cho những người con gái thời bấy giờ mà còn là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất đáng quý xứng đáng để chúng ta học tập và noi theo dù ở bấy cứ thời đại nào.

Kết bài phân tích bài thơ Việt Bắc

Bằng giọng thơ mang đậm tính trữ tình – chính trị, tác giả Tố Hữu đã tái hiện thành công một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc với tình cảm tha thiết, chân thành. Qua đó, chúng ta có thể thấy được bức chân dung chân thực, sinh động của những người chiến sĩ cách mạng qua công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân. Đồng thời thể hiện tính toàn dân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Kết bài phân tích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông

Bằng tài năng, sự tài hoa, liên tưởng tài tình, quan sát tỉ mỉ, sự am hiểu tinh tế về các kiến thức xã hội, văn hóa của xứ Huế, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cho ra đời một tác phẩm bút ký thật đặc sắc, như họa vào lòng người đọc người nghe một bức tranh Huế và sông Hương tuyệt đẹp, vẻ đẹp vừa gần gũi, lại thiêng liêng, nhưng cũng rất dịu dàng e lệ. Tất cả như hướng độc giả đến cái khao khát một lần được về thăm Huế, được chiêm ngưỡng thiên nhiên xứ Huế và đắm mình vào với dòng sông Hương thơ mộng, tươi đẹp.

Kết bài phân tích truyện ngắn Vợ nhặt

Vợ nhặt đã mang đến cho bạn đọc góc nhìn chân thực nhất về hoàn cảnh của người nông dân trong nạn đói khốn cùng nhất năm 1945 đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Tràng, cô thị và bà cụ Tứ, trong những lúc khốn cùng nhất họ vẫn có nhau và cùng nhau vượt qua mọi khổ hạnh. Tác phẩm không chỉ làm rạng danh nhà văn Kim Lân mà còn góp phần to lớn làm cho nền văn học nước nhà thêm phong phú, đa dạng hơn về thể loại truyện ngắn.

Kết bài phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt

Với những phẩm chất tốt đẹp của mình, Tràng đã mang đến cho bạn đọc nhiều sự thương cảm, yêu mến, nể phục của một người nông dân nghèo nhưng hào phóng và nhân nghĩa. Anh đã trở thành biểu tượng cho người nông dân lúc bấy giờ về những phẩm chất đáng quý của mình và trở thành một nhân vật đặc sắc trong nhiều trái tim bạn đọc yêu quý nền văn học hiện đại Việt Nam nói chung và yêu quý tác giả Kim Lân nói chung.

Kết bài phân tích nhân vật cô thị

Sự chuyển biến to lớn trong con người cô thị từ đanh đá, chỏng lỏn đến dịu dàng, đảm đang khi về làm vợ Tràng không chỉ gây sự thích thú cho bao thế hệ bạn đọc mà còn để lại ấn tượng sâu sắc đối với những người yêu quý tác giả Kim Lân cũng như nền văn học Việt Nam. Nhiều năm tháng qua đi nhưng nhân vật cô thị cùng Vợ nhặt đã góp phần làm phong phú nền văn học Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc về một thời kì lịch sử đau thương – nạn đói năm 1945 của nước nhà.

Kết bài phân tích nhân vật bà cụ Tứ

Bà cụ Tứ tuy xuất hiện ít trong đoạn trích nhưng những gì bà để lại khiến bản thân chúng ta phải suy ngẫm. Đó là một người phụ nữ giàu lòng thương yêu và đức hi sinh. Cuộc đời bà như thế nào cũng được nhưng còn con của bà, chúng phải thay đổi và cuộc sống của chúng sẽ tốt lên. Bà cụ Tứ còn gieo vào những người con của mình một niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống và về tương lai sau này.

Nhân vật bà cụ Tứ có thể xem là hình tượng chung của những người mẹ Việt Nam nghèo khổ, từng trải và hiểu biết: người mẹ hết lòng yêu thương con, cảm thông cho những số phận cùng cảnh ngộ và không ngừng hy vọng về cuộc sống gia đình hạnh phúc về sau. Qua hình tượng nhân vật bà cụ Tứ với biết bao tâm trạng đan xen trước tình huống con trai “nhặt được vợ”, nhà văn Kim Lân đã làm nổi bật lên tấm lòng của người mẹ nghèo khổ nhưng giàu lòng vị tha, nhân hậu.

Qua “Vợ nhặt”, Kim Lân đã xây dựng thành công hình ảnh người mẹ nghèo trong trận đói khủng khiếp 1945. Người mẹ nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng yêu thương và hết mình vì con – người mẹ Việt Nam truyền thống. Đằng sau bà cụ Tứ, ta thấy thấp thoáng những Lão Hạc, chị Dậu, mẹ Dần… những người sống tận lòng cho những người thân yêu của họ. Và có lẽ người mẹ già ấy lại chính là tia sáng xua đi cái tối tăm bi thảm của những kiếp đời nghèo khổ.

3. Những lỗi sai mất điểm khi viết kết bài nghị luận

Việc nắm được những lỗi sai khi viết kết bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học sẽ giúp các em học sinh tránh được việc mất điểm một cách đáng tiếc. Trong các kì thi quan trọng như thi vào lớp 10, việc giành thêm điểm sẽ giúp các em nâng cao cơ hội trúng tuyển. Chính vì vậy hãy tham khảo kĩ những những lỗi sai học sinh thường mắc khi viết kết bài nghị luận được Hoatieu chia sẻ dưới đây để vận dụng trong kì thi sắp tới.

1. Kết bài không “gói gọn” được vấn đề nghị luận

Nếu mở bài có tính chất của một câu hỏi, thì kết bài có tính chất là một câu trả lời. Vì vậy kết bài phải thâu tóm lại vấn đề đã được đặt ra ở mở bài và phát triển ở thân bài, đồng thời khơi gợi những nội dung cảm xúc nối tiếp từ những vấn đề đã nêu ra và giải quyết. Tuy nhiên khi viết kết bài, học sinh thường quên hoặc rất ít tóm lại vấn đề được nghị luận ở bên trên.

2. Kết bài quá ngắn gọn

Học sinh thường có phần kết bài quá ngắn gọn do không đủ thời gian hoặc phần mở bài và thân bài viết quá nhiều dẫn tới phần kết bài cảm thấy không còn cảm xúc để viết. Ví dụ khi phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng”, có học sinh đã kết bài bằng một câu như sau: “Tóm lại, ông Hai là nhân vật người nông dân tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Pháp”. Kiểu kết bài sơ sài này sẽ không gây ấn tượng với người chấm và ảnh hưởng đến điểm số của cả bài văn, do vậy học sinh cần tránh mắc phải.

3. Kết bài qua loa đại khái

Nhiều học sinh kết bài viết một cách qua loa đại khái, cụ thể như câu thiếu cả chủ ngữ lẫn vị ngữ. Ví dụ: “Qua hình ảnh ông Hai đã tái hiện được hình ảnh người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại”.

4. Kết bài dài dòng lan man

Kết bài quá dài dòng và lan man cũng là một trong những lỗi sai học sinh thường mắc phải. Đây cũng là điều khiến cho bài viết bị mất điểm một cách đáng tiếc do viết lạc đề hoặc ý viết bị trùng với ý ở phần thân bài. Do đó, ở kết bài học sinh cần gói lại được vấn đề và gói làm sao cho gọn gàng, dễ hiểu nhưng vẫn đủ ý.

————————-

Trên đây TaiLieuViet.vn vừa giới thiệu tới các bạn bài viết Cách viết phần kết bài trong văn nghị luận để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Bài viết đã hướng dẫn bạn đọc cách viết phần kết bài trong văn nghị luận xã hội. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12 nhé. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Soạn văn 12, Văn mẫu 12…

  • Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2022
  • Ôn thi THPT Quốc gia môn Văn: Bí quyết viết mở bài
  • Nghị luận xã hội: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc
  • Lý thuyết và bài tập Đọc – Hiểu môn Ngữ văn lớp 12